Khám phá nét độc đáo qua Lễ hội đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng

15/12/2024 21:30

Theo dõi trên

Đối với đồng bào Khmer nói chung và đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng, chiếc ghe ngo có vị trí vô cùng quan trọng, được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của tình đoàn kết và sức mạnh thôn xóm. Vì thế, khi có ghe ngo thì bà con Khmer từ trẻ đến già đều thể hiện sự trân trọng và yêu thích khi được góp sức cho đội ghe và thôn xóm của mình, nhiều gia đình sẵn sàng tự bỏ tiền để lo cho cả đội ghe ngo từ lúc tập luyện cho đến ngày khai hội.

chua-tru-cot-tinh-than-cua-ba-con-khmer-8b-9666-1734272871.jpg
Hơn 1 tháng trước trước khi giải đua ghe Ngo diễn ra, các thanh niên Khmer trong phum, sóc tích cực tập luyện để có thể đạt được thành tích cao nhất của giải thể thao truyền thống và là niềm tự hào của bà con Khmer mỗi khi đến dịp lễ Lễ hội Oóc Om Bóc ở Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu

Có mặt ở Sóc Trăng vào trung tuần tháng 11, đúng những ngày diễn ra Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo và Tuần Văn hóa, Thể thao - Du lịch Sóc Trăng lần thứ nhất, chúng tôi được hòa mình vào không khí tưng bừng, sôi nổi và đậm bản sắc của các hoạt động văn hoá, thể thao; quảng bá, xúc tiến du lịch; lễ cúng trăng; hội chợ xúc tiến thương mại, ẩm thực đường phố… , và đặc biệt là được cùng hàng trăm nghìn người dân Sóc Trăng, các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long và du khách tham dự giải Đua ghe Ngo lớn nhất miền Tây.

Mặc dù trời nắng nóng gay gắt nhưng người dân và du khách vẫn tập trung từ sớm và đứng kín dọc hai bên bờ sông Maspero, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng để cổ vũ cho các đội ghe Ngo và chứng kiến giải đấu sôi nổi, chiêm ngưỡng các đội đua thi triển kỹ thuật bơi hấp dẫn và kịch tích ngay từ vòng loại trong tiếng hò reo cổ vũ vang dội.

Theo ông Lâm Hoàng Mẫu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, giải đua ghe Ngo năm nay có 60 đội trong đó Sóc Trăng có 48 đội (45 đội nam và 3 đội nữ), các tỉnh lân cận (Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang) có 12 đội ghe (8 đội nam và 4 đội nữ). Gần 7.200 vận động viên, huấn luyện viên và nhân viên phục vụ cùng tham gia.

dji-0420-3937-1734272905.jpg
Dòng sông Maspero là địa điểm quen thuộc để các đội đua tranh tài tại giải Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng và khu vực khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: An Hiếu

Đối với nội dung nam, có 53 đội được chia làm 13 bảng thi đấu. Đây là hoạt động chính trong chuỗi 11 hoạt động của Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024.

Ban tổ chức căn cứ vào thành tích thi đấu qua các mùa giải của các đội ghe đã chọn ra 4 đội ghe hạt giống nằm ở các bảng khác nhau gồm có các đội: Tum Núp 2 (huyện Châu Thành), Ông Kho (huyện Thạnh Trị), Sro Lôn 1 (huyện Mỹ Xuyên) và Pong Tứk Chăs (huyện Thạnh Trị).

Trong số 13 bảng thi đấu, có 12 bảng, mỗi bảng 4 đội và 1 bảng có 5 đội. Các đội ghe nam tranh tài cự ly 1.200 m. Các đội ghe nữ có 7 đội, chia làm 2 bảng (1 bảng 4 đội và 1 bảng 3 đội) thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm để chọn đội nhất, nhì của mỗi bảng vào vòng bán kết, chung kết xếp hạng. Các đội tranh tài cự ly 1.000m.

img-0055-4588-1734272931.jpg
Đua ghe ngo là phần hấp dẫn nhất trong Lễ hội Oóc Om Bóc, một trong 3 lễ hội lớn của người Khmer, bên cạnh Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và lễ cúng ông bà Sen Đôn-ta. Ảnh: An HIếu

Những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp chính quyền, nguồn vận động từ các chùa, nhiều chùa đã đóng ghe Ngo mới, góp phần đưa môn thể thao đua ghe ngo truyền thống ngày càng phát triển sâu rộng. Nhiều huyện, thị xã, thành phố cũng đã quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các chùa tham gia lễ hội. Chính điều đó tạo động lực cho các đội ghe Ngo nỗ lực trên đường đua.

hie-5543-516-1734272959.jpg
Các vận động viên dùng hết khả năng, kỹ thuật để bức tốc về đích tại giải Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn ra hàng năm vào dịp Lễ hội Oóc Om Bóc. Ảnh: An Hiếu

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Năm 2024, mặc dù kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị đạt được đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng năm 2024 ước đạt 7% (đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết); các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người dân được quan tâm thực hiện, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc luôn được bảo tồn và phát huy.

hie-5555-8092-1734272988.jpg
Giải Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực khu vực đồng bằng sông Cửu Long hàng năm, thu hút đông đảo bà con Khmer và du khách gần xa đến tham quan, cổ vũ. Ảnh: An Hiếu

Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc, đặc biệt là Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer được duy trì tổ chức hằng năm, là dịp đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Khmer ở miền Tây Nam Bộ nói riêng, thể hiện niềm tin yêu của mình đối với Ðảng, Nhà nước, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Theo Dân tộc & Miền núi
Bạn đang đọc bài viết "Khám phá nét độc đáo qua Lễ hội đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.