Tham dự Hội nghị có đại diện Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định, thị xã An Nhơn, xã Nhơn Lộc,… cùng các nhà khoa học.
Được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã phối hợp với Bảo tàng Bình Định tiến hành khai quật khảo cổ tại di chỉ gốm Trường Cửu. Đây là cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên kể từ khi di tích được phát hiện vào năm 1990. Kết quả, sau khi khai quật hai hố với tổng diện tích 144m2, đã phát hiện dấu tích nền, tường của 4 lò nung gốm, cùng nhiều hiện vật, như bao nung, con kê, bát, âu, bình, lọ, vò, ngói mũi lá, mũi sen (mũi hài)… Trên cơ sở phát hiện này, các nhà chuyên môn đã nhận định: đây là lò sản xuất những dòng gốm men nâu, men trắng, men ngọc, men hoa nâu, với nhiều sản phẩm thuộc đủ loại kích cỡ, phong phú đa dạng về loại hình, nghệ thuật chế tác tinh xảo, có nhiều nét tương đồng với các loại gốm gốm hoa nâu thời Lý, Trần… Và, gốm Trường Cửu có lịch sử hình thành, phát triển trong khoảng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XV.
Đây là cuộc khai quật có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu, so sánh các sản phẩm gốm Trường Cửu - Bình Định với các dòng gốm khác trong khu vực miền Trung, miền Bắc và gốm Trung Hoa. Hơn thế, những phát hiện tại di chỉ gốm Trường Cửu còn có ý nghĩa trong việc nghiên cứu, nhận diện về chủ nhân đích thực của gốm Trường Cửu và sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa người Chăm và người Việt trong lịch sử.