Quảng Ngãi: Kiểm tra an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ

17/08/2022 20:47

Theo dõi trên

Ngày 17/8, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi vừa có báo cáo đến Bộ NN&PTNT về kết quả kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trước mùa mưa lũ năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

anh-dap-ho-chuoi-xa-binh-thanh-huyen-binh-son-tinh-quang-ngai-da-xuong-cap-hu-hong-nguyen-trang-3-1-1660729796.jpg
Đập Hố Chuối, xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. 

Vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trước mùa mưa, lũ năm 2022.

Theo đó, trong tổng số 800 công trình thủy lợi gồm 126 hồ chứa nước, 528 đập dâng, 7 đập ngăn mặn và 139 trạm bơm thì có có 196 công trình được xây dựng từ năm 1989 trở về trước.

Nhờ đầu tư sửa chữa, nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn như Trung ương, địa phương, viện trợ không hoàn lại, vốn vay ODA,… nên đến nay, toàn tỉnh đang triển khai thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp 18 hồ chứa nước còn 21 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Qua kiểm tra, về cơ bản các công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa, lũ năm 2022. Một số hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp đã được các địa phương Chủ đập xử lý tạm thời những vị trí xung yếu và thực hiện nghiêm công tác ứng phó thiên tai.

Thực trạng các công trình hư hỏng, xuống cấp như đập đất kích thước mặt cắt ngang không đảm bảo do mái thượng lưu bị sạt lở, lớp đá gia cố mái thượng lưu hầu hết bị hư hỏng, nền và thân đập đất bị thấm lớn có nguy cơ gây mất ổn định đập, không có vật thoát nước hạ lưu đập.

Tràn xả lũ phần lớn là tràn tự nhiên trên nền đất hoặc đá phong hóa nên bị xói lở, một số tràn xả lũ làm bằng bê tông hoặc đá xây do xây dựng đã lâu, nay bị xói lở và hư hỏng bể tiêu năng. Ngoài ra một số cống lấy nước, đường quản lý công trình kết hợp cứu nạn, cứu hộ, nhà quản lý đầu mối và trang thiết bị phục vụ quản lý, hệ thống kênh, đập dâng và trạm bơm bị hư hỏng, xuống cấp.

Nguyên nhân phần lớn các công trình xây dựng trước năm 1989 theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm hoặc nhân dân làm nhà nước hỗ trợ” được đầu tư không đồng bộ, chưa kiên cố và thi công bằng thủ công nên công trình không đảm bảo chất lượng.

Tình hình mưa, lũ diễn biến ngày càng phức tạp với tần suất và cường độ mưa, lũ ngày càng cao (do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu), làm cho nhiều công trình nhanh xuống cấp, nhất là những hồ chứa nước quy mô vừa và nhỏ. Đồng thời, kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên quá ít và công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình tại một số đơn vị chưa được chú trọng nên công trình nhanh xuống cấp.

Bên cạnh đó, năng lực nhân viên của các tổ chức thủy lợi cơ sở ở các xã còn hạn chế, chưa đảm bảo trình độ chuyên môn theo quy định nên hiệu quả quản lý và khai thác công trình chưa cao.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện các giải pháp khắc phục trong đó giải pháp phi công trình như thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công nhân kỹ thuật làm công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng các công trình thủy lợi...và các giải pháp công trình như sửa chữa, khắc phục, thường xuyên tổ chức kiểm tra, lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình...

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai thực hiện khoảng 34 công trình với tổng mức đầu tư khoảng 3.057,76 tỷ đồng.

Để đảm bảo an toàn cho công trình thuỷ lợi trong mùa mưa lũ; nâng cao năng lực khai thác phục vụ sản xuất và dân sinh, Sở NN-PTNT đã có kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho 21 hồ chứa nước xuống cấp nặng.​

Phú Nhiêu
Bạn đang đọc bài viết "Quảng Ngãi: Kiểm tra an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.