Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, Sở VHTTDL tỉnh đã tổ chức khai mạc Trưng bày “Tinh hoa di sản từ những con tàu cổ” và Bảo vật quốc gia.
Trưng bày giới thiệu đến khách tham quan trên 300 hiện vật, hình ảnh do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đang lưu giữ, bảo quản, cùng các hiện vật của các thành viên trong Hội Di sản Văn hóa tỉnh dày công sưu tầm, đắt giá và có giá trị to lớn.
Cùng với đó, trưng bày còn giới thiệu tới người thưởng lãm những Bảo vật quốc gia với vẻ đẹp tuyệt mỹ, mang yếu tố độc bản, gồm: Tượng Tu sĩ Chăm Phú Hưng (thế kỷ IX-X); Bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh; Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng, thế kỷ X-XII. Đây là những bảo vật quý hiếm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào các năm 2018 và 2020.
Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong giao thương quốc tế “Con đường tơ lụa trên biển”. Tại các vùng biển duyên hải xuất hiện nhiều tuyến đường biển, hải cảng và trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cũng như điểm dừng chân của các thương thuyền đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Qua các tư liệu lịch sử và kết quả điều tra khảo cổ học đã cho thấy, dọc miền Trung đã tồn tại và phát triển các bến cảng giao thương từ thời kỳ văn hóa Chămpa đến Đại Việt.
Được biết, thời gian qua, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước thuộc vùng biển miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã tìm thấy nhiều con tàu cổ bị đắm với hàng trăm nghìn cổ vật khác nhau được trục vớt. Điều đó khẳng định rằng, miền Trung Việt Nam giữ vị trí quan trọng ở châu Á trong thời kì hoàng kim của “Con đường tơ lụa trên biển”; chứng minh cho sự phát triển phồn vinh, rực rỡ trong giao lưu văn hóa của đường biển đương thời./.