Về Đà Sơn nghe kể chuyện miếu Già!

10/09/2021 22:11

Theo dõi trên

Ở rú Già còn có một công trình tâm linh khác đó là miếu Già. Miếu Già, còn có người gọi là Đền Rú Già, nằm ở chân núi Già, là một ngôi miếu cổ, nằm hướng mặt ra sông Lam, trên một gành đá rất đẹp.

mot-lu-huong-da-va-khanh-da-1631284667.jpg
Một lư hương bằng đá và một khánh đá ở trong miếu. Ảnh Hoàng Kiểm 

“Đà Sơn, sơn thượng khách”!

Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết, Đà Sơn còn có tên gọi khác là Rú Già hay Viện Sơn. Sách Nghệ An ký viết: Núi Đà Sơn ở xã Phật Kệ, huyện Nam Đường. Núi thuộc mạch từ Mô Sơn về phía Đông khi chạy xuống đồng bằng thì đột xuất nổi lên cao lớn. Phía Nam gối sông Lam. Dưới núi có chợ Đà, đường thủy, đường bộ nhóm họp, cũng là một nơi khá vui và đẹp. Ngày nay nhân dân gọi là Rú Già, nằm ở Xóm 6 xã Đàn Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Từ xưa đến nay, đầy là một thắng cảnh đẹp. Ngày xưa, trước cảnh đẹp của Đà Sơn, Hiệp trấn Bùi Huy Bích đã viết:

Được ngày nhàn rỗi, rượu đầy nai

Lên núi Đà Sơn, tránh việc ngoài

Bụi rậm nhẹ luồn qua núi tắt

Mù quang, xa ngắm thấy sông dài.

Chợ ngoài rặng trúc nghe mà nhức,

Chim lượn tầng không, ngắm cũng vui.

Bên huyện Thanh Chương, mây mấy lớp,

Ngoài sân lốm đốm ràng hồng soi.

Tiếp đó, nhà thơ Dương Thúc Hạp cũng đã miêu tả cảnh đẹp của Đà Sơn trong cuốn “Nghệ Tĩnh sơn thủy vịnh” như sau:

Đà Sơn

Phật cũng ham thiền nơi cảnh tú

Đã đưa núi đẹp đặt nơi này

Đông xuôi thuận thế non mô dựng

Nam mạn “Lam giang” ngấn nước bày

Buôn bán phô hàng, rừng hoa chợ

Thuyền bè cập núi, bến bờ đây

Hoa chim lưu luyến càn chân khách

Nhân bước sóng chiều thư thái say.

Đà Sơn không chỉ có cảnh quan thơ mộng mà còn nằm ở vị trí quan trọng về mặt quân sự. Với độ cao 120m so với mực nước biển, từ thời Bắc thuộc cho tới kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trên đỉnh Đà Sơn đều xây dựng đài quan sát nhằm bảo vệ vùng Tây Nam của huyện Đô Lương. Thời nhà Lý, Lý Đạo Thành đã về đây thị sát để đóng quân; trong thời kỳ Lê Trung Hưng, núi Đà Sơn là nơi đặt vọng gác của quân nhà Lê - Trịnh. Trong kháng chiến chống Mỹ, bến đò Già là một huyết mạch giao thông quan trọng qua sông Lam, là nơi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.

Trên rú Già ngày xưa có chùa Bụt Đà rất nổi tiếng. Sách Lịch sử Nghệ Tĩnh viết: Ở làng Bụt Đà (trước là xã Phật Kệ, nay là xã Đà Sơn, huyện Đô Lương) xưa kia dưới chân núi Đà có chùa Bụt Đà, trên đỉnh núi lại có am, viện để thờ Phật. Tương truyền các công trình tôn giáo đó là do Thái sư Lý Đạo Thành lập ra để thờ vua Lý Thánh Tông, trong thời gian ông làm Tri châu ở Nghệ An.

Văn bia trùng tu chùa Bụt Đà vào năm Ất Mão do Tiến sỹ Lưu Đình Chất soạn có viết: Thiên Nam từ xưa có chùa Bụt Đà là một danh lam. Phía bên trái có các ngôi tháp đứng thành hàng, phía bên phải có dòng nước uốn khúc. Trước sông là chợ, bên suối là cầu. Đây thật là một cõi Phật vào bậc nhất. Trai bao năm tháng, chùa Bụt Đà đã trở thành ông Phỗng, chỉ còn trơ lại một cái nền thôi ai trông thấy cũng không khỏi ngậm ngùi.

Sách Hoan Châu ký viết: Quảng Phúc Hầu Nguyễn Cảnh Hà cùng vợ là công chúa Trịnh Thị Ngọc Thái sau khi về quê đã chọn ngày lành, tìm gỗ tốt gần đấy, gọi thợ tới trùng tu chùa trên núi Bụt Đà, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền mà kể, sửa chữa cam lộ thượng điện 3 gian, thiên hương 3 gian, tiền đường 7 gian, tả vu 3 gian, am bên phải 3 gian và tam quan có gác 3 gian. Chùa tu sửa xong lại  tạc tượng Phật để thờ.

Đến nay chùa không còn nhưng di tích, rùa đội bia, nền am vẫn còn đó.

da-son-1-1631284336.jpg
Một đại tự cổ treo ở trong miếu có nội dung Nam Thiên Đệ Nhất. Ảnh Hoàng Kiểm

“Đệ nhất trời Nam”

Ở rú Già còn có một công trình tâm linh khác đó là miếu Già. Miếu Già, còn có người gọi là Đền Rú Già, nằm ở chân núi Già, là một ngôi miếu cổ, nằm hướng mặt ra sông Lam, trên một gành đá rất đẹp. Từ địa điểm này phóng tầm mắt có thể nhìn thấy vùng Bạch Đường, xuống có thể thấy toàn cảnh huyện Thanh Chương.

Miếu được xây dựng vào thời nhà Lý (1009 - 1225), có mặt hướng ra dòng sông Lam, đối ngạn bên kia là dãy núi Thiên Nhẫn của huyện Thanh Chương. Miếu thờ Tam Tòa Thánh Mẫu. Tương truyền rằng, vào thời Lý, mẹ của vua Lý Thánh Tông bị ốm nặng, các thầy thuốc trong cung chữa mãi không khỏi, nên vua rất buồn rầu. Một hôm đang trong giấc ngủ, bỗng thấy có một cô gái hiện lên và nói, nếu muốn chữa bệnh thì phải lấy măng tre luộc lên ăn thì sẽ khỏi. Vua tỉnh dậy, liền cho quần thần đi tìm kiếm khắp nơi nhưng đều không có, bởi vì vào mùa này là tiết mùa hè nên tre không ra măng. Lo cho mẹ, vua cũng đích thân đi tìm, tìm mãi không được nên ông bất giác rơi lệ. Kỳ lạ thay, khi giọt nước mắt của ông rơi xuống đúng vào gốc cây tre, cây tre liền nảy ra một búp măng. Vua mừng rỡ lấy về cho mẹ dùng và khỏi bệnh, tưởng nhớ tới công lao của người phụ nữ đã bày cách cho mình nên ông đã cho lập miếu để thờ, và ngôi miếu đó là miếu Già ngày nay.

Cũng có một chuyện khác kể rằng, vào thời kỳ nhà Nguyễn, tri phủ Anh Sơn có con gái bị bệnh nặng, thuốc thang khắp nơi cũng không khỏi. Một hôm có người mách cho ông là ra phủ Giày ở Nam Định để xin chân hương về thờ thì sẽ khỏi bệnh. Tri phủ y lời, đi ra phủ Giày làm lễ rước chân hương về nhà, quả nhiên người con gái khỏi bệnh. Để tỏ lòng, Tri phủ định đem lễ vật đi trả ơn nhưng lại có người nói, chỉ cần cắm chân hương ở chỗ vòi con voi là được. Tri phủ bèn tìm thầy địa lý xem thế đất rồi cắm chân hương ở miếu Già. Từ đó, miếu già thờ Tam tòa thánh mẫu.

Hai câu chuyện đều nhỗm màu liêu trai nhưng đều nêu rõ, vị thần được thờ trong miếu là Tam Tòa Thánh Mẫu. Tuy nhiên có một số tư liệu lại cho rằng, miếu thờ Đức Thánh Thiên Giám. Ở đây là do tục cầu tiên, cầu thánh ở trong miếu mà ra, cũng là tên gọi khác của đức Thánh Mẫu (tức Tam Tòa Thánh Mẫu). Mỗi lần cầu thánh, thánh đều ứng nghiệm để ban thuốc trị bệnh cứu người, vì vậy mới gọi là Đức Thánh trên trời chứng giám. Miếu Già là ngôi miếu linh thiêng, hiện trong miếu còn có bức hoành phi ghi rõ “Nam Thiên Đệ Nhất”, tức là miếu linh thiêng đệ nhất trời Nam.

Sau này, nhân dân còn thờ thêm cả đước Phật Thích Ca và các vị thần bảo hộ khác.

Miếu Già là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân trong vùng, việc làm lễ ở đây rất đông, từ hầu đồng, cầu thánh, cầu tiên… sau này do đông quá mà nhân dân vùng trên (vùng tổng Đô Lương) đã xin rước chân hương về thờ ở Điện Nhà Vi để đi lại cúng tế cho thuận tiện. Vì vậy, hiện nay, ngoài miếu Già, đền Nhà Vi cũng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

Miếu nằm vào vị trí hiểm yếu, nơi có cây cối um tùm, sát dòng sông Lam nên vào năm 1930 là nơi sinh hoạt của Chi bộ Đảng tổng Thuần Trung. Ở đây, Chi bộ Đảng đã từng có nhiều quyết sách quan trọng để lãnh đạo nhân dân tham gia phong trào cách mạng 1930-1931. Ngoài ra, miếu còn là nơi các tổ chức cách mạng quần chúng như Nông hội đỏ, phụ nữ cứu quốc… tổ chức hội họp.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), khu vực miếu Già nói riêng và rú Già nói chung là nơi dân quân luyện tập quân sự. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để tránh bom thả, nhiều người dân đã ra khu vực gần miếu để tránh trú.

Miếu Già được xây dựng vào thời nhà Lý, hiện nay, trong miếu còn có một chiếc khánh đá cổ của thời kỳ đó, một lư hương bằng đá, 3 hòn đá tảng. Đến thời nhà Trần, miếu được mở rộng ra thêm một gian mới để thờ Công chúa Liễu Hạnh.

Đến thời nhà Nguyễn miếu được tu sửa lại, hiện nay trong miếu còn có 2 dòng chữ là Quý Hợi niên tu lý; Mạnh Đông hoàn thành. Nghĩa là tu tạo lại vào năm Quí Hợi (1863), đến tháng 10 cùng năm đó thì hoàn thành. Ngoài ra, trong miếu còn có bức hoành phi ghi “Nam Thiên đệ nhất” nghĩa là linh thiêng nhất trời Nam, lạc khoản có ghi Hoàng Triều Khải Định (do một số chữ bị mờ nên chưa rõ là năm nào, có thể là vào năm 1923).

Sau này, do người đến chiêm bái ngày càng nhiều nên nhân dân tiếp tục mở rộng khuôn viên và xây thêm một am mới. Nhưng trận lụt năm 2019 đã làm cho chân miếu bị sụt lở xuống sông, gây nguy hiểm cho công trình và người dân tới thắp hướng.

Với các giá trị lịch sử, văn hóa đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, lập hồ sơ để đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định xếp hạng đối với di tích và có kế hoạch trùng tu, bảo tồn miếu Già./.

Hoàng Kiểm
Bạn đang đọc bài viết "Về Đà Sơn nghe kể chuyện miếu Già!" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.