Bạc Liêu: Nghệ nhân Khmer và câu chuyện truyền nghề

12/12/2021 21:56

Theo dõi trên

Văn hóa - nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer bấy lâu nay đã tạo nên bản sắc độc đáo riêng, góp thêm sự phong phú cho nền văn hóa - nghệ thuật của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Tuy nhiên, tình trạng “tre già nhưng măng chưa mọc” đang là niềm đau đáu của những nghệ nhân thế hệ trước. Thực trạng này cũng đang đặt ra vấn đề về bảo tồn một số loại hình nghệ thuật Khmer đối với ngành chức năng.

Văn hóa - nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer bấy lâu nay đã tạo nên bản sắc độc đáo riêng, góp thêm sự phong phú cho nền văn hóa - nghệ thuật của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Tuy nhiên, tình trạng “tre già nhưng măng chưa mọc” đang là niềm đau đáu của những nghệ nhân thế hệ trước. Thực trạng này cũng đang đặt ra vấn đề về bảo tồn một số loại hình nghệ thuật Khmer đối với ngành chức năng.

nn-ram-min-1639281986.png
Ở tuổi xế chiều, NNƯT Danh Xà Rậm vẫn rực cháy tình yêu đối với âm nhạc truyền thống của dân tộc. Ảnh: N.T

Tâm huyết truyền nghề

Trong số 14 nghệ nhân của tỉnh Bạc Liêu được Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất, ở lĩnh vực âm nhạc dân tộc Khmer, Danh Sậm (nghệ danh là Danh Xà Rậm, ngụ ấp Đầu Sấu Đông, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) là nghệ nhân duy nhất được phong tặng danh hiệu này.

Ông chơi thuần thục nhiều loại nhạc cụ cổ truyền, độc đáo như: đàn ch’pay, đàn xa lai, kèn phây o, kèn pây pót và đặc biệt là cây đàn cha pây chom - một báu vật có gần 100 năm tuổi do ông cha truyền lại. NNƯT Danh Xà Rậm từng tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật từ tỉnh đến Trung ương. Những bằng khen, bằng tuyên dương, giấy chứng nhận… ghi nhận thành tích của ông được treo trang trọng đầy vách nhà.

Ở cái tuổi thất thập (sinh năm 1941), NNƯT Danh Xà Rậm vẫn luôn muốn cống hiến, gắn bó và truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ kế thừa. Ông bộc bạch: “Điều tôi trăn trở nhất là sự thất truyền, mai một những loại nhạc cụ cổ truyền của dân tộc mình. Bởi chính tôi đã mất khoảng 20 năm ròng rã khổ luyện mới đủ tự tin nắm vững công năng của từng loại đàn và sử dụng một cách thuần thục. Tôi tâm nguyện sẽ truyền tiếp ngọn lửa đam mê, tâm huyết ấy cho người con trai út của mình và sẵn sàng dạy miễn phí cho những ai muốn theo học loại hình nhạc cụ dân tộc. Tính đến nay, tôi đã truyền dạy cho khoảng 20 người”. Và anh Danh Tuol - con trai ông cũng chính là truyền nhân của người nghệ nhân tài hoa này.

1247-dscn5050-1639282308.jpeg

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Trước xu thế hội nhập và giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng, việc bảo tồn nền văn hóa - nghệ thuật của người Khmer Nam Bộ nói chung, âm nhạc dân gian nói riêng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Nhiều loại hình đang có nguy cơ mai một, đánh mất bản sắc, trong đó có các loại hình cần bảo tồn khẩn cấp như nghệ thuật diễn tấu đàn ch’pay. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay là nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải từ bỏ đam mê vì công việc mưu sinh nhọc nhằn, hoặc đơn giản chỉ vì lớn tuổi nên phải giải nghệ. Cộng thêm giới trẻ ngày càng thờ ơ và không mặn mà với các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

nghe-nhan-day-dan-1639282058.png
Tâm huyết truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ảnh: Anh Kiệt

Trước thực tế này, để tiếp sức cho tâm nguyện truyền nghề của những nghệ nhân Khmer tâm huyết như NNƯT Danh Xà Rậm, ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Chẳng hạn như đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm dân ca, dân nhạc và nhạc khí để hệ thống hóa, in ấn thành bộ tuyển tập. Khuyến khích các trường đại học, trường văn hóa - nghệ thuật trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ các tỉnh tiến hành thực hiện các công trình nghiên cứu đặc trưng của kho tàng âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ. Từ đó, biên soạn thành sách giáo khoa đưa vào chương trình đào tạo, tập huấn và truyền nghề để xây dựng một đội ngũ kế thừa trong cộng đồng người Khmer.

Trước đây, nghệ nhân Thạch Siphol đã từng biên soạn một giáo trình để truyền nghề cho thế hệ trẻ, tuy nhiên giáo trình này không được phổ biến rộng rãi. Một giải pháp nữa cần có lộ trình lâu dài là có chế độ chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ nhân, nghệ sĩ dân tộc Khmer; có chế độ ưu tiên đặc biệt đối với những người đang theo học các loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc nhằm khuyến khích sự sáng tạo, tạo ra niềm đam mê với các loại hình nghệ thuật này./.

Xuân Đào - Ngọc Trân
Bạn đang đọc bài viết "Bạc Liêu: Nghệ nhân Khmer và câu chuyện truyền nghề" tại chuyên mục Truyền thống - Bảo tồn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.