Đền Cờn (Kỳ cuối): Công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, nghệ thuật; đặc sắc về lễ hội

11/02/2022 12:43

Theo dõi trên

Thoáng trông Đền Cờn, người đời còn nhắc đến những giai thoại, truyền thuyết, những câu chuyện xung quanh “Tứ vị”. Dưới lớp vỏ lịch sử, đền sừng sững, uy nghiêm và linh thiêng. Có thể nói, Đền Cờn là “di sản” của cha ông ta để lại từ ngàn xưa, nhưng nó cũng là báu vật của ta hôm nay, và là tài sản thừa kế của con cháu chúng ta sau này…

Độc đáo về kiến trúc

Ở bài viết này, xin giới thiệu đến bạn đọc đôi nét kiến trúc của đền Cờn trong. 

Theo Văn hóa Nghệ An, Đền chiếm một khu đất rộng trên 4000m2, chia thành 2 khu vực. Khu vực 1 được đắp đất cao gần 4m với diện tích trên 2.000m2. Trên đó gồm hệ thống tường bao đường lên đền, gác lâu, bái đường (nhà ca vũ), trung điện, thượng điện và hậu cung. Mặt bằng tổng thể đền có kết cấu kiểu “nội công ngoại quốc”. 

20220115-115533-1644551814.jpg
Năm 1993, Đền Cờn được công nhận là di tích Văn hóa Quốc gia. Ảnh: Nguyễn Diệu

Khu vực 2 bao quanh khu vực 1, mặt bằng thấp ngang với mặt bằng khu dân cư. Trên diện tích này gồm 4 nhà để 4 thuyền rồng là vật rước trong ngày lễ, 2 nhà để đồ tế khí (kiệu, tàn, long ngai, ngựa, hạc). Phía bên phải là nhà khách, phía trước là sân đền với hệ thống nghi môn hoành tráng. Cả bến sông trước cửa đền cũng được kè đá (dài hơn 100m), dân gian quen gọi là “bến đền”. Bến đền tạo cho khu di tích một không gian sầm uất bởi đây là nơi giao lưu văn hóa, kinh tế và đón đưa khách thập phương đến viếng thăm cảnh đền.

Phần nghi môn và sân đền nằm giữa bến đền. Khi thủy triều lên, thuyền cập mạn, du khách có thể bước ngay vào cổng chính cửa đền. Phía ngoài sát lối vào cổng có 2 con voi được tạc bằng đá cao 1,25m trong tư thế phủ phục. Nghệ thuật điêu khắc đá ở đây đã tạo nên ấn tượng mạnh cho khách tham quan bởi vẻ đường bệ, uy nghiêm của cặp voi chầu trước cổng đền. Sân đền nhỏ, xung quanh xây tường bao để chừa ra 3 lối vào. Cổng chính rộng 3m nằm ở phía trước sát mép sông. Cạnh cổng đặt các cột cờ bằng đá tảng cao gần 1m. Trong sân, sát 2 cột nanh đặt 2 con ngựa đá cỡ nhỏ, chạm khắc đủ yên cương. Phía 2 cổng bên đặt 2 tượng đá: một tượng quan văn, 1 tượng quan võ, cả hai đều được đặt trên 2 con sư tử đá khá lớn, vẻ mặt dữ tợn.

20211210-120224-1644552212.jpg

So với các ngôi đền khác, hệ thống tường bao, sân và nghi môn đền Cờn không có gì đặc sắc, điều đáng chú ý ở đây là người thiết kế công trình, trong một diện tích nhỏ hẹp, đã tạo nên một không gian vừa giới hạn, vừa gợi mở. Ngôi đền vừa giữ được vẻ uy nghi, bề thế, vừa có được một kết cấu bền chắc trước sự đe dọa của lũ lụt, gió bão.

20211210-120210-1644552284.jpg
Phía ngoài sát lối vào cổng có 2 con voi được tạc bằng đá cao 1,25m trong tư thế phủ phục. Ảnh: Nguyễn Diệu

Từ sân đền, bước qua 11 bậc tam cấp được ghép bằng những phiến đá tảng, tới nhà ca vũ kết cấu bởi ba gian bốn vì xây bịt đốc, chồng diêm, hai tầng, lợp ngói ống. Đây là công trình kiến trúc đẹp nhất trong quần thể di tích này. Nhà ca vũ đã phải tu tạo nhiều lần do vị trí của nó là mặt tiền của ngôi đền, luôn phải hứng chịu gió bão, bom đạn. Phía trong nhà ca vũ, đặt sát hai hồi tường là 2 tượng đá (quan văn, quan võ) kích thước cao lớn, bên cạnh là 2 tượng hổ chầu vào.

Bước qua 2 hổ đá là tới nhà bái đường, xây dựng vào năm 1663, đợt trùng tu lớn nhất vào năm 1760. Trong tổng thể di tích, đây là tòa đền duy nhất còn khá nguyên vẹn. Nhà bái đường rộng 6 vì, 3 gian, 2 hồi văn, gian giữa rộng trên 4m, làm bằng gỗ lim. Trước, xung quanh đền đều thưng ván, nay đã xây tường gạch 3 phía. Hầu hết các chi tiết gỗ của nhà bái đường từ cột đến rui đều được sơn một lớp sơn ta màu đỏ hoặc đen. Lớp sơn vừa tăng thêm vẻ lộng lẫy cho ngôi đền vừa giúp ngôi đền chống được mối mọt và độ thẩm thấu của hơi nước biển.

20211210-120800-1644552409.jpg

Điều đáng chú ý là các chi tiết gỗ liên kết ngang và dọc (trừ rui hoành) đều được chạm trổ khá công phu. Các kẻ, xà, câu đầu đều được chạm bong hoặc chạm lộng. Các đầu dư mang hình rồng ngậm ngọc, còn 2 kẻ được chạm bong 2 mặt với các đề tài tứ linh, tứ quý, cá hóa rồng, cá vượt vũ môn. Các đường chạm ở đây khá tinh xảo chứng tỏ ngôi đền đã được hoàn thiện bởi một phường thợ có tay nghề cao. Hầu hết các xà, quá giang và vì kèo đều được chạm rồng, phượng. Các đề tài rồng chầu mặt trăng, rồng chầu hổ phù, phượng ngậm cuốn thư, phượng múa, rồng trong mây, rồng trong lá được khai thác triệt để. Người đến tham quan đền dễ bị cuốn hút vào các mảng chạm khắc trang trí mà bỏ qua chức năng kỹ thuật của các chi tiết gỗ liên kết tạo nên khung sườn ngôi nhà.

20211210-122057-1644552524.jpg

Do vị trí ngôi đền như vậy, các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã đặc biệt chú ý tới cách xử lý kết cấu bộ rường, mái lợp, từ đầu đao đến bờ nóc, từ bờ chảy đến con xô để công trình tăng thêm sự bền vững. Vì ngôi đền được làm ở vị trí cao hơn mặt đất, lại nằm kề sông, sát biển, bão lụt thường xuyên đe dọa nên người xưa đã xây dựng công trình không quá cao. Một mặt, hầu hết các cột đều có đường kính lớn, mặt khác, mái được xử lý khá đặc biệt: rui lát bản, lợp ngói mũi hài. Xử lý như vậy, ngôi đền không chỉ mát mà gió bão cũng không bốc được toàn bộ mái ngói, đảm bảo an toàn cho bộ khung nhà. Chỉ riêng yếu tố bộ rui được phủ một lớp sơn hoặc tạo ra một vòng lõm đổ đầu chống mối ở toàn bộ đá tảng kê chân cột (24 chiếc) cũng đủ biết người xưa đã tính đến từng chi tiết nhỏ nhất để có phương pháp xây lắp thích hợp.

20211210-122130-1644552573.jpg
Trong nhà ca vũ, đặt sát hai hồi tường là 2 tượng đá (quan văn, quan võ) kích thước cao lớn, bên cạnh là 2 tượng hổ chầu vào. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nhà bái đường là sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ hai yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật. Sau nhà bái đường là trung điện, thượng điện và hậu cung. Các tòa nhà này đã bị phá hủy hồi chiến tranh chống Mỹ. Di chứng còn lại chỉ là những dấu vết của nền móng kiến tạo.

Mặc dù bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai, bởi thời gian và sự ruồng rẫy (một thời) của con người, đền Cờn vẫn xứng đáng là một công trình kiến trúc có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật. 

Hiện tại đền còn lưu giữ 142 hiện vật các loại. Đặc biệt số tượng đá (tượng người, thú) có 28 pho. Đây là một bộ sưu tập tượng tròn khá phong phú. Những hiện vật khác nhau như bia, kiện, chuông trống, đồ tế khí cũng rất đa dạng. Hầu hết đều có niên đại từ thời Lê, Nguyễn. Theo các cụ trong ban quản lý di tích, từ thời Trần đến thời Lê, Nguyễn, đền Cờn luôn được các triều đại phong kiến Đại Việt quan tâm, ban phong bằng sắc. Nhưng thời gian và chiến tranh đã làm thất lạc, hư hỏng gần hết, hiện Bảo tàng Nghệ An chỉ còn lưu giữ được ba đạo sắc: Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783), Chiêu Thống năm thứ 11 (1797), Cảnh Thịnh năm thứ 9 (1801). Các vị thần thờ trong đền đều đã được phong đến “Thượng đẳng tối linh thần”. Xung quanh họ hiện còn lưu truyền hằng trăm giai thoại, truyền thuyết trong dân gian vùng cửa Cờn và đôi bờ sông Hoàng Mai. Rất nhiều làng xã quanh vùng đã tới xin chân nhang về thờ vọng. 

20211210-120815-1644552731.jpg
Chi tiết gỗ liên kết được chạm trổ công phu. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đền Cờn không chỉ là một di sản văn hóa mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn với du khách thập phương. Mỹ từ “đệ nhất thiêng” mà nhân dân dành cho “nhất Cờn” không phải hư danh. Bởi tại đây, nhiều sự kiện lịch sử cũng như sự linh thiêng của đền Cờn đã được minh chứng qua nhiều thế hệ!

Đặc sắc về lễ hội

Di sản văn hóa là yếu tố quan trọng, có tính quyết định để làm nên diện mạo, bản sắc riêng của một dân tộc hay một vùng văn hóa. Để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc. Bảo tồn và phát huy di sản vì sự phát triển bền vững vừa là mục tiêu vừa là động lực của mỗi địa phương và của cả nước. 

Văn hóa phi vật thể luôn mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống và trở thành những “di sản sống”, những “giá trị sống”. Nếu như di sản văn hóa vật thể là những giá trị hữu hình, tồn tại dưới dạng vật chất, chứa đựng những hồi ức sống động của loài người, là bằng chứng vật chất của các nền văn hóa, văn minh nhân loại, thì di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề và các dạng bí quyết nghề nghiệp khác.

Lễ hội Đền Cờn là di sản văn hóa phi vật thể, là tài sản vô giá, là nguồn dinh dưỡng nuôi nấng, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, và là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới trong giao lưu văn hóa.

Và tục "chạy Ói"trong lễ hội đền Cờn lại gắn liền với lễ hội đền Quy Lĩnh và cho đến nay vẫn chưa được khôi phục lại nguyên vẹn đúng với tinh thần của nó.

24-1-1644552922.jpg
Đặc sắc lễ hội đền Cờn. Ảnh: Báo Biên Phòng

Đền Quy Lĩnh (xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu) và Đền Cờn gắn kết với nhau từ lịch sử đến huyền thoại. Tục "Chạy ói" (lễ hội chính thức của đền Cờn) ngày xưa được tổ chức từ ngày 15 đến 21 tháng giêng (hiện tại đã tạm dừng vì dịch Covid-19).

Đoàn rước cả bằng đường bộ lẫn đường thủy đến trước đền Quy Lĩnh thì 2 bên "giả vờ" xô xát, tranh giành nhau, một bên cố giữ lại bát hương (lễ khất lưu), còn một bên thì làm lễ xin rước đi. Sau đó, nhân dân Phú Lương sẽ nhường để dân Phương Cần đưa ông về với bà. Ông sẽ ở lại ngoài đền Cờn ít ngày, sau đó ông sẽ ... tự quay lại về đền Quy Lĩnh. Và năm sau, lại tiếp tục như thế, người dân làng Phương Cần lại dùng thuyền, kiệu, chạy đền rú Ói, để đi rước ông về.

Đến nay, tục "chạy Ói" vẫn còn vì đó là phần lễ chính, không thể thiếu trong lễ hội Đền Cờn, nhưng nó chưa được khôi phục lại nguyên vẹn đúng tinh thần xưa. Đền Quy Lĩnh đến năm 1979 đã trở thành phế tích. Không còn ngôi đền ở hòn Ói nữa, thì đám rước ở Quỳnh Phương vào sẽ rước ai?! Cũng như việc "giả vờ" xô xát nhau, một bên làm lễ khất lưu, một bên xin rước cũng không thực hiện được nữa, và cái tên "chạy Ói" cũng mất đi nửa phần ý nghĩa.

Đền Cờn nổi tiếng không phải vì đây là nơi phát tích tín ngưỡng thờ phụng “Tứ Vị Thánh Nương” mà còn nổi tiếng vì qua hai triều đại Trần, Lê đã có các bậc minh quân từng ghé chân trong hành trình Nam tiến, cầu đảo, tế lễ gia ân, làm thơ để tặng. Chính những sự kiện lịch sử đó đã làm cho ngôi đền vốn đã linh thiêng lại càng trở nên linh thiêng hơn trong mắt những người hành hương khi đoái nhìn lịch sử.

Một nhà nghiên cứu đã tổng kết rằng, tất cả các yếu tố vị trí địa lý, cảnh quan, sự kiện lịch sử, sự linh nghiệm, các giai thoại, truyền thuyết xung quanh “Tứ vị”... đã hội tụ trong một ngôi đền.

Từ năm 2019 đến năm 2022, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên phần lễ hội của Đền Cờn đã tạm dừng. 

Năm 1993, Đền Cờn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

Năm 2017, Lễ hội Đền Cờn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đền Cờn (Kỳ cuối): Công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, nghệ thuật; đặc sắc về lễ hội" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.