Sau khi được thăng chức Thái Bảo, trở thành trụ cột của triều đình, ngài Nguyễn Bá Sương nối nghiệp cha theo dõi chỉ đạo xây dựng trại giam để giam giữ các tù binh quân Minh, quân Chiêm Thành. Đây là trại giam tù hàng binh lớn được hình thành sau khi Lê Lợi chuyển hướng chiến lược cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ Thanh Hóa vào Nghệ An. Trại giam này, không chỉ giam tù hàng binh tại thành Nghệ An mà giam cả tù hàng binh các thành Tân Bình, Thuận Hóa phía Nam và thành Diễn Châu, Tây Đô phía Bắc.
Trại giam này được đặt tại xứ Đồng Sô, huyện Chân Phúc, quê hương Thái sư Quốc Công Nguyễn Xí. Với lòng nhân ái cao cả, ngay sau khi được thành lập, Nguyễn Xí xin vua Lê Thái Tổ Lê Lợi, tự xuất tiền riêng của mình mua trên 100 mẫu ruộng đất kề cận trại giam bao gồm các xứ: Đồng Sô, Thượng Gia Lộ, Hạ Gia Lộ, Ba Nang, Thượng Lộ, Khúc Lang, Thượng Yển, Đồng Bến… cấp cho tù binh đất để làm nhà ở, canh tác ban đầu, giao cho Nguyễn Sĩ là tướng của họ tự quản theo chế độ “Nô Sứ” (Quản lý nô lệ).
Trên cơ sở ruộng đất ban đầu này, ngài Nguyễn Bá Sương đã hướng dẫn, tạo điều kiện cho họ khai phá đất hoang, mở rộng dân cư, hòa nhập với dân địa phương lập ra làng Phú Ích (giàu có), trở thành một đơn vị hành chính của huyện Chân Phúc. Đơn vị hành chính này ra đời, đã tạo điều kiện cho các tù binh hòa đồng mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, thuần hóa thành công dân quốc gia Đại Việt, thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi như dân cư các làng xã khác.
Vì vậy, sau khi ngài Nguyễn Bá Sương qua đời, nhân dân làng này xây dựng đền Thành hoàng thờ ngài gọi là đền Đức Ông. Và mọi gia đình trong làng đều tự nhận mình là con nuôi của các ngài Nguyễn Xí, Nguyễn Bá Sương và làm mọi nghĩa vụ tại Cương Quốc Công từ (Đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí như con cháu trong gia đình).
Mộ ngài Nguyễn Bá Sương an táng tại quần thể lăng mộ tổ tại xứ Đồng Lâm, xã Thượng Xá (nay là xã Khánh Hợp) cách lăng mộ ông bà nội và thân phụ khoảng 200m về phía Đông.
Tại làng Yên Đại (xã Nghi Phú ngày nay) vừa có đền thờ và nhà thờ của ngài Nguyễn Bá Sương. Đến thời thứ 11, nhà thờ bị phế trễ, hội Đồng gia tộc Đại chi 2, Trung chi thứ con trai thứ 2 là ngài Đống Lương Hầu Nguyễn Bá Hân tại làng Xuân Định (nay là xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghê An) rước bài vị của ngài Nguyễn Bá Sương về thờ. Từ đó, nơi đây trở thành nhà thờ tổ của đại chi 2, thuộc Đại tôn Cương Quốc Công Nguyễn Xí.
Theo ông Nguyễn Đình Nguyên - Chủ tịch hội đồng gia tộc Đại chi 2 Thái Bảo Nguyễn Bá Sương cho biết: Đại chi 2 là một trong những Đại chi lớn của Nguyễn Đình Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Toàn chi có 71 nhà thờ tiên tổ các cấp đan xen trong 46 xã, 17 huyện, 4 tỉnh (Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuy Hóa và Phú Yên). Trong triều đại Lê sơ và Lê Trung hưng, chỉ tính riêng Trung chi trưởng Nguyễn Bá Nhật con trưởng Nguyễn Bá Sương suốt 5 đời liên tục có 9 vị có công lớn được vua vinh phong tước bậc nhất là Quận Công và Quốc Công. Sau Quốc Công, toàn đại chi có 27 vị được phong tước hầu, 25 vị được phong tước bá.
Ngày 27 tháng 12 âm lịch là ngày giỗ Thái Bảo Nguyễn Bá Sương, Thủy tổ Đại chi 2. Hàng năm đến ngày này, hậu duệ ngài ở các chi, phái khắp miền đất nước đều quy tụ về đây dâng hương giỗ Tổ và được coi như là ngày lễ hội của Đại chi 2.
Như vậy có thể thấy ngài Thái Bảo Nguyễn Bá Sương sinh ra trong một gia đình danh gia thuộc dòng dõi võ tướng có công lao rất lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thế kỷ XV. Đất nước được đại định, ngài Nguyễn Bá Sương là người đầu tiên đem quân đi trấn giữ, chống lại các cuộc xâm lăng của Chiêm Thành trong những đầu triều đại Lê sơ mới thành lập. Đây là một công việc khó khăn, gian khổ, bằng tài năng của mình, ngài đã cùng với quân binh hoàn thành tốt việc bảo vệ miền biên viễn phía Nam trong một thời gian dài. Góp phần quyết định trong những trận đánh buộc kẻ thù phải thần phục quốc gia Đại Việt.
Không những vậy, ngài cũng là người đã biến các mỗi quan hệ giữa hàng binh, tù binh thành những người dân bản địa tại địa phương. Góp phần xóa bỏ thân phận tù binh, hàng để mọi người có thể cùng bình đẳng, sinh sống, làm ăn để xây dựng cuộc sống ấm no. Chính tấm lòng bao dung của ngài Nguyễn Bá Sương đã cảm hóa được các từ binh, hàng binh, để họ tự nguyện trở thành một bộ phận dân cư ở địa phương. Vì vậy, sau khi ngài mất nhân dân nhiều làng như Phú Ích, Yên Đại đã lập đền thờ ngài, tôn phong ngài là Thành hoàng của các làng.