Đình Trung Cần - Tầm vóc lịch sử (Kỳ 1)

25/12/2020 11:05

Theo dõi trên

Nam Đàn - nơi sinh ra các bậc vĩ nhân, cũng là nơi nhiều đình, đền gắn với tên làng, tên xóm từ khi khai cơ, lập quốc. Nếu Khánh Sơn nổi tiếng với đình Hoành Sơn, thì Nam Trung (cũ) có đình Trung Cần, nơi đây ẩn giấu nhiều tích sử, những giá trị còn đó với thời gian. Mang vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí, đình Trung Cần là nơi chốn cho những ai muốn ngược dòng… lịch sử.



Đình Trung Cần tại xã Nam Trung cũ, nay là xã Trung Phúc Cường, Nam Đàn, Nghệ An - Ảnh: N.D

Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng

Theo các tư liệu lịch sử đang được con cháu dòng họ Tống ở Nam Đàn lưu giữ, Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng (1487 - ?) quê ở làng Nam Hoa Thượng, huyện Thanh Chương (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn). Cha mẹ ông sinh được 2 người con, ông là con thứ 2. Mặc dù gia cảnh nghèo, mồ côi cha năm 13 tuổi nhưng mẹ ông vẫn quyết tâm nuôi con ăn học thành tài.

Không phụ tấm lòng người mẹ tảo tần và người cha đã khuất, Tống Tất Thắng luôn giữ vững ý chí, quyết tâm dùi mài kinh sử, luyện tập võ nghệ để trở thành người văn võ song toàn. Nhờ đó, năm 15 tuổi ông đã thi đỗ Hương Cống. Và 3 năm sau, Tống Tất Thắng có tên trong danh sách bảng vàng của khoa thi năm Ất Sửu (1505) dưới thời Vua Lê Uy Mục, được phong chức Thống Chinh nguyên súy bình Man trước khi lên đường vinh quy bái tổ. Sau đó, ông tiếp tục được giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình như Lại bộ Thượng Thư, Đông Các Đại học sỹ và được phong tước Nghĩa Quận công. 


Sinh thời, Tống Tất Thắng tính tình cương trực, thông minh và văn võ song toàn nên luôn được triều đình Hậu Lê tin dùng. Mỗi khi có giặc Ai Lao, Chiêm Thành và Bồn Man quấy nhiễu biên thùy, nhà vua thường cử Tống Tất Thắng thống lĩnh ba quân vào trấn giữ vùng biên cương xứ Nghệ - cũng là mảnh đất quê hương ông. Bên cạnh đó, với những chức trách được giao, ông còn có công lớn trong việc củng cố triều chính, xây dựng niềm tin với muôn dân trăm họ. Một lần, giặc Bồn Man sang quấy rối vùng đất miền Tây xứ Nghệ, Tống Tất Thắng tiếp tục được nhà vua tin tưởng giao phó việc cầm quân đánh giặc. Với tài thao lược của Tống Tất Thắng, nghĩa quân Đại Việt nhanh chóng giành được thắng lợi và sớm ca khúc khải hoàn. Nhưng ông đã bị lâm bệnh và mất trên đường trở về. Sau khi ông mất, thi hài ông được an táng tại quê hương, nay thuộc làng Trung Cần, xã Nam Trung (Nam Đàn).

Cảm phục trước tài năng, đức độ và công trạng của một người con quê hương, bà con làng Nam Hoa Thượng (nay là xã Nam Trung) quanh năm chăm sóc phần mộ của Tống Tất Thắng và tôn ông làm Thành hoàng. Từ đó, mỗi lần có giặc sang quấy nhiễu vùng biên cương xứ Nghệ, các vị tướng lĩnh được triều đình cử cầm quân đi dẹp giặc đều tìm đến làng Nam Hoa Thượng thắp hương trước mộ và ban thờ Tống Tất Thắng ở đình làng, cầu xin anh linh ông phù hộ giành chiến thắng.

 




Nơi đây ẩn giấu nhiều tích sử, những giá trị còn đó với thời gian. Mang vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí, đình Trung Cần là nơi chốn cho những ai muốn ngược dòng… lịch sử. Ảnh: N.D

Ngưỡng vọng chính khí, uy danh của Ngài

Đến năm 1553, trước công đức của Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng đối với triều đình, đất nước và nhân dân, Vua Lê Trang Tông đã xuống chỉ cho các làng ở vùng đất "Chín Nam" ngày nay lập đền thờ và hàng năm tổ chức tế lễ vào dịp 15 - 2 Âm lịch theo nghi thức quốc tế (lễ tế mang tầm quy mô quốc gia).

Thám hoa Nguyễn Văn Giao và Giải nguyên Nguyễn Hữu Lập - các bậc đại khoa sinh ra và lớn lên trên vùng đất "Chín Nam" từng viết rằng: “Các danh sĩ, thi nhân đã từng đề thơ ca tụng lòng trung nghĩa và công đức to lớn không bao giờ phai của Ngài. 350 năm đã trải qua mà chính khí vẫn vang danh khiến lòng người càng mến mộ, khiến chúng ta vẫn cảm thấy như Người còn ở trên đời, chúng ta vẫn còn được gặp Người ở đây, trên bảng vàng khoa cử có tên Người ở hàng đầu”.

Để tỏ lòng thương nhớ Người, đầu triều vua Tự Đức, nhà vua đã giao cho dân vùng quê cũ tôn tạo di tích ở Đàm Thủy, làm miếu, dựng bia đá đặng thể hiện tấm lòng tôn phục, thương nhớ kẻ hiền tài, đến mùa Thu năm Qúy Sửu rước anh linh Ngài về đền để tỏ lòng ngưỡng vọng.

“Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tấm gương trung liệt của Ngài vẫn mãi mãi trong xanh như nước hồ Đàm Thủy".

(Còn tiếp)
 
Nguyễn Diệu

Bạn đang đọc bài viết "Đình Trung Cần - Tầm vóc lịch sử (Kỳ 1)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.