Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện): Mạch nguồn văn hóa miền biển (Kỳ II)

06/07/2022 09:05

Theo dõi trên

Suốt chiều dài mạch nguồn văn hóa làng Lý Nhân xưa, Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện) chậm dãi chạm vào miền kí ức của người dân vạn chài nơi đây. Nẻo về Đền Thiện là đắm mình trong không gian miền biển đã hun đúc cho những người con của biển sự nồng hậu, chất phác...

z3544935663864-2f47fab4fbf7fd9e37e63fdbcfab72b4-1657040236.jpg
Khởi thủy, Tuần Thiện Đàn được xây dựng để thờ Quan Thánh Đế Quân. Ảnh: Nguyễn Diệu

Sự ra đời của Tuần Thiện Đàn

Khởi thủy, Tuần Thiện Đàn được xây dựng để thờ Quan Thánh Đế Quân. Về sau phối thờ các vị thần thuộc Đạo Giáo. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các đền, chùa, miếu mạo, nhà thánh trong vùng bị phá hủy (như đền Cả, đền Đệ Nhất, đền Đệ Nhị, đền Bản Cảnh, Chùa Tiên Sơn, chùa Quýnh, Nhà thánh Lý Nhân...), nhân dân đã rước các vị Phật, thánh, thần như: Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tứ Vị Thánh Nương, Sát Hải Đại Vương, Bản Cảnh Thành Hoàng Ông Cấu Tối Cao Linh Thần, Cá Ông, Chư Phật, Chư vị Thần Tiên… về hợp tự tại đây.

Sự ra đời của Tuần Thiện Đàn được gắn với câu chuyện năm Tân Mùi niên hiệu Tự Đức (1871). Ông Nguyễn Ngọc Mỹ người xóm Cổng, làng Lý Nhân đi đánh cá ngoài biển vớt được một bức tượng Quan Thánh Đế Quân dáng người quắc thước, vẻ mặt uy nghiêm. Ông để bức tượng lên trên đầu mũi thuyền rồi đốt đèn, thắp hương, khấn rằng “nếu ngài linh thiêng cho tôi kéo được mẻ cá lớn”. Ông buông lưới xuống biển và quả nhiên được như ý. Sau đó, ông lại khấn tiếp “nếu quả thật linh thiêng thì xin ngài cho tôi thêm một mẻ cá nữa”. Lần thứ hai cũng được nhiều như lần trước. Được mẻ cá lớn đầy thuyền, vừa lúc thuận Nồm, ông dương buồm cho thuyền về bến. Ông đưa pho tượng về để ở bãi dâu bên bờ biển rồi tự làm một ngôi nhà nhỏ bằng tre, lợp mái rạ, ba mặt thưng phên nứa, phía trước che mành, để có nơi thờ phụng ngài. 

Từ ngày được pho tượng quý, gia đình của ông làm ăn càng khấm khá lên. Tiếng đồn về pho tượng Quan Thánh Đế Quân linh thiêng bay đi khắp nơi. Nhiều người nghe vậy cũng đến đây thắp hương cầu khấn, đặc biệt là trước mỗi chuyến ra khơi hoặc gia đình gặp chuyện khó khăn hoạn nạn đều được Ngài phù hộ cho tai qua nạn khỏi.  

Mùa thu năm Giáp Tuất (1884), thuyền của cụ Quyền Định (người làng Lý Nhân) gặp nạn trên biển. Cụ giao cho người nhà là ông Bạ Yên và ông Bách Tùng ở lại canh giữ thuyền còn mình về sửa biện lễ vật đến miếu Quan Thánh Đế Quân cầu đảo. Sau đó quả nhiên linh ứng, thuyền được lai dắt về bến an toàn. Mọi người đều rất vui mừng phấn khởi và lại càng sùng bái ngài hơn. 

z3544935665252-8d284d25d8b1d10e9813ee2a2a9194a6-1657040323.jpg
Tượng Bác Hồ được thờ trong Đền. Ảnh: Nguyễn Diệu

Năm đó lại được mùa cá, các chủ thuyền trong vùng bàn bạc nhau cùng chung tay góp sức để xây dựng lại miếu Quan Thánh Đế Quân. Hàng chục thuyền chia thành các đoàn đi các vùng để mua vật liệu về xây dựng, có đoàn thuyền thì vào cung Nẻ (nay thuộc Nghi Lộc) để chở cát, đá; có đoàn thuyền thì ngược sông Bùng lên kẻ Dặm, kẻ Mốt, chợ Bộng và các vùng ngược để mua vôi, mật mía, ngói, gỗ... Chỉ trong một thời gian ngắn, điện thờ đức Quan Thánh Đế Quân đã được xây xong với bộ khung nhà bằng gỗ lim, xung quanh xây tường, mái lợp ngói âm dương (nay chính là nhà thượng điện).  

Trong các tập kinh giáng bút của Thiện Đàn thường có bài giáng thơ của Quan Thánh Đế Quân mở đầu hoặc thừa lệnh khâm sai của Ngọc Đế giáng đàn truyền kinh. Thậm chí Quan Thánh Đế Quân còn có cả một tập kinh riêng, tên là “Quan Thánh chân kinh”. Điều đó chứng tỏ rằng sự ảnh hưởng của Quan Thánh Đế Quân trong hệ thống Thiện đàn là rất lớn.   

Năm Canh Ngọ, niên hiệu Bảo Đại thứ 5 (1930), nhân mùa giã thắng lợi, các chủ thuyền cùng nhau đổ đồng hai chuyến để trùng tu đền và xây thêm nhà Bái đường (nay là nhà Trung điện). Đến năm Quý Mùi niên hiệu Bảo Đại (1943), các đàn sinh và thiện nam, tín nữ cùng chung tay góp sức xây dựng thêm nhà Hạ điện. Và sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, các hoạt động của Thiện Đàn vẫn diễn ra đều đặn, do hội Thiện quản lý.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, do điều kiện chiến tranh nên các hoạt động của Đàn có thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, cũng trong thời gian này, nhiều đền, chùa, đình, miếu trong vùng bị hư hỏng hoặc bị phá bỏ, nhân dân dân đã rước các vị Phật, Thánh, Thần... về đây hợp tự. Năm 1964, Đàn Thiện có trong danh mục kiểm kê di tích của Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1989, đàn được trùng tu lại một số bộ phận, xây thêm mái vê trước Hạ điện. 

z3544935666740-af97f2214590ec33481c569731f68bda-1657040400.jpg
 Chư Phật hợp tự tại Tuần Thiện Đàn. Ảnh: Nguyễn Diệu

Liều đem một chết đền tri kỷ, nên được ngàn thu nổi nghĩa danh

Quan Thánh Đế Quân “họ Quan, tên Vũ, tự là Thọ Trường, sau đổi ra Vân Trường, người đất Giải Lương, Hà Đông”, thường gọi là Quan Công. Ông có “mình cao chín thước, râu dài hai thước, mặt như trái táo sinh đôi mà đỏ như gấc, môi hồng như son tô, mắt phượng mày tằm, tướng mạo đường đường, oai phong lẫm liệt”. Quan Công cùng với Lưu Bị, Trương Phi kết nghĩa vườn đào, thề sống chết có nhau, tôn Lưu Bị làm huynh trưởng, Quan Công đứng thứ hai, Trương Phi thứ ba. 

Ông là một danh tướng thời Tam Quốc, phò tá Lưu Bị từ những ngày còn hàn vi, và có công lập nên nhà Thục Hán. Ông được phong tước Thọ Đình hầu và xếp vào hàng ngũ hổ tướng quân. Hình ảnh Quan Công tay cầm thanh long đao, cưỡi ngựa Xích Thố oai phong lẫm liệt giữa trận tiền đã trở thành một biểu tượng bất hủ của võ tướng thời phong kiến. Nhưng sau, do nóng vội bị mắc mưu Tôn Quyền nhà Đông Ngô mà thất trận ở Mạch Thành đến nỗi phải rơi đầu (nhằm tháng 10, mùa đông, năm Kiến An thứ 24, năm 195).

Quan Công không chỉ là võ tướng lừng danh mà ông còn nổi tiếng cương trực và tín nghĩa, trước sau như một. Chức tước, vàng bạc, người đẹp không thể lay chuyển được tấm lòng kiên trung của ông. Như chuyện Tào Tháo muốn thu phục Quan Công nên rất đem lòng hậu đãi: “Nào là phong hầu, ban chức, ba ngày đãi một tiểu yến, năm ngày đãi một đại yến, lên ngựa tặng vàng, xuống ngựa thưởng bạc, ân lễ trọng hậu đến thế mà cuối cùng vẫn không giữ lại được”.

z3544935674523-efa7ad905ffcc640241db4371e718f96-1657040560.jpg
Lý Nhân văn bia hội. Ảnh: Nguyễn Diệu

Quan Công khước từ tất cả, “treo ấn, niêm vàng” để về với Lưu Bị. Hay chuyện ở Hoa Dung mở lối trả ơn, vì ân xưa nghĩa cũ mà Quan Công đem cả tính mạng của mình để mở đường cho Tào Tháo thoát chết, người đời có thơ khen “Liều đem một chết đền tri kỷ, nên được ngàn thu nổi nghĩa danh”. Chính đức tính này đã đưa hình ảnh Quan Công trở thành biểu tượng cao đẹp của “trung - tín - nghĩa”. Dân gian ca tụng ông “trung can huyền nhật nguyệt, nghĩa khí quán càn khôn” (trung can sánh với nhật nguyệt, nghĩa khí xuyên càn khôn). 

Hầu cận bên Quan Công có Quan Bình là con nuôi và Chu Thương là bộ tướng. Vì thế sau này, trong bộ tranh thờ, các bản văn cúng đều có hai người này đi phò tá Quan Công. Sau khi mất, Quan Công hiển linh trên núi Ngọc Tuyền. Dân gian tôn sùng ông với nhiều danh hiệu như Quan Thánh Đế Quân, Quan Đế Gia, Cái Thiên Cổ Phật, Tây Sơn Phu Tử, Hiệp Thiên Đại Đế, Phục Ma Đại Đế. Tín ngưỡng thờ Quan Thánh phổ biến từ thời nhà Đường, nhưng đến đời nhà Thanh thì ông được sùng kính như vị thần hộ vệ cho hoàng tộc, vua Đức Tông nhà Thanh phong cho ông là Trung Nghĩa Thần Vũ Linh Hựu Nhân Dũng Hiển Uy Hộ Quốc Bảo Dân Tinh Thành Tuy Tĩnh Dực Tán Tuyên Đức Quan Thánh Đại Đế. Trong Phật Giáo, ông được tôn kính như là vị Đại Hộ Pháp, hàng phục yêu ma, bảo hộ già lam, được thờ cùng với Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát. Hàng năm dân gian thường cúng khánh đản của ông vào ngày 24 tháng 6 âm lịch.

z3544935671259-dded11ba83e707aee98240149b914567-1657040617.jpg
Liều đem một chết đền tri kỷ, nên được ngàn thu nổi nghĩa danh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Do chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc nên tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế Quân đã được truyền vào Việt Nam từ rất lâu đời. Người Việt Nam biết đến Quan Công thông qua tác phẩm “Tam quốc chí diễn nghĩa” của La Quán Trung nhiều hơn là thông qua Bắc sử (lịch sử Trung Quốc). Chính trong tác phẩm “Tam quốc chí diễn nghĩa” đã góp phần thần thánh hóa Quan Công, đưa hình ảnh Quan Công lên thành biểu tượng bất hủ của “trung tín nghĩa”. 

Và người Việt Nam thờ ông chính là thờ biểu tượng của lòng trung tín nghĩa, khí tiết của người quân tử đại trượng phu. Triều Nguyễn đã ban sắc phong thần cho Quan Thánh Đế Quân, cho lập Võ Miếu ở ngay bên cạnh Văn Miếu ở kinh thành Huế. Ở Nghệ An, tín ngưỡng thờ Quan Thánh chủ yếu phổ biến từ thời nhà Nguyễn và thường là ở các Thiện Đàn và võ miếu/võ chỉ, như: Võ Miếu Nghệ An (được xây dựng từ thời Nguyễn ở phía Đông Nam tỉnh thành, nay là đền Hồng Sơn, Vinh), Giác Thiện Đàn (Diễn Nguyên, Diễn Châu), Tuần Thiện Đàn (Diễn Ngọc, Diễn Châu), Khuyến Thiện Đàn (Thị trấn Yên Thành), Hiếu Thiện đàn (Vân Diên, Nam Đàn)…

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Tuần Thiện Đàn (Đền Thiện): Mạch nguồn văn hóa miền biển (Kỳ II)" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.