Ngày 15/9, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các đơn vị tại Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn tổ chức họp tham vấn "Khung quản lý xuyên biên giới giữa hai Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Hin Nam No" để tạo sự hợp tác phát triển du lịch hang động giữa 2 nước Việt Nam - Lào.
Việt Nam với Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có diện tích rộng hơn 123,000 ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây đặc trưng với các kiến tạo đá vôi dày đặc, có hơn 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới.
Đặc biệt, VQG Phong Nha Kẻ Bàng đã được UNESCO 2 lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (WHS) bởi những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu về địa chất, địa mạo (2003) và đa dạng sinh học (2015).
Hin Namno hiện là Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia thuộc huyện Bualapha, tỉnh Khammouane, miền Trung nước Lào, có tổng diện tích hơn 82.000 ha. Với hệ sinh thái phong phú nằm trên núi đá vôi liên hoàn, đây là nơi cư trú của đa dạng các loài động thực vật, các loài động vật quý hiếm và nhiều hang động đẹp.
Hin Namno và Phong Nha - Kẻ Bàng là hai khu vực có vị trí liền kề nhau, tiếp giáp bởi hệ thống núi đá vôi trên tuyến biên giới của hai nước Việt - Lào vì vậy việc có cơ chế quản lý chung hai Vườn Quốc Gia là rất cần thiết nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong tuần tra bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế, phát triển du lịch cho cả hai bên.
Với lợi thế tương đồng về tài nguyên du lịch, thuận lợi về vị trí địa lý giữa 2 Vườn quốc gia, 2 tỉnh Khăm Muộn (Lào) và Quảng Bình (Việt Nam) việc liên kết, hợp tác để hình thành các sản phẩm du lịch chung, hỗ trợ quảng bá lẫn nhau để thu hút khách du lịch giữa 2 tỉnh và khách quốc tế đặc biệt là khách du lịch đến từ các thị trường có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày như Châu Âu, Châu Mỹ là yêu cầu tất yếu.
Bà Kamonrat Chayamarit - Đại điện UNESCO tại hai quốc gia Thái Lan và Lào chia sẻ: Trong khuôn quá trình xây dựng hồ sơ, nhận thấy đây là một phần mở rộng xuyên biên giới, hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới sẽ cần có một Khung Quản lý Xuyên biên giới (TBMF) do IUCN xây dựng, qua đó hai vườn quốc gia có thể thông tin liên lạc, điều phối và hợp tác để đảm bảo bảo vệ hiệu quả các Giá trị Nổi bật Toàn cầu (OUV) của cả hai khu.