
Múa bóng rỗi là một bộ môn nghệ thuật diễn xướng dân gian, thường được tổ chức trong các dịp lễ hội như cúng đình, cúng miếu, lễ vía Bà Chúa Xứ, Bà Thủy Long, Bà Thiên Hậu... Đây không chỉ là nghi thức tín ngưỡng mà còn là không gian thể hiện tài năng, sự kết hợp hài hòa giữa múa, hát và âm nhạc dân tộc.
Người biểu diễn múa bóng rỗi - thường gọi là cô bóng - không chỉ cần thành thạo các động tác múa mềm mại, khéo léo mà còn phải thuộc lời văn rỗi (còn gọi là hát mời), nắm vững nhạc cụ và biết phối hợp nhuần nhuyễn giữa lời ca, động tác múa và tiết tấu âm nhạc để tạo nên một tổng thể hài hòa, cuốn hút.
Múa bóng và hát rỗi chủ yếu nhằm ca ngợi, tôn vinh các nữ thần - biểu tượng cho sự che chở, sinh sôi, an lành được thể hiện qua những điệu múa đầy linh thiêng của các cô bóng. Đặc trưng của múa bóng là những động tác chủ yếu sử dụng phần đầu, cổ và trán như đội mâm, đội bông, thể hiện lòng thành kính với các đấng bề trên, đồng thời khơi gợi truyền thống tri ân, “uống nước nhớ nguồn” trong tâm thức người Việt.
Trang phục của các cô bóng thường rất cầu kỳ và rực rỡ, gồm đầy đủ áo dài, váy, khăn choàng cổ, ngạch quan, mũ miện… Đi kèm là lớp trang điểm đậm nét với son phấn tỉ mỉ, làm nổi bật vẻ đẹp trang nghiêm pha lẫn huyền ảo của người thực hành nghi lễ. Chính yếu tố tạo hình và kỹ thuật biểu diễn ấy đã làm nên một nét văn hóa đặc trưng – vừa mang giá trị thẩm mỹ, vừa giàu ý nghĩa tâm linh.
Năm 2016, nghệ thuật múa bóng rỗi Nam Bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy một loại hình nghệ thuật truyền thống giàu bản sắc, đậm tính nhân văn và gắn bó sâu sắc với đời sống tín ngưỡng của người dân Nam Bộ.
Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, múa bóng rỗi không chỉ là biểu hiện của nghệ thuật diễn xướng dân gian, mà còn là biểu tượng của niềm tin, của tâm linh dân gian Việt Nam - một kho tàng di sản quý giá cần tiếp tục được bảo tồn, truyền dạy và phát triển.