Không còn là những chuyến tham quan như bình thường, mà giờ đây, việc đi bảo tàng giữa cộng đồng những người trẻ lại sôi nổi hơn bao giờ hết. Chuyện ghé thăm để xem nhiều tác phẩm, di sản ấn tượng, chụp ảnh lung linh cùng những kiến trúc độc đáo thì bảo tàng ngày nay còn hiện đại hoá hơn để những trải nghiệm tham quan của các vị khách dần trở nên tối ưu, dễ dàng nhất.
Thời đại công nghệ số đã ăn sâu vào đời sống của chúng ta và để đáp ứng những nhu cầu thưởng lãm ngày càng cao nhất thì những bảo tàng đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động của mình, ứng dụng thêm nhiều công nghệ để thu hút khách tham quan. Bên cạnh đó, các bảo tàng còn đa dạng hoá các hoạt động trải nghiệm của mình để người đến xem có thể học hỏi những kiến thức mới, mà việc đưa vào bảo tàng nhiều công nghệ hơn là điều quan trọng nhất.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ số tại bảo tàng đã cung cấp cho khách tham quan một phương thức tiếp cận mới, để đến gần hơn với giới trẻ. Hai năm xảy ra đại dịch, các bảo tàng đã trở mình thực hiện công nghệ số cho việc tham quan bảo tàng như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam áp dụng 3D tour hay trình chiếu những hiện vật trên website.
Hay tại bảo tàng Tôn Đức Thắng đã ứng dụng công nghệ quét QR code để nghe thuyết trình tại phòng “Thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng” giúp khách tham quan có thể nghe thuyết minh tự động. Điều này không những tiện lợi cho du khách mà còn tạo sự hấp dẫn cho du khách trong nước lẫn quốc tế. Với cách quét QR code, du khách sẽ được nghe thuyết minh về các hiện vật có liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Còn ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, du khách được trải nghiệm ứng dụng thuyết minh tự động tuỳ vào nhu cầu hay sở thích riêng của từng khách tham quan tại bảo tàng. Cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động của mình khi có kết nối internet, du khách sẽ được tự do khám phá 100 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày hiện đại này.
Ngoài ra, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ở quận 3 cũng khuyến khích khách cài ứng dụng “Bảo tàng PNNB” để tham quan phòng trưng bày “Chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng miền Nam và TP.HCM”. Khi đứng cách hiện vật tầm 1 mét và đưa ứng dụng này lên thì các thông tin liên quan đến hiện vật hay tiểu sử liên quan cũng được hiển thị sinh động.
Các bảo tàng khác trong thành phố cũng cũng tích cực đưa công nghệ vào bảo tàng như hệ thống bảng led hướng dẫn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, máy tính tra cứu thông tin tại bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Vài lần ghé qua bảo tàng vào dịp cuối tuần, Anh Thơ (trợ lý) tỏ ra vô cùng hứng thú vì những đổi mới của bảo tàng: “Hồi đó mình đến Bảo tàng Mỹ thuật để chụp ảnh vì kiến trúc thôi, nhưng khi vừa mới vào cửa thì từ khâu mua vé đến hướng dẫn mình tham quan đều vô cùng tối ưu. Như mình chụp hình với bức hình kia thì cũng muốn biết tác phẩm đó như thế nào, định hỏi các nhân viên thì thấy ngay mã QR cho mình quét để nghe rõ hơn về tác phẩm, quá hay!”
Hay Gia Huy (sinh viên năm 3) cũng đã từng ghé qua bảo tàng để lấy tư liệu học tập cho mình cũng rất bất ngờ vì độ hiện đại của bảo tàng: “Huy tham quan bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, vào một phòng triển lãm thì có cả máy tính để nghiên cứu những tác phẩm, không ngờ lại xịn như vậy luôn.”