Đình Trung Cần - Tầm vóc lịch sử: Danh tướng nhiều chiến công hiển hách (Bài 2)

31/12/2020 15:15

Theo dõi trên

Đâu nhất thiết phải liệt vào miệt u linh hay đất thần kinh mới đậm mạch nguồn văn vật; dẫu hôm nay đời sống người dân còn nặng sinh kế nơi thôn dã thuần hậu thì vẫn hiển hiện nếp sinh hoạt, ý thức gìn giữ những di sản văn hóa - tinh thần tiền nhân để lại. Đình Trung Cần (xã Nam Trung cũ, huyện Nam Đàn, Nghệ An) sừng sững nơi chốn ấy, vững như bàn thạch và là điểm tựa tinh thần cho những ai đem lòng hoài cổ.



Đình Trung Cần ở xã Nam Trung cũ, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An sừng sững nơi chốn ấy, vững như bàn thạch và là điểm tựa tinh thần cho những ai đem lòng hoài cổ. Ảnh: Nguyễn Diệu

“Nghĩa điền bia ký”

Theo các bộ chính sử thì ngót 2000 năm trước, vùng đất Nam Trung còn có tên là Trang Cần Cung thuộc xã Nam Hoa Thượng, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương. Đến đầu thế kỷ XIX, Trang Cần Cung được tách khỏi xã Nam Hoa Thượng thành xã Trung Cần và vẫn thuộc tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương. Cuối thế kỷ XIX, tổng Nam Hoa đổi thành tổng Nam Kim, xã Trung Cần vẫn thuộc tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương. Năm 1910, tổng Nam Kim được chuyển sang thuộc vào huyện Nam Đàn. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, hai xã Trung Cần và Dương Liễu được hợp nhất lại thành xã Nam Trung ngày nay. 

Đình Trung Cần gắn với công đức của 3 bậc tiền nhân dòng họ Nguyễn Trọng tại làng Trung Cần, là bố con, ông cháu đỗ đệ tam giáp Tiến sỹ đời Lê Trung Hưng; gồm cụ Nguyễn Trọng Thường đỗ đệ tam giáp Tiến sỹ năm 1712 (bia văn miếu Quốc Tử Giám); con trai thứ của cụ Thường là Nguyễn Trọng Đương (Đang) đỗ đệ tam giáp tiến sỹ năm 1769; cháu đích tôn của cụ Thường là Nguyễn Đường (Nguyễn Trọng Đường) đỗ đệ tam giáp Tiến sỹ năm 1779.
 

Năm Tân Sửu (1781), theo đề xuất của hai cha con đều là Tiến sỹ của dòng họ Nguyễn Trọng ở Trung Cần là Nguyễn Trọng Thường và Nguyễn Trọng Đương, nhân dân Trung Cần đã tiến hành trùng tu và nâng cấp đình lần thứ nhất. Tiếp đó, năm 1841, Tế tửu Quốc Tử Giám Lê Nguyên Trung lại cho tôn tạo đình Trung Cần thành ngôi đình có qui mô như ngày nay. Cùng với đình Hoành Sơn, đình Trung Cần trở thành một trong những ngôi đình đẹp nhất miền Trung lúc bấy giờ.

Mười năm sau khi trùng tu đình lần thứ nhất (năm 1791), tương truyền vua Quang Trung đã có ý định xin làng Trung Cần ngôi đình này để đem về một nơi khác cũng ở trong tổng Nam Hoa giao cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp sử dụng cho Sùng Chính viện. Tuy vậy, có thể là Viện trưởng viện Sùng Chính đã khéo từ chối vì đình Trung Cần thờ Thành hoàng của làng Trung Cần là Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng, một vị văn thần võ tướng mà Nguyễn Thiếp rất ngưỡng mộ và ông từng ngợi ca. “...Trung nghĩa Tống Tất Thắng, Anh hùng Mai Thúc Loan...”. Nhờ đó, ngôi đình vẫn ở nguyên vị trí ban đầu. 

“Nức tiếng đất Nam Hoa”

Mười năm tiếp theo sau đó, khi vua Gia Long lên ngôi ở Phú Xuân, nhà vua đã từng ra lệnh dỡ đình chùa về làm cung điện ở kinh thành, trừ những nơi thờ Khổng Tử. Dân làng Trung Cần đã làm một bức hoành phi khắc ba chữ lớn “Đại Thánh miếu” treo lên trên gian chính của tòa đại bái nên một lần nữa, đình vẫn không bị dỡ đi. Ba chữ này đến nay vẫn còn.
 




Đình Trung Cần thờ Thành hoàng của làng Trung Cần là Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng, một vị văn thần võ tướng mà Nguyễn Thiếp rất ngưỡng mộ và ông từng ngợi ca “...Trung nghĩa Tống Tất Thắng, anh hùng Mai Thúc Loan…”. Ảnh: Nguyễn Diệu

Phỏng trước đình Trung Cần trước cũng có có cây đa, bến nước? Sách không ghi và người cao tuổi nhất ở Trung Cần nay cũng chưa từng nghe chuyện đó. Nhưng trước “vật đổi” chừng trăm năm trước, đình còn có nhánh sông tha thướt chảy qua. Sông này được phù sa bồi dần lên thành bãi; và hẳn cái hữu tình thủy tụ còn được chứng tích bởi khu mộ rêu phong nằm trên đồng Giã Rào trước đình của vị thành hoàng đầu tiên được thờ ở đình và cũng là bậc khai khoa cho đất Trung Cần: Tiến sỹ, danh tướng với nhiều võ công hiển hách thời Lê Trung Hưng - ông Tống Tất Thắng (cái chết của Tống Tất Thắng và sự ra đi sau đó của gia đình và tất cả con cháu họ hàng của ông khỏi mảnh đất Trung Cần đang là một vấn đề tồn nghi được chép lại trong các Tộc phả của các chi họ Tống ở Nghệ - Tĩnh, nhưng vẫn có thể khẳng định Trung Cần là mảnh đất quê hương, là nơi sinh ra Tống Tất Thắng với rất nhiều di tích vẫn còn được lưu giữ liên quan đến ông).
 
Nguyễn Diệu

Bạn đang đọc bài viết "Đình Trung Cần - Tầm vóc lịch sử: Danh tướng nhiều chiến công hiển hách (Bài 2)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.