Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô: Di sản thiên nhiên xuyên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Lào

14/07/2025 07:54

Theo dõi trên

Ngày 13/7/2025 tại thủ đô Paris (Pháp), Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã chính thức ghi danh “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Trị, Việt Nam) và Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Khăm Muộn, Lào)” vào Danh sách Di sản thế giới. Đây là Di sản thiên nhiên liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Lào, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, di sản và thúc đẩy hợp tác khu vực.

dscn2517-compressed-1752418320-1752454306.jpg
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh Hoàng Anh

Phong Nha - Kẻ Bàng vốn đã nổi danh toàn cầu khi được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 2003, rồi tiếp tục được công nhận lần hai vào năm 2015 nhờ các giá trị về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học đặc biệt. Nhưng điều khiến quyết định mới lần này trở nên đặc biệt chính là việc mở rộng ranh giới di sản sang Vườn quốc gia Hin Nam Nô – khu vực có ranh giới tự nhiên tiếp giáp tại tỉnh Khăm Muộn (Lào), hình thành nên một vùng di sản chung xuyên quốc gia.

Hồ sơ đề cử mở rộng di sản do Việt Nam và Lào cùng xây dựng và gửi tới UNESCO từ tháng 2/2024. Trải qua quá trình thẩm định khắt khe, cơ quan tư vấn của UNESCO – Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) – đã trình lên Ủy ban Di sản Thế giới để chính thức thông qua. Từ đây, một “siêu di sản” mới được xác lập, không chỉ mang giá trị địa chất – sinh học, mà còn tượng trưng cho tinh thần hợp tác quốc tế và gìn giữ hòa bình – đúng với triết lý cốt lõi của UNESCO.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô nằm tại điểm giao thoa của dãy núi Annam và vành đai đá vôi Trung Đông Dương, quần thể di sản này là một trong những khu vực karst đá vôi nguyên vẹn và rộng lớn nhất thế giới, hình thành từ thời kỳ Cổ Sinh (Paleozoic) cách đây khoảng 400 triệu năm – được xem là cổ xưa bậc nhất tại châu Á.

123-1752418390-1752454348.jpg
 Vườn quốc gia Hin Nam Nô, CHDCND Lào. Ảnh: Ryan Deboodt

Trên nền địa chất cổ đại đó là một hệ sinh thái đặc biệt phong phú và đa dạng, với rừng karst khô ở độ cao lớn, rừng ẩm rậm rạp ở độ cao thấp, và hàng trăm km hang động ngầm, sông ngầm kỳ vĩ. Đến nay đã ghi nhận hơn 220 km hang động, trong đó có nhiều hệ thống sông ngầm vẫn chưa được khám phá hết. Đáng chú ý là sự hiện diện của nhiều loài động – thực vật đặc hữu, sinh sống trong môi trường đặc trưng của vùng nhiệt đới karst, góp phần củng cố giá trị toàn cầu của di sản này.

Điểm đặc biệt là di sản này sẽ được quản lý theo hai bản kế hoạch riêng biệt (Kế hoạch quản lý Vườn quốc gia Hin Nam Nô và Kế hoạch chiến lược quản lý Phong Nha - Kẻ Bàng) nhưng có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu và phối hợp hành động thường xuyên giữa các cơ quan.

Phát biểu tại kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết việc UNESCO chính thức công nhận Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên giữa Việt Nam và Lào không chỉ là niềm tự hào, mà còn là một thông điệp mang tầm vóc toàn cầu. Việc ghi danh Di sản thế giới lần này thể hiện rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế thông qua đề cử di sản chung. Đây là minh chứng sống động cho nỗ lực của Việt Nam và Lào trong việc gìn giữ những giá trị thiên nhiên có một không hai, đồng thời góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh – đúng với sứ mệnh của UNESCO. Trên hết, đó là dấu ấn quan trọng trong việc thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc anh em.

hang-son-doong-hang-dong-lon-nhat-the-gioi-1752418440-1752454379.jpg
Hang Sơn Đoòng (Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng). Ảnh Ryan Deboodt

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền – Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Ủy viên thường trực Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Trưởng nhóm chuyên gia Việt Nam tại Ủy ban Di sản thế giới – nhấn mạnh: Việc được ghi danh là Di sản thế giới liên biên giới là một vinh dự lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao về năng lực quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững.

Bà cho biết, trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, xây dựng các phương pháp quản lý cụ thể để ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa di sản. Đồng thời, phải sớm đánh giá sức tải du lịch phù hợp với khả năng chịu đựng của hệ sinh thái, tài nguyên – từ đó đưa ra các giới hạn và hướng phát triển phù hợp trong tổng thể khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô.

l3-1752418486-1752454423.jpg
Cảnh quan Karst, phía đông nam làng Vangmaneur thuộc Vườn Quốc gia Hin Nam Nô, Lào. Ảnh: GIZ ProFEB/Paul Williams

Việc ghi danh “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” vào Danh sách Di sản thế giới không chỉ mang ý nghĩa danh hiệu mà còn mở ra một cơ hội lớn cho hai quốc gia trong việc gìn giữ di sản, phát triển du lịch bền vững, gắn với trách nhiệm quốc tế.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 9 Di sản thế giới, trong đó có 2 Di sản thế giới liên tỉnh là Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng) và Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng), cùng với Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị - Việt Nam) và Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào).

Nguyễn Hoàng Anh
Bạn đang đọc bài viết "Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam Nô: Di sản thiên nhiên xuyên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Lào" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.