Đền Tán Sơn - Vén màn lịch sử (Bài cuối)

29/03/2021 23:01

Theo dõi trên

Về miền di sản, ta yêu hơn những di tích, ngợi ca vẻ đẹp của danh lam, đắm mình vào những hồn say của thắng cảnh. Đền Tán Sơn là một nét chấm phá trong bức tranh đa sắc của huyện Nam Đàn.

“Hệ xuất thần linh long động cổ
Địa chung linh tú Tán sơn cao”

Dịch nghĩa: “Thần linh thiêng sinh ra có quan hệ với long động xưa
Đất Chung đúc nên khí tốt là Tán Sơn cao”
Ngũ sơn vọng Mai Hồ



Đền Tán Sơn được xây dựng trên núi Tán vào giữa thế kỷ XVI. Với diện tích 4 ha, bao quanh bởi 5 ngọn núi: Núi Anh, Núi Tán, Núi Nhuệ, núi Khúc và núi Thiệt Diệt; soi bóng xuống dòng sông Mai Hồ thơ mộng. Đoái nhìn đền Tán Sơn mới thấy hết sự uy nghi, trầm lắng, tĩnh mịch và linh thiêng. Ảnh: N.D

Chuyện xưa kể rằng, đền Tán Sơn được xây dựng trên núi Tán vào giữa thế kỷ XVI. Với diện tích 4 ha, bao quanh bởi 5 ngọn núi: Núi Anh, Núi Tán, Núi Nhuệ, núi Khúc và núi Thiệt Diệt; soi bóng xuống dòng sông Mai Hồ thơ mộng. Đoái nhìn đền Tán Sơn mới thấy hết sự uy nghi, trầm lắng, tĩnh mịch và linh thiêng. 

Những vách đá dựng đứng ôm đền Tán vào lòng khiến đền càng thêm phần bí ẩn. Núi Tán, mạch từ núi Hồng Lĩnh, phía Đông chạy xuống đồng bằng thì đột xuất nổi lên. Núi này hình tròn như cái lọng. Nhánh bên trái có những hòn đá kỳ quái nổi lên liền nhau, gọi là núi Sắt. Phía bên phải có các núi Anh Sơn, Nhuệ Sơn và Trăn Sơn chầu quanh chiếu sáng. Phía Tây có hồ Nón như vành trăng, quang cảnh khá đẹp.

Về miền di sản, ta yêu hơn những di tích, ngợi ca vẻ đẹp của danh lam, đắm mình vào những hồn say của thắng cảnh. Đền Tán Sơn là một nét chấm phá trong bức tranh đa sắc của huyện Nam Đàn. 

Đặt chân vào đền, leo những bậc thang được làm bằng đá xưa cổ kính, những cột nanh cao 5m, chạm trổ long - ly - quy - phượng. Ngay trước cổng, hai con voi phủ phục và hai con ngựa đứng chầu được thắng bành (quản voi, quản ngựa). 

Cũng chẳng đâu xa, ngôi đền huyền bí với nhiều tích sử này được tôn lên bởi rừng thông cao vút. Với kiểu kiến trúc tứ trụ tam oai gồm hai nhà hạ điện và thượng điện. Phía bên phải có nhà thờ họ Lê Đăng gốc Mạc (nay không còn nữa). Vết tích xưa vẫn còn in dấu nơi miền sơn cước. Dù tam quan, cột nanh đã bị bụi thời gian phủ kín, tàn phá bởi chiến tranh nhưng đã được phục chế lại, uy nghiêm, sừng sững một vùng. 

Được biết, tất cả gỗ dùng để làm đền đều được làm từ gỗ lim do nhân dân khai thác trong rừng tại địa phương. Hạ điện có 3 gian, 12 cột. Trên đỉnh nóc đắp nổi hình lưỡng long triều nguyệt theo thể thức đăng đối với chất liệu vôi vữa, ghép mảnh sành sứ. Toàn bộ phần mái được lợp bằng ngói vảy (ngói âm dương loại khổ lớn). Ngoài ra, hạ điện còn là nơi tế lễ của làng, một bên văn, một bên võ, có ngũ hương hào lý giám sát công việc. Cùng với đó là trống và chiêng lớn bằng đồng, vừa là vật thiêng và cũng là nhạc khí. Những giá trống và giá chiêng được chạm trổ tinh xảo. 

Nối liền hạ điện là thượng điện. Bên tả có tượng thờ quan văn, bên hữu có tượng thờ quan võ. Thượng điện gồm 2 gian, cấu trúc kiểu tứ trụ tam oai, trên đỉnh nóc đắp nổi hình lưỡng long triều nguyệt. Ở 4 đầu đao cong vút là hình đắp nổi tượng trưng bốn đuôi con rồng. Thượng điện gồm 10 cột. Hiện, đền còn lưu giữ nhiều đồ tế khí: nồi hương, 2 con hạc bằng đồng, lư hương, mâm chè, chén uống rượu.
 




Thượng điện gồm 2 gian, cấu trúc kiểu tứ trụ tam oai, trên đỉnh nóc đắp nổi hình lưỡng long triều nguyệt. Ở 4 đầu đao cong vút là hình đắp nổi tượng trưng bốn đuôi con rồng. Thượng điện gồm 10 cột. Hiện, đền còn lưu giữ nhiều đồ tế khí: nồi hương, 2 con hạc bằng đồng, lư hương, mâm chè, chén. Ảnh: N.D

“… Nam Đường di ái ức nên từ”

Vì sao hễ nhắc đến Đền Tán Sơn người ta lại nhắc đến Lê Hồng Sơn và ngược lại. Đành rằng Lê Hồng Sơn là hậu duệ đời thứ 11 của hệ tổ Mạc Đăng Lượng nhưng sự hi sinh của người chiến sỹ cộng sản kiên trung đáng để hậu thế ngàn năm hương khói, thờ phụng. 

Lê Hồng Sơn là hậu duệ đời thứ 11 của hệ tổ Mạc Đăng Lượng đã góp phần làm rạng danh cho tông tộc, quê hương. Đồng chí là một trong những sáng lập viên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. 

Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phan, sinh ngày 29/6/1899 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Đi theo tiếng gọi cứu nước của Hội Duy Tân, tháng 2/1920, Lê Văn Phan từ giã gia đình, bè bạn, quê hương ra nước ngoài hoạt động. 34 năm cuộc đời, Lê Hồng Sơn đã giành 13 năm cho cách mạng, chiến đấu không mệt mỏi, kiên cường cho đến phút chót. 

Với 25 lần thay tên đổi họ là 25 lần Lê Hồng Sơn được Đảng giao cho những nhiệm vụ khác nhau để hoạt động cách mạng. Sau vụ rải truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1932 ở Thượng Hải, đồng chí bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt. Ngày 25/9/1932, bọn Tưởng giao Lê Hồng Sơn cho thực dân Pháp, chúng vội vàng chuyển anh về Hà Nội và sau đó về Vinh ngày 24/10/1932. Thực dân Pháp hiểu rõ Lê Hồng Sơn là một nhân vật quan trọng của Đảng cộng sản Đông Dương ở hải ngoại, toà án Nam triều đã kết án tử hình đồng chí. Bản án đã được thi hành tại quê hương Lê Hồng Sơn vào ngày 20/2/1933 (tức ngày 26 tháng Giêng năm Quí Dậu).  

Mặc cho kẻ thù hăm doạ, bà con nhân dân vẫn đưa Lê Hồng Sơn về an táng tại một gò cao ở Dăm Nêu, cách nơi xử bắn 300m. Năm 1947, chính quyền địa phương tổ chức cải táng đưa thi hài liệt sỹ Lê Hồng Sơn cùng hai liệt sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh về an táng tại đình làng. Năm 1958, hài cốt Lê Hồng Sơn tiếp tục được đưa về nơi trước đây đồng chí bị xử bắn.  
 






Với kiểu kiến trúc tứ trụ tam oai gồm hai nhà hạ điện và thượng điện. Vết tích xưa vẫn còn in dấu nơi miền sơn cước. Dù tam quan, cột nanh đã bị bụi thời gian phủ kín, tàn phá bởi chiến tranh nhưng đã được phục chế lại, uy nghiêm, sừng sững một vùng. Ảnh: N.D

Trăm năm không quên

Năm 1788, Quang Trung - Nguyễn Huệ trên đường tiến quân ra Bắc dừng chân tại đây để tuyển thêm lực lượng và luyện tập quân sỹ. Trong phong trào Văn Thân - Cần Vương, đền là nơi gặp gỡ và bàn việc cứu nước của giới sỹ phu. Trước khi đi xuất dương, Phan Bội Châu thường chọn đền Tán Sơn làm địa điểm hội họp kín với Vương Thúc Mậu, Ngô Quảng..., nơi tập trung thanh niên đi xuất dương. Đền Tán Sơn đã gắn bó tuổi tthơ và những hoạt động yêu nước của Lê Hồng Sơn tại quê nhà. Anh thường bí mật lên núi họp bàn việc lớn cùng Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu... 

Với vị trí kín đáo, linh thiêng, hơn nữa nhân dân trong vùng vốn có tinh thần kháng Pháp nên Huyện uỷ, Tổng uỷ đã chọn đền Tán Sơn làm cơ sở hội họp, in ấn tài liệu của Đảng, nơi thành lập Ban chấp hành liên chi bộ tổng Xuân Liễu, là địa điểm tập trung quần chúng đi biểu tình, nơi làm việc của chính quyền Xô Viết trong những năm 1930 - 1931. Tháng 8/1945, đội tự vệ Xuân Hoà đã luyện tập tại đây để chuẩn bị cướp chính quyền. Trong 2 cuộc kháng chiến, đền là nơi điều chế, cấp phát thuốc cho chiến trường, nơi tiễn đưa con em Xuân Hoà lên đường nhập ngũ. 

Khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn nằm cạnh đường Quốc lộ 46, trong khuôn viên đẹp với diện tích 805m2. Cổng vào khu mộ được xây gạch chỉ ốp gralitô cao 2,1m, trên đỉnh cột cổng có gắn quả cầu 20m. Nối liền 2 cột cổng là 2 mảnh tường rào hình cánh cung, tạo cho dáng cổng vừa khoẻ vừa đẹp. Phần mộ dài 3,8m, đài bia cao 4m, mặt trước gắn bia dẫn tích dài 1,2m, rộng 0,8m bằng đá ốp lát màu đen, khắc chữ gương vàng. Xung quanh mộ có hàng rào, vườn cây ao, cá quanh năm xanh tươi mát mẻ. Ngày nay khu mộ đồng chí Lê Hồng Sơn trở thành nơi tưởng niệm của Đảng và nhân dân trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Đền Tán Sơn và mộ đồng chí Lê Hồng Sơn được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận là di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia (quyết định số 1423/QĐ - VH ngày 23/07/1980).

Dẫu có trải qua hàng trăm năm lịch sử, dẫu bị bụi thời gian phủ lên dày đặc nhưng đền Tán Sơn vẫn còn đó, hiên ngang, trầm mặc và sừng sững. Về miền di tích là về với những giá trị thấm dần vào mạch truyền thống văn hóa của dân tộc. 
 
“Mộng đến mộng đi mộng ngỡ tàn
Thề xưa hẹn cũ hội hồng nhan”.
 
Nguyễn Diệu

Bạn đang đọc bài viết "Đền Tán Sơn - Vén màn lịch sử (Bài cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.