Đó là cây trôi Yên Hạ ở xóm Ngọc Hạ, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Những người cao tuổi trong vùng cho biết cây trôi (muỗm) đã hơn 300 năm tuổi. Thân cây cao lớn hàng chục mét, cành lá vươn rộng trên mấy sào đất. Gốc cây có nhiều ụ, bạnh nhô ra với muôn hình kỳ lạ, trẻ em có thể trú mưa dưới đó. Nơi to nhất của gốc có chu vi 12m, nhiều người ôm không xuể. Đây là 1 trong 2 cây di sản tiêu biểu nhất ở Thanh Chương (cùng với cây sui Diên Tràng ở xã Thanh Phong) và là cây trôi “khủng” bậc nhất tỉnh Nghệ An.
Với tinh thần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của quê hương, hàng chục năm qua, người dân địa phương luôn có ý thức bảo vệ cây trôi quý bằng nhiều biện pháp, như kè đá giữ đất, trồng cây ven sông… Tuy nhiên sau “dự án” xây dựng, tôn tạo gần đây, cây trôi đã bị chết khô.
Tháng 3/2020, sau một thời gian vận động người dân địa phương, con em xa quê chung tay đóng góp kinh phí, xóm Ngọc Hạ, xã Thanh Ngọc đã tổ chức làm lễ động thổ xây dựng, tôn tạo “Khu di tích Cây Trôi” rộng gần 4000m2 với mục đích gìn giữ, tôn tạo, bảo tồn cây trôi, biến khu vực cây trôi thành “công viên lịch sử” nơi giáo dục truyền thống quê hương.
Trong quá trình xây dựng, tôn tạo tạo “Khu di tích Cây Trôi”, Ban xây dựng xóm Ngọc Hạ đã cho xây dựng quanh khu vực cây trôi cụm cột cờ, bồn hoa, những bờ chắn, kè đất phía bờ sông, đổ đất quanh gốc cây, xây tường bao khép kín quanh gốc cây (cao, rộng 0,3m), lắp hệ thống đèn điện chiếu sáng… Công trình xây dựng tôn tạo khu vực cây trôi hoàn thành vào năm 2020.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quý, Bí thư Chi bộ xóm Ngọc Hạ: Kết thúc việc xây dựng, tôn tạo “Khu di tích Cây Trôi”, để cây xanh tốt hơn, Ban xây dựng đã bón phân tổng hợp NPK cho cây. “Họ đổ phân NPK quanh gốc cây và tưới nước vào” - ông Qúy nói. Về số lượng phân bón. theo ông Qúy là khoảng 1 bao NPK (25kg). Trong khi đó, một cán bộ làm việc ở UBND xã Thanh Ngọc cho biết: “Thấy cây chết, chúng tôi hỏi, nghe dân nói sau khi xây xung quanh gốc xong, họ bón 4 - 5 bì đạm”.
Sau khi “dự án” xây dựng “Khu di tích Cây Trôi” hoàn thành, cán bộ và nhân dân xóm Ngọc Hạ chưa kịp vui mừng được lâu, thì cây trôi cổ thụ có dấu hiệu chết đứng. Theo ông Quý, đầu năm 2021 cây trôi có ra ít lá non, nhưng do sâu ăn nhiều quá, khoảng tháng 6, xóm đã thuê 1 người dân trong huyện đến phun thuốc trừ sâu. Cuối năm 2021 thì cây rụng lá hoàn toàn.
Những tưởng mùa Đông cây thay lá, người dân xóm Ngọc Hạ chờ mãi từ mùa Xuân đến mùa Hè năm 2022, cây trôi vẫn không ra một lá nào. Được biết về đặc điểm sinh học, cây trôi xanh tốt quanh năm, không thay lá đồng loạt như cây bàng, do đó khi cây trôi rụng hết lá, thực chất là cây đã có dấu hiệu bị chết khô.
Khoảng 1 tháng nay, xung quanh gốc cây, vỏ cây đã bắt đầu mục, bóc ra từng mảng lớn, một số cành khô đã rơi rụng xuống đất. Một người dân địa phương sống gần cây trôi cho biết: Chờ mãi thấy cây không ra lá, chúng tôi mới quan sát kỹ thì thấy thân cây đã khô, cây trôi “chết đứng” một cách thảm thương.
Nguyên nhân khiến cây trôi “khủng” bậc nhất tỉnh Nghệ An bị chết, người dân địa phương cho rằng do nhiều yếu tố, trong đó nguyên nhân chủ đạo là việc xây dựng, tôn tạo không khoa học đã là thay đổi môi trường sống của cây, khiến cây bị chết. Cụ thể là việc đắp đất, xây tường bao kín quanh gốc, đặc biệt là việc bón phân với số lượng lớn trực tiếp vào gốc cây.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của cây có lẽ là do Ban chỉ huy xóm, chính quyền địa phương đã không tổ chức tọa đàm cẩn thận để tìm ra những biện pháp, cách thức xây dựng tôn tạo thích hợp, khoa học, nhằm đem lại đạt kết quả tốt nhất, tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Ông Nguyễn Mạnh Quý cho biết thêm, khi cây trôi chết, người dân địa phương không còn buồn tu bổ “Khu di tích Cây Trôi” nữa, mặc nhiên không ai bỏ công tìm hiểu vì sao cây trôi lại chết.
Cây trôi cổ thụ chết khô, địa phương không chỉ mất đi một cây quý, một chứng tích lịch sử của quê hương, gắn liền với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nơi Tỉnh ủy Nghệ An, Huyện ủy Thanh Chương đã từ về đây hoạt động, mà “dự án” Khu di tích Cây Trôi cũng trở nên giang dở, bồn hoa cỏ dại mọc loang… Mỗi lần đi qua cây trôi, ai cũng buồn lòng “giá như đừng đụng chạm vào nó”. Nhìn cây trôi chết khô, người dân xã Thanh Ngọc và những người biết đến cây di sản này đều luyến tiếc, trăn trở, day dứt. Một cán bộ xã này chia sẻ: “Xã nhà tiếc ngẩn ngơ mà không biết làm răng”.
Có lẽ đây cũng là bài học đắt giá trong việc xây dựng, tôn tạo di sản, đặc biệt là cây di sản, cây quý hàng trăm năm tuổi cho xã Thanh Ngọc và nhiều địa phương. Công tác này cần phải thực hiện cẩn trọng, khoa học, nếu không hậu quả sẽ khó lường. Mọi cố gắng, nhưng thiếu hiểu biết rất dễ dẫn tới việc “xôi hỏng bỏng không”.