Đờn ca tài tử cần được phát huy trong các hoạt động du lịch để tạo điểm nhấn cho Bạc Liêu. Ảnh: Dân Trí
Người ta gọi Bạc Liêu là quê hương của đờn ca tài tử là vì nơi đây đã từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối. Từng cho ra đời những bản đờn, những bài ca bất hủ cho đờn ca tài tử, từng gây dựng thành phong trào sáng tác thật hùng hậu từ những thập niên đầu thế kỷ XX.
Theo các tài liệu ghi chép, đầu thế kỷ XX, ở Nam bộ đã hình thành nhiều nhóm ca nhạc hoạt động dưới hình thức tài tử và nhanh chóng phát triển khắp lục tỉnh Nam kỳ. Ở Bạc Liêu có nhạc sư Lê Tài Khí (1870 - 1948) thường được gọi là Nhạc Khị (con ông Lê Văn An, một bầu gánh hát bội nổi tiếng lúc bấy giờ). Nhạc Khị đứng ra thành lập Ban nhạc lễ chuyên phục vụ các đám cúng kiếng, tế lễ của đình làng hoặc ở các gia thất, đây cũng là Ban nhạc lễ đầu tiên trên đất Bạc Liêu. Nhạc Khị được xem là người có công lớn đối với Đờn ca tài tử trong việc canh tân, hiệu đính 20 bản tổ, được giới nghệ sĩ cổ nhạc tôn làm Hậu tổ.
Thập niên 30 của thế kỷ XX, hoạt động đờn ca tài tử ở Bạc Liêu phát triển cả về số lẫn chất lượng, có tiếng vang khắp Nam kỳ. Các nghệ nhân Đờn ca tài tử Bạc Liêu xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều người đã trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, đa số đều do Nhạc Khị đào tạo, điển hình như Sáu Lầu, Cai Đệ, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Hai Tài, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lý Khi, Tư Quận… Hoặc do Sư Nguyệt Chiếu (một nhạc sĩ tiền bối khác ở Bạc Liêu có công trong việc truyền bá nhạc lễ và nhạc tài tử) rèn luyện như nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, Sanh Xía, Chín Quy, Thiện Ý, Thiện Ngộ…
Một trong những học trò giỏi của Nhạc Khị là Cao Văn Lầu. Tiếp nối sự nghiệp của thầy, Cao Văn Lầu cùng với các bạn đồng môn của mình đứng ra thành lập Ban ĐCTT Bạc Liêu, gồm Sáu Lầu đờn tranh, Mười Khói đờn kìm, Bảy Cuội đờn cò, Hai Tài đờn đoản, Ba Chột đờn sến… Giới chuyên ca gồm có nghệ sĩ Ba Lất, Bảy Kiên, Hai Húa, Năm Mỹ, Chín Cang, cô Ba Vàm Lẽo… Ban ĐCTT này một thời khuấy động phong trào ĐCTT không chỉ nội tỉnh Bạc Liêu mà tiếng tăm vang khắp Nam kỳ…
Nhiều năm qua, tỉnh Bạc Liêu lấy ngày 14 và 15 tháng 8 ÂL để làm ngày Lễ hội Văn hóa truyền thống tại khu mộ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và có mời nhiều Câu lạc bộ ĐCTTNB đơn vị bạn tham dự. Từ năm 2014 (sau khi ĐCTTNB đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại) đến nay, tỉnh Bạc Liêu tổ chức nhiều sự kiện về ĐCTTNB và cải lương, bên cạnh xây dựng những công trình văn hóa có tính chất quy mô và hoành tráng hơn.
Phân tích về nội dung “Bạc Liêu góp phần hình thành, phát triển nghệ thuật ĐCTT” tại một Hội thảo quốc tế với chủ đề “Nghệ thuật ĐCTT và lối hòa đờn ngẫu hứng”, Thạc sĩ Lâm Thành Đắc đã đề cập: “Chúng ta không thể nào quên các danh cầm Bạc Liêu một thời lừng lẫy như Hai Thơm (đệ nhất vĩ cầm, báo chí một thời khen tặng là vua vĩ cầm Việt Nam), Năm Nhỏ (sở trường lục huyền cầm được khắp nơi biết tiếng); lối ca phá đờn, lướt nhịp của nghệ sĩ Bảy Cao; lối ca buồn đến não lòng của nghệ nhân Cao Văn Lầu; lối ca cuối câu mùi mẫn, ngọt ngào như rót mật vào tim của nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa…”.
Rõ ràng, từ những con người ấy, với những đóng góp bằng con tim đam mê và những bài bản diệu kỳ như ánh sao lấp lánh giữa bầu trời âm nhạc dân tộc; Bạc Liêu xứng đáng được xem là một trong những “cái nôi” của ĐCTT!