Để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hiệu quả

15/12/2014 08:48

Theo dõi trên

Di sản văn hóa phi vật thể tuy là cái vô hình nhưng lại hòa quyện vào không gian văn hóa – nhân văn, do con người sáng tạo ra, tồn tại lâu dài với thời gian. Trong quá trình chuyển giao qua nhiều thế hệ, chúng luôn được sàng lọc và sáng tạo thêm. Việc bảo tồn những giá trị quý của di sản văn hóa phi vật thể cần phải được quan tâm đúng mức.

Theo ThS. Võ Thành Hùng, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của An Giang rất phong phú và đa dạng, tiêu biểu như: Nghệ thuật tuồng và cải lương Nam Bộ, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, đua bò Bảy Núi, nghệ thuật sân khấu dù kê (đồng bào Khmer), nghi lễ vòng đời (dân tộc Chăm), kho tàng ca dao, hò, vè, tục ngữ, câu đố về đất và người An Giang… Hướng tới còn có thể là nghệ thuật ẩm thực, các điệu nhảy múa của cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh, kinh lá buông, các trường phái võ thuật, phương ngữ An Giang… “Tỉnh An Giang đang phối hợp Trung tâm Khảo cổ (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) định vị các điểm di chỉ khảo cổ trong khu vực di tích văn hóa Óc Eo tại huyện Thoại Sơn; khảo sát, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại các địa phương trong tỉnh; bảo tồn văn hóa phi vật thể kinh lá buông… Đồng thời, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với chùa Svay Tà Nập và Snaydoncum (Tri Tôn); cùng Ban Quản lý các di tích chùa Tây An (Châu Đốc), chùa Tam Bửu (Tri Tôn), đình Thoại Ngọc Hầu (Thoại Sơn) lập kế hoạch trùng tu, sửa chữa trong thời gian tới” – ThS. Hùng thông tin.

ThS. Hùng cho rằng, di sản văn hóa An Giang mang tính dân gian khá rõ và tính chất này càng “đậm đặc” hơn trong di sản văn hóa phi vật thể. “Văn hóa dân gian cho ta khả năng khai thác kho tàng tri thức bản địa hay còn được gọi là “túi khôn dân gian”. Có thể hiểu, tri thức bản địa là hiểu biết mà một cộng đồng người đã tích lũy và chọn lọc thành những kinh nghiệm, thành những đặc trưng rất riêng mang yếu tố địa – văn hóa, địa – chính trị, địa – nhân văn… để ứng xử với tự nhiên và xã hội, được truyền lại cho đời sau bằng trí nhớ, truyền miệng và cầm tay chỉ việc trong lao động sản xuất, trong quản lý xã hội” – ThS. Hùng phân tích.

Theo ThS. Hùng, việc bảo tồn các di sản văn hóa phải dựa trên 2 nguyên tắc: Tăng cường sự tham dự của cộng đồng vào các di sản và tôn trọng quyền văn hóa của chủ thể, tức là quyền tự do biểu đạt, tự do sáng tạo, sở hữu. Trong đó, quan trọng nhất là phải có tự do sáng tạo, biểu đạt. Có 2 hình thức bảo tồn là bảo tồn tĩnh và bảo tồn động. Bảo tồn tĩnh là tư liệu hóa các loại hình văn hóa phi vật thể, bao gồm làm phim tư liệu, chụp ảnh rồi cất vào kho hoặc trình chiếu. Bảo tồn động là gắn di sản đó với không gian và môi trường sống của nó. “Cả 2 cách đều có những phức tạp riêng và cách nào cũng tốn tiền như nhau. Tuy nhiên, bảo tồn động có khả năng kiếm tiền cho chủ thể tốt hơn (thông qua hoạt động du lịch)” – ThS. Hùng nhận xét. Nhà nghiên cứu Nguyễn Chiến (Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng đồng ý với cách nghĩ này khi cho rằng, An Giang có thể bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa địa phương. “An Giang có những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, những làng nghề thủ công truyền thống tinh xảo, thể hiện qua đôi tay điêu luyện của các nghệ nhân được lưu giữ theo phương pháp truyền miệng, truyền nghề. Đặc biệt là hệ thống các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, danh nhân ít có địa phương nào có được” – ông Chiến đánh giá. Theo nhà nghiên cứu này, An Giang hiện có 1.198 di tích, trong đó có 26 di tích được công nhận cấp Quốc gia và 46 di tích xếp hạng công nhận cấp tỉnh.

Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch An Giang, các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia đón tiếp hơn 3,4 triệu lượt khách/năm. Đây là lợi thế cần phát huy để huy động các nguồn lực cùng góp sức bảo tồn di sản văn hóa địa phương. “Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, các di tích đang dần bị xuống cấp. Địa phương cần quan tâm hơn nữa việc bố trí nguồn kinh phí đầu tư cho các trọng điểm du lịch tham quan di tích, đặc biệt là di tích Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia tiêu biểu, góp phần bảo tồn văn hóa và thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển, đáp ứng việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc ở các địa phương ngày một tốt hơn” – ông Chiến đề xuất. Còn ThS. Phạm Xuân Phú và ThS. Ngô Thụy Bảo Trân (Trường đại học An Giang) cho rằng, cùng với phát triển du lịch gắn với di tích, danh lam thắng cảnh, danh nhân, cần có chiến lược bảo tồn văn hóa dân tộc kết hợp phát triển du lịch làng nghề truyền thống. Đây là giải pháp góp phần giảm nghèo bền vững ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang. Qua đó, giúp giữ gìn, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa phi vật thể.

Theo Tin Tức Miền Tây
Bạn đang đọc bài viết "Để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hiệu quả" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.