Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Hình thức hát kể sử thi (hơmon) của người Ba Na - Rơ Ngao được diễn xướng rất thoải mái, tự nhiên trong những sinh hoạt thường ngày. Các tác phẩm hát kể sử thi được kể bằng văn xuôi xen lẫn những đoạn hát kể bằng văn vần với phong cách ngôn từ hồn nhiên, chất phác. Chủ thể của di sản văn hoá hát kể sử thi là những người trong cộng đồng dân cư, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thực hành gồm các ông hay bà có uy tín trong làng biết nhiều đến các phong tục tập quán, lịch sử buôn làng cũng như nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Cùng với sử thi của người Ba Na - Rơ Ngao của tỉnh Kon Tum, trong đợt này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn công nhận thêm 25 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thuộc các loại hình Ngữ văn dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Lễ hội truyền thống, Nghề thủ công truyền thống và Nghệ thuật trình diễn dân gian.