Vấn đề dịch thuật và giới thiệu, quảng bá Văn học Việt Nam tại Hoa Kỳ

28/12/2021 16:49

Theo dõi trên

Nhìn lại quá trình hội nhập với nền văn chương thế giới, văn học Việt Nam được dịch và “xuất khẩu” ra các nước, vùng lãnh thổ ngày càng nhiều, sâu rộng, góp một phần nhỏ trong việc hoàn thiện bức tranh văn học của nhân loại.

Nhiều tác phẩm văn học được các nhà xuất bản, các tạp chí, báo trên thế giới dịch và giới thiệu, điển hình như Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh; Truyện Kiều của Nguyễn Du; Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài; Nhật ký Đặng Thùy Trâm của Đặng Thùy Trâm; Áo trắng (tiểu thuyết) của Nguyễn Văn Bổng; Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn; Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc (tiểu thuyết), Cho tôi một vé đi tuổi thơ (truyện ngắn) của Nguyễn Nhật Ánh; Những đứa trẻ chết già, Mình và họ, Thoạt kỳ thủy, Trí nhớ suy tàn (tiểu thuyết) của Nguyễn Bình Phương,… Nhiều tác giả và tác phẩm nổi tiếng, được vinh danh trong các giải thưởng quốc tế như: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đạt Giải thưởng Văn học châu Á tại Hàn Quốc năm 2018; Cách đồng bất tận (truyện ngắn) của Nguyễn Ngọc Tư đạt Giải thưởng LiBeraturpreis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latin ở Đức trao tặng,… 

van-hoc-viet-nam-38-1636688599-1640684961.jpg

Vấn đề dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng đã được quan tâm trong những năm qua, đem lại nhiều điểm sáng tích cực, những chuyển biến mạnh mẽ, có nhiều tín hiệu khởi sắc cho văn học Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng tìm hiểu văn học Việt Nam của độc giả Hoa Kỳ. Đặc biệt từ sau năm 1995, hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, việc dịch và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam sang Hoa Kỳ thuận lợi hơn, thông thoáng, nhộn nhịp, nhiều hơn cả số lượng lẫn chất lượng. Một số tác phẩm tốt nhất, hay nhất được dịch và giới thiệu, chứng tỏ được tinh thần cởi mở, hòa đồng của độc giả Hoa Kỳ. Điển hình như năm 1995, Truong Vu cộng tác với Wayne Karlin xuất bản tập truyện ngắn The Other Side of Heaven: Post War Fiction by Vietnam and American Writers của các nhà văn Việt Nam và Mỹ viết sau chiến tranh như của Nguyễn Mộng Giác, Andrew Lam, Lai Thanh Ha,… Năm 1996, Linh Dinh tổ chức dịch tuyển tập truyện ngắn Việt Nam đương đại có tên là Night, Again. Năm 2005, Đinh Từ Bích Thúy cộng tác với Martha Collins dịch hợp tuyển thơ Cốm Non (Green Rice) của Lâm Thị Mỹ Dạ. Năm 2008, Nguyễn Đỗ cộng tác với Paul Hoover dịch tuyển tập thơ ca Việt Nam sau 1956, có tên là Black Dog, Black Night; Andrew Pham dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm, với tên gọi Last Night I Dream of Peace,… Bên cạnh đó, một số công trình nghiên cứu liên quan đến văn học Việt Nam cũng được giới thiệu đến độc giả Mỹ như: Tập sách This Is All I Choose to Tell của Isabelle Thuy Pelaud; cuốn Once Upon A Dream: The Vietnamese - American Experience năm 1995; tuyển tập văn chương của các nhà văn hải ngoại: Watermark: Vietnamese American Poetry & Prose năm 1998 hay những trang web giới thiệu văn học Việt Nam bằng tiếng Anh,…

Có được kết quả mong muốn là nhờ thông qua các kênh khác nhau. Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam, Liên hoan thơ quốc tế, Hội thảo văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh, Hội thảo nghiên cứu về chiến tranh và các hậu quả xã hội tại Đại học Masachusetts ở Boston, Hoa Kỳ,… là một trong những kênh giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng rất hữu hiệu, đạt được kết quả tích cực, cải thiện được tình trạng “nhập siêu” của Việt Nam từ nhiều năm qua. Nếu tính từ mốc năm 2002 diễn ra Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ nhất là một chặng đường gần 20 năm, văn học Việt Nam đã được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nước Mỹ là một trong những nước “nhập khẩu” nhiều nhất, đặc biệt là các tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại. Sau các hội nghị, hội thảo này các dịch giả, nhà văn, nhà thơ Hoa Kỳ đã hiểu thêm về các giá trị của văn học Việt Nam, có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về diện mạo của văn học Việt Nam, có tình cảm nồng hậu dành cho văn học Việt Nam.

Sự ủng hộ vô cùng quan trọng của cá nhân các nhà văn, nhà thơ Mỹ, những người từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam và đã phản chiến. Các nhà văn, nhà thơ, dịch giả như Kevin Bowen, Bruce Weigl, Jennifer Fossenbell,… đã nỗ lực đưa văn học Việt Nam đến với nước Mỹ. Nhà thơ Kevin Bowen cựu bin - Giám đốc Trung tâm William Joiner là người có công rất lớn trong việc nối kết các nhà văn, nhà thơ Việt Nam - Hoa Kỳ và là người đầu tiên mở đường cho văn học Việt Nam vào Mỹ. Năm 1987, Kevin Bowen đại diện trung tâm tổ chức mời nhà văn Lê Lưu - một nhà văn cộng sản đầu tiên đến Mỹ. Chuyến đi của nhà văn Lê Lựu rất đáng được ghi trong những trang sử ngoại giao Việt - Mỹ sau chiến tranh, bởi nhà văn Lê Lựu chính là “một trong những vị đại xứ hòa bình đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ. Lê Lựu, một người lính, một nhà văn, một người Việt Nam đã mang đến Mỹ thông điệp về văn hóa, về khát vọng hòa bình và lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam”. Sau chuyến đi của nhà văn Lê Lựu mang tính chất “mở đường” ấy cho đến nay đã có gần 150 lượt nhà văn Việt Nam đến Mỹ thông qua con đường giao lưu văn học của Trung tâm William Joiner như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Sáng, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Huy Thiệp. sNhà thơ Kevin Bowen cũng là người đầu tiên dẫn một phái đoàn nhà văn cựu binh Mỹ đến Việt Nam để tham dự cuộc gặp mặt chính thức giữa các nhà văn cùng tham gia chiến tranh của hai nước. Chuyến đi này của đoàn nhà văn cựu binh Mỹ đã mở ra nhiều cơ hội mới trong việc giao lưu, giới thiệu, quảng bá văn học giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Một số tác phẩm được xuất bản tại Mỹ như tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu, tập thơ Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ (Poems from the Captured doccument) của Nhiều tác giả do nhà thơ Bruce Weigl và TS. Kim Thanh dịch,...

Trung tâm William Joiner - nay là Viện William Joiner, thuộc Đại học Massachsetts, Hoa Kỳ là một trong những kênh dịch thuật và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam tại Mỹ  tích cực, hữu hiệu nhất tại Mỹ. Kể từ khi thành lập vào năm 1982 đến nay, trong suốt 30 năm qua Trung tâm William Joiner đã nỗ lực bền bỉ, tận tụy đưa nhiều tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam “nhập khẩu” vào nước Mỹ, đến được với độc giả khắp nước Mỹ, tổ chức được nhiều hoạt động để giới thiệu văn học Việt Nam tại Mỹ như các cuộc Hội thảo văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh, các chuyến đi thực tế cho các nhà thơ Mỹ đến Việt Nam, mời các nhà văn cựu binh Việt Nam sang Mỹ,… Năm 2017, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Trung tâm William Joiner tổ chức Hội thảo 30 năm giao lưu văn học Việt - Mỹ là một hoạt động rất thiết thực, đánh dấu một mốc son quan trọng trong hoạt động giao lưu, quảng bá văn học, góp phần không nhỏ trong việc nối nhịp cầu văn chương, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai nước từng đối diện nhau bằng súng đạn. Sau cuộc Hội thảo này đã có rất nhiều tác phẩm được dịch, xuất bản và giới thiệu đến độc giả Mỹ và Việt Nam, tiêu biểu như cuốn sách song ngữ Những người đi qua biển (those who cross the ocean) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tập sách tập hợp những tác giả nổi tiếng của hai nước như Kevin Bowen, Larry Heinemann, Thomas T.Kane, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Lê Lựu, Nguyễn Bá Chung, Lê Minh Khuê,… Tập thơ Sông núi do nhà thơ Kevin Bowen tuyển chọn,… Ngoài tổ chức các cuộc Hội thảo, trong nhiều năm qua Viện William Joiner đã tổ chức dịch thuật, in ấn rất nhiều các tác phẩm văn học Việt Nam tại Mỹ từ cổ điển đến đương đại của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, thơ Thiền thời Lý - Trần, thơ Hồ Chí Minh, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn,… Trung tâm còn là chiếc cầu nối đưa văn học Việt Nam đến với độc giả Mỹ qua việc liên kết với các hiệu sách trên khắp nước Mỹ. Hiện nay, các hiệu sách lớn trên 50 bang của nước Mỹ đều có sự hiện diện rất nhiều đầu sách văn học Việt Nam đương đại (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh) như Dumb Luck (Số đỏ) của Vũ Trọng Phụng; Behind the red mist (Trong sương hồng hiện ra) của Hồ Anh Thái; Love after war (Tình yêu sau chiến tranh) - Tuyển tập truyện ngắn đương đại Việt Nam do Hồ Anh Thái và Wayne Karlin biên soạn; Crossing the river (Chảy đi sông ơi) của Nguyễn Huy Thiệp; Against the flood (Ngược dòng nước lũ) của Ma Văn Kháng; The stars, the earth, the river (Những ngôi sao, trái đất, dòng sông) của Lê Minh Khuê; The Time Tree (Cây thời gian) của Hữu Thỉnh, The Sorrow of War (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh,... TS. Thomas T. Kane - “người cầm lái” mới của con tàu văn học Viện William Joiner đã khẳng định tại hội thảo 30 năm văn học Việt - Mỹ rằng: “Trong tương lai, Viện sẽ tiếp tục quảng bá, dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam; tổ chức một số hội thảo về văn học giữa hai bên và về văn học Việt Nam; tổ chức nhiều chuyến thăm, giao lưu giữa các nhà văn Mỹ đến Việt Nam; xem xét thực hiện bộ phim tài liệu về hợp tác văn học giữa Viện và Hội,…". Phải nói rằng, hơn 30 năm qua, cùng với sự nổ lực hợp tác của Trung tâm William Joiner và sự hợp tác, cởi mở của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam như Lê Lựu, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Sáng, Minh Chuyên, Tô Nhuận Vỹ, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp,… nguyện làm sứ giả đưa văn học Việt Nam bên kia bờ đại dương đến Mỹ đã mở ra một con đường mới - con đường tình yêu văn học cho sự hợp tác, tình hữu nghị giữa hai nước có những bước tiến đáng ghi nhận.

Các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Việt cũng đã có sự đóng góp rất lớn trong việc giới thiệu văn học Việt Nam tại Mỹ. Từ thực tiễn đời sống văn học Việt Nam tại Hoa Kỳ vẫn còn thiếu hụt, ít độc giả biết đến nên đã thôi thúc họ cần phải giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam nhiều hơn, lan tỏa hơn, nhằm thay đổi cái nhìn của độc giả Mỹ về “Việt Nam như là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến”, “không phải chỉ là chiến tranh, mà là văn hóa” - một nền văn hóa Việt Nam giàu có, đa sách, nhân văn, là “một dân tộc tràn đầy đam mê và tình yêu”. Tiêu biểu như năm 1996, Nguyen Quy Duc cùng cộng tác với John Balaban dịch truyện của Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thân, Phạm Thị Hoài trong tập truyện Vietnam:  A Traveler,s Literary Companion. Năm 1997, Ngo Vinh Hai, Nguyen Ba Chung cộng tác với Kevin Bowen và David Hunt dịch tiểu thuyết Thời xa vắng (A Time Fast) của Lê Lựu; Trần Hoài Bắc cộng tác với Wayne Karlin, Danna Sachs dịch Lê Minh Khuê: The Stars, the Earth, the River: Short Stories by Le Minh Khue. Duong Van Mai Illiott dịch hồi ký của Nguyễn Thị Định: No Other Road to Take: Memoir of Mrs. Nguyen Thi Dinh. Năm 2003, Nguyen Quy Duc và George Evans dịch thơ Hữu Thỉnh: The Time Tree: Poems Huu Thinh. Năm 1998, Nguyen Quy Duc cộng tác với Trần Hoài Bắc, Wayne Karlin dịch truyện của Hồ Anh Thái, đó là Behind the Red Mist: Short Fiction by Ho Anh Thai; Nguyen Quy Duc cộng tác với George Evans dịch thơ Hữu Thỉnh,…

Với ước muốn đưa văn học Việt Nam vào trường đại học Mỹ, một số giảng viên người Mỹ gốc Việt cũng đã chọn lọc một số tác giả và tác phẩm hay đưa vào chương trình giảng dạy của mình. GS. Ngô Như Bình giảng viên dạy tiếng Việt tại Trường đại học Harvard đã chọn truyện ngắn Nàng Bua của Nguyễn Huy Thiệp và bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính đưa vào trong cuốn Continuing Vietnamese để dạy sinh viên năm thứ 2 và bắt đầu giới thiệu cho sinh viên bức tranh tổng thể về văn học Việt Nam. Sinh viên năm thứ 3 và năm thứ 4 được học qua một số tác phẩm văn học Việt Nam trong mỗi thời kỳ, đặc biệt đi sâu tìm hiểu phần văn học Việt Nam hiện đại, bắt đầu từ 1930 với các tác phẩm của những nhà văn hiện thực (Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũng Trọng Phụng,..) và lãng mạn thuộc nhóm Tự lực văn đoàn (Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng,…); thơ mới (Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận,…). TS. Bích Ngọc Turner giảng viên của Trường Đại học Washington nhận thấy nhiều tác giả và tác phẩm của Việt Nam rất hay nên đã đưa vào chương trình giảng dạy qua các bộ môn Việt Nam sau nội chiến trong văn học, phim và truyền thông; Văn hóa đô thị Việt Nam đương đại và Văn học Việt Nam thế kỷ XX. TS. Hà Mạnh Quân giảng viên của Trường đại học Montana dạy môn văn học Anh - Mỹ, đã dịch một số tác phẩm để đưa vào giảng dạy như Vợ nhặt của Kim Lân, Từ lý thuyết đến thực hành của Vũ Trọng Phụng, Đôi mắt của Nam Cao, Răng con chó của nhà tư sản của Nguyễn Công Hoan,…  Đặc biệt TS. Hà Mạnh Quân còn rất quan tâm đến mảng văn học viết về đề tài chiến tranh nên đã giới thiệu cho sinh viên Mỹ một số tác phẩm của các nhà văn Việt Nam và nhà văn Mỹ gốc Việt như Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Nhật ký Đặng Thùy Trâm (Đặng Thùy Trâm), Monkey bridge (Lan Cao), When Heaven and Earth changed places (Le Ly Hayslip),… TS. Hà Mạnh Quân đã hơn một lần tâm sự, với ước muốn rằng: “Tôi hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều giáo sư Mỹ đưa văn học Việt Nam vào chương trình giảng dạy, và điều này tùy thuộc vào số lượng và chất lượng các bài dịch cũng như tầm quan trọng của nó trong một nền văn hóa trao đổi mang tính toàn cầu”.

Góp phần giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam tại Mỹ cũng phải kể đến các trường đại học của Mỹ, thư viện Quốc hội Mỹ, các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy tiếng Việt. Mặc dù văn học Việt Nam vẫn chưa phải là bộ môn chính thức đưa vào giảng dạy tại các trường đại học tại Mỹ, mà là một môn phụ, bổ trợ cho phần kiến thức tổng quát về xã hội nhân văn nói chung và học thế giới nói riêng nhưng cũng đã được các trường đại học ở Mỹ quan tâm, đầu tư mua sách văn học và nghiên cứu phê bình văn học từ Việt Nam rất nhiều như: Trường Đại học Hawaii, Yale, Washington, Montana, Harvard, Chicago,… hàng năm đều được cấp một khoản ngân sách khá lớn để mua sách từ Việt Nam, trong đó có mảng văn học Việt Nam. Tôi rất may mắn có được cơ hội đến Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ và một số thư viện của các trường đại học khác, để rồi đã mục sở thị thư mục sách, trong đó có khá nhiều sách văn học Việt Nam cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Điển hình như trong hệ thống Thư viện Đại học Harvard có trung tâm là Thư viện Widener tại Harvard Yard với hơn 80 thư viện riêng lẻ chứa hơn 15 triệu đầu sách, trong đó theo tôi ước tính chưa đầy đủ có khoảng hơn 3.000 ngàn sách và tạp chí các loại thuộc lĩnh vực văn học trước và sau 1975, đặc biệt là thơ văn kháng chiến chống Mỹ, các tác phẩm khảo cứu văn thơ Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, các tác phẩm văn học Việt Nam dịch và giới thiệu, quảng bá tại Hoa Kỳ nói riêng và các nước, vùng lãnh thổ khác trên thế giới nói chung vẫn chưa có bước đột phá, vẫn còn ít ỏi, “nhỏ giọt”, chỉ như “muối bỏ biển”, chưa thỏa đáng, xứng tầm so với một nền văn học có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời như của nước ta. Thực trạng này đã được nhà thơ Hữu Thỉnh - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thừa nhận tại Hội nghị quốc tế Quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III: “Nền văn học của chúng ta hiện nay đang trong tình trạng nhập siêu. Số lượng tác phẩm văn học Việt  được dịch ra nước ngoài so với tác phẩm nước ngoài dịch và phát hành tại Việt Nam chỉ như muối bỏ biển”. Để giải quyết vấn đề này, đưa văn học Việt Nam vươn tới tầm xa hơn nữa tại Hoa Kỳ cũng như các nước khác trên thế giới, thì cần phải có một chiến lược xứng tầm, với những quyết định mang tính đột phá, cụ thể là:

- Đẩy mạnh công tác dịch thuật và giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam tại Hoa Kỳ một cách thiết thực, hiệu quả cần phải có sự chung tay giúp sức từ các nguồn lực xã hội (các tập đoàn kinh tế, truyền thông và những quỹ văn hóa, văn học nghệ thuật, các mạnh thường quân,…), đặc biệt là sự đầu tư của Nhà nước để có thể xây dựng và triển khai các chiến dịch giới thiệu và quảng bá tác phẩm văn học Việt Nam tại Hoa Kỳ mang lại hiệu quả cao.

- Hội Nhà văn cần phải có những quyết định mang tính đột phá nhằm thúc đẩy văn học dịch phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng; cần phải có kế hoạch dài hạn trong việc chọn dịch và giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học tiêu biểu, thấm đẫm chất văn hóa Việt Nam, gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội dân tộc, có tính cộng đồng, quốc tế để độc giả tại Hoa Kỳ dễ dàng tiếp cận hơn, cảm thấy gần gũi hơn, từ đó hiểu về con người và văn hóa Việt Nam.

- Để dịch thuật và giới thiệu, quảng bá một cách có hiệu quả, bền vững, được người đọc Mỹ và các nước khác trên thế giới biết đến rộng rãi hơn, ngoài Trung tâm Dịch thuật thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, cần phải thành lập thêm Ủy ban sách quốc gia (National Book Committee), Trung tâm trao đổi văn học (Finnish Literature Exchange),… để xây dựng một chương trình, kế hoạch dài hạn và một cơ chế chính sách thích hợp nhằm tạo điều kiện, khuyến khích cho công tác dịch thuật, xuất bản và thu hút trí tuệ, tài năng của các chuyên gia bậc cao.

- Cần phải tăng cường tổ chức và duy trì các cuộc giao lưu văn học, hội nghị quốc tế giới thiệu văn học giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ để trao đổi và chia sẻ  về kinh nghiệm dịch thuật và quảng bá. Đồng thời kết nối, khích lệ các dịch giả Mỹ có chuyên môn giỏi, có tình yêu tha thiết với Việt Nam, hết lòng vì mục đích quảng bá văn học Việt Nam; kết nối, giới thiệu các dịch giả, các tác giả và tác phẩm của Việt Nam xuất sắc, chất lượng cho các dịch giả Mỹ.  

- Cần phải đào tạo một đội ngũ dịch giả văn học Việt Nam công phu, lâu dài, có tính chuyên nghiệp cao, có kỹ năng dịch ngược, tạo ra cơ chế để họ có thể sống được với nghề. Tổ chức các tour cho các dịch giả, nhà văn, nhà thơ trực tiếp đến nước Mỹ, tham quan, tổ chức giao lưu với các hội văn học, các trung tâm dịch thuật, các thầy cô, học sinh và bạn đọc yêu mến văn chương Việt Nam.

- Sáng tác bằng ngôn ngữ tiếng Anh (hay là một ngôn ngữ thông dụng khác ngoài tiếng mẹ đẻ) là một thử thách, một việc làm rất khó đối với các nhà văn Việt Nam nhưng cũng là một điều rất thú vị, thiết thực, phù hợp với xu thế hội nhập với thế giới trong thời đại 4.0. Các nhà văn Việt Nam vì thế cần phải tự bồi dưỡng vốn tiếng Anh để tự tin sáng tác tác phẩm của mình bằng ngôn ngữ Anh, mà không cần phải thông qua dịch thuật, để tác phẩm đến trực tiếp với độc giả Hoa Kỳ cũng như các nước khác trên thế giới. Được như vậy sẽ góp một phần rất lớn trong việc đưa văn hóa, bản sắc ngôn ngữ của Việt Nam vào ngôn ngữ Anh.

- Các cơ quan văn hóa Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam nên thông qua cầu nối là các trường đại học, các đơn vị nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt của Hoa Kỳ để quảng bá văn học Việt Nam. Nên cần phải nỗ lực hơn nữa của các đơn vị xuất bản, các đại học, cá nhân, với nguồn hỗ trợ của Nhà nước tặng các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Cần phải biểu dương, khuyến khích thêm những cá nhân – là nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu – phê bình văn học như PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện – Nguyên Tổng biên tập báo Diễn đàn văn nghệ Việt Nam đã trực tiếp chủ động tặng 9 tác phẩm in riêng cho thư viện sách của Thư viện Quốc hội Mỹ và Trường Đại học Harvard của Mỹ./.

TS. Bùi Như Hải
Bạn đang đọc bài viết "Vấn đề dịch thuật và giới thiệu, quảng bá Văn học Việt Nam tại Hoa Kỳ" tại chuyên mục Nghiên cứu. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.