Đền Cờn (Kỳ II): Hàm hoằng quảng đại

29/01/2022 09:04

Theo dõi trên

Đền Cờn không chỉ đẹp bởi nét vẽ lịch sử tạc tạo thành, thiên hạ đệ nhất đền ở xứ Nghệ còn khoác lên mình những giá trị “vọng cùng thời gian”. Mang trên mình một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ nhiều giá trị với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, đền Cờn còn là nơi chốn để những ai có lòng hoài cổ tìm đến và “khai quật” những bí mật còn ẩn tàng đâu đó giữa lòng di tích.

Hàm chương tiết liệt

Theo thần phả tại đền Cờn và một số tài liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí: năm Hưng Long thứ 19 (1311), vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành, khi đến cửa Cờn thì dừng lại nghỉ ngơi. Đêm nhà Vua mộng thấy thần nhân bảo rằng: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, vì giặc bức bách, thượng đế sắc phong làm thần biển từ lâu, nay thấy bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Nhà vua tỉnh giấc, sai làm lễ kính tế. Ra đi mặt biển yên lặng, kéo quân đến thẳng thành Chà Bàn, thắng trận trở về, hạ lệnh gia phong là “Quốc Gia Nam Hải Đại Càn Thánh Nương”, lại sửa đền thờ thêm rộng rãi.

20211210-120145-1643393125.jpg
Vua Quang Trung sắc phong cho Đền Cờn với mỹ tự “Hàm hoằng quảng đại – Hàm chương tiết liệt” (công lao rộng khắp, to lớn – nêu gương tiết liệt cho muôn đời). Ảnh: Nguyễn Diệu

Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Vua Lê Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Thuyền qua cửa Cờn, vào đền mật đảo. Khi ra đi được sóng êm, gió lặng, kéo quân đến thẳng Chiêm Thành, được đại thắng; Khi kéo quân trở về, thuyền ngự đã qua Cửa Biện, chợt có gió đông nổi lên, buồm, thuyền theo chiều gió quay lại, thành ra trở lại dưới chân đền. Nhà vua bèn hạ lệnh tặng phẩm vật và dựng thêm đền miếu, nhân đấy gọi chỗ thuyền quay lại là xã Hồi Châu. 

Sang thế kỷ 18, Vua Quang Trung sắc phong cho Đền Cờn với mỹ tự “Hàm hoằng quảng đại – Hàm chương tiết liệt” (công lao rộng khắp, to lớn – nêu gương tiết liệt cho muôn đời). Và từ khi lập đền, ngư dân quanh vùng mỗi khi ra khơi, thành tâm vào đền cầu khấn thì đều được bình an, cá đầy khoang, vui tươi trở về. 

Ngôi đền còn thờ hai vật thiêng là: khúc gỗ và vỏ hạt lúa tượng trưng. Việc phối thờ này có truyền thuyết nói rằng: “Tứ vị anh linh nhập vào cây gỗ, cây gỗ trôi vào địa phần Càn Môn thì bị đẩy ra. Sau cây gỗ trôi xuống thôn Phú Lương, cách Càn Môn chừng đôi ba cây số. Một già làng thấy cây gỗ lạ, lấy dao chặt thử thì thấy mùi thơm tỏa ra và thấy có vết máu. Thấy vậy, dân Phú Lương kéo gỗ lên, làm lán được che tạm bằng tranh để thờ cây gỗ thần. Và cũng từ đó, dân Phú Lương làm ăn phát đạt, ngư dân được mùa cá.

Biết vậy, dân Càn Môn lập mưu xuống cướp lại gỗ thần, bí mật trong đêm xuống Phú Lương khiêng trộm cây gỗ về thờ. Các chức sắc trong làng còn được báo mộng, lấy gỗ làm tượng để thờ Tứ vị. 

Hai linh vật này là biểu tượng của cư dân làm nghề đánh cá và nghề nông, vì từ xưa đến nay, Phương Cần vừa có nghề biển, vừa có ruộng đất để trồng trọt. Dựa trên hiện tượng thờ lúa, một hình thức tôn tín ngưỡng sơ khai của các cư dân nông nghiệp, có thể đoán định, mảnh đất Phương Cần trước đây nằm rất xa biển, sau, do hiện tượng biển lùi, làng tiến gần sát ra biển. Chắc chắn nghề đánh cá của làng ra đời sau nghề trồng lúa nước.

20211210-121242-1643393515.jpg
Ngôi đền còn thờ hai vật thiêng là: khúc gỗ và vỏ hạt lúa tượng trưng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Trước khi dân làng dựng đền, còn có truyền thuyết nói rằng: Hôm đó bỗng dưng trời mưa to, gió lớn, sông Mai sóng nổi cuồn cuộn, rồi thấy có bè gỗ lớn nổi trên sông gần đồi Quạ. Nhờ vậy mà dân làng Càn có gỗ làm đền và đổi kẻ Càn thành Hương Cần. Dân Phú Lương biết chuyện liền kiện lên quan trên và triều đình nhưng vẫn bị thua cuộc (bởi có quy định bên nào châm hương bốc cháy thì bên ấy thắng cuộc). 

Đền Ngoài

Theo Văn hóa Nghệ An, sự ra đời của ngôi đền liên quan đến “giấc mộng của vua Hồng Đức”. Tương truyền, năm Hồng Đức thứ 12 (1471), Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm thắng trận trở về. Thuyền đến cửa Biện, (Thanh Hóa) bỗng gió đông thổi mạnh, phải quay lại cửa Cờn. Nhà vua vào làm lễ tạ thần đền, thấy Đế Bính được thờ chung với các bà, cho rằng “nam nữ bất đồng cung”, sai dựng đền Ngoài để thờ Đế Bính và các trung thần.

Đền Ngoài nằm trên dải núi Thằn Lằn ngay tại nơi cao nhất của dải núi. Theo trí tưởng tượng của dân gian trong vùng, vị trí của đền là đầu của một con thằn lằn, phần thân của nó nằm vắt từ phía đông sang phía bắc làng, ngay sát mép biển. Đây là một giải núi thấp, dài gần 1km với tốc độ cao trên 100m so với mực nước biển. Nơi đây biển mênh mông sóng vỗ hòa quyện với mây trời, cảnh quan thiên nhiên lay động lòng người, khiến danh hào Nguyễn Du đã khắc họa thành thơ:

“Mặt nước mênh mông bể lẫn trời

Ngôi đền thấp thoáng bãi ngoài khơi

Bến phú chiều tà cây man mác

Cửa bể thu dần khói tả tơi...”

20211210-121358-1643393896.jpg
Đền Ngoài tuy không được xây dựng cao to, bề thế như đền Trong, nhưng cảnh quan nơi đây được người xưa cho là đắc địa bởi nó nằm ở vị trí cao nhất của làng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nghe truyền, đền Ngoài được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15 (sau đền Trong), được tôn tạo và hoàn chỉnh dưới thời Tự Đức (1848-1883), cùng một lúc với việc tu bổ đền Trong. Đế Bính là một trong những nhân vật trong truyền thuyết “Tứ Vị Thánh Nương” hiện còn lưu truyền khắp dân gian Phương Cần và dải đất ven bờ biển phía vịnh Bắc Bộ. Cũng theo lời truyền kể trong dân, trước khi đền Ngoài được xây dựng, trên núi Thằn Lằn còn có một miếu nhỏ thờ Sơn Thần, sau bị phá.

Xét về mặt bằng tổng thể, đền Ngoài tuy không được xây dựng cao to, bề thế như đền Trong, nhưng cảnh quan nơi đây được người xưa cho là đắc địa bởi nó nằm ở vị trí cao nhất của làng. Mặt đền hướng ra biển đông, đứng trên nền đền có thể bao quát một diện khá rộng dải đất cát trù phú bao bọc giữa biển đông và sông Hoàng Mai. Nếu phác thảo lại diện mạo cũ của ngôi đền theo trí nhớ của các cụ cao tuổi trong làng có thể nhận thấy đây là một lối kết cấu kiến trúc khác lạ. Đền Ngoài được thiết kế bởi hai tòa dọc đăng đối nhau qua một tòa ngang.

20211210-121623-1643394076.jpg
Đền Ngoài để thờ Đế Bính và các trung thần. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nhìn từ trên cao xuống, cả ba tòa tạo nên một mặt bằng gần giống như chữ thập. Trong các dạng thức kiến trúc cổ truyền vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, dường như chưa gặp một dạng thứ hai có mặt bằng kiến tạo tương tự. Có ý kiến cho rằng, đền Ngoài ảnh hưởng theo lối kiến trúc đền miếu Trung Hoa (?). Ba tòa này được gọi là tiền môn, trung điện và hậu cung. Song song với tiền môn là hai dãy tào mạc. Trước nhà tiền môn là một sân rộng được ngăn với không gian bên ngoài bởi hai mảng nghi môn sừng sững (hiện vẫn còn dấu tích của hai cột nanh, chân móng của một trong hai cột này đã từng bị đào bới bởi người ta đồn rằng dưới chân cột chôn của).

Đền Ngoài đã bị dân làng và chính quyền sở tại phá hủy vào năm 1979, tức là một năm sau cuộc đụng độ ở biên giới Việt Trung. Bấy giờ, người ta quan niệm: “Thờ thần Tàu đau lòng liệt sĩ”, mặc dù xét về phương diện lịch sử, vị thần được thờ trong đền không liên quan gì tới những mâu thuẫn chính trị thời đó. Cho đến những năm 80 của thế kỷ này, cũng vẫn là những người dân Phương Cần đã đứng ra hưng công tu sửa đền.

20211210-121423-1643394258.jpg
Sự ra đời của ngôi đền Ngoài liên quan đến “giấc mộng của vua Hồng Đức”. Ảnh: Nguyễn Diệu

Ngôi đền hiện nay có kết cấu mặt bằng hình chữ đinh, gồm ba gian nhỏ và một hậu cung thờ nhô ra ở phía sau. Mái đền thấp, lòng đền hẹp, trang trí nội thất rất sơ sài; rất may nhà đền còn lưu giữ được một hệ thống tượng đá khá phong phú bao gồm một đôi rồng đá chạy bám theo thành bậc tam cấp phía trong nghi môn, hai tượng quan hậu (có thể là hai ông quản voi), hai con nghê đá, hai tượng Chăm (tượng phỗng quỳ dâng rượu), hai tượng hổ đá, một đôi voi đá nằm chầu ngay sau nghi môn và một vài cột đá để cắm tàn, lọng và cờ.

Trong số những hiện vật còn lại, chúng tôi đặc biệt lưu ý đôi rồng đá được chạm nổi một mặt (con bên phải chạm mặt trái, con bên trái chạm mặt phải). Theo mô típ chung của đề tài “lưỡng long triều nguyệt” cả đôi rồng đều có một khuôn mặt dữ tợn, mắt to, lồi, mũi sư tử, tai lớn tựa tai trâu, mồm ngoác rộng để lộ rõ hàm răng dưới. Xung quanh hàm rồng được chạm nổi liên tiếp những vòng tròn trông như một chuỗi hạt. Từ chuỗi hạt này là các bờm tỏa ra như những vòng lửa. Cả hai đều uốn khúc dữ dội, đuôi hất thẳng về phía sau, phần sống lưng oằn lại, thân có vẩy, chân có 4 ngón cũng có vảy rất gân guốc và choãi ra như chân chim ưng.

20211210-121554-1643394378.jpg
Quy mô kiến trúc cũ của ngôi đền rất đáng để các nhà nghiên cứu khảo sát, khôi phục lại. Ảnh: Nguyễn Diệu

Từ góc nhìn tạo hình, có thể khẳng định, đây là một đôi rồng đẹp được chạm khắc bởi những tay nghề bậc thầy. Một vài chi tiết qua phần mô tả trên giúp chúng tôi đoán định: niên đại của hai tác phẩm điêu khắc này muộn hơn nhiều so với niên đại của ngôi đền.

Theo lời kể của người dân Phương Cần, một số hiện vật ở đền Ngoài đã bị mất, một số khác được đưa vào đền Trong cất giữ. Những dấu tích còn lại của ngôi đền như chân cột nanh, các bậc tam cấp, mặt bằng nền móng kiến tạo cho thấy quy mô kiến trúc cũ của ngôi đền rất đáng để các nhà nghiên cứu khảo sát, khôi phục lại.

Đền Trong

20220115-115422-1643393283.jpg
Đền Trong thờ “Tứ Vị Thánh Nương”. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đền được dựng trên một cồn cao bên bờ sông Mai uốn khúc. Đối diện với đền về phía tây là dãy núi Voi như bức tường thành thiên tạo hùng vĩ. Núi Xước nhấp nhô ở phía tây bắc như dáng con rồng đang cuốn nước về biển khơi. Sông Mai phân thủy đôi dòng, uốn lượn trước cửa đền rồi mới xuôi về biển. Vì thế, văn phú làng Phương Cần có câu:

Núi chầu qua, dù dương lớp lớp, nghìn non trở lại tiền đường

Sông kéo đến, khúc uốn quanh co, muôn nước thu về một nẻo

20211210-121207-1643393751.jpg
Đền Cờn Trong dựng trên thế đầu chim Phượng hoàng. Ảnh: Nguyễn Diệu

Theo lối nhìn phong thủy, đền Cờn dựng trên thế đầu chim Phượng hoàng, cánh phượng là các bãi de (sác) trước đây, còn hai mắt phượng là các giếng Đò và giếng Đình:

Bến Giang kia, cánh phượng bãi de, chàm nhuộm màu xanh eo éo

Đò dọc ngang mấy chiếc, vẫy chèo loan đưa rước người tiên...

20211210-122057-1643394744.jpg

Đền Trong thờ “Tứ Vị Thánh Nương”. Theo Thần phả đền Cờn, đền được khởi dựng vào năm Hưng Long thứ 20 (1312), đời Trần Anh Tông và tiếp tục được trùng tu, tôn tạo vào các triều đại sau. Đền Cờn được dựng trên khu đất cao gọi là gò Diệc (hay cồn Diệc). Trước mặt đền là sông Mai (còn gọi là Hoàng Mai hay Mai Giang) uốn khúc thông ra cửa biển lớn nhất của Quỳnh Lưu. Sau đền là biển. Phía bắc có dãy núi Hoàng Mai trùng điệp, phía nam là dãy đá vôi nhấp nhô với nhiều hang động kỳ thú.

Còn tiếp…

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Đền Cờn (Kỳ II): Hàm hoằng quảng đại" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.