Chùa Vĩnh Nghiêm - mãi mãi là chốn Tổ

15/06/2015 08:03

Theo dõi trên

Câu ca lưu truyền từ hàng trăm năm trước trong dân gian cho thấy vị thế của chùa Vĩnh Nghiêm trong tâm thức tăng ni, Phật tử cả nước: “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”.

Chùa Vĩnh Nghiêm, còn gọi là chùa La, hay chùa Đức La, vì chùa nằm trên phần đất thuộc xã Đức La, huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Giang xưa, nay là thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Giá trị di tích đặc biệt

Chùa tọa lạc đắc địa “Rồng chầu, Hổ phục”, trên một quả đồi thấp giữa đôi bờ sông Lục Nam và sông Thương, trước mặt là ngã ba Phượng Nhãn, nơi gặp gỡ của hai dòng sông này, sau lưng là dãy núi Cô Tiên.

Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm dựng từ đầu thời Lý (1010 - 1225). Năm 1299, sau khi vua Trần Nhân Tông xuất gia lên núi Yên Tử tu hành, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, gọi là Trúc Lâm Yên Tử, ngài cùng các môn đồ đi du ngoạn khắp nơi để hoằng dương Phật pháp và tìm nơi đắc địa để dựng chùa, xây tháp. Một lần tới vùng Đức La, ngài thấy một ngôi chùa cổ trên núi, phong cảnh hữu tình, cổ kính trang nghiêm, bèn ghé thăm. Sau đó, Phật hoàng cho mở mang nơi đây thành một già lam lớn, đặt tên là Vĩnh Nghiêm tự.

Tháng 4 năm Mậu Thân (1308) đời vua Trần Anh Tông, Phật hoàng đến chùa Vĩnh Nghiêm làm lễ kết hạ, giảng Truyền Đăng Lục, lại sai Đệ nhị Tổ Pháp Loa giữ chức trụ trì. Năm Quý Sửu (1313), tháng 9, Tôn giả Pháp Loa phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm, quy định các chức vụ của tăng sĩ trong nước và bổ nhiệm đến hơn 100 ngôi già lam. Chư tăng trong nước từ đó mới có sổ bộ và đều do Tôn giả trông coi. Bấy giờ, sư độ hơn 10 người. Về sau, cứ ba năm độ tăng một lần, mỗi lần khoảng dưới 1.000 người (theo Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1995). Chùa trở thành văn phòng Trung ương và trường đào tạo tăng tài của Giáo hội Trúc Lâm. Vì tính chất đặc biệt này, ngay từ thời Pháp Loa rồi đến Đệ tam tổ Huệ Quang, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô rất lớn.

Kiến trúc độc đáo

Diện tích khu chùa rộng khoảng 10.000m2, qua cổng Tam quan, đi vào hơn 100m là chùa Hộ (hay còn gọi là Tiền đường). Đường vào chùa Hộ, xưa được trồng thông để chùa thành chốn tùng lâm hữu tình, hiện tại vẫn còn một vài cây cổ thụ đường kính gần 1m đứng trên sân chùa như những chứng tích của thời gian. Ngay trên sân chùa là một tấm bia to 6 mặt niên hiệu Hoằng Định (năm 1606). Đối diện với tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 8 vị sư, đều được xây dựng mãi sau này.

Từ chùa Hộ trở vào, các khối kiến trúc nối tiếp nhau xây trên trục chính theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và được phân cách bằng một khoảng sân hẹp. Trong chùa có 4 khối: Chùa Chính (tức tòa Tam bảo, gồm Tiền đường tức chùa Hộ, Thiêu hương và Thượng điện) hình chữ “công”; nhà Tổ đệ nhất cũng hình chữ “công”; gác chuông hai tầng tám mái; nhà Tổ đệ nhị và nhà Trai đường kiểu chuôi vồ. Hai bên còn có các dãy nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi dãy gồm 18 gian rộng rãi là nơi hàng năm các sư về an cư kết hạ.

Hệ thống tượng Phật gồm hơn 100 pho lớn nhỏ khác nhau, được bài trí và thờ chủ yếu ở ba nơi trong chùa. Chùa Chính: Bài trí 60 pho tượng Phật; Nhà Tổ đệ nhất: Bài trí 3 pho tượng 3 tổ Trúc Lâm, tượng A Di Đà Phật và ba pho tượng Hậu; Nhà Tổ đệ nhị: thờ 4 pho tượng sư tổ chùa, ba pho tiếp dẫn và ban thờ Mẫu ở phía sau.

Lễ đón nhận Bằng công nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mộc bản - báu vật độc đáo

Về tư liệu Hán - Nôm, chùa Vĩnh Nghiêm còn lưu giữ 8 bia đá xanh niên đại thế kỷ XVII - thế kỷ XX, 1 chuông đồng đúc năm Minh Mạng thứ 11 (1830), 12 bức hoành phi, 14 câu đối. Đặc biệt là kho mộc bản kinh Phật và những thư tịch khác do thiền sư thiền phái Trúc Lâm tổ chức san khắc từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX.

Theo số liệu tổng kiểm kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang năm 2009, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có khoảng 34 đầu sách, trong đó có 9 đầu sách lớn với 3.050 bản khắc gỗ, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt là hai trang sách khắc ngược (âm bản) bằng chữ Hán và chữ Nôm, nội dung chứa đựng các kiến thức về y học, văn học, chú, sớ, kinh, luật nhà Phật. Ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú… của Mạc Ðĩnh Chi và một số vị cao tăng khác.

Qua các mộc bản này, có thể thấy rõ những tư tưởng, giáo lý của thiền phái Trúc Lâm một cách rõ nét nhất với các giá trị nhân văn sâu sắc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là về thân thế, sự nghiệp của Trần Nhân Tông và nhiều danh nhân văn hóa lịch sử khác.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm diễn ra từ ngày 12 - 15 tháng 2 âm lịch hàng năm, là sự kết hợp chặt chẽ của ba làng La Thượng, La Trung, La Hạ. Đây là một lễ hội có tiếng trong vùng. Trong lễ hội, ngoài việc rước các sư tổ còn tổ chức dâng hương, tụng kinh niệm Phật và các hoạt động tín ngưỡng khác.

Hơn 700 năm nay, chùa Vĩnh Nghiêm tồn tại như một trung tâm Phật giáo, một thiền viện đào tạo tăng tài nổi tiếng trong cả nước. Với những kiến trúc cổ độc đáo thời Lê - Nguyễn, hệ thống tượng Phật quy chuẩn, mẫu mực, kho mộc bản quý hiếm cùng phong cảnh thanh tịch hữu tình, chùa mãi mãi là chốn Tổ, đại danh lam để khách thập phương đến tham quan và thắp hương lễ Phật.

Năm 1964, chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia. Ngày 16/5/2012, tại kỳ họp của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới.

Theo Làng Việt Online
Bạn đang đọc bài viết "Chùa Vĩnh Nghiêm - mãi mãi là chốn Tổ" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.