Nhà Thánh Hoành Sơn: Hồn cốt làng khoa bảng (Kỳ I)

25/09/2022 12:40

Theo dõi trên

Nam Đàn - Vùng đất “trùng lai danh thắng địa, cổ nhân đa hào kiệt”. Bên dòng Lam giang, cùng với nét phác thảo độc - lạ, nhà Thánh Hoành Sơn (làng Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, Nam Đàn) dần hiện ra hết thảy sự “cổ kính”. Với vị trí “tọa sơn, vọng thủy”, đây còn là biểu tượng, là hồn cốt của làng “khoa bảng”, và cũng là nơi tụ linh khí, phúc lớn của làng.

Mạch nguồn văn hóa nghìn năm

Trong suốt dòng chảy của lịch sử dân tộc, thời nào cũng vậy, đất và người Nam Đàn đều có những dấu ấn đậm nét văn hóa, nhân văn. Trong đó, Khánh Sơn với làng cổ Hoành Sơn là một trong những địa danh mang đậm màu kí ức.

Trải bao dâu bể, núi Hoành vẫn hiên ngang, sông Lam vẫn bồi đắp phù sa cho đất Nam Hoa màu mỡ. Truyền thống của làng hun đúc tự bao đời, vẫn được cháu con gìn giữ, phát huy và ngày thêm toả rạng. Về Hoành Sơn thăm bia đá, ngắm đình làng cổ kính, nghe lòng trào dâng niềm tự hào như đi giữa mạch nguồn văn hoá nghìn năm.

z3748545481448-0fb196bf6646bd41a7e78bbf516aa71f-1664069799.jpg
Nhà Thánh Hoành Sơn (làng Hoành Sơn, xã Khánh Sơn, Nam Đàn) thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền. Ảnh: Nguyễn Diệu

Làng Hoành Sơn là quê hương của những “ông nghè, ông cử” rạng ngời sử sách: Nguyễn Thiện Chương, Nguyễn Đức Đạt, Tạ Quang Bửu… Nay giữa làng, gần cánh đồng Lòn vẫn còn hiện diện quán văn chỉ Hoành Sơn đồ sộ, mà người dân địa phương gọi nôm na là nhà Thánh, thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền. 

Thế kỷ XIX, khi triều Nguyễn được thiết lập đã phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách lịch sử. Song ngay từ đầu, nhà Nguyễn đã rất chú ý đến giáo dục, khoa cử, đào tạo nhân tài để xây dựng đất nước. Một trong những bằng chứng này là việc khuyến khích xây nhà Văn từ để tôn thờ đạo Nho và dựng bia khắc tên những người đỗ đạt. Những điều đó đã cổ vũ, nuôi dưỡng tinh thần ham học, say mê học tập, dùi mài kinh sử cho các sĩ tử. Truyền thống học tập của cha anh vẻ vang bao nhiêu thì sĩ tử càng phấn khích bấy nhiêu; đồng thời đó cũng là trách nhiệm mà hậu thế cần phải tiếp nối để làm rạng danh truyền thống của cha anh, của làng xã.

z3748545512684-5a29e00c8f015619f66b3fadbb3944ef-1664070043.jpg
Với vị trí “tọa sơn, vọng thủy”.... Ảnh: Nguyễn Diệu

Bằng tài năng và tâm huyết của mình, tầng lớp nho sỹ Nam Đàn nói chung, Hoành Sơn nói riêng đã góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Người đỗ đại khoa mở đầu cho truyền thống khoa bảng Nam Đàn là Nguyễn Thiện Chương (hay Nguyễn Thiện Ảnh) quê làng Hoành Sơn, xã Nam Hoa Thượng, tổng Nam Hoa, nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông đỗ Tiến sĩ năm 18 tuổi, khoa Kỷ Sửu năm Quang Thuận thứ 10 (1469). Kể từ đó, Nam Đàn liên tục được nhắc đến vì có nhiều sĩ tử đỗ đạt.

Tiếp tục phát huy truyền thống khoa bảng của quê hương, xứ sở, sỹ tử làng Hoành Sơn đã đóng góp vào sự nghiệp khoa bảng xứ Nghệ với hàng chục vị tú tài, Cử nhân, Phó bảng, Song nguyên Hoàng giáp, Thám hoa... Trong đó có những danh sỹ nổi danh khắp cả nước, được nhân dân kính phục, triều đình trọng dụng như Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Song nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đức Quý, Phó bảng Nguyễn Đức Vận... hay là những dòng họ nổi tiếng như họ Nguyễn Thiện, Nguyễn Đức. (Dòng họ Nguyễn Đức có hai anh em họ là Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Đức Quý đều đỗ đầu thi Đình - Đình nguyên Tiến sĩ). 

z3748545484835-e95cdfb054ce5fb799752e7e4927b2f7-1664070137.jpg
... là hồn cốt của làng “khoa bảng”, và cũng là nơi tụ linh khí, phúc lớn của làng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nguyễn Đức Quý đậu cả Hội nguyên thi Hội - Song nguyên Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) Tiến sĩ. Một người đậu Phó bảng là Nguyễn Đức Vận và năm Cử nhân triều Nguyễn đều là cha con, anh em trong một nhà, một họ. Họ nổi tiếng là học rộng, tài cao, thanh liêm, tận tụy với dân và thương yêu học trò. Họ vẫn mãi mang dáng vẻ của một ông đồ Nghệ “hay chữ lại hay nghĩa”, khảng khái, tiết tháo, trọng chính nghĩa.

Nếu xét về phong thủy, Nhà Thánh Hoành Sơn có một vị thế đắc địa. Bởi phía sau có dãy Thiên Nhẫn điệp trùng; Nơi đây đã từng ghi bao dấu vết của những bậc minh quân, tài ba như Mai Thúc Loan, Tống Tất Thắng, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Lê Lợi, Nguyễn Trãi... Trước mặc có sông Lam chảy từ Tây sang Đông làm minh đường; xa xa phía trước có hệ núi Đại Huệ làm tiền án. Đây là vùng đất địa linh, sông ôm núi ấp, trước sau hậu thuẫn, trái phải chầu về. 

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nhà Thánh Hoành Sơn: Hồn cốt làng khoa bảng (Kỳ I)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.