
Văn trên bia Tư Lương là tiếng Chăm cổ, được khắc trên một khối sa thạch, cao khoảng 1,7m (chỉ tính phần nhô lên khỏi mặt đất); chiều ngang chỗ lớn nhất rộng khoảng 1,5m; mặt trước có khắc tám dòng chữ Chăm cổ, mặt sau khắc ba dòng. Do quá trình bào mòn của thời gian, văn bia khắc 11 dòng chữ Chăm Pa ở thôn Tư Lương chứa đựng một số từ ngữ vẫn chưa lý giải hết. Đây là những dấu vết hiếm hoi của giai đoạn lịch sử cuối cùng của vương quốc Chăm Pa trên vùng cao nguyên.
Theo các nhân chứng hiện sinh sống tại thôn Tư Lương, sau năm 1960, trong khi phát cây làm nương rẫy, người dân địa phương đã phát hiện hòn đá có tạc ký hiệu lạ nên gọi là “đá chữ”. Vào khoảng năm 2010 khi phát hiện dấu tích trên bia đá, ông Nguyễn Quang Tuệ, cán bộ Quản lý Văn hóa Sở VH, TT&DL tỉnh Gia Lai, đã đưa rất nhiều nhà khoa học trong nước, kể cả những người nghiên cứu văn hóa Chăm đến đây nhưng không có ai đọc và dịch được.
Mãi đến khi gặp GS Andrew Hardy, Trưởng Văn phòng đại diện Trường Viễn Đông Bác cổ (Hà Nội), ông đã mời vị này đến tham quan bia cổ và nhận được lời hứa sẽ “cho người giỏi nhất về ngôn ngữ Chăm cổ đến Việt Nam nghiên cứu, dịch”.
Tám năm sau, giáo sư Arlo Griffiths (Pháp) - người chủ trì dự án Sưu tập văn khắc Chăm Pa của Viện Viễn đông Bác cổ (EFEO) và chuyên gia Khom Sreymom (Campuchia) đã sang Việt Nam, tiến hành dập, đọc, dịch nội dung khắc trên bia đá. Sau gần một tháng làm việc tại huyện Đắk Pơ, giáo sư Arlo Griffiths cùng các chuyên gia thực hiện được 3 bản dập bia đá.
Để có được bản dịch, GS-TS Arlo Griffiths (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) mất gần 9 năm và dày công nghiên cứu ngôn ngữ Chăm Pa mới hoàn thành công trình. Do nhiều ký tự đã phai mờ nên bản dịch không toàn vẹn, khoảng 90% nội dung của ký tự được dịch ra.

Nội dung bia đá cổ được dịch như sau: “Ngợi ca! Đã từng có một chúa tể tối cao của các vị vua, con trai hoàng thượng Jayasinhavarma thuộc dòng dõi Vrsu, quý tộc của thành phố hoàng gia Nauk Glaun Vijaya. Khi ông tuyên bố chủ quyền, Đại Việt và Campuchia công khai tấn công, muốn gây hấn trở lại.
Vào (năm) ba mươi hai (thuộc triều đại của ông), ông được tôn phong là (tên) Indravarman, cai quản nhiều lãnh địa khác nhau, nhờ ân điển của ông đã có một hoàng tử đã đăng quang, xây dựng (cung điện của vị này gọi là) Samrddhipuri.
Trong năm con hổ, ông ta lập Mandi Vanan, dựng những nhà chữ trên nhiều con đường khác nhau, đắp đập trên dãy Hayãv, thành lập kinh đô".
Tiếp đến là đoạn văn bản mờ không rõ, trong đó có nội dung: "Ông ta sắp đặt các thứ bậc khác nhau (của xã hội) trở lại trật tự một lần nữa. Ông ta thanh tẩy mình ở cửa (sông) Air Lanuv. Vào (năm) ba mươi tám (đã xây dựng) nhà chữ của văn khắc đá này tại mvanna của nhà vua. [Đó là năm Saka] 1360”.
Để bảo vệ bia đá cổ Chăm này, năm 2017, UBND huyện Đắk Pơ đã vận động người dân thôn Tư Lương hiến đất, xây tường, giăng lưới bao quanh diện tích 255m2 và làm mái che bằng tôn, thảm nền bê tông quanh bia đá và nhà che bia đá lợp bằng mái tôn. Toàn bộ khuôn viên di tích được bao bọc bởi một bờ tường cao 40cm, phía trên là hàng rào lưới B40 cao 1,2m, giăng ngang qua các trụ bê tông và một cửa sắt cao 1,9m, rộng hơn 3m. Nền được lát xi măng cốt đá, bao quanh và phủ lên chân bia. Bên cạnh bia đã được gắn mã QR để người dân và du khách có thể truy cập thông tin, hình ảnh liên quan di tích. Cuối năm 2022, UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định xếp hạng bia đá cổ Tư Lương là di tích cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam cho biết: Bia đá cổ Champa được phát hiện tại thôn Tư Lương, cho thấy có dấu tích của người Champa thượng ở Tây Nguyên trước khi vua Lê Thánh Tông tiến hành cuộc chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành năm 1471.
Đến nay, việc bia đá cổ Chăm được phát hiện và đươc cấp bằng di tích lịch sử văn hoá không chỉ là niềm tự hào của người dân thôn Tư Lương nói riêng mà đó còn là cả niềm tự hào những người con Tây Nguyên nói chung. Do đó, người dân nơi đây đang ra sức giữ gìn, bảo vệ bia đá như một báu vật của địa phương.