Được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Đồng Tháp, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành liên quan, Sở đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong điều kiện bình thường mới thích ứng an toàn, linh hoạt được triển khai chủ động, chu đáo, kịp thời, đạt hiệu quả, góp phần phục vụ tốt đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Công tác Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản văn hóa dân tộc được quan tâm thực hiện. Tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh Đồng Tháp và nguồn xã hội hóa để triển khai chống xuống cấp, trùng tu, quy hoạch, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Về di sản Văn hóa vật thể, công tác Bảo tồn và Phát huy giá trị Di sản văn hóa dân tộc được chú trọng thực hiện. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Quy chế quản lý di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, mang nét đặc trưng, gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa phù hợp, làm giàu thêm nét đẹp văn hóa địa phương: Đầu tư tu bổ, phục dụng các công trình văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt, quốc gia và cấp tỉnh tiêu biểu từ nguồn ngân sách và xã hội hóa (tu bổ đền thờ, mộ, hoa viên và xây dựng tượng Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều tại Khu di tích Gò Tháp; đình Định Yên; đình Phú Hựu; Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc; chùa Bửu Hưng; khu di tích Xẻo Quít; xây dựng 05 công trình phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng: Vụ thảm sát Cái Dứa, Vụ thảm sát Mương Chùa, Chống lấn chiếm Kinh Ba Mỹ Điền, Chống lấn chiếm Xàm Xáng Mỹ Thọ, Căn cứ kháng chiến Cả Trấp). Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp, nghề thủ công truyền thống. Tổ chức khai quật khảo cổ, nghiên cứu tổng thể phục vụ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa Thế giới đối với văn hóa Óc Eo ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Đầu tư, cải tạo, hoàn thiện, khai thác sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa kết hợp triển khai Dự án phát huy giá trị hệ thống đình làng.
Triển khai khai quật khảo cổ, nghiên cứu tổng thể phục vụ xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa Thế giới đối với văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp giai đoạn 2022 - 2023; dự án Nhà trưng bày Xứ ủy Nam Bộ và Văn hóa Óc Eo, tỉnh Đồng Tháp. Xây dựng Đề cương chính trị, Đề cương trưng bày Phòng trưng bày về Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy.
Xây dựng hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND Tỉnh xếp hạng 04 di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Đồng Tháp có 98 di tích lịch sử văn hóa, trong đó, có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 81 di tích cấp tỉnh. Đang thực hiện hồ sơ khoa học đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia 01 hồ sơ.
Về di sản văn hóa phi vật thể: Toàn tỉnh có 23 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê (gồm các loại hình: Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian). Có 01 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nghệ thuật Đờn ca tài tử - 2013); 03 di sản văn hóa được đưa vào danh mục quốc gia (Nghề dệt chiếu thủ công truyền thống Định An, Định Yên huyện Lấp Vò; Nghề đóng xuồng ghe, xã Long Hậu, huyện Lai Vung; Hò Đồng Tháp). Hiện nay, tỉnh đang thực hiện 03 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia (02 hồ sơ loại hình làng nghề truyền thống, 01 hồ sơ loại hình lễ hội truyền thống). Kiểm kê đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh 19 di sản.