Ngài Nguyễn Bá Sương là con trai thứ 2 của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí và Quốc công phu nhân Lê Thị Ngọc Lân. Ngài sinh vào khoảng hai năm sau ngày cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ (1420) và cũng là lúc quân Minh do tên phụ đạo địa phương là Lê Ái dẫn đường bao vây tàn phá căn cứ địa Lam Sơn. Bác Nguyễn Biện và thân sinh ngài là Nguyễn Xí đang cùng với các tướng lĩnh nghĩa quân đương đầu chống trả ác liệt với giặc Minh trên chiến trường. Anh em Nguyễn Bá Sương còn nằm trong bọc mẹ và trong nôi nuôi dưỡng của gia đình Lê Lợi cùng chịu bao đau thương tang tóc trước sự tàn phá của giặc Minh.
Mãi tới năm 1428, cuộc khởi nghĩa giành toàn thắng, quét sạch giặc Minh ra khỏi đất nước, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, mở ra thời đại Lê sơ, gia đình Nguyễn Bá Sương mới theo gia đình Lê Lợi rời Lam Sơn ra Kinh thành Thăng Long sống trong chế độ vương giả. Ở tuổi niên thiếu, anh em Nguyễn Bá Sương cùng học tập, vui chơi với con vua và con của các đại thần trong triều đình. Đến tuổi trưởng thành Nguyễn Bá Sương lập gia đình với công chúa Lê Thị Ngọc Huyền, con gái thứ 5 của vua Lê Thái Tổ.
Vương triều Lê sơ được thành lập, ngài Nguyễn Bá Sương được triều đình phân công cai quản đạo Thuận Hóa là đạo cực Nam của quốc gia Đại Việt, giáp với vương quốc Chiên Thành. Đây là trọng trấn luôn xảy ra sự tranh chấp giữa vương quốc Chiêm Thành và quốc gia Đại Việt, với chức Phò mã đô úy, Nghiêm võ vệ Tổng quản đồng tri, hành Thuận Hóa đạo đô tổng binh sứ, ngài Nguyễn Bá Sương vừa làm nhiệm vụ Tổng chỉ huy quân sự đạo Thuận Hóa của Đô tổng binh sứ vừa đảm nhiệm công tác quốc phòng trị an vùng biên giới, vừa chuyên lo thiết lập chính quyền các cấp thực hiện các chủ trương, chính sách của vương triều Lê sơ.
Ngài Nguyễn Bá Sương vừa vào làm nhiệm vụ này thì vương quốc Chiêm Thành lợi dụng vương triều Lê sơ vừa thành lập đang gặp muôn phần khó khăn đã đem quân sang đánh chiếm Hóa Châu ở phía Tây Nam đạo Thuận Hóa. Biết quân địch đông đảo, quân địa phương không thể chống trả lại được, ngài Nguyễn Bá Sương đã cho quân cấp báo về triều đình để xin viện trợ. Nhận được tin này, tháng 4 năm Ất Sửu (1445), triều đình sai Tư đồ Lê Thận và Đô đốc Nguyễn Xí đem quân vào phối hợp với quân của ngài Nguyễn Bá Sương đánh đuổi quân giặc ra khỏi biên giới lấy lại Hóa Châu.
Tư đồ Lê Thận và Đô đốc Nguyễn Xí vừa rút quân về kinh đô, thì sang năm sau, vua Chiêm Thành lại đem đạo quân hùng mạnh sang đánh chiếm đạo Thuận Hóa. Trước tình hình đó ngài Nguyễn Bá Sương một mặt đốc thúc quân lính chốt giữ các nơi hiểm yếu, một mặt sai người cấp báo cho triều đình để đem quân vào phối hợp đánh địch. Nhận được tin báo, năm Bính Dần (1446), triều đình lại sai các tướng Lê Thụ, Lê Khá, Nguyễn Nhật Huyền vào cùng Nguyễn Bá Sương đánh đuổi quân địch ra khỏi biên giới phía Nam đạo Thuận Hóa. Trong trận đánh này nhiều tướng lĩnh và binh sĩ của quân Chiêm Thành bị bắt đem về giam tại xứ Bàu Ó (nay là phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An). Sau thắng lợi quan trọng này, 2 năm sau, tháng 10 năm Mậu Thìn (1448), vương quốc Chiêm Thành cử 340 người sang quy phục vương triều Lê sơ và xin chuộc lại các tướng bị bắt. Kể từ đây biên giới phía Nam của Đại Việt được yên bình trong một thời gian dài.
Năm 1446, đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền cấp trung ương, tỉnh, huyện thời Lê Thánh Tông, đổi tên đạo thành thừa tuyên. Đạo Thuận Hóa được đổi tên thành thừa tuyên Thuận Hóa là đạo thứ 12 của quốc gia Đại Việt. Địa giới thừa tuyên Thuận Hóa từ phía nam đèo Ngang giáp với thừa tuyên Nghệ An vào phía bắc đèo Hải Vân, giáp với Quảng Nam vương quốc Chiêm Thành. Đến đây, ngài Nguyễn Kế Sài là em của ngài được giao nhiệm vụ ở lại trấn giữ thừa tuyên Thuận Hóa. Còn ngài Nguyễn Bá Sương về triều đình được thăng chức Thái Bảo là trụ cột của triều đình.
Như vậy, với vai trò của người đứng đầu của vùng Thuận Hóa lúc bấy giờ, ngài Nguyễn Bá Sương đã đóng góp công lao rất lớn trong việc đánh giặc, bảo vệ sự bình yên và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Đại Việt ở phương Nam trong thời kỳ đầu mới giành độc lập.
(Còn tiếp)