Bàn thêm về danh xưng huyện Thanh Chương

10/09/2021 14:23

Theo dõi trên

Danh xưng huyện Thanh Chương đã được nhắc đến trong các văn bản được “xuất bản” từ trước năm 1729. Cụ thể là khắc vào bia đá vào năm 1726 và 1653; được viết vào sách năm 1719; được ghi trên sắc phong năm 1670...

dao-che-25233636-1631260671.gif
Đảo chè huyện Thanh Chương.

1. Những tên gọi của huyện Thanh Chương qua các thời kỳ

Trong thời kỳ Bắc thuộc, “vùng đất huyện Thanh Chương ngày nay có các tên gọi là Hàm Hoan và Cửu Đức”. Đến thời thuộc Minh (1407 - 1427) gọi là Thổ Du. Còn các tên gọi Thanh Giang, Thanh Nhai và Thanh Chương có từ thời Lê đến nay. 

Trong đó, tên gọi Thanh Giang theo Bùi Dương Lịch viết trong Nghệ An ký “có từ đầu thời Lê Sơ” (tức giai đoạn 1427 - 1527). Còn cuốn Hoan Châu ký, tiết thứ 2 có tiêu đề “Hoằng Hưu tị loạn độ Thanh Giang; An Thanh khởi binh lập đế trụ”. (Tức là: Hoằng Hưu tránh loạn qua Thanh Giang; An Thanh dẫy binh dựng ngôi đế). Việc Hoàng Hưu sang Thanh Giang đóng quân được viết vào giai đoạn khi Mạc Đặng Dung cướp ngôi nhà Lê, nên bốn phương loạn lạc, Hoằng Hưu tử Nguyễn Huy (Nguyễn Cảnh Huy) đã tập hợp dân binh đánh tan bọn cướp trong vùng là bọn Thằng Bật, Mỹ Tích, Hạc Lâm, Bá Cao (vào khoảng năm 1527), “đến cuối năm đó thì sang trang Tảo Nha, thuộc xã Trung Lâm” đóng quân. Dấu tích này vẫn còn ở xã Thanh Thịnh ngày nay, ở đó có Phủ Thanh Nha, là nơi thờ Nguyễn Cảnh Huy.

Còn tên Thanh Nhai theo gia phả họ Nguyên Tiến ở xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương lập vào cuối thế kỷ XIX có ghi: Đời Lê Thánh Tông, Hồng Đức: “Cải Thanh Nhai sách vi Thanh Chương huyện, Thổ Du động vi Thổ Hào tổng”. Nghĩa là cải sách Thanh Nhai thành Thanh Chương huyện; động Thổ Du thành tổng Thổ Du. Theo ông Bùi Văn Chất, “từ Nhai và Giang đều có bộ Thủy, một bên là chỉ con sông, một bên chỉ bờ sông. Theo đó hai địa danh này có thể hiểu là một”. 

Còn về tên Thanh Chương, là tên gọi cuối được dùng cho đến ngày nay. 

thanh-chuong-346346346-1631258160.gif
Hội thảo khoa học danh xưng Thanh Chương. Ảnh: NTV

2. Tên huyện Thanh Chương đã được nghiên cứu

Ngày 27/10/2020 tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, đã diễn ra Hội thảo khoa học Danh xưng Thanh Cương - Những cứ liệu lịch sử do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn tỉnh Nghệ An (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An) phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam và Huyện ủy Thanh Chương tổ chức.

Tại hội thảo đã có 6 tài liệu được công bố. “Trong 6 bản báo cáo được tập hợp, bản đầu tiên của Tiến sỹ Nguyễn Thị Lệ Hà Vài nét về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của huyện Thanh Chương dưới thời Pháp thuộc không đề cập thời điểm xuất hiện danh xưng Thanh Chương. Có 3 bản báo cáo chọn mốc ra đời danh xưng Thanh Chương là năm 1435 theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Báo cáo số 6 Danh xưng Thanh Chương có tự bao giờ của 2 tác giả Bùi Văn Chất, Trần Kim Đôn chọn mốc ra đời của Danh xưng Thanh Chương là năm Kỷ Sửu 1469, năm vua Lê Thánh Tông định bản đồ các phủ, châu, huyện, xã… thuộc 12 thừa tuyên trong nước. Bản báo cáo số 3 của Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm): Danh xưng Thanh Chương qua ghi chép của các thư tịch cổ. Sau khi khảo cứu nhiều tài liệu, tác giả kết luận danh xưng Thanh Chương có khoảng ngay sau năm 1435, khi Nguyễn Trãi viết xong Dư địa chí, tức sớm nhất là năm 1436, muộn nhất là năm 1442, khi Lê Thái Tông còn tại vị”.

Kết thúc hội nghị vẫn chưa có sự thống nhất danh xưng Thanh Chương có từ lúc nào. Một trong những lý do mà hội nghị chưa thống nhất được đó là các tài liệu gốc của các tài liệu dẫn cứ đều được xuất bản sau năm 1729, vì vậy có thể người đời sau khi dịch các văn bản này mới chú thích địa danh Thanh Chương vào. Đây cũng là điều mà giảng viên Hồ Sỹ Hùy ở tùng dạy ở khoa Lịch sử trường Đại học Vinh đã phản biện trong một bài viết rất công phu (xem bài Về danh xưng Thanh Chương). 

sac-phong-24363677-1631260710.gif
Sắc phong cho ông Trần Văn Xạ có niên hiệu từ năm 1660 đã có tên gọi huyện Thanh Chương (tư liệu của anh Trần Mạnh Cương lưu giữ).

3. Tên gọi huyện Thanh Chương trong một số tài liệu được “xuất bản” trước năm 1729

3.1. Văn bia đề danh Tiến sỹ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Quang Hưng thứ XV (1592).

Văn bia này có tên là Quang Hưng thập ngũ niên, Nhâm Thìn khoa, Tiến sỹ đề danh ký. Nội dung của văn bia ngoài việc ca tụng công lao của các bậc Vua, Chúa, vai trò của các hiền tài trong sự phát triển của đất nước, còn ghi các vị đậu Đệ nhất và Đệ nhị giáp đồng xuất thân Tiến sỹ. Văn bia ghi 17 người đậu, trong đó có 1 Đệ nhất giáp là Hà Tông Huân, người xã Kim Thành, huyện An Định - Tứ Thừa và 16 Đệ nhị giáp đồng xuất thân Tiến sỹ. Trong đó, hàng thứ 10 có ghi Phạm Kinh Vỹ, xã Thổ Hào, huyện Thanh Chương - Giám sinh. Văn bia do các ông Phạm Đăng Trù, Trung thư giám tiến công thứ lang huyện thừa huyện, Tứ Kỳ vâng sắc viết. Ông Nguyễn Đình Huy, Kim Quang môn đãi chiếu, Cần sự lang, Quang hiển điển tự thừa, hiệu Tường Nam vâng sắc viết chữ triện. Văn bia này được lập vào ngày 18 tháng 8 năm Bảo Thái thứ 7, tức năm 1726. 

3.2. Văn bia đề tên Tiến sỹ khoa Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình năm thứ 6 (1554).

Văn bia này ngoài các nội dung ca ngợi công nghiệp của các Vua Chúa đời trước, còn nêu rõ lý do tại sao lại tổ chức kỳ Chế khoa này “Thực nhờ thế tổ Minh Khang thái vương giúp đỡ tán thành, chí những anh hùng, mưu lo khôi phục. Bấy giờ những dũng tướng nanh vuốt bôn xu nơi tên đạn thì nhiều mà người mưu thần tâm phúc, suy tính ở trong duy ác thì ít. Năm Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình năm thứ 6, Vua mới đặt ra Chế khoa, thân ra đề bài hỏi về đường lối trị dân trị nước của dời xưa đời nay”. Ngoài ra, văn bia còn đề tên 5 người đỗ Đệ nhất giáp chế khoa và 8 người đỗ Đệ nhị giáp Đồng chế khoa. Trong đó phần Đệ nhị giáp đồng chế xuất thân, dòng thứ nhất có ghi: Chu Quang Trứ, xã Nam Hoa Thượng, huyện Thanh Chương. Văn bia do các ông Dương Trí Trạch, Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị giảng, tham chưởng Hàn lâm viện sự, Bạt quận công, Thượng trụ quốc vâng sắc sửa. Ông Nguyễn Đăng Cảo, Hàn lâm viện Đãi chế, vâng sắc soạn. Ông Đỗ Soạn, Trung thư giám hoa văn học sinh, xã Thái lạc, huyện Văn Giang vâng sắc viết. Ông Đỗ Công Vị, Trung thư giám hoa văn học sinh, phường Thịnh Quang, huyện Quảng Đức vâng sắc viết triện. Văn bia này được lập vào ngày 16 tháng 11 năm đầu niên hiệu Thịnh Đức, tức năm 1653. 

3.3. Sắc phong của vua Lê cho đền Thống Chinh thờ Tống Tất Thắng tại huyện Nam Đàn.

Tống Tất Thắng vốn quê ở xã Nam Hoa Thượng, huyện Thanh Chương, nay là xã Trung Cần huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. “Ông sinh năm 1487, năm lên 13 tuổi mồ côi cha, nhưng mẹ vẫn cố gắng nuôi con ăn học. Năm 1505, ông thi đậu Tiến sỹ khoa Ất Sửu dưới triều vua Lê Uy Mục, được phong chức Thống Chinh nguyên súy bình Man, trước khi lên đường vinh quy bái tổ. Sau đó, ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như Lại bộ Thượng thư, Đông các Đại học sỹ và được phong tước Nghĩa quận công”.

Sinh thời ông là người tính tình cương trực, thông minh, văn võ song toàn, là một trong những người có công đánh giặc Ai Lao, Chiêm Thành, Bồn Man quấy nhiễu ở biên thùy. Trong một lần giặc Bồn Man quấy nhiếu vùng biên viễn ở miền Tây xứ Nghệ, ông được triều đình cử làm tướng đi đánh. Sau khi thắng trận trở về thì ông lâm bệnh và qua đời. Ông được triều đình cho về mai táng ở quê và cử người coi sóc chu đáo. Với công lao của ông, thời vua Lê Trang Tông đã có chỉ lập đền thờ ông, gọi là đền Thống Chinh, hàng năm tổ chức tế lễ vào rằm tháng 2 âm lịch (đến nay nhân dân xã Nam Trung vẫn tổ chức lễ rằm tháng 2). Các triều đại phong kiến từ thời Lê Trung Hưng đến triều Tây Sơn, triều Nguyễn đều phong sắc cho ông. 

Hiện tại, ở “nhà thờ họ Nguyễn Hữu ở xã Nam Tân (nay là xã Thượng Tân Lộc - TG) còn lưu giữ được 19 đạo sắc phong của các triều đại ban cho ông. Trong đó có một sắc phong cổ có niên hiệu là: Cảnh Trị bát niên tứ nguyệt thập bát nhật, tức là ngày 18 tháng 4 năm 1670”.

3.4. Cuốn Trịnh - Nguyễn diễn chí, do Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm, viết năm 1719. 

Tác phẩm này kể về cuộc chiến tranh giữa Trịnh - Nguyễn bắt đầu từ năm 1558 đến năm 1672. Trong đó, có 7 cuộc chiến lớn, lần thứ nhất là vào tháng 3 năm 1627, quân Lê - Trịnh khởi 20 vạn quân thủy bộ tấn công vào lũy tuyến quân chúa Nguyễn; lần thứ 2 là vào năm 1633, quân Lê – Trịnh lại tấn công vào Nam nhưng không thành, rút quân về; lần thứ 3 vào năm 1643, quân Lê - Trịnh lại đánh vào nam thu lại vùng Bố Chính; lần thứ 4 vào là năm 1648, chúa Trịnh Tráng sai Lê Văn Hiểu khởi binh nam tiến, nhưng quân Nguyễn cố thủ ở lũy Trường Dục nên quân Lê - Trịnh không đánh được phải rút quân về; lần thứ 5 là vào năm 1655 đến 1660, quân chúa Nguyễn chủ động tấn công ra Bắc, trong vòng 5 năm đã chiếm được 7 huyện ở phía Nam sông Lam nhưng sau đó không vượt qua được sông Lam nên đành rút quân về; lần thứ 6 là vào năm 1661-1662, tháng 10/1661, quân Trịnh cử binh đánh quân Nguyễn, nhưng không thắng, đến tháng 3/1662 thì rút quân về; lần thứ 7 là vào năm 1672, chúa Trịnh cử Trịnh Căn nam chinh, quân Bắc tấn đến lũy Trấn Ninh, đánh mãi không thắng nên cuối cùng rút binh, hai bên lấy sông Giang làm giới tuyến.

Lần quân Nam tiến ra Bắc trong 5 năm từ 1655 - 1660, quân Nguyễn đã chiếm được 7 huyện phía Nam sông Lam, trong đó có huyện Thanh Chương. Để tiến quân ra Trung Đô (ý chỉ Thăng Long - TG), Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đã được tướng Chu Hữu Tài dâng Địch sách khu cơ tam điều, (nghĩa là 3 điều then chốt để phá địch). Chu Hữu Tài vốn là một người ở xã Bạch Trì, huyện Thạch Hà, từng làm quan cho triều Lê - Trịnh đến tước Đoán Hiển bá giữ chức Chưởng tư nghiệp Tư thiên giám. Khi quân Nguyễn tấn công ra Bắc đã theo về. Ông đã dâng Địch sách khu cơ tam điều, có đoạn viết: “Địa lợi đó là nói về sự kiên cố do thành cao hào sâu, địa thế hiểm trở. Xem trên bản đồ địa dư thì xứ Nghệ An long mạch khởi từ Quỳ Châu đổ xuống, chuyển vào đến châu Bố Chính rồi lại chuyển ra miền Kỳ Hoa, Thạch Hà, đến huyện Thiên Lộc vượt khởi lên thành dãy Hồng Lĩnh, làm thành một thế đất chung đúc vượng khí, đúng là nơi định cục của bậc đế vương mới đấy. Về đường thủy thì có thể thông với hai cửa biển cổ họng, đường bộ có thể chứa được đội quân mười vạn người ngựa. Xin cho quân ra đóng dinh tại đó làm thành thế trận “trường xà” (con rắn dài), lấy La Sơn làm tả giác (góc bên trái), lấy Nghi Xuân làm hữu giác (góc bên phải), lấy đồn Khu Độc làm tiên phong, dàn thành thế trận đóng giữ, chờ cho quân địch tự tan rã. Lại thấy ở miền Hương Sơn long mạch như tám đầu rồng chầu về cung Tử vi, thanh long thì phục ở nơi Thiên Nhẫn, bạch hổ liền với bờ sông. Như thế là Thất diện, Tam tinh, Long thủy đều giao hội ở minh đường, lấy Hồng Lĩnh chín mươi chín ngọn cao làm án ngự, trấn giữ phía ngoài cho thế đất đẹp dấy nghiệp đế vương. Khi dùng võ, nói về quân bộ thì thành lũy vững chắc thóc lúa dồi dào, nói về quân thủy thì đường sông tiện lợi. Đem đại quân đến chiếm vùng này, chia đóng các nơi theo bản đồ bát trận làm thành thế nương dựa lẫn nhau: Phía bắc đổi diện với địch ở cửa Khảm, lấy huyện Thanh Chương làm tả kỳ binh. Ở cửa Kiền lấy huyện La Sơn làm làm kỳ binh. Ở cửa Cấn, tả cơ tiếp ứng phía Tây Nam. Năm nay, là năm hợp của Tuế tinh nên xuất quân tiến đánh. Hữu cơ ở phía Đông Bắc, năm nay là năm xung, chỉ nên cố thủ cho vững chắc, hoặc tùy nghi vừa đánh vừa giữ, ví như các trường xà, bị đánh ở dầu thì đuôi tiếp ứng, đánh ở đuôi thì đầu tiếp ứng, đánh ở giữa thì cả đuôi và đầu đều tiếp ứng. Quân giặc đóng ở bên tả thì bên hữu đánh, đóng ở bên hữu thì bên tả đánh, đóng ở đầu thì tả hữu cùng đánh. Như thế không đầy năm, quân giặc phải tan rã. Đó là điều quan yếu của phép Hành quân, then chốt của kế sách mở nước. Đối với miền đất tốt phải tranh lấy thì không thể để lỡ thời cơ”.

Như vậy, qua các dẫn cứ ở trên, danh xưng huyện Thanh Chương đã được nhắc đến trong các văn bản được “xuất bản” từ trước năm 1729. Cụ thể là khắc vào bia đá vào năm 1726 và 1653; được viết vào sách năm 1719; được ghi trên sắc phong năm 1670. Trong đó, tác phẩm được “xuất bản” sớm nhất là vào năm 1653, điều này cho thấy danh xưng huyện Thanh Chương phải xuất hiện trước thời điểm này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc danh xưng huyện Thanh Chương có vào thời điểm 1729 theo cuốn Thanh Chương huyện chí của Nguyễn Điển biên soạn là không đúng.

4. Thời điểm xuất hiện danh xưng huyện Thanh Chương

Trong các tài liệu nêu trên, tên huyện Thanh Chương đã rõ, đề cấp sớm nhất là ở văn bia đề Tiến sỹ khoa Giáp Dần niên hiệu Thuận Bình năm thứ 6, được lập (đồng nghĩa với việc “xuất bản”) vào ngày 16 tháng 11 năm đầu niên hiệu Thịnh Đức, tức năm 1653. 

Văn bia đề cập đến một người con huyện Thanh Chương là Chu Quang Trứ. Theo tư liệu của dòng họ Chu ở xã Thanh Lương huyện Thanh Chương cho biết: Tiến sĩ Bút xuyên Hầu Chu Quang Trứ sinh năm Canh Dần (1530), đậu Tiến sĩ đệ nhị giáp đồng Chế khoa năm 25 tuổi, làm quan đến chức Hộ bộ tả thị lang, kiêm Giám sát ngự sử và được phong là Bút xuyên hầu. 

Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: Giáp Dần, (Thuận Bình) năm thứ 6 (1554). Mở chế khoa, chọn kẻ sĩ. Cho bọn Đinh Bạt Tuy 5 người đỗ đệ nhất giáp chế khoa xuất thân; bọn Chu Quang Trứ 8 người đỗ đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân. 

Cuốn Khâm định Việt sử thông giám Cương mục có ghi: Giáp Dần, năm thứ 6 (1554). Bắt đầu mở chế khoa. Ban cho bọn Đinh Bạt Tụy 5 người được đỗ đệ nhất giáp chế khoa xuất thân, bọn Chu Quang Trứ 8 người được đỗ đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân. Đinh Bạt Tụy: Người Bùi Khổng, huyện Hưng Nguyên. Chu Quang Trứ: Người Nam Hoa thượng, huyện Thanh Chương. 

Vậy nếu theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục đã chép thì từ năm 1554, tên gọi huyện Thanh Chương đã có. 

Lại xét sách Hoan Châu ký ghi thời điểm Hoằng Hưu tử Nguyễn Huy sang Thanh Giang vào khoảng năm 1528. 

Vậy việc thay đổi tên gọi từ huyện Thanh Giang thành huyện Thanh Chương sẽ xẩy ra trong khoảng từ 1528 đến 1554.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Khoa Chiêm, Trịnh – Nguyễn diễn chí, nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, HN, 1990.
2. Báo Nghệ An, Chiêm ngưỡng bộ đồ cổ “độc nhất vô nhị”, ngày 13/2/2017.
3. Báo Nghệ An, Nghĩa Quận Công Tống Tất Thắng, ngày 1/1/2013.
4. Đào Tam Tỉnh, Khoa bảng Nghệ An (1075-1919), Sở VHTT, Vinh, 2000.
5. Nghệ An ký, Bùi Dương Lịch, nxb KHXH, HN, 2004.
6. Nguyễn Cảnh thị, Hoan Châu ký, nxb Thế Giới, 2014.
7. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thanh Chương, Thanh Chương xưa và nay, nxb KHXH, 2010.
8. Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930-2010), nxb KHXH, HN, 2010.
9. Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên, Phan Phu Tiên…, Đại Việt sử ký toàn thư, nxb KHXH, 1992.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, nxb Giáo dục, HN, 1998.
11. Hồ Sỹ Hùy (nguyên Giảng viên khoa Lịch sử trường Đại học Vinh), về danh xưng Thanh Chương (bản đánh máy).

Hoàng Kiểm
Bạn đang đọc bài viết "Bàn thêm về danh xưng huyện Thanh Chương" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.