Vĩnh Long: Huy động nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

21/03/2024 08:15

Theo dõi trên

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, năm 2024, dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh hơn 340 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 170 tỷ đồng, số tiền còn lại ngân sách tỉnh.

vna-potal-nganh-gach-gom-vinh-long-thay-ao-moi-7223773-3019-1710983692.jpg
Sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long có màu sắc tươi tắn. Ảnh: Lê Thúy Hằng-TTXVN

Vĩnh Long đặt mục tiêu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Mang Thít thực hiện các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiếp tục nâng chất, giữ vững tiêu chí giai đoạn 2021-2025 và xây dựng xã đạt chuẩn ở mức độ cao hơn; đồng thời tỉnh không có xã dưới 15 tiêu chí.

Để thực hiện đạt mục tiêu, đối với nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội, song song với thực hiện các công trình hạ tầng cơ bản trên địa bàn xã, ấp thuộc nhóm tiêu chí về hạ tầng nông thôn, tỉnh thực hiện tốt và bền vững nhóm tiêu chí nội lực nông thôn như: Nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, nhóm tiêu chí văn hóa - xã hội - môi trường, nhóm tiêu chí hệ thống chính trị.

Trong đó, Vĩnh Long đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị của tỉnh đảm bảo chất lượng, thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn. Tỉnh chú trọng thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển các hình thức sản xuất tập thể, liên kết sản xuất để hỗ trực thúc đẩy sản xuất hàng hóa; phát triển làng nghề, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho người lao động nông thôn nâng cao thu nhập. Đồng thời, tỉnh huy động các nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên cho các lĩnh vực phục vụ nhu cầu của người dân như: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch…

Cùng với đó, Long An đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ phụ trách công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, người dân cùng chung tay thực hiện Chương trình theo hướng bền vững, tiến tới xây dựng nông thôn mới thông minh, hiện đại.

Song song với việc thực hiện các mục tiêu đề ra, Long An tiến hành rà soát lại các tiêu chí của các xã đã được thẩm định và xét danh hiệu xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016- 2020 thuộc kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 để thực hiện nâng tiêu chí đảm bảo phù hợp với Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025...

Đến nay toàn tỉnh Vĩnh Long có 75/87 (đạt 86,2%) xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 32 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có 4 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo TTXVN
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Long: Huy động nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.