Đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch bền vững: cơ hội và thách thức

03/04/2022 20:13

Theo dõi trên

Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục, lượng khách và doanh số, doanh thu của toàn ngành tăng trưởng mạnh mẽ, có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế du lịch. Kết quả đáng ghi nhận này lại mâu thuẫn với sự thiếu hụt, mất cân đối về chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Trên cơ sở đánh giá về thực trạng phát triển tăng trưởng du lịch và yêu cầu về nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, bài viết đề cập đến các vấn đề: Đánh giá tổng quan sự tăng trưởng lượng khách du lịch hiện nay, nhận diện về yêu cầu nguồn nhân lực trong xu thế phát triển du lịch; Phân tích cơ hội và thách thức của nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay; Đề xuất một số giải pháp và khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng với thị trường du lịch trong xu thế hội nhập quốc tế và thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.

dao-tao-du-lich-1648991588.jpg

1. Tổng quan về sự tăng trưởng lượng khách du lịch, yêu cầu về nguồn nhân lực trong xu thế phát triển du lịch bền vững

Việt Nam hiện đang thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á: năm 2018, Việt Nam lọt vào nhóm 10 nước tăng trưởng du lịch nhất trên toàn cầu. Nếu như năm 2010, Việt Nam chỉ đạt 28 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu khách quốc tế thì đến năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch COVID-19), du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16% so với năm 2018), vượt qua Indonesia (16,1 triệu lượt), vươn lên vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia và đã tiến rất sát với Singapore (19,1 triệu lượt). Tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam (+16,2%) cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan (+4,2%), Indonesia (+1,9%), Singapore (+3,2%); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%). Bên cạnh đó, Việt Nam được vinh danh với nhiều danh hiệu danh giá, giải thưởng du lịch toàn cầu: Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019 (World Golf Awards), Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới (World Travel Awards 2019), Điểm đến hàng đầu châu Á trong hai năm liên tiếp. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), xếp hạng 63/140 nền kinh tế... (1). Theo đà tăng trưởng này, tiềm năng du lịch Việt Nam sẽ có những bước phát triển ngoạn mục trong tương lai. Nhưng để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững, song song với phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, chuẩn bị tốt các điều kiện cung và cầu, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững cũng được coi là nhiệm vụ quan trọng.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với 5 quan điểm, 3 mục tiêu cơ bản và 8 nhiệm vụ đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Thu hút được 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác (2). Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực du lịch tương ứng, có chất lượng đáp ứng với yêu cầu phát triển du lịch. Nguồn nhân lực không chỉ đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn mà cần được đào tạo kiến thức cơ bản, kỹ năng phục vụ, trình độ ngoại ngữ tương xứng để bước vào thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tế đã chứng minh, các doanh nghiệp du lịch muốn phát triển kinh doanh đạt hiệu quả cao, nhiệm vụ cần thiết trước tiên là phải chuẩn bị nguồn nhân lực một cách tốt nhất trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ khoa học tiên tiến và đặc biệt, Du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.

2. Thực trạng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam: cơ hội và thách thức

Về mạng lưới hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch: nếu như năm 2000, cả nước chỉ có 3 trường đại học đào tạo chuyên ngành Du lịch (gồm Đại học Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Đại học Kinh tế quốc dân TP.HCM) và 3 trường nghề chuyên đào tạo du lịch, thì đến năm 2017, theo thống kê của Bộ VHTTDL, cả nước có 156 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia đào tạo du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn (gọi chung là cơ sở đào tạo du lịch), gồm: 62 trường đại học có khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch, trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ VHTTDL); 40 trường trung cấp; 2 công ty đào tạo và 23 trung tâm, lớp đào tạo nghề, 1 trường duy nhất trực thuộc doanh nghiệp chuyên đào tạo ngành Du lịch, khách sạn, nhà hàng thuộc doanh nghiệp là Trường Trung cấp Du lịch - Khách sạn Saigontourist.

Về quy mô đào tạo: mỗi năm cả nước tuyển sinh khoảng 22.000 học sinh, sinh viên du lịch (tăng 22,2% so với năm 2010), trong đó hệ đại học, cao đẳng là 3.870 sinh viên (1.770 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp và 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, nay gọi chung là cao đẳng), trung cấp là 18.190 học sinh (tăng 30% so với năm 2010); gồm 14.495 học sinh trung học chuyên nghiệp và 3.695 học sinh trung cấp nghề, nay gọi chung là trung cấp; sơ cấp nghề và đào tạo du lịch dưới 3 tháng, ước khoảng 5.000 học viên. Số lượng học sinh, sinh viên học du lịch tốt nghiệp hằng năm khoảng 20.000, đáp ứng khoảng ½ nhu cầu thị trường nguồn nhân lực.

Về chất lượng đào tạo: khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng du lịch và 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp du lịch tìm được việc làm. Cơ cấu ngành nghề đào tạo du lịch chuyển dịch theo hướng tích cực. Các cơ sở đào tạo du lịch cả nước đào tạo 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và liên quan đến du lịch. Hầu hết các tỉnh, thành phố có trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghề du lịch ngắn hạn, do đó, lực lượng nguồn nhân lực du lịch tăng nhanh về số lượng và chất lượng; nguồn nhân lực cán bộ ngành Du lịch hiện có khoảng 1,9 triệu người, trong đó có trên 600 ngàn lao động làm việc trực tiếp và 1,3 triệu lao động làm việc gián tiếp, chiếm khoảng 3,6% tổng số lao động cả nước. Đến năm 2020, tổng nhân lực toàn ngành Du lịch là 2,3 triệu người, trong đó có trên 8.000 lao động trực tiếp.

Về hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch: số lượng các cơ sở lưu trú ngày càng tăng cả về lượng và chất: Nếu như vào năm 2000, mới có 3.267 cơ sở lưu trú du lịch với 72.200 phòng, trong đó chỉ có 3 khách sạn 5 sao, 13 khách sạn 4 sao và 52 khách sạn 3 sao. Tính đến ngày 15-12-2019 (trước khi xảy ra Đại dịch COVID-19), cả nước có 2.648 doanh nghiệp lữ hành quốc tế với 26.864 hướng dẫn viên, (trong đó có 720 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế mới), cấp mới 6.161 thẻ hướng dẫn viên. Cũng tại thời điểm này có 118 cơ sở lưu trú trong phân khúc từ 4-5 sao được công nhận. Cơ sở lưu trú cả nước có 30.000 với 650.000 buồng, tăng hơn 2.000 cơ sở lưu trú so với năm 2018. Hệ thống cơ sở đào tạo du lịch được hình thành, phân bố khá đều khắp theo các vùng du lịch (3).

Về cơ hội nguồn nhân lực du lịch

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước đã ban hành các định hướng, cơ chế, chính sách đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo cơ hội để các cơ sở đào tạo du lịch phát triển.

Thứ hai, du lịch Việt Nam đang cần một số lượng nguồn nhân lực lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường du lịch: Với đà tăng trưởng ngoạn mục của ngành Du lịch và nhu cầu 4 triệu việc làm (trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp) và cần đến 4,7 triệu việc làm vào năm 2030, đã tạo cơ hội để các cơ sở đào tạo du lịch đảm bảo chỉ tiêu đào tạo, tạo việc làm cho người lao động là rất lớn. Hiện nay, ước khoảng 70% sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng du lịch và 80% học sinh tốt nghiệp trung cấp du lịch tìm được việc làm, như vậy nguồn cung trong đào tạo đã đáp ứng được nhu cầu cần của thị trường du lịch, đảm bảo hài hòa, cân đối giữa cung và cầu trong đào tạo và tuyển dụng.

Thứ ba, xu thế hội nhập toàn cầu đã tạo điều kiện để nguồn nhân lực du lịch Việt Nam có cơ hội bước vào thị trường du lịch khu vực và quốc tế: Hiện nay, Việt Nam cùng với các nước trong khu vực tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), việc mở rộng thị trường kinh tế đã tạo cho toàn ngành Du lịch Việt Nam có thêm nhiều lợi thế. Hơn thế, Việt Nam tham gia thực hiện Thỏa thuận về nghề du lịch ASEAN (MRA-TP), du lịch là một trong 12 ngành được ưu tiên hội nhập và là một trong 8 ngành được tự do di chuyển lao động theo thỏa thuận công nhận lẫn nhau về nghề trong các nước khu vực ASEAN. Nghĩa là: nhân lực du lịch lành nghề của Việt Nam và nhân lực du lịch các nước ASEAN sẽ được cùng dịch chuyển để làm việc trong các nước thuộc phạm vi nội khối cộng đồng kinh tế ASEAN. Thực hiện thỏa thuận này đã tao điều kiện để nguồn nhân lực du lịch Việt Nam được đào tạo theo yêu cầu chuẩn mực của các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời, cơ hội này cũng tạo điều kiện để nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của Việt Nam có thể bước vào hành nghề trong thị trường du lịch của các nước bạn.

Thứ tư, nhân lực du lịch Việt Nam có cơ hội cọ xát và cạnh tranh với các tour du lịch lữ hành quốc tế: Sự tăng trưởng nhiều tour du lịch quốc tế vào Việt Nam đã tạo cơ hội để nhân lực du lịch Việt Nam cạnh tranh, tìm kiếm và học hỏi nhiều kinh nghiệm làm du lịch một cách chuyên nghiệp, bài bản của các nước, trên cơ sở đó nhận diện được những yếu kém của chính mình để tự điều chỉnh, nhằm khắc phục, tránh tụt hậu.

Thứ năm, Việt Nam đang hội nhập sâu và rộng, cơ hội hợp tác đầu tư với nước ngoài tạo điều kiện để nhân lực du lịch Việt Nam được tiếp cận và đào tạo theo chuẩn hóa khu vực và quốc tế. Chính những cơ hội này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, đáp ứng với yêu cầu chuẩn khu vực và quốc tế.

Những thách thức nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đang gặp phải

 So với tiềm năng và tốc độ phát triển của thị trường du lịch hiện nay, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam vẫn còn chưa tương xứng cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, thể hiện qua:

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng với yêu cầu của phát triển du lịch bền vững: Về trình độ chuyên môn, ngành Du lịch Việt Nam đang thiếu hụt nhiều cán bộ quản lý nhà nước các cấp giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ cùng những chuyên gia đầu ngành có đủ năng lực để dẫn dắt đưa du lịch nước nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo báo cáo năng lực cạnh tranh Du lịch năm 2019: Nếu như năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng 63/140 nền kinh tế, thì chỉ số về nhân lực và thị trường lao động lại sụt giảm 10 bậc, từ vị trí 37 xuống vị trí 47. Trong khối ASEAN, chỉ số về nhân lực và thị trường lao động của du lịch Việt Nam xếp thứ 6, xếp trên Lào (hạng 67) và Campuchia (hạng 95), xếp sau Singapore (hạng 5)... Điều đáng nói là chỉ số về nhân lực và thị trường lao động của hầu hết các quốc gia trong nội khối ASEAN đều tăng, chỉ có Việt Nam và Lào bị sụt giảm thứ bậc trên bảng xếp hạng. Năng suất lao động cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Từ sự thiếu hụt mất cân đối này dẫn đến tình trạng nhiều tour lữ hành quốc tế đến Việt Nam đã sử dụng hướng dẫn viên là người nước ngoài hướng dẫn giới thiệu trực tiếp, có trường hợp còn lợi dụng hướng dẫn để thuyết minh sai lệch về giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích, danh thắng ở Việt Nam, làm xấu xí hình ảnh du lịch, thậm chí vi phạm chủ quyền quốc gia dân tộc.

Sự cạnh tranh trong thị trường du lịch dẫn đến tình trạng du lịch Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao (khủng hoảng thiếu), nhưng lại thừa nguồn nhân lực lao động trực tiếp (khủng hoảng thừa): du lịch phát triển là cơ hội để doanh nghiệp du lịch thu hút lao động tay nghề cao của Việt Nam và các nước. Nguồn nhân lực cán bộ du lịch chất lượng cao của Việt Nam khi đã được đào tạo cơ bản, đáp ứng được những yêu cầu về nghề du lịch ASEAN (MRA-TP), đáp ứng yêu cầu du lịch quốc tế, sẽ có cơ hội lớn để bước vào thị trường du lịch của các nước trong khu vực và quốc tế với mức lương cao, sự hấp dẫn trong phương pháp làm du lịch chuyên nghiệp… dẫn đến chúng ta sẽ bị khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực quản trị. Tình trạng chảy máu chất xám này tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam không chỉ ở hiện tại mà cả trong tương lai. Cơn bão đại dịch COVID-19 đã đẩy ngành kinh tế du lịch toàn cầu tụt dốc thảm hại, du lịch Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh đó, dẫn tới tình trạng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam lâm vào tình trạng Khủng hoảng thiếu trầm trọng. Theo Tổng cục Du lịch: do đại dịch COVID-19, năm 2020 du lịch Việt Nam chỉ đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm hơn 80% so với năm trước, khách nội địa giảm 50%, ngành Du lịch thất thu khoảng 23 tỷ USD, tổng thu du lịch giảm 58,7%. Đã có 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngưng hoạt động, công suất sử dụng phòng của nhiều khách sạn ở các thành phố lớn, các khu du lịch chỉ đạt 10-15%, nhiều khách sạn phải đóng cửa, gần 60% lao động mất việc làm hoặc bị cắt giảm ngày công lao động. Nhân lực du lịch mất việc dài ngày đã chuyển nghề, tìm nghề, tìm việc khác để mưu sinh, kiếm sống. Như vậy, sau khi đại dịch được kiểm soát, khống chế, cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu du lịch sẽ tăng cao, ngành Du lịch tái hoạt động trở lại, và đứng trước nguy cơ khủng hoảng thiếu nhân lực trầm trọng.

Trong xu thế hội nhập và thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đặc biệt hội nhập ASEAN và thực hiện cam kết thỏa thuận về nghề du lịch (MRA-TP), du lịch Việt Nam là thị trường tiềm năng có sức cạnh tranh về nguồn nhân lực lao động trực tiếp đến từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… Trên thực tế, mức lương để trả cho nhân lực du lịch trực tiếp đến từ các nước này cũng tương đồng với mức lương trả cho nhân lực du lịch là người Việt Nam, nhưng kỹ năng làm việc của nhân lực nước ngoài lại chuyên nghiệp, bài bản, trình độ ngoại ngữ cao hơn lao động người Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ hài lòng và sẵn sàng tuyển dụng nguồn nhân lực là người nước ngoài vào làm việc. Như vậy, Du lịch Việt Nam sẽ đối mặt với sự khủng hoảng thừa, vì nhân lực lao động trực tiếp du lịch Việt không đáp ứng được trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề yếu nên bị đào thải và họ bị mất việc làm ngay tại chính trên sân nhà mình.

Sự thiếu hụt về kiến thức cơ bản dẫn đến nguy cơ nhân lực du lịch tụt hậu trong xu thế phát triển: Do một số cơ sở đào tạo du lịch chưa chú ý đến việc đào tạo, rèn luyện kỹ năng nghề, nên nguồn nhân lực du lịch còn thiếu những kỹ năng cơ bản: thiếu khả năng tư duy độc lập, tư duy phản biện, thiếu kỹ năng làm việc chuyên nghiệp (giao tiếp, xử lý tình huống phát sinh), khả năng liên kết làm việc theo nhóm, liên kết tour còn yếu, đặc biệt là thiếu ngoại ngữ... Chính những điều này đã khiến nguồn nhân lực du lịch Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu nghề du lịch trong xu thế phát triển, có nguy cơ tụt hậu, bị đào thải.

Đứng trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhân lực du lịch tiềm ẩn nguy cơ mất việc làm: Sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão, các nước phát triển có thể sản xuất ra máy móc và thiết bị hiện đại tự động hóa, có khả năng làm việc thay thế con người, trong đó lĩnh vực du lịch không là ngoại lệ. Khoa học công nghệ phát triển khiến cho nhiều việc làm có thể bị mất, xuất hiện nhiều việc làm mới. Trong lĩnh vực du lịch, xu thế đặt tour trực tuyến giúp tiết giảm được nguồn lực trung gian, do đó lao động trực tiếp tiềm ẩn nguy cơ mất nghề cao. Hiện nay, khách du lịch có thể ngồi nhà truy cập internet để so sánh, tìm kiếm dịch vụ du lịch tốt nhất, phù hợp nhất với mình. Công nghệ “Internet of Thing” (IoT) đang tác động mạnh đến cách thức tương tác với sản phẩm của khách du lịch và cả cách thức vận hành của các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch. Để không bị tụt hậu và đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành Du lịch Việt Nam cần có nguồn nhân lực du lịch có tri thức phong phú và toàn diện, cả về kiến thức, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ...

3. Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững trong thời kỳ mới, hậu COVID-19

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dự báo đến năm 2030, du lịch Việt Nam cần tới 4,7 triệu lao động. Để đạt được mục tiêu này, vấn đề đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được coi là nhiệm vụ quan trọng, yếu tố then chốt có tính quyết định đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước tiên cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp:

Chuẩn hóa định hướng đào tạo, hoàn thiện khung chương trình đào tạo chuẩn quốc gia, hướng tới chuẩn nghề du lịch khu vực và quốc tế

Trước hết, công tác đào tạo phải hoàn thiện được bộ khung trình độ nghề du lịch quốc gia, từng bước chuẩn hóa kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, nâng cao chất lượng đào tạo đối với mọi thành phần cán bộ du lịch. Cán bộ được đào tạo phải chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, vừa có kiến thức quản lý và điều hành, vừa có kiến thức nghề chuyên môn chuyên nghiệp, bài bản; có kỹ năng tác nghiệp du lịch, trình độ khoa học công nghệ cao, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ tương ứng với nghề.

Tạo cơ chế chính sách hợp lý trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho nguồn nhân lực du lịch, tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo du lịch về cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, chuẩn đầu ra để tiếp cận với yêu cầu của thị trường du lịch hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các cơ sở đào tạo nghề du lịch đối mặt với nguy cơ đóng cửa, phá sản vì không có người học. Sau đại dịch, toàn ngành Du lịch không thể tránh khỏi có những khoảng trống, lỗ hổng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực du lịch. Vì thế, để thích ứng với tình hình mới, hoạt động du lịch nói chung, trong đó có việc đào tạo nhân lực du lịch cần điều chỉnh và đổi mới phù hợp.

Đào tạo phải gắn với sử dụng hợp lý nguồn nhân lực

Các cơ sở đào tạo cần có dự báo về nhu cầu và yêu cầu thị trường và doanh nghiệp sẽ cần những gì để đào tạo nguồn nhân lực theo xu hướng cung ứng những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần đến. Sau đào tạo, phải tạo cơ hội để nhân lực có việc làm, đặc biệt tránh đào tạo tràn lan dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực khi đã được học nghề cơ bản, chuẩn bị kỹ năng hành nghề chu đáo mà vẫn bị thất nghiệp, thiếu việc làm. Chú trọng đào tạo chuyên môn nhưng gắn với đào tạo nâng cao tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, chuẩn bị kiến thức và kỹ năng thực hành nghề ngày càng tốt hơn trước yêu cầu chất lượng công việc ngày càng cao.

Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo

Cần có định hướng xây dựng chiến lược hội nhập trong đào tạo du lịch, phát triển nguồn nhân lực cán bộ du lịch có chất lượng, vững về chuyên môn, có kỹ năng mềm thành thạo trong thực hành nghề, có năng lực ngoại ngữ... chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển du lịch trong thời kỳ mới. Mặt khác, trong thời đại công nghệ số, các trường đại học, cơ sở giáo dục, dạy nghề du lịch cần đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ đồng bộ và liên kết chặt chẽ. Khuyến khích mô hình liên kết giữa các cơ sở đào tạo du lịch với những doanh nghiệp du lịch liên doanh nước ngoài hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để người học có cơ hội tiếp cận với môi trường dịch vụ du lịch và được rèn luyện kỹ năng ứng phó linh hoạt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho lao động du lịch trực tiếp, đào tạo bồi dưỡng ngoại ngữ theo chuẩn trong cộng đồng khối ASEAN và quốc tế

Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang và sẽ tạo ra những bước đột phá về năng suất lao động và phát triển nhân lực chất lượng cao, theo đó, đòi hỏi sự thay đổi về trình độ và năng lực của người lao động, trong đó có nguồn nhân lực du lịch. Để Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có năng lực cạnh tranh phát triển trong thị trường du lịch toàn cầu, đã đặt công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trước những yêu cầu và thách thức mới. Các cơ sở đào tạo du lịch ở Việt Nam phải nỗ lực vượt trội, đi tắt và đón đầu để không bị tụt hậu, đi lùi lại từ phía sau trong xu thế du lịch đang phát triển mạnh trên toàn cầu hiện nay.

1. Nhật Nam, Du lịch Việt Nam tăng trưởng thần kỳ, đón 18 triệu lượt khách quốc tế, baochinhphu.vn, 27-12-2019.

2. Bộ Chính trị, Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017), Hà Nội.

3. Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng hiện đại, đẳng cấp góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam, vietnamtourism.gov.vn, ngày 9-7-2020.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017), 2017.

2. Bộ VHTTDL, Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc Đào tạo du lịch theo định hướng Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị, Hà Nội, 2017.

3. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Kỷ yếu Tọa đàm Khoa học: Cuộc cách mạng 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch, Hà Nội, 2018.

(*) Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

TS Hoàng Thị Bình - TS Trần Thị Tuyết Mai (*)
Bạn đang đọc bài viết "Đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch bền vững: cơ hội và thách thức" tại chuyên mục Nghiên cứu. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.