Nguyễn Bá Sương sinh ra trong một gia đình võ tướng, có cha và anh em đều là những công thần của triều Lê sơ. Quê gốc của ngài vốn ở xã Động Gián, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, quận Hoan Châu (nay là xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Ông tổ của ngài là Nguyễn Hợp, sinh sống ở thế kỷ XIV, vốn giỏi nghề làm muối. Nên khi con trai Nguyễn Hội lớn lên, hai cha con đi ra vùng Cửa Xá, xã Thượng Xá thuộc huyện Chân Phúc (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) lập lò nấu muối ở đây.
Lò muối lập xong, ông Nguyễn Hợp ở nhà sản xuất, còn ông Nguyễn Hội đưa muối đi buôn bán khắp nơi. Lâu dần mở rộng địa bàn buôn bán ra tận sách Lam Sơn, thuộc vùng thượng du tỉnh Thanh Hóa. Khi đi ra Lam Sơn, ông Nguyễn Hội thường dẫn con trai cả là Nguyễn Biện đi cùng, còn con trai thứ là Nguyễn Xí ở nhà với ông nội. Khi ra sách Lam Sơn, hai cha con ông Nguyễn Hội và Nguyễn Biện thường trọ ở nhà ông Lê Khoáng, là thân sinh của vua Lê Lợi sau này.
Sự qua lại thường xuyên nên ông Nguyễn Hội và Lê Khoáng trở nên rất thân tình. Giai đoạn này điền trang của ông Lê Khoáng đang phát triển thịnh vượng, cần người làm. Vì vậy, ông Nguyễn Hội đã xin cho con trai của mình là Nguyễn Biện vào làm ở đây. Với tính tình thật thà, hòa nhã, ông Nguyễn Biện trở thành người thân tín trong nhà của ông Lê Khoáng.
Vào năm 1405, một biến cố lớn đã xẩy đến với gia đình ông Nguyễn Biện và Nguyễn Xí. Cha ông bị hổ vồ chết, sau đó 2 tháng mẹ các ông là bà Vũ Thị Hạch cũng qua đời. Trước biến cố này, ông Nguyễn Biện đã xin ông nội cho Nguyễn Xí ra làm cùng mình ở điền trang ông Lê Khoáng. Ông Nguyễn Hợp đồng ý để 2 cháu rời đi, còn mình thì hiến toàn bộ ruộng đất cho làng, quay về sống với con trai cả là Nguyễn Khai ở thôn Tiền, xã Động Gián. Biến cố của gia đình đã đưa Nguyễn Xí đến gần với Lê Lợi và trở thành một công thần “hai lần khai quốc” của triều Lê sau này.
Tại điền trang của cụ Lê Khoáng, Nguyễn Xí được giao chăn nuôi đàn chó để bảo vệ trang trại. Chính từ đây, Nguyễn Xí đã thể hiện tài năng của mình và được Lê Lợi chú ý. Ông Nguyễn Xí đã dạy được đàn chó nghe lời mình răm rắp, đến Lê Lợi phải thốt lên: Với loài vật vô tri còn nuôi dạy được như thế, ắt mai sau sẽ có hành động phi thường trong việc cầm quân. Đúng như tiên đoán của Lê Lợi, sau này Nguyễn Xí trở thành vị tướng quân lừng lẫy trên chiến trường, lập được nhiều công lao đặc biệt cho nghĩa quân, góp phần đưa cuộc khởi nghĩa đi đến thắng lợi cuối cùng.
Cũng thời gian này, Hồ Quý Ly tiếm quyền nhà Trần, lập ra nhà Hồ, trước tình thế đó, nhà Minh đã mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” để sang xâm lược nước ta. Với sức mạnh áp đảo, quân Minh đã đánh bại quân của Hồ Quý Ly chiếm được nước ta và ra sức đàn áp các cuộc khởi nghĩa của các quý tộc nhà Trần. Trước tình hình đó, tại Lam Sơn, gia đình cụ Lê Khoáng đã trở thành nơi tụ họp của của đông đảo anh hùng nghĩa sỹ trong cả nước. Không bó tay trước thời cuộc, Lê Lợi là người có tinh thần dân tộc, với mong muốn đánh đổ quân Minh giành lại độc lập, tư do cho đất nước, nên năm 1416 đã lập nên hội thề ở Lũng Nhai, tiếp đó năm 1418 dựng cờ khởi nghĩa.
Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, hai anh em Nguyễn Biện và Nguyễn Xí đã trở thành những người thân tín và được giao nhiều việc trọng đại. Cuộc khởi nghĩa giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn, bị quân Minh tấn công liên tục, gặp nhiều thất bại nhưng tinh thần đấu tranh không vì thế mà yếu đi, trái lại nó càng lên cao. Cũng lúc này ông Nguyễn Biện đã hy sinh khi cùng đoàn quân cảm tử mở đường máu cho nghĩa quân rút lui an toàn. Chính trong lúc này, ông Nguyễn Bá Sương đã ra đời ở giữ núi rừng Lam Sơn trong tình yêu thương của gia đình và nghĩa quân. Cuộc khởi nghĩa giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, tổn thất có những lúc “quân không một đội” như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã viết. Tuy vậy, chính những khó khăn, gian khổ của gia đình, của cuộc khởi nghĩa đã rèn dũa cho các anh em của cụ Nguyễn Bá Sương sớm có bản lĩnh hơn người và trở thành các trụ cột của nước nhà sau này.
Gia đình Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí có 16 người con trai và 8 con gái. Tại Lam Sơn, gia đình cụ Nguyễn Xí đã sinh thành được 3 người con là Nguyễn Sư Hồi, Nguyễn Bá Sương và Nguyễn Nhật Huyền. Sau khi đất nước được đại định, gia đình ông Nguyễn Xí về kinh thành Thăng Long sinh sống, tại đây sinh thêm 13 người con trai. Trong đó 15 người con trai đều trưởng thành và trở thành các vị tướng lĩnh có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước (còn một người con trai khác của ông mất lúc đang nhỏ).
Nguyễn Sư Hồi là anh cả, sinh ra ở Lam Sơn, lớn lên làm đến chức Thái Bảo, Tổng đô đốc Thượng tướng quân, thập nhị hải môn (Thái Bảo thượng tướng quân, tổng chỉ huy trấn thủ 12 cửa biển của quốc gia).
Nguyễn Bá Sương là người con thứ hai, được sinh ra ở Lam Sơn trong thời gian đầu của cuộc khởi nghĩa (khoảng năm 1420). Lớn lên, lấy công chúa Lê Thị Ngọc Huyền, trở thành Phò mã được cử đi làm nhiệm vụ chỉ huy quân sự ở Thuận Hóa, lập được nhiều chiến công, sau này được thăng chức Thái Bảo.
Nguyễn Nhật Huyền là người con thứ 3 của Nguyễn Xí được sinh ra ở Lam Sơn, lớn lên làm đến chức Hóa Châu Thần giáp đồng tri, Đô tổng binh sứ ty, Đô tổng binh sứ (chức tổng chỉ huy quân đội của tổng binh sứ trung ương trấn giữ đất Hóa Châu).
Nguyễn Bá Kiệt là người con thứ 4, được sinh ra ở kinh thành Thăng Long. Lớn lên do có nhiều công lao được phong chức Phấn võ vệ, tam phụ quốc quân đồng tri.
Nguyễn Kế Sài là con thứ 5 của Nguyễn Xí sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long. Ngài có công lao trong việc đưa quân vào đánh Chiêm Thành, giải phóng đạo Thuận Hóa. Sau này có công Phù Lê diệt Mạc, được phong tước Thái Bảo thượng trụ quốc công.
Nguyễn Phùng Thời là con trai thứ 6 của Nguyễn Xí, được sinh ra và lớn lên tại kinh thành Thăng Long. Lớn lên được triều đình bổ dụng, giữ chức Thanh Hoa Đô tổng binh sứ ty, Đô tổng binh sứ. Là công thần, có công trong việc lập nên thời kỳ Lê Trung Hưng.
Nguyễn Thúc Ngu là con trai thứ 7 của Nguyễn Xí, sinh ra ở Thăng Long, lớn lên làm chức Ninh Vệ quốc, Đô tổng binh sứ, nhất cuộc chính giám tại Bộ Binh.
Nguyễn Tôn Cao là con thứ 8 của Nguyễn Xí sinh ra ở Thăng Long. Lớn lên được triều đình bổ giữ chức Nhất cục chính giám, hành Lạng Sơn xứ, Đô tổng binh sứ ty, Đô tổng binh sứ đồng tri. Ông có công cùng với nhân dân vùng biên ải bảo vệ và xây dựng nền độc lập, tự chủ của quốc giá Đại Việt.
Nguyễn Cảnh Thanh là con trai thứ 9 của Nguyễn Xí, sinh ra và lớn lên ở Thăng Long. Ông được triều đình bổ dụng làm Hải Dương tuyên quốc vệ, Đô tổng binh sứ ty, Đô tổng binh sứ đồng tri.
Nguyễn Trọng Đạt là con trai thứ 10 của Nguyễn Xí, ông sinh ra lớn lên ở Thăng Long. Lớn lên ông tham gia vào việc bảo vệ biên giới phía Nam, cùng với cha đem quân vào đánh Chiêm Thành. Sau này do lập được nhiều công lao được phong là Tán trị công thần, Bắc quân đô đốc, lịch trung dinh thượng tướng quân Linh Quận công.
Nguyễn Phúc Xà là con trai thư 11 của Nguyễn Xí, ông sinh ra và lớn lên ở Thăng Long. Lớn lên ông được cử giữ chức Hiến sát sứ thừa tuyên Quảng Nam.
Nguyễn Hữu Lượng là người con thứ 12 của Nguyễn Xí sinh ra và lớn lên ở Thăng Long. Lớn lên ngài được triều đình bổ dụng làm quan giữ chức Huấn đạt vệ quản lệnh, Tổng binh sứ đạo Thuận Hóa.
Nguyễn Đồng Dần là con trai thứ 13 của Nguyễn Xí, sinh ra và lớn lên ở Thăng Long. Lớn lên được triều đình bổ làm quan với chức Ngọc Linh vệ quản lĩnh, thăng thụ Đô đốc tỉnh Hải Dương.
Nguyễn Nhân Thực là con trai thứ 14 của Nguyễn Xí, sinh ra và lớn lên ở Thăng Long. Lớn lên được triều đình bổ ra làm quan, giữ chức Nghiêm Dũng vệ tiền quản lĩnh đạo Thanh Hoa.
Nguyễn Văn Chinh là con trai thứ 15 của Nguyễn Xí, sinh ra và lớn lên ở Thăng Long. Ông được triều đình bổ dụng làm quan với chức Phấn Dũng vệ quản lĩnh Thanh Hoa xứ, Đô tổng binh sứ ty, Đô tổng binh sứ đồng tri.
Còn tiếp...