Đôi nghệ nhân thăng trầm cùng bài chòi cổ

01/12/2014 14:11

Theo dõi trên

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước, có một đôi vợ chồng suốt mấy chục năm qua vẫn bền bỉ đồng cam cộng khổ cùng nhau gìn giữ tình yêu với bài chòi cổ. Những cột mốc trong cuộc đời cống hiến nghệ thuật của họ cũng gắn liền với những thăng trầm của bài chòi cổ Bình Định.

Đến với bài chòi cổ

Nguyễn Thị Minh Liễu (SN 1966, ở thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) thừa hưởng niềm đam mê và “gien bài chòi” từ bố mẹ đều là những nghệ nhân nổi tiếng. Mẹ của Minh Liễu là nghệ nhân Hồng Lợi, người đứng làm ra làm bầu gánh bài chòi Tân Hòa Ban (thành lập năm 1950, sau này đổi tên là Mỹ An Ban) rất nổi tiếng trước giải phóng.

Năm 10 tuổi, lần đầu tiên Minh Liễu được mẹ cho “lên giàn” thử sức với vai diễn Nghi Xuân trong vở Phạm Công - Cúc Hoa. Thấy con gái bộc lộ được năng khiếu, nghệ nhân Hồng Lợi đã hết lòng truyền dạy để Minh Liễu dần trưởng thành qua nhiều vai diễn. Đến năm 16 tuổi, Minh Liễu đã đủ sức đảm đương những vai đào chính nhờ giọng hát hay, thể hiện tốt cả vai đào văn, đào võ qua những vai diễn như Thoại Khanh, Cúc Hoa, Lưu Kim Đính… được khán giả ưa thích.

Nghệ nhân Minh Liễu hồi tưởng: “Gánh hát bài chòi của mẹ tôi hoạt động rất mạnh trước giải phóng. Lực lượng diễn viên, nhạc công và các bộ phận khác đi theo biểu diễn phải hơn 40 người, cảnh trí đạo cụ biểu diễn phải hai ô tô tải mới chở hết. Đoàn đi diễn hầu như quanh năm không nghỉ, kể cả mùa mưa. địa bàn hoạt động rộng không chỉ tỉnh Bình Định mà còn đến Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa… Hồi đó ít người làm kép hay nên khán giả không mộ, mẹ tôi phải vào các vai kép chính, còn tôi làm đào chính cùng diễn với nhau trong những đêm diễn mà khán giả mua vé vào xem đông nghẹt”.

Sau giải phóng, huyện Tuy Phước đã tạo điều kiện cho nghệ nhân Hồng Lợi lập Đoàn dân ca An Nghĩa Lợi tiếp tục đi lưu diễn khắp nơi.  “Không khí biểu diễn của Đoàn dân ca An Nghĩa Lợi luôn tràn đầy tình cảm mến mộ của khán giả. Vào những dịp Tết, mẹ tôi ngoài nhận hợp đồng các vở diễn, còn đứng ra tổ chức hội đánh bài chòi để phục vụ bà con vui xuân. Tiếp tục đảm nhận các vai chính của Đoàn, tôi được rèn giũa để ngày càng chín hơn trong nghiệp diễn”, nghệ nhân Minh Liễu kể.

Bám trụ trong gian khó

Trải qua gần chục năm hoạt động, Đoàn dân ca An Nghĩa Lợi phải giải tán năm 1985, do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế khiến diễn viên không đủ sống. Dù đã hơn 65 tuổi, nghệ nhân Hồng Lợi vẫn quyết giữ ngọn lửa đam mê với nghề nên cùng chồng con chuyển qua “bài chòi đất” để tiếp tục lặn lội về các thôn, xóm phục vụ bà con. Nghệ nhân Minh Liễu bồi hồi nhớ lại: “Kỷ niệm đầu tiên về thời kì gian khó là lần mẹ bảo đi hát thay thế người khác trong chương trình mà bà đã nhận. Ăn cơm chiều xong, mẹ dẫn tôi đi hoài theo những con đường toàn thấy ruộng là ruộng, khi đến nơi thấy điểm diễn chỉ là một bãi đất trống giữa cánh đồng, có treo hai đèn măng xông thắp sáng. Tôi còn trẻ, đã quen xiêm y lộng lẫy diễn sân khấu bài bản, nên thiệt tình thấy “dị” làm sao đó khi phải diễn ngoài ruộng như vậy, dù vẫn  có đông bà con đến xem”.

Cùng song hành với nghệ nhân Minh Liễu ngay trong những năm tháng gian khó ấy còn có chồng của chị là anh Nguyễn Diêu Trì (SN 1958). Có tinh thần đam mê và năng khiếu văn nghệ, anh Diêu Trì trước đó thường đi xem các buổi diễn của Đoàn An Nghĩa Lợi rồi “thấm” lúc nào không hay. Sau khi nghỉ công việc cơ khí ở một đơn vị nhà nước, anh Trì đã nhờ mẹ vợ và vợ truyền dạy để quyết định theo nghề, cùng chia sẻ những khó khăn trên con đường gìn giữ nghệ thuật bài chòi. Sự gia nhập của anh Diêu Trì càng tăng thêm sự gắn bó tình cảm gia đình cho “nhóm bài chòi đất” gồm vợ chồng nghệ nhân cao tuổi Hồng Lợi, vợ chồng nghệ nhân Minh Liễu và vợ chồng người em trai, chỉ kêu thêm hai nhạc công đàn, trống. Anh Diêu Trì kể: “Mỗi cặp đôi trong gia đình sắm chiếc xe đạp để chở nhau đi diễn, có cột thêm các giỏ lớn phía sau để chở phục trang, đạo cụ đơn giản phù hợp nơi làng quê. Phải tự tìm điểm diễn, nên nhiều khi đi về vùng đó nhưng cả nhà đạp xe một cách vô định, đến thôn nào đặt vấn đề biểu diễn mà được tạo điều kiện, thì ở lại kê tạm bợ dăm tấm ván nơi hiên nhà, treo phông màn đơn sơ diễn cho bà con coi”.

Những chiếc xe đạp của các nghệ nhân bài chòi cứ thế lăn bánh khắp các nẻo đường quê. Biết bao giọt mồ hôi đã nhỏ xuống trên hành trình nhọc nhằn không chỉ đơn thuần là để mưu sinh, mà thực sự là đam mê, tâm huyết muốn gìn giữ nghệ thuật truyền thống của ông cha trao truyền lại. Trên hành trình ấy, những nghệ nhân không đơn độc mà luôn được “tiếp sức” từ tình cảm mến mộ của người dân. Nghệ nhân Minh Liễu xúc động tâm sự: “Chúng tôi diễn nơi làng quê không bán vé, mà để cái thúng nhỏ phía trước để bà con ai thấy hay thì tự bỏ tiền vô cho. Có nơi người dân còn nghèo, cuối buổi một bà cụ đến cầm thúng xem nói sao ít tiền dữ bay, sáng mai đến nhà tao cho gạo ăn. Cũng có điểm mình nhận lời ở lại diễn cả tháng, người dân đem gạo cho trước chứa đầy cả kho. Sau đó mưa lớn quá không diễn nhiều buổi được thì bà con nói cứ đem hết về ăn, bữa sau lên diễn bù lại”.

Tâm huyết với bài chòi

Khi vợ chồng NSƯT Phan Ngạn đi tìm kiếm, tập hợp các nghệ nhân bài chòi giỏi để tham gia Câu lạc bộ bài chòi cổ dân gian Bình Định thành lập năm 1998, vợ chồng nghệ nhân Minh Liễu đã nhiệt tình tham gia. Bà Kim Nam, vợ cố NSƯT Phan Ngạn, cho biết: “Câu lạc bộ bài chòi cổ dân gian được chia làm ba đội, nghệ nhân Diêu Trì được giao làm đội trưởng đội Cánh Tiên có địa bàn biểu diễn chính ở Tuy Phước, An Nhơn. Vợ chồng nghệ nhân Minh Liễu - Diêu Trì là trụ cột trong đội Cánh Tiên đã đi biểu diễn ở khắp nhiều nơi, góp phần khơi dậy niềm đam mê bài chòi trong đông đảo nhân dân”. Sau hơn 5 năm hoạt động mạnh, Câu lạc bộ bài chòi cổ dân gian dần suy yếu, vợ chồng nghệ nhân Minh Liễu phải tham gia biểu diễn ở nhiều đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh để kiếm sống. Tuy nhiên, họ vẫn nhiệt tình tham gia đóng góp cho việc phục hồi và phát huy Hội đánh bài chòi cổ dân gian Bình Định ở tỉnh và huyện Tuy Phước trong những năm qua.

Vào tháng 10.2014, khi Viện Âm nhạc phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức điền dã, ghi tư liệu nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định để phục vụ xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam” đề cử UNESCO công nhận là di sản thế giới, vợ chồng nghệ nhân Minh Liễu được lựa chọn để phỏng vấn, ghi hình. GS.TS Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc và là người chủ trì đợt điền dã, đã nhận xét: “Gặp gỡ nghệ nhân bài chòi dân gian ở nhiều tỉnh, tôi rất ấn tượng về vốn bài chòi cổ mà nghệ nhân Minh Liễu đang nắm giữ. Đặc biệt, khi Minh Liễu kể chị có thể vào vai nhiều nhân vật rất độc đáo”.

Hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật bài chòi, nghệ nhân Minh Liễu đã đạt được nhiều thành tích ở các cuộc thi. Năm 2009, chị là một trong những nghệ nhân bài chòi cổ ở Bình Định được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Hiện nay, Minh Liễu đã được Sở VH-TT&DL chọn đưa vào danh sách làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lần thứ I - năm 2015.

Thăng trầm cũng nhiều, vinh quang đã có, nhưng nghệ nhân Minh Liễu (48 tuổi) vẫn còn mang nặng nỗi niềm với bài chòi cổ. Nghệ nhân tâm sự: “Tôi hiện có thể biểu diễn tốt bài chòi kể, bài chòi lớp, làm hiệu trong hội đánh bài chòi cổ dân gian với rất nhiều câu thai; đồng thời thuộc nhiều trích đoạn và vở diễn bài chòi cổ. Chồng và cũng chính là học trò tiêu biểu của tôi cũng có nhiều khả năng và tâm huyết cống hiến. Chúng tôi đã có tuổi, điều mong muốn bây giờ là có được cơ hội cùng các nghệ nhân khác tham gia truyền dạy các lớp diễn viên bài chòi cổ kế cận, để việc bảo tồn và phát huy bài chòi cổ bền vững hơn”.

Theo Báo Bình Định Online
Bạn đang đọc bài viết "Đôi nghệ nhân thăng trầm cùng bài chòi cổ" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.