Đền Bắc Phương - Ngôi đền linh thiêng ở xứ Nghệ

20/09/2021 16:52

Theo dõi trên

Đức Thánh Bắc Phương là vị thần linh thiêng, có công lớn trong việc phù hộ nhân dân yên ổn làm ăn và rất linh ứng nên được triều đình nhà Nguyễn sắc phong mỹ tự là Dực Bảo Trung Hưng tôn thần.

81b2af3350a6a6f8ffb7-1632126226.jpg
Các vị cao niên thắp hương tại đền. Ảnh: Hoàng Kiểm

Ngôi đền cổ linh thiêng gần 150 năm tuổi

Đền Bắc Phương thuộc làng Yên Khánh, tổng Thổ Hào ngày xưa, nay là xóm 1 xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đền nằm ở vị trí đắc địa, phía trước là sông, phía sau là núi, phong cảnh hữu tình.

Đền được xây dựng và hoàn thành vào năm Giáp Tuất. Hiện trong đền vẫn còn lạc khoảng ghi rõ: "Giáp Tuất niên tạo tác/ Quý thu nguyệt hoàn công". Nghĩa là xây dựng vào năm Giáp Tuất (1874) và hoàn thành vào tháng 9 năm đó. Tính đến nay, đền đã có gần 150 năm tuổi.

Đền thờ vị thần là Đức Thành Bắc Phương. Hiệu bụt của ngài là: Bản Xứ Bắc Phương, Thống Lĩnh Gia Phong Trấn Quốc, Phù Tác Yên Dân, Hiến Hậu Đức Đại Vương, Gia Tặng Linh Trấn Tôn Thần, Tái Mông, Tái Tặng Dực Bảo Trung Hưng Chư Tôn Mỹ Tự Tối Thần Vị Tiền.

Sở dĩ có tên gọi là Bắc Phương, bởi đền nằm ở phía phương Bắc của làng. Theo quan niệm của người xưa, trong một làng thường sẽ có các ngôi miếu, hoặc đền được lập ở 4 hướng là Đông Tây Nam Bắc để trấn trạch, bảo vệ nhân dân trong làng. Đền Bắc Phương, tức là ngôi đền trấn giữ phương Bắc, do vị thần phương này cai quản. Hiện nay ở chính giữa ngôi đền có một hòn đá to, phần nổi lên bằng phẳng, nhẵn bóng. Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết đây chính là đại diện cho phương Bắc, là vị thần chủ của đền.

Đức Thánh Bắc Phương là vị thần linh thiêng, có công lớn trong việc phù hộ nhân dân yên ổn làm ăn và rất linh ứng nên được triều đình nhà Nguyễn sắc phong mỹ tự là Dực Bảo Trung Hưng tôn thần.

0d5749ffe40612584b17-1632123376.jpg

Từ khi đền được xây dựng đền cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân trong làng đều cử người (ông Từ) trông coi đền, thắp hương khói hàng ngày. Ngày lễ chính của đền là vào ngày mồng 1 đầu năm mới. Vào ngày này dân làng tổ chức tế lễ rất lớn, có lễ rước sắc đi vòng quang làng, sau đó mọi người cùng vào thắp hương, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình yên ấm, làm ăn phát lộc, phát tài trong năm mới. Ngoài ra, vào các ngày 14, ngày rằm hay ngày 30, mồng 1 hàng tháng nhân dân trong và ngoài làng đến thắp hương rất đông. Đức Thánh Bắc Phương rất linh thiêng, nổi tiếng là cầu chi tất ứng vì vậy trong đền có một biển đại tự rất lớn ghi dòng chữ: "Thượng Đẳng Tối Linh", nghĩa là rất mực linh thiêng.

b9b6d54627d3d18d88c2-1632126226.jpg
Những nét chạm khắc rất tinh vi tại đền. Ảnh Hoàng Kiểm

Ngoài ra, các câu đối được ghi ở đền cũng đã nói lên công lao, hành trạng, sự linh thiêng của thần như:

Câu 1: Thiên Thu Dực Bảo Linh Quang Hiển/ Lịch Đại Bao Phong Khánh Tứ Trường.

Nghĩa là: Nghìn thu giúp đỡ đấng thần linh sáng mãi/ Sự tích Thần linh sẽ trải qua nhiều thời đại.

Câu 2: Công tham hóa dục phù thiên địa/Thần trứ huân cao cấu cổ kim.

Nghĩa là: Công lao của thần linh là giúp cả trời đất/Thân thế sự nghiệp để lại đời trước đến nay.

Câu 3: Vật tượng hữu linh năng ủng hộ/Bất tùy ba lạng khứ phù trầm.

Dịch nghĩa: Phật tượng có linh thiêng hãy giúp đỡ/Không vì sóng gió mà lúc nổi lúc chìm.

Độc đáo một ngôi đền có 2 kiểu kiến trúc

Về kiến trúc, đền được làm bằng gỗ, lợp ngói vảy, xung quanh được xây bằng vôi vữa. Trước đây trong đền có đầy đủ đồ tế khí, kiệu, tán, lọng, kiếm, hạc, quy, cờ… Do trải qua chiến tranh, thiên tai nên các đồ tế khí bị mất mát và hư hỏng nhiều. Hiện trong đền còn lưu giữ 2 đồng tiền cổ có niên hiệu Nguyên Phong thông bảo, từ đời Vua Trần Thái Tông, (niên hiệu Nguyên Phong (1251 - 1258)), tính đến nay đã gần 800 năm. Điều đặc biệt là phần mộc của ngôi đền có hai kiểu chạm trổ khác nhau, một bên rất tinh vi còn một bên lại mộc mạc.

Chuyện kể rằng, khi làng chuẩn bị xây đền có mời các tổ thợ mộc giỏi trong vùng đến để đấu thầu. Khi sắp làm xong, vào một đêm mưa gió có một người tới trú và vô tình làm cháy mất một nửa gian nhà. Thấy vậy, dân làng bắt đền. Người này cho rằng, làm như cũ không có gì là giỏi, nếu muốn đẹp hơn, kiếm gỗ mới về đây sẽ làm lại, nếu không hơn cái cũ sẽ chịu phạt nặng hơn. Dân làng thấy thế bèn kiếm thêm gỗ, người này làm thoăn thoắt, chạm trổ tinh vi, lại còn chạm khắc các bài thơ cổ, hình Hà Đồ, Lạc Thư vào gỗ, nhìn rất sinh động. Đến ngày hoàn thành, dân làng ai cũng trầm trồ thán phục. Vì câu chuyện này mà đến nay, đền có 2 phần mộc khác nhau rõ ràng.

5e0eda686e9198cfc180-1632123421.jpg
Một tấm biển ghi các vị chức sắc của tổng Thồ Hào ngày xưa còn lưu giữ ở đền. Ảnh Hoàng Kiểm 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đền đã có thời gian bị bỏ không, không ai trông coi, lại bị ngập lụt nhiều lần nên hư hỏng khá nhiều. Trước tình cảnh đó, nhân dân trong vùng đã có ý tưởng khôi phục lại đền.

Ông Nguyễn Văn Bảo, một người dân trong xóm cho biết: Vào đầu xuân năm 2003, nhân dân bắt đầu có ý tưởng khôi phục lại đền. Sau đó, bằng tấm lòng hảo tâm của anh em, con cháu trong và ngoài xóm đã đóng góp công sức, tiền của để khôi phục lại đền, làm nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân trong vùng.

de9c83377ba28dfcd4b3-1632126227.jpg

Cây đa tự nhiên lên hình dáng của con Tuần Lộc ở trong khuôn viên đền. Ảnh: Hoàng Kiểm

Ông Phan Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng cho biết thêm, chính quyền cũng rất quan tâm đến công trình văn hóa tâm linh này. Xã đã từng khảo sát, lập danh sách đề nghị các cấp có thẩm quyền về nghiên cứu, xếp hạng di tích. Trong thời gian tới, xã sẽ đồng hành với nhân dân trong xóm tiếp tục khôi phục lại đền và tìm hiểu các tư liệu liên quan tới di tích này. "Hiện trong đền còn nhiều lưu giữ nhiều tư liệu rất quý, trong đó có 4 tấm biển son thếp vàng, viết bằng chữ nho rất đẹp. Đây là những tấm biển ghi danh các vị chức sắc, đỗ đạt tại tổng Thổ Hào ngày xưa", ông Dũng nói.

Thiết nghĩ, đây là một ngôi đền cổ linh thiêng, còn lữu giữ nhiều nét kiến trúc tinh xảo và các tư liệu quý của tổng Thổ Hào xưa, nên cần được các cơ quan có chức năng về nghiên cứu và xếp hàng di tích này./.

Hoàng Kiểm
Bạn đang đọc bài viết "Đền Bắc Phương - Ngôi đền linh thiêng ở xứ Nghệ" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.