Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - "Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

06/05/2024 08:19

Theo dõi trên

Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tọa lạc giữa một làng quê yên bình thuộc xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), cách thành phố Vinh khoảng 10km về phía Tây Nam. Không chỉ là một công trình kiến trúc bề thế, tôn nghiêm với cảnh quan thiên nhiên xanh mát, nơi đây còn là "địa chỉ đỏ" nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

z5412151444667-3a4aec1ca63a7fd51fd6e964a44d0345-1714919235.jpg
Toàn cảnh khuôn viên Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Như Yến

Tổng diện tích của toàn khu lưu niệm lên tới 31.229 m2, được chia làm 2 khu vực chính. Khu di tích gốc gồm nhà thờ Phụ mẫu từ đường, ngôi nhà tranh (lưu niệm) và Lạc Thiện Đàn (thờ Đức Thánh mẫu Liễu Hạnh và Quế Hoa công chúa); Khu tưởng niệm gồm nhà tưởng niệm, nhà trưng bày và nhà đón tiếp khách.

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật Lê Huy Doãn, sinh ngày 06/9/1902 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng.

z5411974732780-6819c96cc3fc44f10ebc3999d5a2640a-1714916399.jpg
Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong

Sau khi học xong Sơ học yếu lược, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lê Hồng Phong đã xin làm việc tại nhà máy Diêm - Bến Thủy, thành phố Vinh. Chứng kiến cuộc sống khổ cực của người lao động bị thực dân, phong kiến bóc lột tàn tệ, Lê Hồng Phong và những người cùng tâm huyết đã vận động anh chị em công nhân nổi dậy đấu tranh. Sau sự kiện này, Lê Hồng Phong bị đuổi việc.

z5412250141728-1af8b0b187017441fbc7d991daca0ea5-1714921200.jpg
Khu trưng bày chủ đề Gia đình của Đồng chí Lê Hồng Phong. Ảnh: Như Yến

Cuối năm 1923, Lê Hồng Phong bí mật sang Xiêm (Thái Lan) gặp các nhà yêu nước Việt Nam. Năm 1924, sang Quảng Châu (Trung Quốc) gia nhập nhóm Tâm Tâm xã và sau đó gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng.

z5411824802267-810db7c2f427f9e76930af00a5074e98-1714919813.jpg
Cổng chính khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Như Yến

Đồng chí nguyên là Ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, chiến sĩ cộng sản kiên cường, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

z5411824834508-8c821b8ffa1c0e8346fa4cf7920dd556-1714916173.jpg
Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Như Yến

Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tham dự lớp huấn luyện cán bộ cách mạng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng chí được học tập toàn diện về quân sự và chính trị tại Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Hàng không ở Quảng Châu (Trung Quốc), Trường Lý luận quân sự của lực lượng không quân Xô-viết ở Lê-nin-grat (nay là thành phố Xanh Pêtécpua), Trường Đào tạo phi công quân sự ở Bô-rit-ơ-lep-xcơ (Liên Xô). Sau khi tốt nghiệp, Lê Hồng Phong hoạt động trong lực lượng Hồng quân Xô-viết và nhận trọng trách liên lạc giữa Đảng Cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian này, Đồng chí được học tập lý luận cách mạng tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Mát-xcơ-va, tốt nghiệp khóa ba năm (1928 - 1931), sau đó vào học tiếp năm thứ nhất lớp nghiên cứu sinh.

z5411824756426-fa82d76db973226e289030b2c2c491de-1714918084.jpg
Khu trưng bày chủ đề Quê hương và gia đình của Đồng chí Lê Hồng Phong. Ảnh: Như Yến

Tháng 11/1931, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được phân công trở về nước lãnh đạo việc khôi phục, phát triển tổ chức Đảng, đưa cách mạng Đông Dương vượt qua giai đoạn khó khăn, hiểm nghèo. Đầu năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong chắp nối liên lạc với các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, Lương Văn Chi tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) và xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng. Tháng 6/1932, Lê Hồng Phong bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo của Đảng cho công bố bản Chương trình hành động của Đảng do Đồng chí tham gia khởi thảo và được Quốc tế Cộng sản thông qua.

z5411824249159-7b90f0910d2bf8346f2f8c21f6b8b40b-1714916505.jpg
Bàn thờ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đầy trang nghiêm. Ảnh: Như Yến

Tháng 3/1934, đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài (còn gọi là Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng), chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội lần thứ I của Đảng.

Cuối năm 1934, Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Mát-xcơ-va (Liên Xô) từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935. Cùng đó, tháng 3/1935, Đại hội lần thứ I của Đảng đã diễn ra thành công, đồng chí Lê Hồng Phong (được bầu vắng mặt) làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 7/1936, tại Thượng Hải (Trung Quốc), Đồng chí triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ I.

Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong về nước và bí mật hoạt động tại Sài Gòn, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới. Tháng 3/1938, Đồng chí tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, góp phần vào việc thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương đấu tranh chống phát xít, chống hoạt động phá hoại của bọn Tờrốkít và các khuynh hướng cô độc, hẹp hòi, tả khuynh ở trong Đảng.

z5412011623037-d0a03b5f92b6b9d380e809053f87893c-1714916657.jpg
Khu trưng bày chủ đề Sự nghiệp cách mạng của Đồng chí Lê Hồng Phong. Ảnh: Như Yến

Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn, kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Ngày 23/12/1939, chúng đưa Đồng chí về quản thúc tại quê nhà Nghệ An. Ngày 20/01/1940, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại Khám Lớn, Sài Gòn; cuối năm 1940, chúng đày Đồng chí ra Côn Đảo. Tại đây, biết Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ. Trước sự độc ác, dã man của kẻ thù, Đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù. Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, Đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 6/9/1942.

z5411824527891-41532c5444e8c544effd9ae335584c13a-1714916932.jpg
Bức tượng tái hiện đồng chí Lê Hồng Phong bị tra tấn tại nhà tù Côn Đảo. Ảnh: Như Yến

Với những giá trị to lớn về mặt lịch sử văn hóa, nhiều năm qua, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là địa chỉ người dân địa phương, du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của vị Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, Di tích thường xuyên đón các đoàn đại biểu lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước về thăm và tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa thành kính tưởng nhớ tới công lao to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

z5411824324711-64aab5477250dad1168c2412c8d2a3ed-1714916971.jpg
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong được xếp hạng là di tích Lịch sử cấp Quốc gia tại Quyết định số 218/QĐ-VH ngày 13/3/1990. Ảnh: Như Yến

Nơi đây thường xuyên diễn ra các hoạt động giáo dục truyền thống như: Các trường học tổ chức tham quan, nói chuyện chuyên đề; tổ chức Lễ tuyên dương sinh viên 5 tốt, Lễ kết nạp Đảng viên, Đoàn viên, học cảm tình Đảng; địa chỉ đỏ tuyên truyền lý tưởng cách mạng cho các thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ, nơi tham quan thực tế của các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị... Thông qua đó, đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng của các bậc tiền bối, lòng tự hào dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

z5411965265457-4e46190af42ed77db2734bee46b2f000-1714918316.jpg

Khuôn viên Khu lưu niệm vô cùng rộng rãi, sạch đẹp, phía trước cổng nhìn ra xa là hàng dừa bên cánh đồng xanh thẳm. Ảnh: Như Yến

Khu di tích gốc gồm: Nhà Phụ mẫu từ đường là nơi thờ phụng cha, mẹ, vợ và đồng chí Lê Hồng Phong; ngôi nhà tranh nơi đồng chí Lê Hồng Phong cất tiếng khóc chào đời, nơi đây lưu giữ những hiện vật gắn liền với thơi niên thiếu và thời gian đồng chí bị quản thúc tại quê nhà; Lạc thiện đàn là nơi thờ Mẫu, cũng là nơi đồng chí Lê Hồng Phong và các đồng chí khác được truyền bá tư tưởng yêu nước, tiến bộ.

z5411824405160-c2b0853a9df95d7eecfde32f3b67be0b-1714917015.jpg
Ngôi nhà tranh đơn sơ, mộc mạc là nơi đồng chí Lê Hồng Phong được sinh ra và lớn lên. Ảnh: Như Yến

Khu tưởng niệm gồm: Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Hồng Phong, Nhà tiếp khách và nhà Trưng bày các tư liệu hình ảnh, hiện vật về thân thế sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong. Trung bình hàng năm có khoảng gần 15.000 lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan tại khu lưu niệm. 

z5411824358683-a488f7910b1f33d88c88598c1586fdce-1714920235.jpg
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong hiện nay đã được Số hóa, chỉ cần chạm tay lên màn hình, du khách có thể "tham quan" chi tiết. Ảnh: Như Yến

Nhằm thực hiện tốt việc đón tiếp và phục vụ du khách tham quan, công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp cũng như việc trùng tu, tôn tạo các di tích, hiện vật luôn được cán bộ Khu lưu niệm đặc biệt quan tâm.

z5411824665129-58bd48d2ba8424bf52a3d9a2969a1dde-1714917095.jpg
Từ đường - nơi thờ phụng cha, mẹ, vợ và đồng chí Lê Hồng Phong. Ảnh: Như Yến

Hiện nay, tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, đang lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu ảnh quý về thân thế sự nghiệp của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong như: Chiếc áo Tổng Bí thư Lê Hồng Phong vẫn thường hay mặc để hoạt động cách mạng; bộ đồ tráp nghề cắt tóc; máy bay mô phỏng, ống nhòm; hình ảnh tái hiện đồng chí Lê Hồng Phong bị tra tấn tại nhà tù Côn Đảo. Ngoài ra, còn khoảng hơn 100 bức ảnh nhằm thể hiện sinh động thân thế, sự nghiệp chính trị, quá trình hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Ngắm nhìn một số hình ảnh hiện vật về quê hương, cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong:

z5412225611163-0464546ac22ff3ce674ceb952e2b2b68-1714920698.jpg
z5412123590407-3cf400f940c1cf6452b372bf5e0c8e74-1714918743.jpg
z5411824338920-5badee25f9aa6fc12f2266fbd5bdb7fa-1714918922.jpg
z5411824111570-2a2528fc2d72395a325aa9086f509fea-1714918957.jpg
z5411824143771-cadd6cfdde026708dd0480bc6819a869-1714918980.jpg
z5411824103194-3a87376ce3aa6097607c7d9d203a5eec-1714919002.jpg
z5411824646956-3c91a1438c5b36a972a2656707679906-1714919034.jpg
z5411824140295-c07fb0f41928ad2636d369d64b65c96d-1714919053.jpg

 

Như Yến
Bạn đang đọc bài viết "Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - "Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.