Lễ hội Bánh dày đình Lục Giáp là lễ hội truyền thống đặc sắc được tổ chức tại đình Lục Giáp - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, ngôi đình thờ thành hoàng chung của sáu thôn thuộc làng Bồ Xuyên cổ (xưa gọi là "Giáp") ngày nay là xã Đồng Thái. Các vị thành hoàng được thờ gồm bốn vị tướng thời Hùng Vương: Lý Ngư Long (có công phá tan giặc Ân) và ba vị Ngọ Công là Trưởng Minh, Thứ Minh và Quý Minh (đã giúp vua Hùng đánh nước Thục). Lễ hội mang giá trị nghiên cứu sâu sắc về văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ.

Theo thần tích lưu giữ tại đình và lời kể của các bậc cao niên trong vùng, lễ hội có từ thời Hùng Duệ Vương. Ba vị Ngọ Công - cháu của vua Hùng Duệ Vương đã truyền dạy dân làng cách làm bánh chưng, bánh dày để dâng cúng trời đất, thần linh và tiến vua. Từ đó, hình tượng bánh dày gắn liền với tinh thần tri ân tổ tiên, trở thành một biểu tượng văn hóa dân gian đặc sắc.
Lễ hội được tổ chức thường niên từ ngày 25 đến 29 tháng 11 Âm lịch, chính hội vào ngày 29. Đây là dịp để cộng đồng tưởng niệm các vị thần thời Hùng Vương, đồng thời thể hiện sự kết nối văn hóa giữa vùng đất Ninh Bình với nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc. Các nghi lễ chính của lễ hội bao gồm: Lễ Mộc dục; Lễ thỉnh thần linh từ Đình Đôi (thôn Đông - Đoài) về đình Lục Giáp; nghi thức làm bánh dày; rước kiệu và rước bánh từ các thôn về đình; lễ tế bánh dày; trỗi lễ và kiệu hồi loan. Ngoài phần lễ trang nghiêm, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn hóa - thể thao như: bịt mắt bắt vịt, đi cầu tre, đánh đu, cờ người, thi bóng chuyền…
Đặc biệt, nghi thức giã bánh, thi bánh, rước kiệu… vẫn được bảo lưu với nhiều yếu tố nguyên gốc. Những nghi lễ cổ truyền hòa quyện với nét mới của đời sống hiện đại như việc cho phép nữ giới tham gia tế lễ, sự cải tiến trong đội hình rước kiệu… đã thể hiện sức sống bền bỉ và sự thích ứng linh hoạt của lễ hội trong dòng chảy thời gian. Đó chính là biểu hiện sinh động của quá trình bảo tồn kết hợp sáng tạo, tiếp nối truyền thống để khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc.
Không chỉ tôn vinh bốn vị thiên thần, Lễ hội Bánh dày đình Lục Giáp còn tri ân các nhân thần - những vị thành hoàng bản thổ đã có công khai phá vùng đất, đồng hành cùng nhân dân trong quá trình dựng làng, giữ nước. Khi lễ hội diễn ra, cả cộng đồng sáu thôn cùng nhau tham gia từ khâu chuẩn bị đến thực hành lễ nghi. Những người con xa quê vẫn trở về, góp sức cho lễ hội, làm nên mối liên kết bền chặt giữa các thế hệ, giữa quá khứ và hiện tại.
Thông qua việc tổ chức lễ hội, cộng đồng sáu thôn xã Đồng Thái không chỉ gìn giữ phong tục, tập quán truyền thống mà còn xây dựng tinh thần đoàn kết, khơi dậy niềm tự hào với văn hóa cội nguồn. Lễ hội trở thành dịp giáo dục đạo lý "uống nước nhớ nguồn", lòng biết ơn tổ tiên và những người có công với quê hương, đất nước. Không khí lễ hội rộn ràng cuối năm cũng tạo điều kiện để cộng đồng vui chơi, giải trí, giao lưu, gắn bó, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và củng cố nền tảng văn hóa làng xã.

Cùng với di sản vật thể như đình làng và di sản tư liệu như sắc phong, câu đối, thần tích..., Lễ hội Bánh dày đình Lục Giáp là kho tư liệu sống động phục vụ nghiên cứu về mối quan hệ xã hội, văn hóa của cộng đồng cư dân vùng Bồ Xuyên cổ. Đây là đóng góp quý báu làm phong phú thêm hệ thống lễ hội dân gian Việt Nam và là nguồn sử liệu dân gian quan trọng đối với các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa vùng ven biển Thần Phù - Chính Đại xưa.
Nhận thức được giá trị đặc biệt của lễ hội, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận Lễ hội Bánh dày đình Lục Giáp là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chính là động lực để địa phương tiếp tục đầu tư, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của lễ hội, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội bền vững.
Lễ hội Bánh dày đình Lục Giáp - biểu tượng của tinh thần đoàn kết cộng đồng, lòng biết ơn tổ tiên, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại - xứng đáng là niềm tự hào không chỉ của người dân Đồng Thái mà còn của văn hóa dân tộc Việt Nam trên hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong thời đại mới.