Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện): Mạch nguồn văn hóa miền biển (Kỳ III)

20/07/2022 08:17

Theo dõi trên

Di sản văn hóa là yếu tố quan trọng, có tính quyết định để làm nên diện mạo, bản sắc riêng của một dân tộc hay một vùng văn hóa. Để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc. Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện) tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là minh chứng về một “di sản sống”, “giá trị sống” cần được đắp bồi để trở thành báu vật của ta hôm này, tài sản thừa kế của con cháu chúng ta sau này...

Cũng theo hồ sơ di tích về Tuần Thiện Đàn của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An thì Tuần Thiện Đàn không chỉ thờ Quan Thánh Đế Quân, nơi đây còn phối thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tứ vị Thánh Nương, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, Cá Ông, Ông Cấu Tối Cao Linh Thần (Thần Nhủi), Khổng Tử và các vị Tiên Hiền Khoa Bảng của làng Lý Nhân, Chư Phật và Bồ Tát, các vị thần linh Đạo Giáo...

z3527546117969-e923206064a93f5f0b00aa0a53b424c3-1658245694.jpg
Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện) tại xã Diễn Ngọc là minh chứng về một “di sản sống”, “giá trị sống”.

Nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của địa phương

Giữa năm 1928, nhóm Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Tiên Lý đã đã tổ chức nhiều phường, hội cách mạng khác nhau như Hội học sinh, Hội đá ban, Hội hiếu, Phường cho vay, Phường đan lưới, chắp dây, đánh gai, vá buồm… để tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lê nin, giáo dục chính trị cho nhân dân.

Lúc này, Hội Thiện đã được hình thành từ trước đó, đây là hội của những người làm việc thiện, tương trợ cứu tế với tinh thần lá lành đùm lá rách. Mục đích hoạt động của Hội Thiện có nhiều điểm tương đồng với nội dung tuyên truyền của nhóm Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Vì thế, nhóm này đã nhân đó lồng ghép, truyền bá nhiều tư tưởng cách mạng tiến bộ trong các sinh hoạt của Hội Thiện, đặc biệt là qua những bài kinh giáng bút của các vị tiên thánh để kêu gọi nhân dân từ bỏ các hủ tục lạc hậu, rượu chè, bài bạc, trai gái…   

Trong thời kỳ 1936 - 1939, lúc này, số lượng hội viên của Hội Thiện và đàn sinh của Tuần Thiện đàn lại càng đông hơn trước, các kinh sách được khắc bản và in ra với số lượng lớn. Trong đó có nhiều tài liệu bí mật của Đảng được trà trộn trong các bản kinh để phát tán đến các cơ sở khác. Tài liệu được ngụy trang dưới vỏ bọc là những quyển kinh Đàn Thiện rồi từ đó truyền đến các Thiện đàn và các cơ sở bí mật. Nội dung tuyên truyền yêu nước được lồng ghép trong các bài giảng kinh, nhấn mạnh các khái niệm tự do, dân chủ, bác ái, bình đẳng.

Thời điểm này, phong trào học chữ quốc ngữ lên cao, việc học chữ quốc ngữ được sáng tạo bằng nhiều cách như lồng ghép với việc đọc báo, bình thơ. Tuần Thiện Đàn cũng là một trung tâm truyền bá chữ quốc ngữ. 

z3544935675441-94e27a633ca15e6bc3bf05ec196cb762-1658245943.jpg
Hiện khuôn viên của Tuần Thiện Đàn gồm: Nghi môn, Lầu trung thiên, Nhà bia, sân, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, Nhà khách và các công trình phụ trợ. 

Kiến trúc Tuần Thiện Đàn

Hiện khuôn viên của Tuần Thiện Đàn có diện tích 401,9m2, gồm: Nghi môn, Lầu trung thiên, Nhà bia, sân, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, Nhà khách và các công trình phụ trợ… 

Nguyên xưa, cổng ra vào (Nghi môn) đàn được mở về hướng Đông, nhưng sau do đất chật người đông, phần đất phía trước đàn được chia cho dân ở nên đã chuyển về hướng Nam như hiện nay. Nghi môn được xây dựng năm 2005, kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Nghi môn được đóng mở bằng hai cánh cửa gỗ kiểu thượng song hạ bản.

Tầng mái trên có bốn mái bằng bê tông, dán ngói vảy bằng sứ, đỉnh nóc gắn lưỡng long triều nguyệt bằng sứ, các đầu đao gắn hoa văn vân mây bằng sứ. Phần cổ diêm xung quanh xây tường, bốn góc đắp bốn trụ, ở giữa trổ ô cửa sổ kiểu vòm cuốn. Tầng mái dưới có bốn mái bằng bê tông, dán ngói vảy bằng sứ, các đầu đao gắn hình đầu rồng cách điệu. Nâng đỡ toàn bộ kiến trúc phía trên là phần thân với kết cấu chịu lực chính là bốn cột trụ vuông, hai trụ hai bên được xây tường nối lại với nhau. Mặt trước phía trên tạo hình vòm cuốn và đắp ba chữ Hán “Tuần Thiện môn” (cửa Tuần Thiện Đàn). Mặt tiền của hai trụ trước đắp đôi câu đối chữ Nôm: "Gió Bắc mưa Đông mặc giãi dầu/ Cửa Nam nhà Việt năng che chắn".

z3544935670051-2b19fc36906b71f994c5286dd05a518d-1658246048.jpg
“Cửa từ bi mở rộng thênh thang/ Nhà thiện đạo ưu dân cứu thế”. 

Lầu trung thiên được xây dựng năm 2000, kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Mái dán ngói vảy bằng sứ, các đầu đao gắn hình vân mây uốn lượn. Mặt trước phần cổ diêm trổ một cửa vòm cuốn, phía trong đặt một bát hương bằng sứ và một tượng Quan Âm Bồ Tát bằng thạch cao. Tầng dưới, phía sau xây tường kín, hai bên trổ hai cửa sổ vòm cuốn, phía trước mở một cửa chính và nhấn đôi câu đối chữ Nôm: “Cửa từ bi mở rộng thênh thang/ Nhà thiện đạo ưu dân cứu thế”.

Phía trong tầng dưới xây một bệ thờ bằng gạch và xi măng. Trên bệ thờ đặt một long ngai bằng gỗ cổ, trong long ngai đặt một tượng Quan Âm Tọa Sơn bằng gỗ cổ. Hai bên long ngai có 02 kiếm gỗ cổ, 02 lư hương đá cổ, 01 khúc xương cá ông được đặt trong hộp kính.

Nhà bia được xây dựng năm 2013, kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng tám mái. Hai tầng mái dán ngói vảy bằng sứ, các đầu đao gắn hình vân mây uốn lượn. Trên cổ diêm khắc dòng chữ Hán: Lý Nhân Văn hội bi (bia Văn hội làng Lý Nhân). Phần thân có bốn trụ vuông, mặt sau xây tường nối nhau hai trụ lại với nhau, ba phía còn lại để trống. Mặt tiền hai trụ trước nhấn đôi câu đối chữ Hán, phiên âm: "Tiền nhân hiển đạt công danh toại/ Hậu thế tôn vinh cổ lưu kim". Dịch nghĩa: "Tiền nhân hiển đạt công thành danh toại/ Hậu thế tôn vinh lưu lại từ xưa đến nay".

Trong nhà bia là tấm bia “Lý Nhân Văn hội bi” bằng đá xanh, nội dung văn bia bằng chữ Hán khắc tên những người đậu đạt của làng Lý Nhân từ thời Trần đến thời Nguyễn. Phía trước bia là 01 bát hương bằng sứ. 

Mặt sân lát gạch đất nung đỏ, trước sân xây hai trụ biểu tạo thành lối vào sân, nối liền hai trụ biểu là tường lửng. Trụ được xây theo kiểu trụ vuông thót đáy, gồm ba phần: phần đầu đắp kiểu đấu vuông giật cấp, trên đỉnh gắn búp sen bằng sứ. Phần thân hình vuông. Phần đế xây kiểu đấu vuông, có các gờ chỉ dật cấp. Mặt trước và mặt trong của thân trụ đắp câu đối chữ Hán như sau: 

Mặt trước, phiên âm: "Thần công quảng tế tiên châu thắng cảnh ngưỡng linh chung/ Thánh hóa hoằng phu viêm hải kình ba liên địa quyển". Tạm dịch: "Thần công độ khắp, hun đúc nên cảnh đẹp tiên châu/ Thánh hóa mở rộng, cuốn hết sóng gió biển Nam".

Mặt trong, phiên âm: "Công cao sơn dục thiên thu Tiên Lý hách linh thanh/ Đức đại hải hàm vạn cổ Long Cương chung tú khí". Tạm dịch: "Công cao như núi hun đúc, ngàn năm Tiên Lý nức linh thiêng/ Đức lớn tựa biển mênh mông, muôn thuở Long Cương đúc khí lành".

Giữa sân đặt một lư hương lộ thiên bằng bê tông sơn nhũ vàng. Bên cạnh nhà bia là tượng 01 ông phổng bằng đá cổ được tạc trong tư thế quỳ, tay cầm quả ấn. Phía trước tượng là 01 bát hương bằng sứ cổ.  

z3544935679737-9625d2480cfbbbbdd47c1369402166aa-1658246263.jpg
“Lý Nhân Văn hội bi” bằng đá xanh, nội dung văn bia bằng chữ Hán khắc tên những người đậu đạt của làng Lý Nhân từ thời Trần đến thời Nguyễn. 

Hạ điện    

Hạ điện được xây dựng vào cuối thời Nguyễn, gồm có năm gian, bốn vì, hai đầu xây tường gác đốc. Mặt trước Hạ điện đổ mái vê ba gian giữa, phía trên đắp hình lưỡng long triều nguyệt. Hai bên đắp nổi bốn chữ Hán (mỗi bên hai chữ): vạn cổ anh linh (linh thiêng muôn thuở). Nâng đỡ phần mái vê bên trên là hệ thống các trụ hiên (mặt trước bốn trụ, phía sau hai trụ, kiểu trụ vuông). Trên thân trụ nhấn câu đối chữ Hán, cụ thể:

Hai trụ giữa, phiên âm: "Thiên thu hương hỏa ngưỡng thần công/ Vạn cổ cương thường mông thánh đức". Dịch nghĩa: "Nghìn năm hương hỏa ngưỡng thần công/ Vạn thưở cương thường ơn thánh đức".

Hai trụ sau, phiên âm: "Phương tiện môn khai hồng nhật chiếu/ Từ bi đạo xiển hắc vân tiêu". Dịch nghĩa: "Mở cửa phương tiện, mặt trời hồng soi chiếu/ Hiển dương đạo từ, mây đen tiêu tan hết".

Phiên âm: "Tuệ nhật khai kim điện/ Tường phong duyên ngọc từ". Dịch nghĩa: "Mặt trời trí tuệ chiếu điện vàng/ Gió tốt lành vương vấn đền ngọc".

z3544935662213-329ab1ed9097dda96287609d27cd4ed9-1658246409.jpg
Thiên thu hương hỏa ngưỡng thần công/ Vạn cổ cương thường mông thánh đức. 

Mặt trước hai đầu nhà Hạ điện xây hai trụ nanh kiểu trụ vuông thót đáy, gồm ba phần: phần đỉnh xây kiểu đấu vuông dật cấp, trên đỉnh gắn con nghê bằng sứ. Phần thân hình trụ vuông. Phần đế hình đấu vuông. Trên thân trụ nhấn câu đối chữ Hán:

Phiên âm: "Đại thiên tuyên hóa dương dương thánh trạch mãn càn khôn/ Vị quốc cứu dân hách hách thần công phu hải vũ". Tạm dịch: "Thay trời giáo hóa, dương dương ơn thánh mãn càn khôn/ Vì nước cứu dân, hách hách công thần khắp vũ trụ".

Phiên âm: "Phú hữu văn chương mãn ấp cầm ca mông hậu lộc/ Lý tuần nhân đạo hoàn khu cổ vũ lạc xuân đài". Tạm dịch: "Giàu có văn chương, khắp xóm đàn hát ơn lộc dày/ Làng theo nhân đạo, cả vùng ca múa vui đài xuân".

Hạ điện được đóng mở bằng hệ thống cửa thượng son hạ bản. Cửa giữa có kích thước rộng hơn hai cửa bên. Phía sau Hạ điện: ba gian giữa để thông với Trung điện; hai gian hai đầu xây tường, trên tường vẽ hoa văn hình cửa võng và viết đại tự bằng chữ Hán: tường bên trái viết: Đức đại bao hàm (đức lớn bao dung), tường bên phải viết: Hồng ân tứ xá (nghĩa là: ân lớn ban khắp). Hai đầu tường đắp hai trụ, trên thân trụ nhấn đôi câu đối bằng chữ Hán:

Nguyên văn, phiên âm: "Bảo phiệt xanh phù siêu tịnh thổ / Từ hàng tế độ thoát mê tân". Tạm dịch: "Bè báu chèo chống về nơi cõi tịnh/ Thuyền từ cứu vớt khỏi bến mê".

Nguyên văn, phiên âm: Lưỡng quốc địa lưu văn giáo trạch/ Lũy triều thế ngưỡng thánh thần công. Tạm dịch: "Hai đất nước còn lưu ơn văn giáo/ Các triều đại chiêm ngưỡng công thánh thần"./.

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện): Mạch nguồn văn hóa miền biển (Kỳ III)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.