Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện): Mạch nguồn văn hóa miền biển (Kỳ cuối)

08/08/2022 16:27

Theo dõi trên

Tạm xa Đền Thiện, tôi trở về với nhịp sống vốn dĩ đã thăm thẳm. Loang lổ sau ráng chiều, Tuần Thiện Đàn khuất dần dưới những mái ngói đỏ tươi. Với hết thảy những dáng hình lênh đênh trên biển, neo bám bãi bồi hay mời chào nơi “bến cá” vào rạng đông, Đền Thiện mãi là mạch nguồn văn hóa - văn hóa miền sông nước.

Kiến trúc Tuần Thiện Đàn 

Trung điện

Trung điện được xây dựng từ cuối thời Nguyễn, đã được trùng tu nhiều lần. Trung điện có kiến trúc gồm ba gian hai vì, hai đầu xây tường gác đốc, diện tích 33,525m2. Mặt trước Trung điện để thông với Hạ điện. Mặt sau, gian giữa để thông với Thượng điện, hai gian trái phải xây tường.

Trung điện có ba mái (phía trước có hai tầng mái, ngăn cách giữa hai tầng mái là phần cổ diêm; phía sau một mái), mái lợp ngói âm dương, rải rui bản, trên bờ giải, bờ nóc xây gạch chỉ phủ áo vữa, chính giữa bờ nóc và hai đầu kìm đắp hoa văn hình dây leo. 

z3544935670293-e8ad57dffa1811d8209bc7327226636e-1659892789.jpg
Tuần Thiện Đàn còn là nơi gửi gắm những ước mơ và khát vọng về một cuộc sống ấm no đầy đủ, công bằng xã hội. Ảnh: Nguyễn Diệu

Trung điện có 2 bộ vì kết cấu kiểu thượng giao nguyên hạ kẻ. Vì nóc: Hai thanh kẻ giao nhau ở đỉnh để đỡ thượng lương qua đấu hình thuyền. Kẻ chạy xuống ăn mộng qua đầu cột cái, trên thân kẻ đỡ lấy hoành. Hai cột cái được nối với nhau bởi câu đầu. Song song với câu đầu là quá giang ăn mộng vào cột cái tạo sự liên kết vững chắc cho bộ khung. Vì nách kết cấu kiểu kẻ liền bẩy. Đầu trên của kẻ ăn mộng vào thân cột cái, đầu dưới vươn ra ăn mộng qua đầu cột hiên, phần đuôi dài ra tạo thành một đoạn bẩy ngắn để đỡ tàu mái.

Nâng đỡ toàn bộ hệ thống mái và các kết cấu khác của Trung điện là hệ thống cột bằng gỗ lim, 4 cột, 2 cột hiên. Các cột được kê trên các chân tảng đá vuông (cao 0,05m, cạnh 0,27m x 0,27m). Các cấu kiện gỗ chủ yếu được bào trơn đóng bén, không trang trí hoa văn.

Thượng điện 

Thượng điện được xây dựng từ cuối thời Nguyễn, gồm 02 gian thờ dọc, diện tích 22,523m2. Mặt sau và hai bên Thượng điện xây tường. Mặt trước trổ ba cửa. Cửa giữa rộng 1,06m, gồm hai cánh cửa kiểu thượng song hạ bản. Cánh cửa thường xuyên đóng. Hai cửa nách rộng 0,65m, mỗi bên một cánh cửa, đây là lối ra vào Thượng điện.   

z3544935677825-283d58f26dd2a866fed203e6004064e9-1659892903.jpg
Đây là nơi giữ gìn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các làng cổ trong khu vực, đồng thời đây cũng là một di tích mang tính giao thoa về tư tưởng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Mái Thượng điện lợp ngói âm dương, rải rui bản, trên bờ giải, bờ nóc xây gạch chỉ phủ áo vữa, chính giữa bờ nóc và hai đầu kìm đắp hoa văn hình dây leo.

Thượng điện có 2 bộ vì kết cấu kiểu thượng ván mê hạ kẻ chuyền. Vì nóc: Trên cùng là tấm ván mê hình tam giác cân, đỉnh ván mê đỡ thượng lương qua đấu hình thuyền. Hai cạnh bên của tam giác có khoét các ổ đỡ hoành. Cạnh đáy của ván mê tỳ lực lên câu đầu. Câu đầu ăn mộng vào hai đầu cột trốn. Cột trốn đứng chân lên quá giang. Quá giang ăn mộng vào đầu cột quân. Vì nách: đầu trên của kẻ ăn mộng vào đầu cột trốn rồi vươn ra theo chiều ngược lại để ăn mộng vào quá giang. Đầu trên của bẩy hiên ăn mộng và đầu cột quân, đầu dưới gác tường. Trên thân kẻ và bẩy có đội ván nong để đỡ hoành.   

Nâng đỡ toàn bộ hệ thống mái và các kết cấu khác của Thượng điện là hệ thống cột bằng gỗ lim, 6 cột quân, 6 cột trốn. Các cột được kê trên các chân tảng đá vuông (cao 0,22m, cạnh 0,28m x 0,28m). Các cấu kiện gỗ chủ yếu được bào trơn đóng bén, không trang trí hoa văn. 

Những giá trị sống

Trải qua hơn một thế kỷ, Tuần Thiện Đàn luôn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh hướng thiện của người dân Tiên Lý xưa và Diễn Ngọc nay cũng như cả vùng nói chung. Mỗi người về đây như gạt bỏ được những điều bất thiện và hướng lương tâm đến những điều thiện, điều lành. Sự thành kính đối với các bậc tiền nhân thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Tất cả những lời Thánh huấn, những bài thơ giáng bút, những bài Kinh Thánh đều hướng con người đến “chân thiện mỹ”.     

z3544935666740-af97f2214590ec33481c569731f68bda-1659893002.jpg
Tuần Thiện Đàn là nơi hội tụ của tín ngưỡng dân gian, Đạo Giáo, Phật Giáo, tư tưởng Nho gia, tư tưởng cách mạng tiến bộ. Ảnh: Nguyễn Diệu

Tuần Thiện Đàn còn là nơi gửi gắm những ước mơ và khát vọng về một cuộc sống ấm no đầy đủ, công bằng xã hội. Mỗi người về đây đều mang trong mình những mong ước khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở một điểm là lòng thành kính tri ân và hướng thiện.      

Đây là nơi giữ gìn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các làng cổ trong khu vực, đồng thời đây cũng là một di tích mang tính giao thoa về tư tưởng. Các đàn thiện nói chung và Tuần Thiện Đàn nói riêng là nơi hội tụ của tín ngưỡng dân gian, Đạo Giáo, Phật Giáo, tư tưởng Nho gia, tư tưởng cách mạng tiến bộ. Các bài kinh thánh vừa có triết lý đạo đức truyền thống của dân tộc, vừa có tinh thần vô vi, sống hợp tự nhiên của “Đạo đức kinh”, lại vừa có “luân hồi, nhân quả” của Đạo Phật, lại có “tam cương, ngũ thường” của Khổng Tử, lại vừa ẩn hiện “tinh thần dân tộc độc lập, tự do, ấm no hạnh phúc, yêu nước thương nòi, đấu tranh cách mạng”. Các vị tiên thánh giáng kinh cũng đủ các tôn giáo, tín ngưỡng: từ Văn Xương Đế Quân, Quan Thánh Đế Quân, Trương tiên sư của Đạo Giáo đến các vị tiên thánh Việt Nam.

z3544935662477-9f511b280b5b9b5db550cd5f33f2801b-1659893080.jpg
Tuần Thiện Đàn luôn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh hướng thiện của người dân Tiên Lý xưa và Diễn Ngọc nay. Ảnh: Nguyễn Diệu

Các công trình kiến trúc hiện còn của di tích đều mang dấu ấn của thời Nguyễn. Đặc biệt là hệ thống tượng cổ với những đường nét hoa văn thật mềm mại, uyển chuyển, phô diễn hết những cái tinh túy của nghệ thuật dân gian. Tất cả những tác phẩm nghệ thuật đó thể hiện sự tài hoa và sáng tạo của nghệ nhân. Mỗi pho tượng là một tác phẩm nghệ thuật không trùng lặp. Từ vóc dáng, khuôn mặt, ánh mắt, khóe môi, cử chỉ, trang phục, trang sức… trên mỗi pho tượng đều toát lên những vẻ đẹp thánh thiện rất gần gũi với tâm hồn con người Việt Nam. Trải qua sự bào mòn của tuế nguyệt và những biến cố thăng trầm của thời đại nhưng những nét vàng son vẫn nhuận sắc với thời gian.    

Kiến trúc tại Tuần Thiện Đàn đều thể hiện ở sự đăng đối, cân xứng. Tỷ lệ kích thước các chiều của công trình rất chuẩn xác, tạo sự hài hòa, uyển chuyển, không thô cứng, gượng ép. Các đồ tế khí được bài trí theo các nguyên tắc âm dương, ngũ hành như: đông bình tây quả, đông phù tây thủy, nam tả nữ hữu… phản ánh tư duy nông nghiệp, cầu mong sự vận động của vũ trụ và vạn vật thuận hành theo các quy luật tự nhiên để muôn vật sinh sôi, phát triển thịnh vượng, đồng thời tạo thêm sự linh thiêng cho di tích.

z3527561610331-426bf0c3bcb4e662a98f7aa3d0582afd-1659893167.jpg
Tất cả những lời Thánh huấn, những bài thơ giáng bút, những bài Kinh Thánh đều hướng con người đến “chân thiện mỹ”. Ảnh: Nguyễn Diệu

Mang trên mình những giá trị vốn dĩ đã trường tồn cùng năm tháng, Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện) ấp ủ những hi vọng những người con của biển về ngày mai. Sau mỗi chuyến ra khơi đầy ắp cá rồi trở về bình an... đó chính là nét văn hóa mà người dân nơi này, một nét văn hóa miền biển ít nơi nào có được.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện): Mạch nguồn văn hóa miền biển (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.