Tiếng thở than từ một di tích (Kỳ I)

25/03/2022 14:42

Theo dõi trên

Tựa vào sông Vách Bắc êm mát, mộ và đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn (xóm Xuân Bắc, xã Diễn Vạn, Diễn Châu, Nghệ An) im lìm, quạnh hiu… sau triền đê. Có những giá trị tạo nên lịch sử, và được lịch sử lưu giữ, cất giấu sau những tích, câu chuyện được truyền từ đời này qua đời khác. Và có những giá trị vốn dĩ đã trường tồn, nhưng vì một lí do nào đó… mà trở thành những nốt trầm trong bản nhạc văn hóa.

Điềm ứng trâu vàng

Qua cầu, mộ và đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn nép mình dưới lớp trầm tích của văn hóa. Trên thế đất bên sông hướng ra cửa biển mà người xưa chọn để dựng miếu mộ Sát hải Đại vương cùng thân mẫu và hai con trai Ngài, nay có ngôi đền mới được con cháu dòng họ công đức phục dựng trên nền cũ. Quạnh quẽ đền thiêng một thuở chưa xa còn tưng bừng lễ hội miền sóng nước, nhưng vẫn đẫm vẻ u minh. 

Nắng đầu mùa chiếu rọi xuống dòng sông trước đền, phản chiếu một huyền tích về một vị tướng quân thủy chiến góp công lớn vào chiến thắng chống Nguyên - Mông và đánh đuổi quân Chiêm Thành trên Biển Đông sau này. 

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và các tài liệu lịch sử khác cho biết: Sát Hải Đại Vương tên thật là Hoàng Tá Thốn, hiệu là Tô Đại Liêu, sinh ngày 15 tháng 4 năm Giáp Dần (1254) tại Vạn Phần (nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu). Mẹ Ngài là người họ Trương thôn Lý Trai (nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu). Chưa thấy tài liệu nào nói về cha Ngài. 

20220324-221600-1648135795.jpg
Mộ và đền thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn tại xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

Ngài có sức khỏe phi thường, thông minh hơn người, đọc sách binh thư, binh pháp, tài cao biết rộng. Đặc biệt là có tài bơi lội, đi lại dưới nước như trên đất bằng.

Tương truyền, một buổi sáng tinh mơ, bà Trương Thị Hoa ra sông gánh nước, bỗng thấy hai con trâu vàng từ dưới nước nhảy lên đánh nhau dữ dội và lao đến chỗ bà. Bà vội cầm đòn gánh để đánh đuổi, đôi trâu lại nhảy xuống nước rồi biến mất. Trước khi gánh nước về nhà, bà không quên làm động tác tẩy uế đòn gánh. Nhưng lạ thay, bà vừa khỏa đầu đòn gánh xuống sông thì bỗng nhiên nước nơi đó khô cạn, nhưng khi bà cất đòn gánh thì nước lại đầy như thường. Thấy lạ, bà đưa gần lại nhìn thì thấy đầu đòn gánh có dính lông trâu vàng. Bà liền gom vật lạ ấy vào dải yếm rồi gánh nước về nhà (cũng có nơi nói lông trâu rơi vào thùng nước, bà uống phải). Sau đó, bà cảm thấy trong người khác thường rồi có thai. Ngày mãn nguyệt khai hoa, ánh hào quang bỗng tỏa sáng khắp nhà, một đứa bé khôi ngô tuấn tú, gương mặt hồng hào ra đời, được đặt tên là Hoàng Tá Thốn. 

Thuở nhỏ, Hoàng Tá Thốn có sức khỏe hơn người và sớm được đi học. Nhưng Hoàng Tá Thốn chỉ thích võ nghệ nên cha mẹ cũng chiều lòng và ở tuổi thanh niên đã nổi tiếng là người khỏe, võ nghệ cao cường. Đặc biệt, ông có tài bơi lội, lặn lâu dưới nước.

Nội thư gia

Lớn lên khi đất nước bị quân Nguyên Mông xâm lược (lần 2 và lần 3). Theo văn bia “Văn miếu tôn thần sự tích”, Vua Trần nghe nói tài năng của Hoàng Tá Thốn bèn triệu Ngài về triều làm nội thư gia. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 kéo dài từ tháng 12 năm Giáp Thân (1284) đến tháng 6 năm Ất Dậu (1285). Trong các lần giao tranh với quân Nguyên Mông, Hoàng Tá Thốn luôn là vị tướng tiên phong. Những chiến công của Ngài góp phần cùng quân dân cả nước đánh cho quân Nguyên tan tác, Toa Đô bị chém đầu, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tháo chạy, Ô Mã Nhi phải dùng thuyền nhỏ vượt biển thoát thân. 

Sau hai lần xâm lược Đại Việt thất bại, quân Nguyên vẫn quyết tâm chiếm nước ta lần nữa. Tháng 3 năm Bính Tuất, niên hiệu Trùng Hưng thứ 2 (1286), quân Nguyên lại xâm phạm bờ cõi nước ta. Do lập được nhiều chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, Hoàng Tá Thốn tiếp tục được triều đình giao nhiệm vụ quan trọng chỉ huy đội quân “mãnh lang” thủy chiến. 

20220324-221232-1648135935.jpg
Vua Trần Nhân Tông phong cho Ngài là “Sát Hải Chàng Lại Đại Tướng Quân”, ban tước “Minh Tự” (là tước phong thời Trần, dưới Quận công và trên Thượng phẩm). Ảnh: Nguyễn Diệu

Cuộc chiến lần nay cam go và ác liệt hơn hai lần trước, kéo dài từ năm Bính Tuất (1286) đến năm Mậu Tý (1288). Nhưng chiến thắng vang dội nhất vẫn là trận Bạch Đằng năm Mậu Tý (1288), được ví như Xích Bích trên sông Bạch Đằng, khiến quân Nguyên phải kinh hồn bạt vía, từ bỏ hẳn ý định xâm lược Đại Việt. Việc này, văn bia “Nam miếu tôn thần sự tích” ở Vạn Phần do Tổng tài quốc sử quán Cao Xuân Dục viết, có đoạn: “Đời Trần Nhân Tông, gặp lúc giặc Nguyên là Thoát Hoan, Ô Mã Nhi sang xâm lược kinh thành, ngài vâng chiếu làm tướng chỉ huy, cầm ấn phù, thống lĩnh vạn binh, chỉnh bị tàu thuyền ở sông Bạch Đằng, bắt được thuyền giặc, đại phá  trận giặc. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn dẫn bộ binh giáp chiến”. Trong trận này, quân Nguyên thua to, Thoát Hoan chạy trốn, Ô Mã Nhi bị bắt sống. 

20220324-221100-1648136082.jpg
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, Ngài được triều đình giao nhiệm vụ chỉ huy đội quân “mãnh lang” thủy chiến. Ảnh: Nguyễn Diệu

Mùa xuân tháng 2 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Trùng Hưng thứ 5 (1289), Nội thư gia Hoàng Tá Thốn được triều đình cử chỉ huy đội quân “mãnh lang” thủy binh đưa bọn Ô Mã Nhi về nước. Theo kế của Hưng Đạo Vương, lấy người giỏi bơi lội sung làm phu thuyền, ban đêm dùi thuyền cho đắm, bọn Ô Mã Nhi đều chết đuối cả”. 

Sau khi đất nước sạch bóng quân xâm lược, triều đình luận công ban thưởng, Vua Trần Nhân Tông phong cho Ngài là “Sát Hải Chàng Lại Đại Tướng Quân”, ban tước “Minh Tự” (là tước phong thời Trần, dưới Quân công và trên Thượng phẩm), cho làm tướng thống lĩnh các đạo thủy binh coi giữ các cửa biển, bảo vệ vùng duyên hải. Từ ngày làm tướng coi giữ hai phận, Ngài đã tiêu diệt nhiều đám giặc biển. Với tài bơi lội của mình, Ngài đã huấn luyện, truyền dạy cho các binh sĩ trở thành những thủy binh thiện chiến. 

Mãnh lang hổ tướng về chầu thượng thiên

20220324-221022-1648136239.jpg
Các triều đại phong kiến ban tặng nhiểu sắc phong thần cho Ngài. Ảnh: Nguyễn Diệu

Một lần đi tuần thú đường biển ở Thanh Hóa, đến Cửa Trào huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung thì Ngài qua đời. Về ngày mất của Hoàng Tá Thốn, hiện nay có hai nguồn tài liệu khác nhau: Theo gia phả của họ Nguyễn Triệu cơ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Ngài mất ngày 15 tháng 3 năm Kỷ Mão (1339). Theo văn bia “Nam Miếu tôn thần sự tích”, Ngài mất ngày mồng 1 tháng giêng năm Mậu Dần (1338). Triều đình được tin, truy phong Ngài là Tô Đại Liêu Thiên Bồng nguyên Soái Đại tướng quân, cho thuyền rồng chở lĩnh cữu về quê Vạn Phần, an táng tại xứ Mả Cháy và lập đền thờ ở đó. 

Trong bài luyện cầu đức Sát Hải Đại Vương còn nhắc đến việc này: 

“Chốn Thanh Hoa, đó là Hà Lộ
Sẵn đường mây ruổi vó long câu. 
Tiếng đồn khắp hết đâu đâu, 
Mãnh lang hổ tướng về chầu thượng thiên.
Đất nhà dấu cũ chẳng quên, 
Thuyền loan đón rước về miền Vạn tân.
Chốn này Mả Cháy ninh phần,
Xưa quan thủy phủ, nay thần dương gian.
Trung thành thấu đến thiên nhan, 
Sắc phong phối hưởng, gia ban rõ ràng.”

Hiện nay, giả phả họ Hoàng ở Vạn Phần và Vạn Tràng còn lưu giữ được bài thơ tương truyền là của Vua Trần Hiến Tông ca ngợi Hoàng Tá Thốn. 

Phiên âm:

Thiên phù xã tắc tứ công sinh,
Tuấn sĩ khôi ngô trạc tuyết linh. 
Hải quốc thủy tiên chung tú khí, 
Nhân gian thần tướng diệu thư tinh. 
Đằng giang vạn lý sơn tàng hổ, 
Trầm phá thiên sưu hải chiến kình.
Hà Lộ tha niên tinh cáo trụy,
Độc tương nghĩa tử báo triều đình.

Dịch thơ:

Trời phò xã tắc khiến Ngài sinh, 
Tuấn tú khôi ngô chói hiển linh.
Thiên nước thủy cung chung tú khí, 
Tướng thần nhân thế sáng hùng tinh.
Bạch Đằng vạn dặm hùm ẩn núi, 
Lặn phá ngàn thuyền kình vượt biển.
Hà Lộ năm nào sao báo rụng, 
Trọn đem nghĩa tử báo triều đình. 

Các triều đại phong kiến ban tặng nhiểu sắc phong thần cho Ngài là “Sát Hải Đại Vương Quản Quân Mãnh Lang Thiên Bồng Nguyên Soái Đại Tướng Quân, thượng thượng đẳng tôn thần” và chuẩn cho dân xã Vạn Phần thờ phụng. Những lúc gặp thiên tai, hạn hán, dịch bệnh… triều đình đều lệnh cho dân quanh vùng rước các thần về đây lập đàn cầu đảo. Do điều kiện chiến tranh và bảo quản không tốt, các sắc phong thần của Sát Hải Đại Vương ở đây đã bị mất gần hết, hiện chỉ lưu giữ một đạo sắc phong thời Nguyễn: 

Phiên âm:

Sắc Nghệ An tỉnh, Đông Thành huyện, Vạn Phần xã phụng sự Sát Hải Đại Tướng Quân, phối hướng bách linh tôn thần. Hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Hoằng Hiệp Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần. Chẩn kỳ phụng sự. Thử cơ thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. 

Khâm tai!

Khải Định nhị niên tam nguyệt thập bát nhật

(Sắc mệnh chi bảo)

Dịch nghĩa:

Sắc cho xã Vạn Phần, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An thờ phụng Sát Hải Đại Tướng Quân phối hướng bách linh tôn thần. Thần giúp đỡ đất nước, che chở nhân dân, linh ứng đã lâu. Cho nên, nay trẫm cả vâng mệnh sáng, xa nghĩ ơn thần, trứ phong là Hoằng Hiệp Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần. Chuẩn cho thờ phụng. Ngõ hầu, thần hãy ban ơn, che chở và giữ gìn dân ta.  Vậy sắc! Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (năm 1917)

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Tiếng thở than từ một di tích (Kỳ I)" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.