Lễ cưới của người Dao ở Tuyên Quang - Nét đẹp truyền thống gắn kết tình yêu và văn hóa

13/07/2025 15:23

Theo dõi trên

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, dân tộc Dao có đến hàng trăm nghìn người, là dân tộc thiểu số đông thứ hai sau dân tộc Tày. Với 9 ngành Dao sinh sống xen kẽ, cộng đồng người Dao nơi đây lưu giữ một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú. Trong đó, lễ cưới không chỉ là sự kiện trọng đại trong cuộc đời mỗi con người mà còn là dịp thể hiện trọn vẹn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao.

Giữa vùng núi non trùng điệp của Tuyên Quang - nơi dòng sông Lô lặng lẽ soi bóng đại ngàn - cộng đồng người Dao cư trú bao đời vẫn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống như mạch nguồn không bao giờ vơi cạn. Trong kho tàng ấy, lễ cưới của người Dao không chỉ là một nghi thức đánh dấu khởi đầu cho cuộc sống lứa đôi, mà còn là một "vũ trụ văn hóa" thu nhỏ, nơi kết tinh của tín ngưỡng dân gian, triết lý sống hài hòa với tự nhiên, sự gắn bó cộng đồng và lòng hiếu kính với tổ tiên. Mỗi đám cưới không đơn thuần là sự kiện riêng của một gia đình, mà còn là dịp để văn hóa Dao được “sống” lại trong âm nhạc, trang phục, lời hát, nghi lễ - làm nên sắc màu độc đáo giữa bức tranh văn hóa đa dân tộc Việt Nam.

a38826-1752394849.jpg
Nghi lễ rước dâu của người Dao tỉnh Tuyên Quang

Từ xem tuổi hợp hôn đến lễ vật tơ hồng

Khi đôi trai gái người Dao yêu thương nhau và quyết định tiến tới hôn nhân, bước đầu tiên luôn là nhờ thầy xem tuổi. Việc xem tuổi dựa trên nguyên lý âm dương ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ - với mong muốn tìm được sự hòa hợp, mang đến hạnh phúc bền lâu. Ông Bàn Xuân Triều - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Khi tuổi hợp hôn được xác định, thầy mo sẽ chọn ngày, giờ tốt để tiến hành nghi lễ cưới hỏi theo phong tục.”

Lễ cưới của người Dao được chuẩn bị công phu và thường phải trải qua ba lần sang nhà gái. Lần đầu gọi là lễ ướm hỏi, không mang lễ vật, nhưng người làm mối phải là người có đức độ, am hiểu phong tục và uy tín trong cộng đồng. Nếu nhận được sự đồng ý từ nhà gái, gia đình nhà trai mới bắt đầu chuẩn bị sính lễ cho lần thứ hai - lễ ăn hỏi. Đến lần thứ ba, nhà trai mang đầy đủ lễ vật gồm thịt lợn, gà, gạo, rượu… cùng các sính lễ truyền thống khác sang nhà gái để làm lễ cưới.

Trước đây, nhà gái có thể đưa ra yêu cầu sính lễ cao, gọi là “thách cưới”, như bạc trắng đến 100 đồng. Tuy nhiên, ngày nay theo nếp sống mới, thách cưới đã được giản lược, mang tính tượng trưng, thể hiện sự tôn trọng và gắn kết giữa hai gia đình hơn là vật chất.

a8826-1752394897.jpg
Trang phục của cô dâu người Dao trong lễ cưới

Nét độc đáo trong nghi thức rước dâu

Lễ rước dâu của người Dao là một trong những phần nghi lễ quan trọng và đặc sắc. Đoàn nhà trai thường đi lẻ số người, bao gồm ông bà mối, chú rể, phù rể cùng đội ngũ gánh lễ vật. Điểm nổi bật chính là đội nhạc truyền thống với kèn pí lè, trống, chiêng, thanh la… tạo không khí rộn ràng, vui tươi suốt hành trình đón dâu.

Ông Đặng Chà Chiu - thầy kèn Dao đỏ ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên chia sẻ: “Ngày cưới không thể thiếu tiếng kèn - đó là niềm vui, là lời chúc phúc cho đôi trẻ sống bên nhau trọn đời, làm ăn phát đạt, con cái khỏe mạnh.”

Tại nhà gái, ông mối sẽ đại diện nhà trai xin phép vào làm lễ. Nếu được đồng ý, đoàn nhà trai thực hiện các nghi thức đón dâu về nhà chồng. Trong lễ này, cô dâu phải đội khăn trùm đầu lớn, đính nụ hoa len đỏ, mặc trang phục thêu tay tinh xảo với sắc đỏ, trắng, vàng, xanh và chàm - những màu sắc tượng trưng cho may mắn, sinh sôi và hạnh phúc.

Người Dao quan niệm cô dâu không được nhìn thấy ánh nắng mặt trời khi xuất giá để tránh “mất vía”. Cô cũng phải thực hiện nghi lễ “giải hạn khái quan” trước khi vào nhà trai - như một cách xua tan điều xấu, cầu mong thuận hòa trong tương lai. Cùng lúc đó, chú rể cũng không được nhìn mặt cô dâu cho tới khi hoàn tất nghi lễ cúng tổ tiên.

a38826-1752394931.jpg

Lễ tơ hồng - Kết nối trăm năm

Một nghi lễ thiêng liêng trong đám cưới người Dao là lễ tơ hồng – đánh dấu sự công nhận chính thức của tổ tiên và cộng đồng về mối lương duyên của đôi trẻ. Trước bàn thờ tổ tiên, cô dâu chú rể được buộc chung dải khăn đỏ - biểu tượng cho “sợi tơ hồng” gắn kết vĩnh cửu.

Chị Triệu Thị Chúc ở xã Hồng Thái chia sẻ: “Trước lễ tơ hồng, cô dâu phải trang điểm thật đẹp, đội mũ thêu hoa văn rực rỡ, đeo nhiều vòng bạc; chú rể mặc áo đỏ, đội khăn xếp truyền thống.” Một đôi chiếu được trải ra trước bàn thờ, đôi vợ chồng trẻ quỳ lạy 12 lạy – thể hiện sự thành kính với tổ tiên. Thầy cúng thực hiện các nghi thức: xua đuổi vận rủi, làm bùa yêu, yểm bảo vệ và cuối cùng là uống chung ly rượu giao bôi - với ngụ ý “say nhau suốt đời, sống trọn vẹn đến đầu bạc răng long”.

Trang phục cưới của người Dao không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng ý nghĩa tâm linh, văn hóa sâu sắc. Sau lễ ăn hỏi, cô dâu bắt đầu thêu tay trang phục cưới - thường mất cả năm để hoàn thành. Đây là cách để người con gái rèn luyện sự khéo léo, kiên nhẫn, chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân.

Bên cạnh trang phục, đôi vòng bạc do cha mẹ tặng cũng mang ý nghĩa tinh thần đặc biệt là món quà hộ thân, lời chúc phúc và biểu tượng của sự gắn bó máu mủ thiêng liêng. Trong lễ cưới, khăn đỏ cũng là vật không thể thiếu, đại diện cho sự kết nối và lời chúc phúc từ tổ tiên.

a338826-1752394959.jpg

Hát Páo Dung - nơi tình yêu thăng hoa

Đám cưới của người Dao thường kéo dài 2 - 3 ngày, trong đó đêm trước ngày cưới tại nhà trai là đêm vui nhất. Đây là thời điểm các chàng trai, cô gái giao lưu, thể hiện tài năng qua những làn điệu hát Páo Dung - hình thức hát giao duyên độc đáo, giàu chất thơ. Từ những lời hát, nhiều đôi đã nên duyên vợ chồng, góp phần giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc.

Hát Páo Dung và nghệ thuật trang phục truyền thống trong nghi lễ cưới của người Dao Tuyên Quang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia khẳng định giá trị trường tồn của văn hóa Dao giữa dòng chảy hiện đại.

Lễ cưới người Dao không chỉ là ngày vui của đôi trẻ, mà còn là bản hòa tấu văn hóa kết nối thế hệ, tôn vinh nguồn cội và thể hiện sâu sắc triết lý sống chan hòa, nghĩa tình của một cộng đồng giàu truyền thống.

a826-1752394987.jpg

Đám cưới của người Dao ở Tuyên Quang, với đầy đủ nghi lễ truyền thống, trang phục tinh xảo, tiếng kèn vui nhộn và những làn điệu Páo Dung thắm thiết, không chỉ là lời nguyện cầu cho tình yêu vĩnh cửu mà còn là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ của văn hóa dân tộc thiểu số trong dòng chảy hiện đại. Mỗi nghi thức, mỗi vật phẩm, mỗi lời hát đều ẩn chứa một triết lý sống, một giá trị truyền đời góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Giữ gìn và phát huy những nghi lễ như lễ cưới của người Dao không chỉ là bảo tồn phong tục, mà còn là nuôi dưỡng cội rễ văn hóa, hun đúc lòng tự hào và bản lĩnh văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Trần Thắng
Bạn đang đọc bài viết "Lễ cưới của người Dao ở Tuyên Quang - Nét đẹp truyền thống gắn kết tình yêu và văn hóa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.