Đền thờ Thành hoàng của làng Yên Tùy, là một vị Tiến sỹ họ Hồ từng 3 lần được các triều đại sắc phong. Hiện nay, đang lữu giữ được một sắc phong còn nguyên vẹn, có nội dung:
Phiên âm: Sắc Nghệ An tỉnh Hưng Nguyên phủ Yên Pháp xã Lam Thủy ấp tòng tiền phụng sự nguyên tặng Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng bản thổ trần triều Tiến sỹ Hồ tướng công tôn thần hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự tứ kim chính trực Trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật tước gia tặng Quang Ý Trung đẳng Thần đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển, khâm tai.
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật!
Dịch nghĩa: Sắc cho ấp Lam Thủy (một tên gọi khác của làng Yên Tùy trước đây) xã Yên Pháp, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An từ trước đến nay đã thờ vị thần nguyên được tặng mỹ tự là Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng bản thổ trần triều Tiến sỹ Hồ tướng công tôn Thần. Thần luôn phù hộ cho đất nước, che chở cho nhân dân, thật là linh ứng nên đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ. Nay, nhân dịp mừng thọ trẫm tứ tuần (40 tuổi), nên ban chiếu báu, nhớ tới ơn thần mà có lễ gia tặng phẩm trật lên Quang Ý Trung Đẳng thần, đặc biệt cho phép được thờ cúng như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh mà tỏ rõ điển lễ thờ phụng. Hãy noi theo!
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (tức năm 1924).
Vậy vị Tiến sỹ Hồ tướng công này là ai? Theo ông Hồ Khắc Hùng, tộc trưởng dòng họ Hồ Khắc cho chúng tôi biết: vị Tiến sỹ này chính là Hồ Phi Tích, cũng là ông tổ dòng họ Hồ Khắc ở Thị trấn Xuân An, huyện Nghị Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Trương Văn Bằng, một vị cao niên của dòng hộ Trương cũng cho biết: vị Thành hoàng của làng là Tiến sỹ Hồ Phi Tích.
Ông Trương Văn Đồng, Trưởng ban Quản lý đền cho biết thêm: Ông Hồ Phi Tích là dòng dõi họ Hồ, thuộc chi 2, là con của ông Hồ Sỹ Anh. Ông Hồ Sỹ Anh sinh được 5 người con trai, ông Hồ Phi Tích là con trai thứ 4. Ông Hồ Phi Tích sinh năm 1665, là chú của 3 đời của vua Quang Trung. Ông thi đậu Tiến sỹ năm 1700, làm quan bộ Tào Tế, bộ Công, bộ Binh, sau được phong là Quỳnh Quân Công, ông làm quan qua 3 triều vua, khi chết (1734), được phong là Lại bộ Thượng Thư Thiếu Bảo. Trong khi làm quan ở Thanh Hóa, ông đã giúp đỡ 2 anh em nhà ông Trương Trung, quê ở Nghệ An, do nạn đói mà phải lưu lạc ra Thanh Hóa, trở về làng Quỳnh để làm ăn và trở thành một dòng họ lớn ở Quỳnh Đôi. Sau này dòng họ Trương chia làm 3 chi, đi khắp trong ngoài tỉnh làm ăn và xây dựng nên họ Trương bề thế trong tỉnh Nghệ An. Thủy tổ họ Trương khi đến Yên Tùy, thấy vùng đất này tốt tươi đã ở lại lập nghiệp và đã xây dựng nên dòng họ Trương ở đây. Sau khi làm ăn phát đạt, dân cư ngày càng đông, vào đầu thế kỷ XIX mới làm đơn xin lập làng và lập đền thờ Thành hoàng. Được triều đình chấp nhận, nhân dân tôn ông Hồ Phi Tích làm Thành hoàng của làng.
Làng Yên Tùy trước đây chỉ có 2 dòng họ sinh sống đó là họ Trương và họ Hồ. Họ Trương làm ruộng, họ Hồ làm nghề chài lưới trên sông Cồn Mộc. Khi làng lập đền thờ Thành hoàng là vị Tiến sỹ Hồ Phi Tích nên mới có câu “Ngoại thần nội tổ”, hay “Chung thần khác tổ” là vì vậy. Đền được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Lúc đầu chỉ xây dựng thượng điện, sau đến những năm đầu thế kỷ XX mới xây dựng thêm phần hạ điện. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đền vấn còn đầy đủ cả thượng điện, hạ điện cùng tam quan và các đồ tế khí cũng như các vị hộ pháp gác đền. Sau Cách mạng, việc cúng tế ở đền không còn diễn ra như trước. Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954), rồi chống Mỹ (1954-1975), đền bị bỏ hoang không có người chăm sóc nên bị hư hỏng dần. Sau này hợp tác xã nông nghiệp dùng đền để làm sân và kho của hợp tác xã. Từ đó, các đồ vật tế khí trong đền bị thất lạc, sắc phong bị mất mát, các vật liệu như cột, gạch, ngói, bị lấy đi làm các công trình công cộng. Đến đầu tháng 8/2016, đền bắt đầu được nhân dân trong làng khôi phục lại trên nền đất cũ.
Lễ chính của đền là vào ngày Lục Ngoạt, tức rằm tháng 6 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, nhân dân trong làng tổ chức tế lễ trang trọng tại đền để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà đều được bình an khang thái. Trong ngày lễ còn tổ chức lễ rước sắc bằng thuyền từ nhà thờ họ Hồ Khắc ở Xuân An, theo sông Lam, vào sông Cồn Mộc, đến trước bến đền. Theo ông Trương Quang Thọ, một người từng được chứng kiến ngày lễ này cho biết: trước đây vào ngày lễ, thuyền bè đậu kín cả dòng sông, kéo dài xuống tận làng Xuân Am.
Đây là ngôi đền linh thiêng có tiếng trong vùng, nên dân gian có câu “Thứ nhất Yên Tùy, thứ nhì Yên Trung”. Đền Yên Trung trước đây là đền của xã Yên Pháp, mọi tế lễ đều tổ chức tại đây. Thần được thờ trong đền là Cao Sơn Cao Các, thường gọi là Đức Thánh cả. Mặc dù là đền xã nhưng sự linh thiêng và quy mô lại không bằng đền họ Yên Tùy. Sự linh thiêng của đền được nhân dân kể lại bằng nhiều câu chuyện rất kỳ bí, đến nay vẫn chưa có lời giải./.