Xây dựng con người có ý nghĩa rất quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa" [1].
Năm 2014, sau khi tổng kết 15 năm (1998 - 2013) Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh yếu kém, khuyết điểm, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW). Nghị quyết xác định mục tiêu chung: "Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học". Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đã đề ra quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.
1. Nhiệm vụ xây dựng con người nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW
Nghị quyết đã xác định rõ những công việc cụ thể cần làm góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện.
Một là, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện "trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách". Đây là tư tưởng xuyên suốt chăm lo xây dựng con người. Lấy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc là giá trị cơ bản, cốt lõi đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy chuẩn mực đạo đức, lối sống và nhân cách làm thước đo đánh giá con người trong quan hệ ứng xử với tự nhiên, xã hội, hướng tới giá trị nhân văn.
Hai là, "xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ". Sống trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng quốc tế, đang diễn ra cuộc cách mạng 4.0, Đảng đòi hỏi mỗi con người Việt Nam phải có thế giới quan khoa học trong nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng và xử lý các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra. Vấn đề cốt lõi của thế giới quan khoa học là tư tưởng. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức và cải tạo thế giới. Muốn có thế giới quan khoa học, Đảng yêu cầu: “Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập”.
Ba là, “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đây là nhiệm vụ có tính cấp thiết và thời sự đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đảng đòi hỏi các nhà quản lý, giới khoa học nghiên cứu toàn diện, sâu sắc con người Việt Nam trong lịch sử và hiên nay, đúc rút nêu ra một hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam, làm cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện và hướng đích xây dựng con người phát triển toàn diện.
Bốn là, “Xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường”. Đây là lối sống thể hiện bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, thể hiện mối quan hệ "cái chung" và "cái riêng", đặt "cái ta" lên trên "cái tôi", đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Từ đó, Đảng khẳng định trong xây dựng con người phải: “Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”.
Năm là, xét đến cùng văn hóa là nghệ thuật của cái đẹp, mọi hoạt động của văn hóa đều vận động theo quy luật của cái đẹp. Muốn hiểu đúng cái đẹp cần phải giáo dục để mọi người dân nhận biết đúng đắn chuẩn mực, giá trị của cái đẹp. Đảng đề ra nhiệm vụ: “Tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên”.
Sáu là, xây dựng con người phát triển toàn diện, quy lại trong bốn vấn đề cốt lõi là Trí - Đức - Thể - Mỹ. Thực tiễn cho thấy thể lực, tầm vóc, sức dẻo dai của con người Việt Nam còn hạn chế. Do vậy, Đảng chủ trương: “Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bảy là, xây đi đôi với chống. Xây dựng phẩm chất tốt đẹp, nhân cách nhân ái, cao thượng, bao dung, thân thiện của người Việt Nam đồng thời với đấu tranh với mọi biểu hiện cản trở, làm tha hóa nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người. Đảng đề ra nhiệm vụ: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”.
Những nhiệm vụ cụ thể nêu trên trong Nghị quyết số 33-NQ/TW là những chỉ dẫn rất quan trọng để cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân căn cứ vào đó xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
2. Kết quả đạt được
Đảng ban hành một số văn bản góp phần cụ thể hóa chủ trương xây dựng con người. Đó là: Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030” (2015); Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh” (2016); Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (2016); Quy định số 55-Qđi/TW của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương (2016); Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (2018). Từ năm 2014 đến 2019, Quốc hội ban hành thêm 6 luật mới: Luật Trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin (2016), Luật An ninh mạng (2018), Luật Giáo dục, Luật Thư viện, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (2019) và sửa đổi 01 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao (2018) liên quan trực tiếp đến phát triển con người. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số đề án: Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi và nhi đồng (2015); Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; Đề án “Đào tạo bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” (2016); Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (2017); Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 (2018)… Thủ tướng Chính phủ ra một số chỉ thị: Chỉ thị số 11/CT-TTg về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình (2017); Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (2019)…
Trung ương và địa phương đã khẩn trương triển khai tuyên truyền, ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện để các tổ chức trong xã hội tập trung trí tuệ, công sức xây dựng con người. Nhận thức về quan điểm, nhiệm vụ xây dựng con người phát triển toàn diện trong Đảng và các tầng lớp nhân dân ngày một rõ ràng, cụ thể hơn. Vai trò của con người ngày càng thể hiện và tác động lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Bước đầu tạo được sự gắn kết phát triển văn hóa với xây dựng con người, lấy việc chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp làm trọng tâm.
Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tính tích cực xã hội của nhân dân được phát huy [2]. Các chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người thời đại Hồ Chí Minh đã được đưa vào một số văn bản pháp luật; vào quy ước, hương ước làng, xã; vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đẩy mạnh các phong trào khởi nghiệp, xây dựng con người, phong trào thiện nguyện quan tâm đến người yếu thế, gắn với phong trào thi đua yêu nước phù hợp với từng đối tượng.
Hệ thống chính trị và các tầng lớp xã hội đã chủ động hơn trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, cách mạng, nhân văn, lấy chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.
Tổ chức được một số cuộc hội thảo khoa học, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đạt được kết quả bước đầu trong tìm tòi, nghiên cứu hệ giá trị con người Việt Nam.
Dân chủ xã hội được mở rộng cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và tiếp cận với các phương tiện truyền thông mới đã làm cho con người Việt Nam luôn đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo hơn, có nhiều cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Các giá trị đạo đức truyền thống được giữ gìn, phát huy và thay đổi theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Hình thành nếp sống văn minh, tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp, thiết thực, hiệu quả, đề cao, tôn trọng con người.
Các tầng lớp xã hội quan tâm hơn đến giáo dục con người toàn diện ngay từ bước đi đầu đời ở cấp học mầm non, kết hợp dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng sống, giáo dục nghệ thuật, năng lực cảm thụ thẩm mĩ với rèn luyện thể chất, góp phần nâng cao trí tuệ, cải thiện tầm vóc con người Việt Nam, nâng tuổi thọ trung bình con người Việt Nam năm 2019 là 73,6 tuổi [3]. Từ 1990 đến 2018, tổng thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 354,5%. Năm 2019, tổng thu nhập bình quân đầu người gần 2.800 USD. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất trên thế giới, với tăng trưởng trung bình HDI ở mức 1,36% trong suốt giai đoạn 1990 – 2018. HDI của Việt Nam năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118/189 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số này và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao. Đây là thành tựu rất đáng để chúng ta tự hào về xây dựng con người [4].
Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai thực hiện từ phố, phường và lan rộng khắp đến tận thôn, bản [5]. Thể lực, tầm vóc con người Việt Nam được cải thiện, ý thức bảo vệ môi trường sống được nâng lên.
Công tác phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ cán bộ, đảng viên, nhân dân có chuyển biến, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn của cán bộ, đảng viên, nhân dân; tạo niềm tin của nhân dân đối với chế độ.
3. Một số hạn chế, yếu kém
Công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển con người chưa đều khắp các lĩnh vực, vùng miền. Nhận thức chung của xã hội về vai trò, vị trí của con người theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW còn chưa sâu, chung chung. Trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ.
Còn để kẻ xấu ở một số nơi lợi dụng sự ngộ nhận về lòng yêu nước của một bộ phận người dân phục vụ mục đích chống phá chế độ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ, đã bước đầu được ngăn chặn, song chưa được đẩy lùi. Một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều vụ án tham nhũng, bảo kê đánh bạc, tội phạm hình sự ngày càng diễn biến phức tạp, ở mức độ liều lĩnh, tàn bạo hơn, tinh vi hơn, gây lo lắng, bất bình trong xã hội. Việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa “tâm linh” để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan chưa được ngăn chặn hiệu quả, làm lệch lạc nhận thức một bộ phận người dân, truyền bá duy tâm thần bí. Việc giảng dạy các môn khoa học nhân văn có biểu hiện bị coi nhẹ ở các cấp học.
Chưa ban hành được hệ giá trị chuẩn mực văn hóa và con người Việt Nam làm cơ sở triển khai trong thực tiễn.
Lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất, thái độ vô cảm, xa lánh những vấn đề lớn của đất nước, sự phân hóa thu nhập trong xã hội đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục lý tưởng, nhân cách con người. Một bộ phận cán bộ, nhân dân có tâm lý sính ngoại, tiêu dùng sản phẩm văn hóa cũng như tiếp nhận lối sống thiếu chọn lọc, ảnh hưởng đến giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và xây dựng con người trước thách thức toàn cầu hóa. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn ở mức thấp so với khu vực Đông Nam Á. “Theo ILO, năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong AEC, năng suất lao động của người Việt Nam thấp dưới một nửa so với lao động Philippines, nhỉnh hơn ¼ so với lao động Thái Lan, dưới 1/10 so với lao động Malaysia và chỉ chưa bằng 3% năng suất lao động Singapore” [6]. Ngân hàng thế giới đánh giá trên thang điểm 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng [7]. Ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm. Năm 2019, tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông cao gấp gần bốn lần so với tỷ lệ người chết vì tai nạn lao động (tương ứng là 4,3% và 1,1%). Tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông ở nam giới cao gấp hơn ba lần ở nữ giới (5,9% so với 1,8%) [8]. Thói quen lạm dụng việc uống rượu bia ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Người Việt tiêu thụ 4,2 tỷ lít bia trong năm 2018, mức tiêu thụ này đã tăng 5% so với sản lượng thực tế 4 tỷ lít năm 2017 và khoảng 305 triệu lít rượu.
Sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội trong giáo dục con người chưa thường xuyên. Chưa coi trọng giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực thẩm mĩ trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa công cộng bị "thương mại hóa", hạ thấp tính giáo dục, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận người dân, gây hậu quả xấu xây dựng con người. Chưa động viên tối đa sức mạnh tổng hợp, tính năng động, sáng tạo của nhân dân và vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng con người. Một số phong trào biểu dương, tôn vinh gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, danh hiệu thi đua chưa đi vào thực chất, chạy theo số lượng và hình thức.
Nhiều cấp ủy lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa sâu sát, cụ thể nên kết quả còn hạn chế, ảnh hưởng đến xây dựng con người. Một số nơi cán bộ, đảng viên, người lao động chưa tận tụy, công tâm thực hiện công việc được giao, còn chây ì, dựa dẫm, kèn cựa, gây mất đoàn kết nội bộ. Xuất hiện mâu thuẫn về nhận thức, biểu hiện lối sống giữa các thế hệ.
Cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực xã hội chưa thường xuyên, liên tục. Một số nơi còn coi nhẹ việc đấu tranh, phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ xây dựng con người. Những giải pháp mang tính đột phá khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam chưa được đề xuất.
4. Đề xuất một số giải pháp
Thứ nhất, chỉ đạo tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, cách làm, thường xuyên, liên tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò của con người trong sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững đất nước. Cổ vũ tinh thần yêu nước, thương người, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.
Thứ hai, đổi mới công tác tư tưởng, giáo dục lý luận chính trị, khắc phục giáo điều, máy móc, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tôn trọng đối thoại, phản biện xã hội, tăng tính thuyết phục từ kết quả đổi mới đất nước, tạo sự nhất trí trong Đảng, đồng thuận xã hội về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng thế giới quan khoa học.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý giải phóng mọi tiềm năng xã hội chăm lo, phát triển con người. Đổi mới cơ chế và phương pháp giáo dục nhân cách, tư tưởng, lý luận chính trị, đạo đức cách mạng phù hợp với từng đối tượng, ngay từ cấp học mầm non.
Khẩn trương đúc kết, sớm ban hành hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Xây dựng lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, tương thân, tương ái, quan tâm giúp đỡ người khác, tôn vinh, nhân rộng các giá trị tốt đẹp, nhân văn.
Thứ tư, phổ cập rộng rãi các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các chương trình giáo dục văn hóa, nghệ thuật truyền thống và hiện đại nhằm nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân văn, tạo bản lĩnh và sức đề kháng giúp người dân chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Giáo dục thể chất, đưa phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống.
Thứ năm, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người, mỗi chủ thể văn hóa, phối hợp và có giải pháp đồng bộ đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, nội dung trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng con người.
Thứ sáu, đấu tranh chống các quan điểm sai trái bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và các khuynh hướng sáng tác phản tiến bộ, nhân văn, tha hóa con người trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ bẩy, tập trung nghiên cứu làm rõ những mặt hạn chế của con người Việt Nam, có giải pháp khắc phục. Từng bước khắc phục mâu thuẫn trong nhận thức, lối sống giữa các thế hệ người Việt Nam, tạo sự kết nối, đồng thuận cao trong xây dựng và bảo về Tổ quốc.
[1] Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, t.10, tr.310
[2] Điều này thể hiện rõ ở tinh thần đại đoàn kết dân tộc phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 và niềm tự hào dân tộc khi đội tuyển quốc gia Việt Nam giành ngôi Á quân giải bóng đá U23 Châu Á năm 2018.
[3] Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019
[4] https://baophapluat.vn/trong-nuoc/chi-so-phat-trien-con-nguoi-viet-nam-tang-truong-nhanh-nhat-the-gioi-483818.html, 10/12/2019, truy cập ngày 19/01/2020.
[5] Đến năm 2018, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc đạt 32,35%; số gia đình tập luyện thể thao thường xuyên đạt 23,41% tổng số hộ (Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
[6] Nguyễn Hữu Hào - Nguyễn Thị Mỹ Diệu (2016), “Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Khoa học Xã hội & Nhân văn Số 21, tháng 3, tr.10-16.
[7] https://vnexpress.net/giao-duc/chat-luong-nhan-luc-thach-thuc-lon-cua-viet-nam-4013069.html, 16/11/2019, truy cập ngày 19/01/2020.
[8] Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019.
(*) Tạp chí Tuyên giáo số 7 (2020)