Đình Tám Mái – Nét chấm phá trong kiến trúc Việt cổ

18/08/2021 21:57

Theo dõi trên

Ngôi Đình làng trang nghiêm và là công trình kiến trúc văn hóa mang tính dân tộc. Kiến trúc Đình làng, vì vậy cũng mang đậm dấu ấn văn hóa độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống. Đình Tám Mái (xã Diễn Hoàng, Diễn Châu, Nghệ An) là một trong những công trình oai nghiêm và đồ sộ nhất trong khung cảnh làng quê Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng.

a1-1629295583.jpg
Đình Tám Mái (xã Diễn Hoàng, Diễn Châu, Nghệ An) 

“Xưa kia bảy bếp gọi là Hà Côi”

“Hai Vai gánh vác giang san
Mộ Dạ Hiệp nghĩa gian nan coi thường
Sông Bùng chảy mãi yêu thương
Đền Cuông sừng sững tấm gương muôn đời…”

Theo lai lịch, hồi khởi thủy, làng Hoàng Hà (xã Diễn Hoàng bây giờ) chỉ mới có 7 hộ nên có câu ca: "Xưa kia bảy bếp gọi là Hà Côi ". Nhưng rồi cư dân cứ quần tụ, mỗi lâu một đông đúc thêm... 

Tương truyền, đến một ngày, đất nước bị kẻ thù bên ngoài xâm lăng, nhà vua phải thân chinh đi đánh dẹp. Gặp lúc bị quân giặc đuổi giết, vua phải nép mình vào trong một cái hốc cây. Khi quân giặc lùng soát sắp đến nơi thì từ đó, một cô gái vụt đứng dậy và bỗng hóa thành con thỏ trắng mà chạy vút đi. Bọn giặc vì mới từ xa tới và thèm thịt thỏ nên liền đuổi theo nhưng rồi thỏ trắng cũng biến mất. Thế là nhà vua thoát nạn. Ngài cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của người con gái lạ, nên đặt tên nàng là Bạch Y Công Chúa, rồi sai dân sở tại tôn làm Thành hoàng và lập đền thờ. 

Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo mà năm Mậu Thân (1908) là lần cuối, thì đình có được hình thể như ngày nay. 

a4-1629294557.jpg

a5-1629294938.jpg
a2-1629295039.jpg
... là một trong những công trình oai nghiêm và đồ sộ nhất trong khung cảnh làng quê Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng.

Bởi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên tại Nghệ An thuở trước, ở từng làng, ngoài đền thờ thần thì chưa có đình để làm nơi hội họp riêng. Hai phần việc ấy thường được kết hợp vào một nơi nên đền cũng được gọi là đình. Đình Tám Mái cũng vậy. 

Đây cũng là nơi đã diễn ra các cuộc họp bí mật của cơ quan Tổng ủy Hoàng Trường và Liên chi bộ Đảng Hoàng La - Hoàng Hà thời bí mật. Các cuộc biểu tình thời Xô Viết (1930 - 1931), nơi nhân dân làng Hoàng Hà họp mít tinh cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng 8 - 1945. Đó cũng là nơi mở các lớp bình dân học vụ, diễn ra Tuần lễ vàng, nơi tiễn trai tráng đi ra chiến trường... Khi giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, máy bay của chúng đã hai lần oanh tạc đình Tám Mái nhưng bom đạn của chúng ném xuống đều rơi trật mục tiêu. Trong đợt chúng dùng pháo đài B52 dội bom theo kiểu rải thảm vào năm 1972, thì Đình Tám Mái vẫn trụ vững với chức năng là kho chứa vũ khí và quân lương của Đại đội pháo cao xạ phòng không Nguyễn Viết Xuân.

Ngày 6-4- 2009, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định công nhận Đình Tám Mái là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. 

Gương mặt kiến trúc Việt Cổ

Nguyên thủy Ðình là Trạm quán, nơi lữ khách dừng chân hay còn gọi là Dịch đình, được làm theo kiểu chữ nhật giản dị. Sau trở thành Ðình làng thì cũng cứ thế mà làm to rộng hơn ra, trở thành nơi sinh hoạt chung của cả làng. Khi Đại đình không đủ chổ ngồi thì người ta dựng thêm ở phía trước, một tòa nhà song hành nhưng ngắn nhỏ hơn, gọi là nhà tiền tế. Kiến trúc Đình làng cổ làm kiểu chữ nhất hay chữ nhật nằm.

Kể từ khi Thành hoàng được thờ thường trực tại Ðình người ta dựng ở phía sau Đại đình một tòa hậu cung tạo thành chữ công, hay xây hẳn tòa Hậu cung mà chiều ngang bằng tòa Đại đình thành hình chữ nhị. Có Đình xây thêm ba dẫy nhà dọc ở phía sau Ðại bái thành hình chữ Sơn. Từ một gian, Đình làng phát triển thành 3-5-7 gian, hoặc có thể tới 9 gian.

Đình làng thường phổ biến loại bốn mái, có khi cũng phát triển thêm loại tám mái (kiểu chồng diêm). Đó là các dạng bổ sung cho sự phong phú của Đình làng Việt Nam nói chung và của Đình làng Xứ Nghệ nói riêng.

Đình Tám Mái ở làng Hoàng Hà cũng vậy, đình cao rộng, kết cấu thượng lầu, hạ đình theo kiểu một số điện thờ trong kinh Thành Huế. Bốn cây cột cả được cụm lại ở gian giữa, mỗi cây cao 5,2 mét. Còn các cột khác thì cao 3,5 mét. Ở phần chân của mỗi cây cột, đường kính đo được là 42 cm. Phần cao trội lên (1,7 mét) ở 4 cây cột cả kia chính là các trụ của tầng lầu.

a6-1629295358.jpg
a3-1629294400.jpg
Phần cao trội lên (1,7 mét) ở 4 cây cột cả kia chính là các trụ của tầng lầu. Bên trên mỗi tầng nhà như vậy đều kết thành 4 mái, cho nên được gọi là ĐìnhTám Mái. Các mái đình đều được uốn cong với một tỷ lệ cân xứng, thích hợp, có lưỡng long. triều nguyệt và nghê, phượng, bài trí trông thật cổ kính, đường bệ.

Bên trên mỗi tầng nhà như vậy đều kết thành 4 mái, cho nên được gọi là ĐìnhTám Mái. Các mái đình đều được uốn cong với một tỷ lệ cân xứng, thích hợp, có lưỡng long. triều nguyệt và nghê, phượng, bài trí trông thật cổ kính, đường bệ. Tầng lầu không tạo nên diện tích sử dụng nhưng nó nâng cao tầm thế uy nghi của ngôi đình.

Về sau, nhân dân Hoàng Hà còn kết hợp thờ ở Đình Tám Mái các vị thần khác cùng có công to với dân làng.

Thời gian trôi đi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự tàn khốc của chiến tranh và cả sự thờ ơ, thậm chí cả sự triệt phá con người đã làm cho nhiều ngôi đình không còn giữ được vẻ bề thế thuở ban đầu, nhiều Đình làng không còn tồn tại. Nhưng sự hiện diện của những ngôi đình còn lại vẫn đủ để khẳng định, Đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đình Tám Mái – Nét chấm phá trong kiến trúc Việt cổ" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.