Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Phát triển thương mại, dịch vụ gắn với xây dựng nông thôn mới

03/09/2024 07:36

Theo dõi trên

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về thương mại, dịch vụ (TMDV) ở khu vực thành phố trong thời gian qua, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tận dụng lợi thế để thúc đẩy lĩnh vực này, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương. Qua đó, nhiều hộ dân đã chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và góp phần xây dựng nông thôn mới.

dai-dong-vinh-tuong-1723103001-1725323785.jpg
Người dân Vĩnh Tường dần quen với việc mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Thu Thuỷ

Vĩnh Tường là huyện nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc, nằm ở đỉnh tam giác đồng bằng Bắc Bộ, bên tả ngạn sông Hồng, phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc. Huyện có diện tích tự nhiên gần 142 km², gồm 25 xã và 3 thị trấn với dân số hơn 200.000 người. Đây là huyện có thế mạnh về nông nghiệp. Để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, mỗi xã của địa phương này tận dụng những thế mạnh, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc trưng.

Tại xã Đại Đồng, chúng tôi nhận thấy hoạt động thương mại, dịch vụ (TMDV) đang diễn ra khá sôi nổi. Dọc tuyến đường 2C và lối vào xã có rất nhiều hộ kinh doanh buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng nông sản như dừa, dưa, xoài, rau củ quả… khá phong phú, tạo nên điểm nhấn riêng của vùng nông thôn. Xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường có khoảng 500 cửa hàng tạp hóa, hộ kinh doanh cá thể, hơn 100 đầu xe vận tải các loại và gần 90 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chợ truyền thống xã Đại Đồng được cải tạo, xây dựng, thu hút nhiều tiểu thương và khách hàng trong và ngoài xã đến kinh doanh, buôn bán và mua sắm. Từ năm 2018 đến nay, hệ thống cửa hàng Viettel Store, Điện máy Xanh và siêu thị Winmart+ được đầu tư, xây dựng tại địa phương, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo của làng quê mà còn hình thành thói quen mua sắm văn minh, hiện đại của người tiêu dùng.

Chị Bùi Thị Hiền, kinh doanh hoa quả tại chợ Đại Đồng, cho biết: “Kinh tế phát triển, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao nên công việc kinh doanh của tôi cũng như các tiểu thương trên địa bàn khá thuận lợi, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, tôi có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc các con tốt hơn.”

Chia sẻ về tình hình phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, ông Bùi Văn Tuất, cho biết: “Nhờ sự thích ứng, nhanh nhạy của người dân và doanh nghiệp, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn những năm gần đây gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Người dân đã dần làm quen với việc mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngay tại khu vực sinh sống. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 612 tỷ đồng, đạt hơn 52% kế hoạch năm, trong đó, doanh thu từ thương mại, dịch vụ chiếm hơn 41%.”

Xác định thương mại, dịch vụ là động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao của người dân, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, hỗ trợ kinh phí để các địa phương làm đường giao thông, hệ thống chợ, và hạ tầng thương mại.

Thực tế cho thấy, thương mại, dịch vụ là đòn bẩy để nhiều địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Tường phát triển nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, tại các địa phương, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn phát triển không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phúc Vĩnh
Bạn đang đọc bài viết "Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Phát triển thương mại, dịch vụ gắn với xây dựng nông thôn mới" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.