Cảnh báo những thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại trong thời kỳ dịch bệnh

21/08/2021 11:22

Theo dõi trên

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lây nhiễm qua đường tiếp xúc nên môi trường kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính… phát triển mạnh, được người dân lựa chọn. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng lợi dụng phương thức kinh doanh này để thực hiện hành vi gian lận thương mại... gây khó khăn cho vấn đề quản lý nhà nước.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trên tuyến biên giới đất liền, các lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng Hải quan và lực lượng chức năng địa phương tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, nên tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu, đường mòn, lối mở được ngăn chặn, không phát sinh điểm nóng.

Trên tuyến biển, tình hình tội phạm, vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển và địa bàn liên quan vẫn diễn ra phức tạp; hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép mặt hàng có lợi nhuận cao như dầu DO, than, hàng thủy sản, pháo nổ, hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng đông lạnh.

Trên tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu.

15-57-37-img-0661-1629488601.jfif
Các vụ việc vi phạm xảy ra trên tuyến biên giới đã được các lực lượng chức năng phối hợp phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý kịp thời và hiệu quả

Trong thị trường nội địa, để phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, các đơn vị chức năng xiết chặt quản lý biên giới, cửa khẩu nên hàng lậu, hàng cấm, hàng giả đưa vào nội địa giảm, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới chống dịch bệnh Covid-19.

Tiếp đó với phương thức, thủ đoạn tinh vi phức tạp, các đối tượng lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất (nhập nguyên liệu nhưng thực chất là nhập thành phẩm để tái xuất) để gian lận; thủ đoạn che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; các đối tượng cấu kết, móc nối với nhau trong nước và nước ngoài để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm trái phép; một số hành vi lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục hải quan điện tử có hành vi không khai, khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng…; để vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; các nhóm đối tượng vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp bằng các loại phương tiện khác nhau, như đường biển, đường hàng không, qua đường chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính…; thành lập công ty để buôn lậu, trốn thuế, sản xuất, buôn bán hàng giả.

Tại các địa bàn tỉnh biên giới giáp ranh, các đối tượng sử dụng xe ôtô, xe máy, xuồng cao tốc hoặc mang vác, vận chuyển trái phép qua biên giới; thời gian vận chuyển thường vào ban đêm; trước khi vận chuyển sử dụng các đối tượng canh đường, theo dõi lực lượng chức năng; khi bị truy đuổi thì vứt bỏ lại phương tiện, tang vật chạy trốn, sau đó kích động người dân đến hiện trường chống người thi hành công vụ, kích động gây áp lực để tẩu tán hàng hóa; các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường thuê người, phương tiện để vận chuyển hàng hóa gây khó khăn trong công tác điều tra đối tượng chính.

Một số đối tượng đặt sản xuất hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập lậu về tiêu thụ trong nước; tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng; các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Tại điểm bán hàng, các hộ kinh doanh thường trưng bày lẫn lộn hàng giả, hàng thật với nhau để đánh lừa người tiêu dùng; đối tượng hoạt động chủ yếu là các cửa hàng kinh doanh tạp hóa, bách hóa tổng hợp nhỏ lẻ tại các khu vực xung quanh chợ và khu vực nông thôn.

Các mặt hàng mà các đối tượng lợi dụng để buôn lậu trên các tuyến địa, như: Thuốc lá điếu ngoại, rượu, bia, đường cát, hàng đông lạnh, than, xăng dầu, sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm, các phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19...

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng vừa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền, trên biển, trên vùng trời, làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh vừa đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trên các tuyến biên giới đất liền, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, bưu chính quốc tế và chuyển phát nhanh quốc tế: Các lực lượng chức năng đã tăng cường lực lượng, phương tiện, tập trung tuần tra, kiểm soát tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; xác định các đối tượng trọng điểm, thực hiện đúng quy trình thu thập xử lý thông tin, quản lý rủi ro để kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa qua biên giới, không để xảy ra tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa khẩu. Các vụ việc vi phạm xảy ra trên tuyến biên giới đã được các lực lượng chức năng phối hợp phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý kịp thời và hiệu quả.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong thời gian 6 tháng vừa qua, toàn bộ các lực lượng chức năng trên địa bàn cả nước bắt giữ, xử lý 11.330 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm hàng lậu; 50.141 vụ gian lận thương mại; 10.847 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.

Để đạt được kết quả như trên, trong thời gian qua Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ban hành nhiều văn bản cấp thiết và kịp thời chỉ đạo tới các Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành và địa phương,

Ngoài ra, thường xuyên rà soát khó khăn vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung thay thế cơ chế chính sách, quan hệ phối hợp, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các lực lượng thường xuyên, liên tục được tăng cường phương tiện, tập trung tuần tra, kiểm soát tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; xác định các đối tượng trọng điểm, thực hiện đúng quy trình thu thập xử lý thông tin, quản lý rủi ro để kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa qua biên giới, không để xảy ra tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa khẩu.

Quảng Hà
Bạn đang đọc bài viết "Cảnh báo những thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại trong thời kỳ dịch bệnh" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.