Những đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam

04/10/2021 14:34

Theo dõi trên

Nền văn hóa Việt Nam kết tinh quá trình lao động của các dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, thể hiện trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên, xã hội và sự chủ động hội nhập vào dòng chảy văn minh nhân loại.

le-hoi-truyen-thong-bat-xat-1628635274-1633332822.jpg

Tóm tắt: Đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam chính là đặc điểm nổi bật, thuộc tính riêng của nền văn hóa khi ta đặt nó so sánh với các nền văn hóa khác trong khu vực và quốc tế. Vận dụng cách tiếp cận địa lý - lịch sử, những đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam kết tinh thành quả lao động, đấu tranh hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, gồm: Nền văn hóa hình thành từ nền tảng nông nghiệp trồng lúa nước ở miền sông nước và biển đảo; đề cao giá trị văn hóa gia đình truyền thống; đậm tính cộng đồng, tự trị của văn hóa làng xã; thấm đậm, bao trùm tinh thần yêu nước, ý thức quốc gia - dân tộc; đề cao nữ quyền; trọng nông, xa rừng, nhạt biển; đa dân tộc, thống nhất trong đa dạng; nền văn hóa mở, thích ứng và tiếp biến hài hoà các nền văn minh nhân loại.

Từ khóa: Nền văn hóa, đặc trưng nền văn hóa, đặc trưng văn hóa.

Đặc trưng, chiết tự Hán Việt nghĩa là đặc điểm của sự vật, hiện tượng và sự biểu hiện của đặc điểm ấy trong cuộc sống. Với cách hiểu phổ thông đặc trưng là điểm nổi bật, tiêu biểu của sự vật, hiện tượng, tạo nên dấu hiệu để chúng ta phân biệt một sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác.

Nền văn hóa Việt Nam kết tinh quá trình lao động của các dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, thể hiện trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên, xã hội và sự chủ động hội nhập vào dòng chảy văn minh nhân loại. Đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam chính là đặc điểm nổi bật, thuộc tính riêng của nền văn hóa khi ta đặt nó so sánh với các nền văn hóa khác trong khu vực và quốc tế. Thời gian qua, nhiều học giả ở Việt Nam, tùy vào mỗi cách tiếp cận, đã tìm tòi, giới thiệu đặc trưng của nền văn hóa Việt. Tiếp thu kết quả của các nhà nghiên cứu đi trước, vận dụng cách tiếp cận địa lý - lịch sử, chúng tôi đúc rút những đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam như sau:

1. Nền văn hóa hình thành từ nền tảng nông nghiệp trồng lúa nước ở miền sông nước và biển đảo

Nước Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, hình chữ S, chạy dài từ  Bắc xuống Nam, diện tích đất liền 331.212 km2, đường bờ biển dài 3.260km. Dựa vào các văn bản pháp lý của quốc tế và trong nước, biển nước ta rộng gấp hơn 3 lần diện tích đất liền và chiếm khoảng 29% diện tích toàn biển Đông, nơi có tới trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Khí hậu nhiệt đới nắng nóng, mưa nhiều, gió mùa đông bắc lạnh vào mùa đông. Những đợt gió đông nam từ biển Đông đưa hơi nước vào đất liền gặp đồi núi cao, khí lạnh, hội tụ thành những cơn mưa nhiệt đới. Ở Việt Nam hầu hết các con sông lớn, nhỏ đều bắt nguồn từ vùng rừng núi phía tây chảy về phía đông ra biển, dòng nước mang nhiều phù sa bồi đắp nên những thung lũng chân núi, châu thổ ven biển thích hợp với cây lúa nước. Việt Nam có 54 dân tộc, dân số hơn 96,2 triệu người, trong đó dân tộc Kinh hơn 82 triệu, chiếm đa số 85,3% (theo tổng điều tra dân số 01/4/2019), sau đó là các dân tộc Tày, Thái, Mường, Khơme. Cư dân của 5 dân tộc này đều lấy nghề trồng lúa nước làm nguồn sống chính. Cho nên, nền tảng và là dòng chảy chính của văn hóa Việt là văn hóa của người Kinh, sau đến người Tày, Thái, Mường, Khơme, tiếp là người thiểu số các tộc người còn lại. Trong lịch sử, địa bàn cư trú của người Việt ở châu thổ cũng như ở các thung lũng chân núi, họ đều lập làng bên những dòng sông, vùng có nguồn nước, ven biển hoặc ở đảo có nước để sinh sống. Thời phong kiến đại bộ phận người Việt sinh sống chính bằng nghề trồng trọt và chủ yếu là trồng lúa nước. Hệ giá trị nghề ở thời phong kiến là sĩ - nông - công - thương. Nông được xếp thứ hai sau quan. Chính sách suốt thời phong kiến là khuyến nông trồng lúa nước (vua đi cày), đắp đê, khơi kênh mương để điều tiết nước trồng lúa. Điều này dẫn tới trong nền văn hóa Việt Nam số lượng tục ngữ đúc rút tri thức dân gian về nghề nghiệp phần nhiều là tổng kết kinh nghiệm trồng lúa, những vấn đề liên quan đến nghề trồng lúa nước. Xưa chưa có điện, con người chưa thể sử dụng máy bơm điện dẫn thủy nhập điền. Trồng lúa phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt là nước. Cha ông ta đúc kết: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Lễ hội là sinh hoạt lớn của người nông dân ở làng quê vẫn còn lưu giữ những sinh hoạt văn hóa liên quan đến nước như tín ngưỡng cầu mưa, thờ mẹ lúa, thờ Tứ Pháp (mây - mưa - sấm - chớp), cầu nước (qua rước nước), cầu khô, cầu tạnh mong nước rút để được mùa lúa, cuộc sống no đủ. Bữa ăn của người Việt là cơm nấu từ gạo, sản phẩm của cây lúa. Gạo là ngọc thực, có rất nhiều món ngon mà cách chế biến là từ gạo...

2. Nền văn hóa đề cao giá trị văn hóa gia đình truyền thống

Gia đình là tế bào của xã hội, nơi sinh thành, nuôi dưỡng nhân cách con người. Mỗi tộc người, mỗi quốc gia có sự lựa chọn, đề cao những giá trị khác nhau trong văn hóa gia đình. Đối với người Việt, giá trị văn hóa gia đình truyền thống được đúc kết từ sự thích nghi và ứng phó của dân tộc đối với tự nhiên và xã hội trước những thách thức của lịch sử. Cũng là thờ cúng tổ tiên nhưng người Việt dành tình cảm sâu nặng với tổ tiên qua các nghi thức tín ngưỡng. Trong ngôi nhà vị trí trang trọng nhất, trang trí lộng lẫy nhất là bàn thờ tổ tiên, khi đó nhiều dân tộc trên thế giới không thờ, hoặc có thờ nhưng bàn thờ người mất thường nhỏ, lại để ở góc nhà. Người Việt thờ cúng tổ tiên không giới hạn thời gian, sau 5 đời thì nhập bát nhang thờ cụ kị vào một bát nhang chính gọi là bát nhang thờ tiên tổ. Coi trọng mồ mả, giỗ kỵ ngày mất của ông bà, cha mẹ, không có tục bỏ mả, dỡ bỏ nơi thờ cúng. Suy cho cùng tôn kính tổ tiên là cách hành xử người Việt coi trọng người sinh thành ra mình.

Văn hóa gia đình truyền thống người Việt giàu tính nhân văn như kính trọng người già, yêu quý trẻ nhỏ, đề cao tình nghĩa vợ chồng: "Chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người". Tôn trọng mẫu quyền, dù sống trong xã hội phụ quyền nhưng vai trò người Mẹ không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa gia đình. Mẹ là người tay hòm chìa khóa, chủ chi và tham gia chính kiến tạo các lễ nghi văn hóa. Con cháu phải giữ được nếp nhà, hiếu thảo với cha mẹ. Anh em phải gắn bó, hòa thuận giúp nhau những lúc hoạn nạn, khó khăn, phương châm ứng xử là "chị ngã em nâng". Giá trị văn hóa gia đình truyền thống biểu hiện trong các quan hệ xã hội như gọi người lớn tuổi là ông, bà, chú, bác, cô… còn người ít tuổi hơn là em, cháu, con.

Một trong những giá trị văn hóa truyền thống gia đình người Việt là quan niệm gia đình gắn với quốc gia - dân tộc. Người Việt coi nước là một gia đình lớn. Ký ức cội nguồn tiên tổ sâu nặng về bố Rồng (Lạc Long Quân) lấy mẹ Tiên (Âu Cơ) sinh ra một bọc (đồng bào) trăm trứng nở ra thành các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Nước có ngày giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng ba âm lịch).

3. Nền văn hóa đậm tính cộng đồng, tự trị của văn hóa làng xã

Làng xã là một tổ chức xã hội độc đáo trong xã hội phong kiến ở Việt Nam. Làng khởi đầu từ một dòng họ huyết thống sau mở rộng gồm nhiều dòng họ chung sống. Làng Việt thể hiện rất rõ tính cộng đồng. Các thành viên ở làng xã gắn bó, quan hệ mật thiết với nhau trong mọi hoạt động sống, từ trồng trọt, chăn nuôi, trao đổi hàng hóa đến tổ chức các sinh hoạt văn hóa. Dưới thời phong kiến làng Việt nào cũng có ruộng công, tài sản của cả làng, cứ 3 năm đến 5 năm lại phân bổ lại theo suất đinh (con trai) ở làng. Đây là cơ sở kinh tế quan trọng để mỗi thành viên của làng gắn bó với nhau. Làng là quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn, nơi được mọi người trân trọng gọi là quê hương. Phần ruộng công còn được giao cho thành viên của làng trồng trọt thu hoa lợi phục vụ công việc của làng. Ngôi đình là biểu tượng của mỗi làng, thờ vị thành hoàng bảo trợ. Cộng đồng làng cùng tổ chức hội làng biểu dương sức mạnh tinh thần ở các công trình tín ngưỡng: đình, đền, chùa, miếu, quán. Tính cộng đồng thể hiện trong các sinh hoạt văn hóa của các thành viên ở làng xã như việc cưới, việc tang, mừng thọ, mừng nhà mới…

Dưới thời phong kiến, tổ chức ở mỗi làng Việt khá chặt chẽ, có nhà nghiên cứu đã ví làng Việt là bức tranh thu nhỏ của xã hội Việt Nam, thể hiện rất rõ tính tự trị. Tục ngữ có câu: "Trống làng nào làng đó đánh, Thánh làng nào làng đó thờ", "Phép vua thua lệ làng". Mỗi làng đều tạo dựng những biểu tượng văn hóa mang giá trị thẩm mỹ riêng qua kiến trúc cổng làng, đình, chùa, giếng nước, bến nước... Làng Việt duy trì cơ chế dân chủ làng xã, mọi thành viên nam được bàn bạc việc của làng ở đình làng. Hội đồng kỳ mục (người có chức sắc, thế lực trong làng) có vai trò tư vấn cho người đứng đầu làng xã quyết định các công việc của làng và công việc ấy chỉ được thi hành khi nhận được sự nhất trí của Hội đồng bô lão. Mỗi làng Việt đều có phong tục, nhiều làng dân chủ thảo luận thông qua hương ước, duy trì các lệ tục lâu đời. Trong ứng xử người Việt đặt quan hệ với người làng cao hơn quan hệ với người cùng huyết thống: "Bán anh em xa mua láng giếng gần", “Sống ở làng, sang ở nước”. Tinh thần trọng lão: “Triều đình trọng tước, làng xã trọng xỉ” (trọng người cao tuổi). Tính cộng đồng và tính tự trị là cơ sở để  làng Việt trở thành pháo đài văn hóa giữ gìn bản sắc vùng miền. Có nhà nghiên cứu cho rằng cấu trúc của xã hội Trung Quốc là: Cá nhân - gia đình - dòng họ - quốc gia còn cấu trúc của xã hội Việt Nam là: Cá nhân - gia đình - làng xã - quốc gia. Như vậy, ở Việt Nam, làng là một thực thể tự trị nhưng làng và nước lại có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, tạo nên giá trị tình làng nghĩa nước.

4. Nền văn hóa thấm đậm, bao trùm tinh thần yêu nước, ý thức quốc gia - dân tộc

Lịch sử đã chứng minh trong suốt chiều dài hàng nghìn năm các đế chế phương Bắc không từ bỏ dã tâm thôn tính đất nước Việt Nam trở thành quận, huyện và mưu toan đồng hóa người Việt. Trước thách thức của lịch sử, người Việt đã tự vệ cho dân tộc mình bằng vũ khí văn hóa là đề cao, lan tỏa sâu rộng tinh thần yêu nước thường nòi, ý thức về quốc gia - dân tộc. Người Việt đã sáng tạo hệ thống huyền thoại Họ Hồng Bàng nói về cội nguồn các dân tộc ở Việt Nam, coi các dân tộc ở Việt Nam là đồng bào. Tổ quốc là một gia đình lớn, có các vua Hùng là Quốc Tổ khai sinh nhà nước Văn Lang đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt. Sáng tạo truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy để truyền đời bài học cảnh giác trước họa ngoại xâm. Những câu chuyện dân gian nói về tài trí của sứ thần và các trạng Việt Nam trong giữ thể diện dân tộc, quốc gia khi đối đáp với vua, quan, sứ thần phương Bắc. Chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang với tinh thần: "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Các làng xã của người Việt dựng đình để thờ thần làng làm thành hoàng bảo trợ, phần lớn các vị thần thờ là người có công chống xâm lược và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Những câu ca kêu gọi đại đoàn kết toàn dân tộc: "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"; "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng". Thời phong kiến quan niệm trung vua của người Việt bao giờ cũng gắn ái quốc. Ý thức về lãnh thổ quốc gia đã ăn sâu vào tâm thức người Việt qua câu chuyện truyền ngôn nước Văn Lang gồm 15 bộ tộc. Do vậy mới có chuyện Hoàng đế Quang Trung gửi thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) đòi phân rõ biên giới cũ, dự định lấy lại vùng đất của các vua Hùng. Tinh thần yêu nước thấm sâu vào mọi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Văn thơ yêu nước bác học bất luận ở thời kỳ nào trong lịch sử của dân tộc Việt, nhất là thời kỳ phong kiến tự chủ cũng thấm đậm chủ đề khẳng định Việt Nam là quốc gia có chủ quyền, có cương vực rõ ràng, có nền văn hiến lâu đời. Tiêu biểu là bài thờ thần: Nam quốc sơn hà Nam đế cư, tương truyền của tướng Lý Thường Kiệt và bài Cáo bình Ngô, thiên cổ hùng văn của đại thi hào Nguyễn Trãi. Hơn  hết, người Việt hiểu rằng mất văn hóa là mất dân tộc, mất nước nên yêu nước là cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giải thiêng văn hóa ngoại bang, gọi người phương Bắc đến cư trú là chú khách. Các di tích lịch sử văn hóa tưởng niệm những người có công với nước và dòng văn nghệ yêu nước chống xâm lược đã thể hiện rõ tâm hồn, cốt cách, ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và khát vọng yêu chuộng hòa bình, "không có gì quý hơn độc lập, tự do" của người Việt, như lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

5. Nền văn hóa đề cao nữ quyền

Lịch sử nhân loại phát triển từ chế độ mẫu quyền chuyển dần sang chế độ phụ quyền. Ở các nước phương Tây, đó là quá trình người phụ nữ mất dần vị thế  xã hội, nhất là dưới thời phong kiến. Đến nay, vấn đề nữ quyền đang nổi lên trong xã hội phương Tây, phụ nữ tranh đấu chống kỳ thị, đòi bình đẳng giới. Ngược lại trong nền văn hóa Việt Nam, biểu hiện kỳ thị phụ nữ rất mờ nhạt mà hình ảnh người phụ nữ còn được đề cao, giữ vị trí xứng đáng trong các sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhất là ở những nơi thờ tự tín ngưỡng tôn giáo. Trong tin ngưỡng dân gian, người Việt hằng tâm, hằng sản cho những nơi thờ phụ nữ gọi các nữ thần là Thánh Mẫu, có nữ thần còn được tôn vinh là Quốc Mẫu như Quốc Mẫu Âu Cơ, Quốc Mẫu Tây Thiên. Tín ngưỡng Tam phủ (thờ Mẫu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thuỷ/Thoải) và Tứ phủ, thêm phủ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ tự rộng khắp ở làng xã, là tín ngưỡng mang đậm dấu ấn của người Việt. Nhiều vùng miền trên đất nước Việt Nam xuất hiện nơi thờ Mẫu, dân chúng gọi các Mẫu ấy là Bà Mẹ xứ sở. Đó là Bà Chúa Xứ trên Núi Sam ở thành phố Châu Đốc (An Giang), Linh Sơn Thánh Mẫu trên núi Bà Đen (Tây Ninh), Mẫu Thiên Y A Na của người Chăm ở Tháp Bà, thành phố Nha Trang (Khánh Hoà), các nữ thần Poh Nagar trong các tháp của người Chăm vùng Trung Bộ. Người Việt du nhập tôn giáo bên ngoài vào văn hóa Việt đã tiếp biến theo thiên hướng đề cao phụ nữ. Phật vào Việt Nam trở thành Phật Bà. Bà Man Nương ở vùng Dâu (Bắc Ninh) trở thành Phật Mẫu của người Việt. Các gia đình theo Thiên Chúa giáo dành vị trí trang trọng trong nhà treo ảnh Đức Mẹ Maria. Những phụ nữ từ nghìn năm trước hy sinh vì nước, vì dân được dân thờ phụng trở thành liệt nữ nêu gương cho con cháu như Bà Trưng, Bà Triệu… Ở thời hiện đại hình ảnh người Mẹ vì nước được tôn kính dựng tượng như Bà Mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam, Mẹ Suốt ở Đồng Hới (Quảng Bình)… Những đền thờ liệt nữ Võ Thị Sáu ở Côn Đảo, đền thờ Mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), đền thờ Thanh niên xung phong ở Hang Tám Cô (Quảng Bình)... Dân chúng đã đúc rút vai trò, vị trí của người phụ nữ Việt: "Lệnh ông không bằng cồng bà", trong mối quan hệ hài hòa, dân chủ: "Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn".

6. Nền văn hóa trọng nông, xa rừng, nhạt biển

Đặc điểm này khá nổi bật trong nền văn hóa Việt Nam. Cha ông ta quan niệm "nông vi bản" (lấy nông làm gốc), tư duy rất thực tế: "Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ". Cho nên sản xuất nông nghiệp lấy trồng trọt, chăn nuôi, khai thác tiềm năng của đất đai làm ra sản phẩm nuôi sống con người, tổ chức các sinh hoạt văn hóa là ý thức thường trực của người Việt, là phương châm "phi nông bất ổn". Người Việt chọn châu thổ màu mỡ phù sa và những đồng bằng chân núi ven biển để mưu sinh và tổ chức làng xã. Thành quả nền văn hóa Việt biểu hiện rất rõ tư tưởng trọng nông. Các làng Việt giàu có, đậm truyền thống, duy trì thuần phong mỹ tục, được tổ chức chặt chẽ đều là những làng nông nghiệp ở vùng đất màu mỡ. Nền văn hóa kết tinh hệ thống tri thức về tự nhiên, xã hội đối với trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hình ảnh con trâu thân thuộc với người dân: "Trâu ơi ta bảo trâu này, Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta, Cấy cày vốn nghiệp nông gia, Ta đây trâu đấy, ai mà quản công";"Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa". Rất nhiều câu ca hay nảy sinh từ môi trường lao động nông nghiệp: "Hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi". Hội làng - lễ hội dân gian truyền thống thể hiện tinh thần cộng đồng, cộng cảm, cộng mệnh của người làng, trong đó có nhiều yếu tố nông nghiệp. Văn hóa ẩm thực của người Việt có nền tảng căn bản từ nông nghiệp. Quý trọng đất nông nghiệp để sinh nhai "tấc đất tấc vàng", "người là hoa đất". Người Việt đã bảo nhau đắp hàng nghìn cây số đê ngăn lũ lụt, khơi hàng trăm cây số kênh, mương điều tiết nước để trồng cấy, chăn nuôi. Những con đê, kênh, mương ấy là biểu tượng sức mạnh người dân, đồng thời là biểu tưởng văn minh nông nghiệp của người Việt.

Xem xét trong diễn trình lịch sử, người Việt có xu hướng xa rừng, hướng phát triển là từ rừng xuống đồng bằng, châu thổ. Rừng núi là nơi khó làm ăn, phát sinh bệnh tật, nơi “ma thiêng nước độc”.

Người Việt là chủ nhân của đất nước có diện tích biển gấp trên ba lần đất liền nhưng tiềm năng và thế mạnh này chưa được khai thác, phát huy. Nhìn chung, nền văn hóa của người Việt thể hiện tư tưởng ứng xử dè chừng với biển. Nghề biển phát triển ở một bộ phận cư dân miền Trung, nơi đất đai kém màu mỡ, khó đảm bảo sinh kế. Họ đánh bắt cá biển để phơi khô, ướp muối chế nước mắm thành thương phẩm trao đổi với các vùng khác. Biển khôn lường những hiểm họa. Những người chồng đi biển gặp gió to sóng lớn, lật thuyền không trở về, hệ quả là những người vợ trẻ bế con hóa đá chờ chồng (Hòn vọng phu). Cả dải đất miền Trung xuống phía Nam Nam Bộ có nhiều làng chài tổ chức lễ hội Ngư Ông cầu mong loài cá heo ở biển giúp mạng sống của ngư dân đi biển khi gặp bất trắc. Ngư dân Việt chủ yếu đánh bắt cá ở gần bờ (cận duyên) dè chừng ra đại dương. Đây là đặc điểm "nhạt biển" của người Việt.

7. Nền văn hóa đa dân tộc, thống nhất trong đa dạng

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc (54 dân tộc), trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số nên văn hóa dân tộc Kinh giữ vai trò chủ đạo. Lịch sử phát triển văn hóa của người Việt đã khẳng định sự tôn trọng, cởi mở, giao lưu, tiếp biến văn hóa một cách tự nguyện giữa các dân tộc, chống biểu hiện kỳ thị, cưỡng bức văn hóa của dân tộc này đối với dân tộc khác. Nền văn hóa đa dân tộc đã tạo nên tiềm năng, thế mạnh phát huy sức mạnh mềm văn hóa của quốc gia trong các quan hệ quốc tế, gia tăng tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Văn hóa Việt vận động trong tiến trình lịch sử đã thể hiện rất rõ tính thống nhất của một nền văn hóa quốc gia - dân tộc. Cho dù nhiều tộc người thiên di vào lãnh thổ Việt ở những thời điểm lịch sử khác nhau, có tộc người đến sớm từ hàng nghìn năm, có tộc người mới du nhập vài trăm năm nhưng khi đã chọn đất Việt làm nơi sinh sống thì các tộc người đều chung một ký ức cội nguồn tiên tổ, là đồng bào của nhau, thừa nhận quốc gia - dân tộc phải có cương vực rõ ràng, có người đứng đầu đại diện cho dân quản lý đất nước. Thống nhất quốc kỳ, quốc huy, quốc hiệu, quốc ca... của nước. Thống nhất phép tắc của nhà nước, lấy tiếng nói người Kinh làm ngôn ngữ phổ thông trong giao tiếp, quy định chữ viết quốc gia trong mỗi thời kỳ lịch sử. Thống nhất hệ tư tưởng và thể chế quản lý xã hội, hành vi con người cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nền văn hóa đa dân tộc đã kiến tạo một nền văn hóa đa dạng các thành tố và hình thức biểu hiện. Soi vào bất cứ thành tố văn hóa nào như ẩm thực, nhà ở, trang phục, phong tục, tập quán, hội lễ, tín ngưỡng tôn giáo, văn học nghệ thuật, tổ chức xã hội... chúng ta đều dễ dàng nhận ra những biểu hiện riêng, độc đáo ở mỗi tộc người. Đó là những dấu hiệu để nhận biết văn hóa của nhau. Khi sắc thái văn hóa của mỗi tộc người được tổng hợp vào nền văn hóa của quốc gia thì nền văn hóa Việt thực sự đa dạng, thực sự là một vườn hoa văn hóa phong phú đa sắc, đa hương.

8. Nền văn hóa mở, thích ứng và tiếp biến hài hoà các nền văn minh nhân loại

Việt Nam nằm ở vị trí quan trọng phía tây Thái Bình Dương, phía đông bán đảo Đông Nam Á, phía nam đại lục Trung Hoa, phía bắc của quần đảo Đông Nam Á, được ví là cầu nối Đông - Tây của các nền văn hóa thế giới. Trong lịch sử phát triển của dân tộc, Việt Nam đã tiếp nhận bốn dòng văn hóa/văn minh của nhân loại. Đó là văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Trung Cận Đông, phương Tây. Nhìn vào biểu hiện của văn hóa làng xã, chúng ta nghĩ rằng nền văn hóa Việt thiên về ngưng đọng, khép kín, tự trị. Nhưng xét trên bình diện quốc gia - dân tộc trong ứng xử với các dòng văn hóa lớn của nhân loại thì những dấu hiệu biểu hiện trong văn hóa Việt chứng tỏ đây là nền văn hóa mở. Người Việt chủ động đón nhận tôn giáo và các thiết chế văn hóa của Ấn Độ giáo (Hindu giáo), Phật giáo (dòng tiểu thừa và dòng đại thừa), Nho giáo (còn gọi tên khác là Khổng giáo), Đạo giáo (thần tiên và phù thủy), Hồi giáo (chính thống và không chính thống), Kitô giáo (tên gọi khác là Công giáo, Thiên Chúa giáo), Tin lành. Người Việt tiếp nhận các tôn giáo thế giới, một mặt thích nghi, mặt khác ứng phó với những bất cập không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tiếp biến tôn giáo thế giới theo phương châm giữ gìn văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tôn giáo thế giới. Du nhập Phật giáo biến đổi tượng thờ Phật thành Phật Bà. Một kiểu Phật bị dân gian hóa như Phật Mẫu Man Nương ở vùng Dâu. Kiến tạo trường phái Phật của người Việt: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Người Chăm ở Trung Bộ kiến tạo nên tôn giáo đa thần Chăm Bàni kết hợp tín ngưỡng Bà La Môn với tín ngưỡng dân gian, tục lệ của người Chăm và Hồi giáo không chính thống. Đạo giáo bên Trung Quốc sang Việt Nam phái sinh thành dòng Đạo giáo nội "Tháng Tám giỗ Cha (Thánh Trần Hưng Đạo), tháng Ba giỗ Mẹ (Thánh Liễu Hạnh)". Người theo đạo Công giáo, trong nhà vừa thờ Thiên Chúa vừa thờ tổ tiên. Đạo Cao Đài ở Tây Ninh tâm điểm thờ Con Mắt, xung quanh phối thờ các minh chủ tôn giáo và người nổi tiếng trên thế giới.

Một đặc điểm dễ thấy là người Việt tiếp biến hài hoà các nền văn minh nhân loại. Có ý kiến cho rằng: Người Việt theo Phật không đậm như người Campuchia, theo Khổng giáo không đậm như người Hàn Quốc, theo Kitô giáo không đậm như người Philippin, theo Hồi giáo không đậm như Indonesia. Một nền văn hóa mở nhưng tinh tế, khéo léo, mềm dẻo tiếp thu cái hay, phù hợp, không cực đoan, lấn át, thể hiện cách ứng xử của người Việt: "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "Làm trai cứ nước hai mà nói". Cái triết lý hòa đồng, vừa phải, có lý có tình, thận trọng, giữ gìn, đó là những đặc điểm tính cách của người Việt khi tiếp xúc với các nền văn minh nhân loại.

Tài liệu tham khảo

1. Việt Nam - đất nước, con người (2005), Nxb Chính trị quốc gia.

2. GS.TS. Ngô Đức Thịnh (2019), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

3. Trần Ngọc Thêm (2016), Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai, Nxb. Văn hóa-Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.     

(*) Nguồn Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số 34/2020, tr.12-16

PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức (*)
Bạn đang đọc bài viết "Những đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam" tại chuyên mục Nghiên cứu. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.