Quảng Ngãi: Trùng tu, tôn tạo Di tích quốc gia Mộ và nhà thờ Trần Cẩm

22/08/2022 11:04

Theo dõi trên

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 807/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư Dự án Trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia Mộ và Nhà thờ Trần Cẩm.

nha-tho-thuy-to-tran-cam-1661141032.jpg
Nhà thờ thuỷ tổ Trần Cẩm ở xã Đức Thạnh. Nguồn: baoquangngai.vn

Dự án do Sở VHTTDL tỉnh làm chủ đầu tư, với mục tiêu nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội.

Theo đó, các hạng mục trùng tu, tôn tạo Di tích quốc gia Mộ và nhà thờ Trần Cẩm bao gồm: Trùng tu, tôn tạo Nhà thờ; Khu mộ và khuôn viên khu Mộ; Sân vườn, cây xanh; Tường rào, cổng ngõ và các hạng mục khác với tổng mức đầu tư dự án là 5 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách tỉnh).

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; đồng thời thực hiện kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư dự án số 211/BC-SKHĐT ngày 14/7/2022.

Di tích mộ và nhà thờ Trần Cẩm là một quần thể gồm 3 điểm di tích cùng nằm trên địa bàn phía đông nam huyện Mộ Đức: Mộ Trần Cẩm (người trong gia tộc gọi là mộ thuỷ tổ) tại thôn Hoài An, xã Đức Chánh; nhà thờ Trần Cẩm (gia tộc gọi là từ đường thủy tổ) tại thôn Phước Thịnh xã Đức Thạnh; nhà thờ 4 người con trai (có thờ vọng song thân) tại thôn 1, xã Đức Tân. Cả 3 di tích đều nằm trên vùng đất do chính Trần Cẩm chủ trương và đôn đốc khai phá lúc sinh thời.

Trần Cẩm (1545-1640) là một trong những nhân vật lịch sử có công lớn trong sự nghiệp ổn định và khai phá vùng đất Quảng Ngãi, xây dựng hậu phương vững vàng cho công cuộc Nam tiến đầu thế kỷ XVII. Ông sinh năm Ất Tỵ - 1545 trong một gia đình võ quan, người phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, nay là quận Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

Sớm dấn thân vào con đường binh nghiệp, thời trẻ ông ứng nghĩa theo giúp Nguyễn Kim, dưới ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc”, được phong đến chức Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Quảng Nham Bá. Năm Quang Hưng thứ 20 (1597) đời vua Lê Thế Tông (triều Lê Trung Hưng), ông phụng mệnh vào Thuận - Quảng giúp Nguyễn Hoàng ổn định vùng đất phía nam Hoành Sơn (đèo Ngang), lãnh chức Tham tướng Cai phủ, trông coi phủ Tư Nghĩa, trấn Quảng Nam.

Năm Hoằng Định thứ 8, đời Lê Kính Tông (1607), Trần Cẩm được thăng tước Quảng Nham hầu, phó Đề lãnh phủ Quảng Nghĩa; năm Hoằng Định thứ 11 (1610) thăng Chánh Đề lãnh, đến năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), đời Lê Thần Tông, được phong chức Chánh khám lý phủ Quảng Nghĩa.

Suốt 30 năm trấn nhậm ở Quảng Ngãi (1597 - 1630), Trần Cẩm có công rất lớn trong việc đốc xuất quân dân khai phá đất đai, phát triển thủy lợi; xác lập các thôn, phường, xã, tổng ở vùng đất mới; vừa ổn định đời sống nhân dân, vừa huy động tài lực, nhân lực phục vụ khai mở dải đất phía Nam đất nước.

Trần Cẩm qua đời vào năm 1640, người địa phương kính trọng tôn ông là tiền hiền của làng Địa Thi - Thi Phổ và dựng miếu thờ tại đình làng Thi Phổ, tế tự hai kỳ xuân thu trọng vọng. Các triều vua từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn đã ban cho ông 7 sắc phong, trong đó có sắc phong năm Khải Định thứ 10 (1925) truy tặng tước hiệu Dực Bảo Trung hưng linh phò chi thần.

Di tích mộ và nhà thờ Trần Cẩm đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia tại quyết định số 1543-QĐ/VH ngày 07/05/1997.

Theo disanxanh.cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Quảng Ngãi: Trùng tu, tôn tạo Di tích quốc gia Mộ và nhà thờ Trần Cẩm" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.