Huế là vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, vì vậy vùng đất nhiều di sản khiến một số công trình di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Thực trạng này đã tồn tại từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên việc trùng tu, phục hồi các công trình di tích vẫn chưa được thực hiện dẫn đến tình trạng xuống cấp ở một số công trình di tích vẫn tiếp tục xảy ra và ngày càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó nạn trộm cắp cổ vật hoành hành khiến công tác bảo vệ di sản càng trở nên báo động đỏ.
Lăng Tự Đức nằm giữa một rừng thông bát ngát, thuộc làng Dương Xuân Thượng (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân thành phố Huế). Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn cách Huế 8km. Lăng Tự Đức có khoảng 50 công trình lớn nhỏ nằm rải rác thành từng cụm theo từng thế đất trong thung lũng. Bố cục của Lăng Tự Đức có Tiền án là núi Giáng Khiêm, Hậu chẩm là núi Xuân Dương và Minh Đường là hồ Lưu Khiêm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ nơi để nhà vua ngắm hoa, đọc sách làm thơ. Tiếp theo ba bậc tam cấp bằng đá sẽ dẫn du khách vào Khiêm Cung môn, rồi điện Hòa Khiêm là nơi làm việc của Vua, điện Lương Khiêm là chỗ nghỉ ngơi của Vua, bên phải là Ôn Khiêm đường là nơi để đồ ngự dụng và bên trái là nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát. Sau cùng du khách sẽ đến Bi đình nơi có tấm bia bằng đá thanh lớn có khắc bài Khiêm Cung Ký của vua Tự Đức nói về cuộc đời, vương nghiệp cùng những lỗi lầm của nhà vua. Gần đó có Bửu Thành xây bằng gạch, giữa có ngôi nhà nhỏ bằng đá thanh là mộ của vua khi yên nghỉ. Lăng Tự Đức là một bức tranh phong cảnh rất tuyệt vời. Khác với sự lộng lẫy của Lăng Khải Định, Lăng Tự Đức trông yên bình và hiền hòa hơn. Toàn thể bố cục của Lăng đều toát lên sự thanh cảnh, giản dị, khiêm nhường nhưng rất hữu tình, làm cho bất cứ ai có dịp ghé thăm cũng không khỏi những khoảnh khắc chìm đắm trong không gian thật thơ ấy.
Bởi vậy, Lăng Tự Đức hằng ngày có gần 1.500 khách du lịch đến tham quan cùng với yếu tố thời gian và thiên tai khiến cho nhiều công trình đã bị xuống cấp với các ô cửa đã bị mục nát, gạch ngói trên dãy lan can khu vực quanh nhà bia bị bong tróc, gây mất an toàn. Hiện tại, các công trình quan trọng của quần thể kiến trúc lăng Tự Đức đã xuống cấp đến mức trầm trọng. Một số vị trí đã được chống đỡ tạm thời, tuy nhiên hàng ngày công trình vẫn tiếp nhận một lượng du khách lớn đến tham quan.
Ngày 22/5/2013 Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Công ty cổ phần tu bổ di tích Trung ương (Vinaremon) tổ chức lễ khởi công trùng tu các di tích Dũ Khiêm Tạ, Xung Khiêm Tạ, Khiêm Cung Môn thuộc lăng Tự Đức, Huế. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 26,2 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần tu bổ di tích Trung ương thi công. Dự án dự kiến hoàn thành trong 3 năm kể từ ngày khởi công. Công trình Xung Khiêm Tạ có diện tích hơn 204m2, Dũ Khiêm Tạ có diện tích hơn 46m2 và Khiêm Cung Môn có diện tích hơn 143m2. Tất cả hệ khung mái được phục hồi bằng gỗ kiền, mái lợp ngói liệt hoàng lưu ly hoặc lợp ngói ống âm dương hoàng lưu ly.
Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết các công trình di tích Dũ Khiêm Tạ, Xung Khiêm Tạ, Khiêm Cung Môn nằm trong tổng thể kiến trúc lăng Tự Đức, được xây dựng từ năm 1864. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhất là giai đoạn từ 1945 đến nay, lăng Tự Đức hầu như chỉ được tu bổ mang tính chất gia cố, bảo tồn cấp thiết, chưa tương xứng với giá trị của di tích. Điều đáng quan tâm là các kết cấu chính của di tích chủ yếu làm bằng gỗ, mái lợp ngói, nằm trên mặt hồ nước, lại ở vào vùng thời tiết hết sức khắc nghiệt do thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa bão.
Nhận được dự án tu bổ chưa lâu thì ngày 8/11/2013, kẻ trộm đã lẻn vào Hòa Khiêm Điện lấy đi 5 cổ vật có giá trị từ thời vua Tự Đức. Cổ vật bị mất gồm: 2 con nghê bằng đồng (nặng gần 50kg/con) và 3 chiếc chóe, mỗi chiếc cao khoảng 40cm. Các cổ vật này đều có từ thời vua Tự Đức và được trưng bày ở Hòa Khiêm Điện nhiều năm nay. Đây là sự việc đáng buồn và cũng là bài học đối với di sản Huế và cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng.
Càng chờ đợi lâu, càng xuống cấp trầm trọng hơn, thêm vào đó là nạn trôm cắp cổ vật… đó là thực trạng của một số di tích ở Huế hiện nay. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp giải quyết vấn đề này để các di tích lịch sử phát huy được giá trị văn hóa, vừa đem lại vẻ mỹ quan, an toàn cho thành phố của di sản.