Đền Dinh ở Quỳ Hợp (Nghệ An) qua tư liệu dân gian

14/10/2022 10:52

Theo dõi trên

Hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng toàn bộ nhân dân làng Dinh đều tụ họp về đây để làm lễ. Trước là cúng tế để nhớ tới công lao của Vua Lê Lợi và hai anh em Khầm Quận Công cùng các tướng sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; sau là cầu mong các vị thần ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước thái bình, thịnh vượng.

b14eb3eea2480cc95c1659900313fb4f-1665715453.jpg
Dấu tích đền Dinh tại xã Tam Hợp. Ảnh: P.V 

Đền Dinh trước đây thuộc xóm Dinh Hạ, làng Dinh; nay là xóm Hợp Tâm, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì đền được nhân dân làng Dinh ngày xưa lập nên. Các cụ cao niên trong xóm Hợp Tâm (Tam Hợp) cho biết: làng Dinh có cách đây gần 600 năm, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng. Làng Dinh xưa có hai vùng gọi là Dinh Thượng và Dinh Hạ. Tên gọi làng Dinh có nhiều cách giải thích khác nhau. Có người giải thích, làng Dinh là nơi có dinh cơ của chúa đất nên gọi như vậy. Còn đa số ý kiến cho rằng, làng Dinh là nơi đặt tổng hành dinh, doanh trại của nghĩa quân Lam Sơn.

Qua điền giã, nghiên cứu các tư liệu, chúng tôi cho rằng, ý kiến thứ nhất không thuyết phục, bởi theo nhân dân cho rằng từ xưa đến nay ở vùng này không có các dấu tích dinh thự của chúa đất. Còn Dinh theo nghĩa là tổng hành dinh, nơi đóng đại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn là hợp lý hơn cả. Bởi nó liên quan đến rất nhiều các dấu tích về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên vùng đất xã Tam Hợp nói riêng và huyện Quỳ Hợp nói chung như:

- Dấu tích quai đập, lò rèn ở làng Dinh: Tương truyền đây là nơi Lê Lợi mở lò rèn để rèn khí giới và nông cụ; cho quân đắp quai đập ven sông để “làm ruộng” tính kế lâu dài ở vùng này.

- Lèn Đòng ở làng Đồng cũ, nay là xóm Vạn Tiến (nằm về phía Tây của Bãi Tập). Trong lèn có một cái hang, chứa nhiều nồi, xoong, chảo, mâm, chiêng cồng và vũ khí như gươm, giáo, dao nhọn, búa chiến... Ngoài ra còn có hai hàng chum bằng sành và một cái rương đựng nhiều áo, mũ... Tương truyền đây là nơi cất đồ của nghĩa quân Lam Sơn.

- Bầu đống thịt, ở khu vực xóm Quyết Tiến (chếch về phía Tây Nam của Bãi Tập chính). Tương truyền đó là nơi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn giết rồi vứt xác xuống. Vì xác nhiều, chất thành đống trong bầu, nên bầu được gọi là “Bầu đống thịt”.

- Lèn đổ, nay thuộc xóm Châu Thành (nằm ở phía Tây của vùng Bãi Tập chính), giáp với xã Châu Lộc. Trước đây dãy lèn đá vôi này có tên là Pủng Khỏng. Vào năm 1969, lèn tự nhiên đổ, lộ ra một hang động, trong đó có nhiều loại vũ khí như gươm, giáo… tương truyền đây cũng là nơi để vũ khí của nghĩa quân Lam Sơn.

- Hang Chùa ở làng Vặc, ở đây có một cái đền gọi là “đền Hang Chùa”. Đền này thờ các nghĩa quân Lam Sơn hy sinh trong những trận đánh để bảo vệ vùng Bãi Tập và mở đường về phía Nam.

- Cây lim cột voi của Lê Lợi, nằm về phía bên trên trục Quốc lộ 48A, đoạn qua xóm Bắc Sơn. Dấu vết này hiện nay vẫn còn gốc cây Đa cũ và một cái am thờ nhỏ cách cây Đa chừng 50m về phía Tây Bắc.

- Dấu tích lớn nhất đó chính là vùng Bãi Tập. Vùng này kéo dài từ ngã ba Săng Lẻ, xã Tam Hợp lên cầu Đồng Cạn, xã Đồng Hợp, kéo dài ra tận bờ sông Hiếu (phía Đông Bắc) và bờ sông Dinh (phía Tây Nam).

Xét trong tổng thể đó, làng Dinh ở đây chính là hành dinh nơi ở của chủ tướng Lê Lợi trong những ngày dừng quân để luyện tập binh lính chuẩn bị cho trận đánh thành Trà Lân. Theo sách Lam Sơn thực lục cho biết: “Gần tới xứ Bồ Lạp (Bồ Đằng), thình lình gặp tướng giặc là Sư Hựu, cùng bọn làm quan với giặc là Cầm Bành, Cầm Lạn, lĩnh hơn năm nghìn người, đón chẹn lối trớc mặt. Lại có bọn tướng giặc là lũ Trần Trí, Phương Chính, Sái Phúc, Lý An, đem quân tiến sát phía sau. Quân ta trước bụng, sau lưng, đều bị có giặc. Mặt trời lại sắp chiều. Nhà vua bèn dàn quân, dàn voi để đợi. Trong chốc lát, quân giặc quả tới nơi. Nhà vua tung quân phục ra xông đánh. Quân của bọn Phương Chính vỡ to. Ta chém hơn nghìn đầu, và bắt được hơn trăm ngựa. Ngày mai, Nhà vua lại đem voi và quân lính xông thẳng vào trại của bọn Sư Hựu. Quân giặc lại thua to. Ta chém hơn nghìn đầu. Quân lương, khí giới, đốt cháy không còn sót. Khi ấy bọn Cầm Bành là trùm trưởng của giặc, đóng giữ đất ấy, không chịu hàng phục. Nhà vua chiêu dụ nhân dân trong miền, khiến trở lại nghiệp xưa. Ai nấy đều mừng được yên thân, đem lòng cảm khích, hăng hái giúp Nhà vua hết sức vây Cầm Bành. Hơn hai tháng, Cầm Bành giữ bền ở trong núi, để đợi quân cứu viện của giặc. Nhưng giặc hất hải, ngờ sợ, vẫn không dám tiến. Quân của Bành oán mà làm phản, kế nhau đến hàng. Bành tự xét mưu chước đã cùn, viện binh đã tuyệt, liền mở cửa trại ra hàng”. Như vậy, có thể thấy trong 2 tháng chiêu dụ Cầm Bành, vùng đất Tam Hợp nói riêng và Quỳ Hợp nói chung chính là nơi mà nghĩa quân Lam Sơn dừng lại để luyện tập. Nơi tập và đóng hành dinh ngày xưa chính là vùng Bãi Tập và làng Dinh ngày nay.

Tương truyền rằng, đền Dinh là một ngôi đền linh thiêng, được Vua Lê Lợi cho nhân dân lập nên để thờ hai anh em Khầm Quận Công. Sau khi Vua băng hà, nhân dân còn thờ thêm cả Vua và các vị thần khác (Việc phối thờ này diễn ra ở rất nhiều đền trong cả nước).

Vị thần được thờ đầu tiên ở đền Dinh là hai anh em Khầm Quận Công. Các câu chuyện dân gian kể lại cho biết: hai anh em Khầm Quận Công là người dân tộc Thổ, họ Trương, gốc ở làng Lâm La (Theo sách Đồng Khánh dư địa chí cho biết, sách Lâm La, thuộc tổng Lâm La, huyện Nghĩa Đường - sau này gọi là Nghĩa Đàn, phủ Quỳ Châu), nay là xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn. Thuở nhỏ, hai anh em rất thông minh và thích học võ nghệ, lớn lên dung mạo khôi ngô, tuấn tú, thảo đủ các môn quyền, cước, cung nỏ. Đến tuổi lập nghiệp, người mẹ gọi hai anh em đến và dặn, các con đã lớn, cần phải đi chọn cho mình một vùng đất để lập thân, lập nghiệp, giúp ích cho đời. Nghe lời mẹ, hai anh em chọn ngày lành tháng tốt rồi lên đường đi tìm đất lập nghiệp. Trước khi đi, bà mẹ cho hai anh em mang theo một bộ cồng chiêng và dặn, các con đến vùng đất nào mà đánh 3 hồi công chiêng mẹ không nghe thấy thì có thể lập nghiệp ở đó. Hai chàng trai từ biệt mẹ già rồi băng qua khe, suối, lên rừng, chọn một đỉnh núi (tương truyền đỉnh núi này ở xã Nghĩa Mai) rồi đánh ba hồi cồng chiêng. Người mẹ vẫn nghe được, bèn cho người lên báo với hai anh em. Hai người lại tiếp tục băng rừng, trèo đèo, qua sông, chọn một vùng đồi thoai thoải rồi đánh ba hồi công chiêng, chờ đợi mãi mấy ngày liền không thấy ai đến nên đã dừng lại đây lập nghiệp (Vùng làng Dinh sau này).

Hai anh em vào rừng chặt cây làm nhà rồi phát nương làm rẫy. Đến một ngày, trong lúc đi làm rẫy định trở về nhà thì bắt gặp một người đàn ông đang bị một toán quân đuổi đánh. Nhanh trí, hai anh em chỉ đường cho người này chạy tới một gốc cây đa to, người anh cho người kia đứng lên vai mình, rồi người anh lại đứng lên trên vai người em. Vừa xong thì hai con chó ngao của kẻ thù đuổi đến, nhìn vào gốc cây đa sủa inh ỏi. Toán lính nghi ngờ bên trong có người nên lấy giáo đâm vào vào. Giáo đâm trúng đùi trái, người em nhanh trí lấy vạt áo của mình rồi cầm vào ngọn giáo để xóa vết máu. Đúng lúc đó, trong cây đa chạy ra một con kỳ đà (có người kể là con cáo). Thấy thế, hai con chó săn đuổi theo, bọn lính tức giận mắng: chó nuôi để sủa Vua, chứ không phải để sủa kỳ đà, nên rút kiếm chém chết hai con chó rồi bỏ đi.

Sau khi quân giặc rút, ba người ra khỏi gốc cây đa, hỏi ra mới biết người bị giặc đuổi chính là chủ tướng của nghĩa quân Lam Sơn. Hai anh em liền xin gia nhập nghĩa quân. Lê Lợi vui mừng khôn xiết, đa tạ hai người đã cứu mạng và nhận họ đi theo đánh giặc. Trong nghĩa quân, hai anh em họ Trương lập được nhiều chiến công nhưng đã hy sinh anh dũng. Sau khi đất nước được đại định, Lê Lợi lên ngôi Vua, tưởng nhớ đến công lao của hai anh em họ Trương đã có công cứu mình trong lúc hoạn nạn nên phong cho hai người tước Khầm Quận Công và cho nhân dân làng Dinh lập đền thờ. Từ đó, nhân dân gọi đền này là đền Dinh, thờ hai anh em ông Quận (tức là Khầm Quận Công).

Đền Dinh lúc đầu được làm bằng tranh tre, lập ngay đúng chỗ cây đa mà hai ông đã cứu vua Lê Lợi năm xưa. Hai bên cổng đền có đặt hai con chó đá. Theo quan niệm của nhân dân, mặc dù chó săn phát hiện ra Vua nhưng cũng nhờ nó đuổi theo con kỳ đà mà cứu được vua và hai anh em họ Trương nên đặt ở đây xem như để nhớ công lao của chúng. Đến đầu đời nhà Nguyễn, đền được nhân dân trung tu lại, làm bằng gỗ lim, lợp ngói khang trang, bốn mùa hương khói.

Hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng toàn bộ nhân dân làng Dinh đều tụ họp về đây để làm lễ. Trước là cúng tế để nhớ tới công lao của Vua Lê Lợi và hai anh em Khầm Quận Công cùng các tướng sỹ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; sau là cầu mong các vị thần ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước thái bình, thịnh vượng.

Đền Dinh tồn tại mãi đến khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta lần thứ 2, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến (cuối năm 1946, đầu năm 1947), lực lượng dân quân đã tháo dỡ đền để phòng kẻ địch lợi dụng đóng quân. Một số lớn cột, kèo, ngói được đưa đi nơi khác, số còn lại dựng vào bên cạnh cây đa. Đến giai đoạn cải cách ruộng đất, hai con cho đá bị một số người khiêng ra thả xuống sông Dinh.

021d2c2329fd1a90a0b74db819915007-1665715435.jpg
Bản vẽ đền Dinh sau khi được khôi phục. Ảnh: Quang Minh

Trải qua năm tháng chiến tranh ác liệt, các hiện vật của đền bị hư hỏng, thất lạc khắp nơi, đến nay dấu tích còn lại chỉ là nền đền và một cột đền bị cây đa ôm trọn vào trong lòng. Thời gian gần đây, để có nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, nhân dân xóm Hợp Tâm đã khôi phục lại đền (đặt một am thờ và làm mái tôn che ở phía trên) và cắt cử người trông nom, hương khói.

Như vậy, sự tích, câu chuyện về làng Dinh, đền Dinh đều gắn chặt với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đây là cuộc khởi nghĩa có nhiều câu chuyện dân gian rất ly kỳ, nhất là đối với vị chủ tướng Lê Lợi. Từ chuyện nhặt được kiếm thần, đến chuyện được “bà hàng nước”, “bác đi săn”, “mụ hàng dầu”, “ông già bắt tép”… tương trợ, ứng cứu lúc nguy nan, điều này cho thầy nhà Vua được thần linh và nhân dân hết sức đồng tâm giúp đỡ. Và câu chuyện về đền Dinh cũng vậy. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy, câu chuyện của hai anh em họ Trương ở đền Dinh, rất giống với một câu chuyện được chép trong cuốn Lam Sơn thực lục: “Giặc Minh bức Nhà vua. Nhà vua cùng Lê Liễu chạy đến bên sông Khả Lam, bỗng thấy một người con gái nằm chết, mình còn mặc chiếc áo trắng, cùng đeo thoa vàng, xuyến vàng. Nhà vua cùng Liễu ngửa mặt lên trời khấn rằng: Tôi bị giặc Minh bức bách, xin phù hộ cho tôi thoát nạn này, ngày sau được Thiên hạ, xin lập làm miếu thờ, hễ có cỗ bàn, cúng nàng trước hết!.

Đắp mả chưa xong thì giặc xua chó ngao đến. Nhà vua cùng Liễu chạy vào bộng cây đa!. Giặc lấy mũi giáo nhọn đâm vào, trúng vào vế bên tả của Liễu, Liễu bốc cát cầm vuốt vào lưỡi giáo, cho khỏi có vết máu. Tự nhiên bỗng thấy con cáo trắng chạy ra!. Chó ngao liền đuổi cáo. Giặc không ngờ bèn kéo đi. Nhà vua mới được thoát, đến khi bình định thiên hạ rồi, phong vị thần Áo trắng làm Hoằng Hựu Đại Vương; phong cho cây đa làm Hộ quốc Đại vương”.

Qua cách câu chuyện chúng ta thấy, hầu hết các nhân vật đã tương trợ, ứng cứu nhà Vua lúc nguy nan đều là phiếm chỉ. Họ là những người không có tên hoặc nếu có cũng không cụ thể, như “bà hàng nước”, “bác đi săn”, “mụ hàng dầu”, “ông già bắt tép”; “cô gái mặc áo trắng” và hai anh em họ Trương cũng vậy. Trong dân gian có câu “Hăm mốt Lê Lai, Hăm hai Lê Lợi, Hăm ba giỗ mụ hàng dầu”. Đây là một hiện tượng hiếm gặp trong lịch sử. Để lý giải việc này tác giả Hoàng Khôi trong bài viết “Hình tượng Lê Lợi qua truyền thuyết dân gian” đăng trên báo Điện tử Tổ quốc (của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã lý giải: “Xét theo tiêu chí nhân vật, câu trên cho ta một mẫu có tính đại diện cho nhóm các nhân vật trong hệ thống truyện này. Nhưng tại sao “mụ hàng dầu” lại không được dẫn thành một cái tên cụ thể, biểu chỉ trong cấu trúc đó?. Chính bởi “mụ hàng dầu”, chỉ là một trong đông đảo những nhân vật tiêu biểu và phiếm chỉ khác. Những việc làm của “mụ hàng dầu” và nhiều những nhân vật tương tự như lão bắt tép, bác đi săn, bà hàng nước,… về nội dung có nét khác nhau nhưng thực chất đây là chuyện về một bản, một làng, chuyện về một dòng họ, một tầng lớp đã ủng hộ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn để giành lại độc lập cho đất nước”. Xét ở góc độ này chúng ta có thể hiểu được câu chuyện về hai anh em họ Trương và việc lập đền Dinh. Ở đây chúng ta thấy, đền Dinh không chỉ là công trình kiến trúc tâm linh, được xây dựng để thờ hai anh em họ Trương đã có công cứu Vua Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427); mà sâu xa hơn, đó chính là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân trong vùng châu Quỳ với cuộc khởi nghĩa này, khi nghĩa quân đóng tổng hành dinh ở đây để luyện tập. Vì vậy, việc tôn tạo, phục dựng và xếp hạng di tích đền Dinh không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn là việc tưởng nhớ tới công lao của các thế hệ tiền nhân đã có công đánh giặc bảo vệ đất nước, bảo vệ quê hương. Đồng thời đây sẽ là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tài liệu tham khảo

- Lam Sơn thực lục, Nguyễn Trãi, dịch giả Bảo Thần (1944), NXB Tân Việt, 1956.

- Đồng Khánh dư địa chí, Hoàng Hữu Xứng, Quốc sử quán triều Nguyễn, nhóm dịch giả Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin,

- Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra), Dương Thị The, Phạm Thị Thoa, NXB Khoa học xã hội, HN, 1981

- Dư địa chí Quỳ Hợp, Ninh Viết Giao, NXB Nghệ An, 2003.

- Hình tượng Lê Lợi trong văn học dân gian, Hoàng Khôi, Báo điện tử Tổ quốc.

- Phác thảo đề án xây dựng bia dẫn tích Bãi Tập, xã Tam Hợp, Thái Tâm (Cb), Nguyễn Văn Nhi, Vũ Quang Minh, 2020, (tài liệu đánh máy), lưu tại Văn phòng UBND xã.

- Các tư liệu điền giã tại xóm Hợp Tâm, xã Tam Hợp, 8/2022.

Hoàng Kiểm
Bạn đang đọc bài viết "Đền Dinh ở Quỳ Hợp (Nghệ An) qua tư liệu dân gian" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.