1. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, chợ Cai Lậy do vợ chồng ông Cai tổng Kiến Lợi là ông Huỳnh Tấn Chiêu lập, bấy giờ gọi là chợ Thanh Sơn, nằm trên đất Hữu Hòa - Thanh Sơn thôn. Ban đầu, chợ Cai Lậy chỉ là ngôi nhà tre lá, xung quanh phố xá sơ sài, tọa lạc ở đầu giồng Cai Lễ - tức Cai cơ Ngô Tấn Lễ. Nguyên thủy ngôi chợ nằm ở khu vực miếu Bảy Bà, dưới có bến đò.
Chợ Cai Lậy bắt đầu sung túc từ khi có kinh Bà Bèo, vào khoảng năm 1785 và đường Thiên Lý, năm 1792. Từ Gia Định xuống miền Tây muốn đi đường thủy hoặc đường bộ đều phải qua chợ Cai Lậy. Thế nên, chợ Thanh Sơn lúc nào cũng trên bến dưới thuyền đông vui tấp nập như sách Gia Định thành thông chí mô tả.
Đến đời Minh Mạng, Hữu Hòa - Thanh Sơn thôn được nhập lại, lấy tên là Hòa Sơn, thuộc huyện Kiến Đăng.
Tháng 4-1861, sau khi chiếm thành Định Tường, quân viễn chinh Pháp đưa pháo hạm đến xứ Bang Lãnh bắn phá đồn Mỹ Trang, chiếm huyện lỵ Kiến Đăng. Ngày 5-7-1867, thực dân Pháp xóa Nam kỳ lục tỉnh, các hạt Thanh tra (Inspection) chuyển thành các hạt Tham Biện (Arrondissement) trực tiếp điều khiển các địa phương. Trung tâm Cai Lậy do một viên phó Tham biện điều khiển.
Khoảng năm 1882, làng Hòa Sơn bị cắt đôi thành làng Hòa Sơn nằm bên phải rạch Ba Rài và làng Thanh Sơn bên trái. Đình Hòa Sơn cất trên xứ Bang Lãnh nên dân gian gọi là đình Bang Lãnh. Đến năm 1911, đình Bang Lãnh được trùng tu lại, còn chợ Cai Lậy thì được dời về phía Bắc (tức chợ Cai Lậy cũ ngày nay).
Ngày 24-11-1932, chính quyền thực dân nhập 2 làng Thanh Sơn và Hòa Sơn thành làng Thanh Hòa. 3 năm sau, cầu đúc Cai Lậy được khởi công xây dựng. Do đình Bang Lãnh nằm ngay dốc cầu nên phải dịch về phía Nam một chút. Số tiền di dời và cất lại đình do Hội tề và dân làng Thanh Hòa hùn lại.
Trước cuộc Nam kỳ Khởi nghĩa tháng 11-1940 nổ ra, ở chợ Cai Lậy có nhóm Ngũ hùng hoạt động cách mạng. Họ lấy đình Bang Lãnh làm nơi hội họp của nhóm. Năm 1937, lúc cao trào đòi dân sinh dân chủ, ngay ngày cúng đình Bang Lãnh, nhóm Ngũ hùng được lệnh tổ chức biểu tình. Lúc này cầu đúc Cai Lậy đang làm, chưa phá giàn giáo.
Quận Tâm đang ngồi khán đài trên cầu xem đua xuồng. Dân chúng tụ tập xem đua khá đông. Trên lộ có 1 chiếc xe quảng cáo thuốc đang đậu. Nhân tiện, bà Kim Chi nhảy lên xe, dùng loa phóng thanh quảng cáo để tuyên truyền. Quận Tâm phản ứng ngay lập tức bằng cách huy động mã tà giải tán đám đông. Nhân lúc lộn xộn, bà Kim Chi được nhóm Ngũ hùng bảo vệ thoát khỏi.
2. Ngoài mái ngói đã đổ sụp một mảng lớn, quan sát bên trong, chúng tôi nhận thấy ngoài 4 cây cột ra, hầu hết hệ thống rui mè, kèo… đã mục, có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào. Biển liễn, hoành phi, bài vị còn nhiều nhưng chưa có kế hoạch di dời; đặc biệt là bài vị thờ ông Huỳnh Tấn Chiêu, người có công lập chợ được chạm khắc rất đẹp.
Theo các bô lão, trước đây vào ngày rằm tháng 8 âm lịch, bà con tiểu thương ở chợ Cai Lậy có tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ ông Huỳnh Tấn Chiêu, nhưng rất tiếc tục lệ này không còn được duy trì.
Đình Bang Lãnh không lớn, nhưng là ngôi đình có kiến trúc khá đẹp. Những linh vật trang trí trên nóc đình đều là gốm Cây Mai được sản xuất hồi đầu thế kỷ XX, được xem là đồ cổ đối với giới sưu tầm gốm, nhưng hiện đã mất 1 con lân. Mới đây, ông Trương Ngọc Tường đã xuất tiền thuê nhân công, mướn giàn giáo tháo gở 3 con lân, 4 con cá hóa long đem gởi ở Nhà truyền thống Cai Lậy.
Theo ông Trần Hoàng Diệp, Trưởng phòng VHTT TX. Cai Lậy, ngành đã làm tham mưu lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận ngôi đình là di tích cấp tỉnh; đồng thời đã tiến hành lập Ban vận động, có chính quyền phường 5 tham gia để tiến hành tu sửa; tuy nhiên đến nay do chưa có kinh phí nên chưa thi công được./.