Bạc Liêu: Căn cứ Cái Chanh - Nơi lưu dấu những bước chân anh hùng Nam Bộ

11/12/2021 21:38

Theo dõi trên

Căn cứ Cái Chanh (tên gọi khác là Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu), nằm trên địa bàn xóm Cái Chanh nhỏ, ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020).

111111-1639224996.jpg
Căn cứ Cái Chanh được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020

Căn cứ Cái Chanh (tên gọi khác là Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu), nằm trên địa bàn xóm Cái Chanh nhỏ, ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Đây là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020).

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn từ năm 1949 - 1954, căn cứ Cái Chanh là địa điểm trú đóng và hoạt động của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ là địa bàn hoạt động của một số đồng chí lãnh đạo Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam như đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam bộ cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thượng Vũ và Nguyễn Văn Nguyễn…

20211205-110437-1639226013.jpg

Từ năm 1950 - 1954, đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu lúc bấy giờ cũng đã chọn nơi đây làm nơi đứng chân để lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh. Có thể nói, từ khi được chọn làm Khu căn cứ cho đến khi kháng chiến giành thắng lợi hoàn toàn, Khu căn cứ Cái Chanh đã làm tròn vai trò, sứ mệnh lịch sử quan trọng của mình, chở che, nuôi dưỡng và phát triển lực lượng cách mạng, là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bạc Liêu.

20211205-104635-min-1639225434.jpg

Trong suốt cuộc kháng chiến, tại khu căn cứ Đồng Tháp Mười cũng như căn cứ Cái Chanh, U Minh và nhiều địa điểm khác ở miền Tây Nam Bộ, các cơ quan và cán bộ của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ nói chung đều được bảo vệ an toàn, nhân dân thật sự là “trăm tay nghìn mắt” của Đảng, bảo vệ vững chắc cho Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giai đoạn từ 1973 - 1975, địa bàn Cái Chanh, xã Ninh Thạch một lần nữa trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc của Tỉnh ủy Bạc Liêu. Tại đây, ngày 20/11/1973, đồng chí Vũ Đình Liệu (Tư Bình), Bí thư Khu ủy chủ trì Hội nghị công bố Quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu lần thứ nhất, chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 11 Ủy viên, do đồng chí Nguyễn Văn Đáng (Tư Hườn), Khu ủy viên giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Tại khu căn cứ này, ngày 13/01/1975, Tỉnh ủy đã họp và thông qua quyết tâm giải phóng tỉnh Bạc Liêu; đồng thời quyết định dời Căn cứ Tỉnh ủy từ Cái Chanh (xã Ninh Thạnh Lợi) về Lái Viết (xã Ninh Quới), huyện Hồng Dân để thuận lợi trong chỉ đạo điểm tấn công giải phóng thị xã Bạc Liêu. Đến ngày 30/4/1975, tỉnh Bạc Liêu được giải phóng. Đây là chiến thắng mang tính nhân văn sâu sắc, lập nên kỳ tích Bạc Liêu hai lần giành chính quyền sớm và không đổ máu. Căn cứ Cái Chanh từ khi được Tỉnh ủy đặt Căn cứ (tháng 11 năm 1973) cho đến khi Tỉnh ủy chuyển về Lái Viết (tháng 01 năm 1975) đã làm tốt sứ mệnh lịch sử của mình, nơi nuôi giấu, chở che an toàn cho Tỉnh ủy lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi.

20211205-104019-min-1639225434.jpg
20211205-103833-min-1639225434.jpg
Hình ảnh và hiện vật được tái hiện lại tại Căn cứ Cái Chanh

Hiện nay, Căn cứ Cái Chanh là nơi tái hiện hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan và nhân dân ở cả hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gồm các hạng mục kiến trúc chủ yếu: Cổng, nhà trưng bày, nhà bia, nhà ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn, nhà hội trường, nhà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhà bếp của cơ quan Tỉnh ủy, nhà văn thư - y tế, nhà cơ yếu, nhà điện đài, nhà Trung đội phòng thủ, nhà Chánh văn phòng Tỉnh ủy, nhà Ban xây dựng căn cứ, nhà chờ, các hầm hố… Nhận thức được giá trị lịch sử đặc biệt và tầm quan trọng của di tích này, trong nhiều năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cấp, các ngành từng bước tu bổ, tôn tạo tái hiện lại khu căn cứ.

20211205-105508-min-1639225935.jpg
Bí thư Tỉnh Ủy Bạc Liêu qua các thời kỳ

Từ ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 26/1/2011, Khu căn cứ Cái Chanh, huyện Hồng Dân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia và gần 10 năm sau, ngày 31/12/2020, Khu căn cứ này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Khi đến thăm di tích này chúng ta sẽ hiểu hơn về giá trị của cuộc sống mà mình đang có và sự gắn bó máu thịt giữa quân và nhân dân địa phương. Các cơ quan và cán bộ Xứ ủy Nam Bộ lúc bấy giờ đều sống chung với dân, ăn ở và làm việc trong nhà dân, được dân thương yêu và đùm bọc như người thân.

Khu di tích một thời như ngọn đuốc tỏa sáng khắp vùng Nam Bộ, từ nông thôn đến thành thị, để dẫn dắt, đưa đường cho các tầng lớp nhân dân đi theo kháng chiến, tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước./.

Thành Nhớ - Xuân Đào
Bạn đang đọc bài viết "Bạc Liêu: Căn cứ Cái Chanh - Nơi lưu dấu những bước chân anh hùng Nam Bộ" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.